1. Một số kết quả thi hành án dân sự, thi hành án hành chính nổi bật 6 tháng đầu năm 2018 (Từ ngày 01/10/2017 đến hết ngày 31/3/2018)
1.1. Kết quả thi hành án dân sự
Trong 06 tháng đầu năm 2018, các cơ quan THADS đã thụ lý 635.198 việc. Tổng số phải thi hành là 629.944 việc, trong đó: số có điều kiện thi hành là 459.511 việc (72,94%); số chưa có điều kiện thi hành là 170.433 việc (27,06%). Kết quả: Thi hành xong 241.770 việc, đạt tỉ lệ 52,61%.
Về tiền, tổng số thụ lý là 162.952 tỷ 595 triệu 766 nghìn đồng. Tổng số phải thi hành là 158.522 tỷ 438 triệu 871 nghìn đồng, trong đó: số có điều kiện thi hành là 92.522 tỷ 582 triệu 261 nghìn đồng (58,37%); số chưa có điều kiện thi hành là 65.999 tỷ 856 triệu 610 nghìn đồng (41,63%). Kết quả: Thi hành xong 12.072 tỷ 607 triệu 853 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 13.05%.
1.2. Kết quả theo dõi thi hành án hành chính
Tòa án nhân dân đã chuyển giao cho cơ quan THADS 927 bản án, quyết định, trong đó có 767 bản án, quyết định không có nội dung phải theo dõi và 247 bản án, quyết định có nội dung theo dõi. Đã thi hành xong 145 việc, còn 102 việc chưa thi hành xong. Các cơ quan THADS đã ban hành văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án đối với 226 việc, 21 vụ việc còn lại không thuộc diện phải ra văn bản thông báo do người phải thi hành án đã tự nguyện thi hành khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án; đăng tải quyết định buộc thi hành án hành chính trên Cổng, Trang thông tin điện tử THADS đối với 53 trường hợp; có văn bản kiến nghị xem xét đối với 24 trường hợp do không chấp hành án.
1.3. Công tác xây dựng đề án, văn bản
Bộ Tư pháp, Hệ thống THADS tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã ký 01 Thông tư liên tịch và đang chuyển các Bộ, ngành ký luân phiên; đang tập trung xây dựng 02 Thông tư qua đó tạo hành lang pháp lý ổn định, vững chắc cho công tác THADS. Ngoài ra, Bộ Tư pháp đang tập trung xây dựng “Đề án giải quyết việc THADS không có điều kiện thi hành đã tồn đọng trong nhiều năm”. Việc ban hành các quy chế, quy trình nội bộ tiếp tục được các cơ quan THADS chú trọng, hoàn thiện với việc ban hành Quy trình đào tạo bồi dưỡng; Quy chế công khai thông tin về việc không chấp hành án hành chính, Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị qua đường dây nóng của Hệ thống cơ quan THADS.
2. Một số khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hệ thống THADS phải đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, cụ thể:
- Một số vụ việc trọng điểm, phức tạp đã kéo dài nhiều năm trong khi điều kiện kinh tế, xã hội và các quy định của pháp luật liên quan có nhiều thay đổi so với thời điểm giải quyết vụ việc, cần phải có sự phối hợp, chỉ đạo thống nhất của nhiều cấp, nhiều ngành.
- Điều kiện thi hành án trong những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn còn gặp nhiều khó khăn do giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để thi hành án; đương sự đang phải chấp hành án phạt tù không có tài sản để thi hành án; nhiều vụ án tài sản phân tán ở nhiều địa phương khác nhau, tình trạng pháp lý không rõ ràng, khiến cho việc thi hành gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, cơ chế quản lý, kiểm soát thu nhập cá nhân còn chưa hoàn thiện, cá nhân phần lớn sử dụng tiền mặt khiến cho việc xác minh, nắm bắt thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đáng kể kết quả thi hành án.
- Trong giai đoạn thẩm định cho vay, các tổ chức tín dụng chưa chặt chẽ trong việc xác định ranh giới đất, định giá chênh lệch nhiều so với giá thẩm định lúc cho vay dẫn đến cơ quan THADS kê biên thường có khiếu nại, khởi kiện tranh chấp tài sản hoặc bán đấu giá tài sản nhiều lần nhưng không có người mua. Một số Ngân hàng có tâm lý bảo vệ khách hàng, ngại cung cấp tài khoản, tài sản thế chấp của người phải thi hành án, dẫn đến một số vụ việc tồn đọng chưa có hướng giải quyết.
- Việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng qua gần 01 năm thực hiện đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ như: chưa có sự thống nhất thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán; chưa có hướng dẫn về các khoản thuế, phí mà người phải thi hành án còn nợ, các khoản thuế liên quan đến chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chưa được thanh toán; nhiều vụ việc cơ quan THADS phải chờ kết quả bán nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của các tổ chức tín dụng.
- Một số vụ việc chưa thể thi hành do trong quá trình tổ chức thi hành án, các cơ quan THADS nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc đang kiến nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với Bản án, có Quyết định hủy toàn bộ bản án phúc thẩm, sơ thẩm đang trong quá trình chờ xét xử lại, khó khăn trong quá trình liên quan đến ủy thác tư pháp do đương sự đang cư trú ở nước ngoài dẫn đến kéo dài thời gian thi hành án.
- Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn chưa cao, phần lớn người phải thi hành án thường tìm cách trì hoãn, kéo dài việc thi hành án, thậm chí có những trường hợp chống đối quyết liệt, đặc biệt là trong quá trình cưỡng chế giao tài sản trúng đấu giá hoặc lợi dụng quyền công dân, phương tiện thông tin đại chúng để khiếu nại nhiều lần, khiếu nại vượt cấp, gửi đơn đến nhiều cơ quan, ban ngành với nội dung không chính xác để kéo dài tiến độ giải quyết án, trong khi chưa có cơ chế chấm dứt giải quyết, gây dư luận không tốt trong xã hội; chế tài hành chính, hình sự chưa đủ mạnh để để răn đe đối với các trường hợp này.
Trên đây là thông tin Tổng cục THADS cung cấp liên quan đến một số kết quả công tác THADS, thi hành án hành chính 6 tháng đầu năm 2018. Trong thời gian tới, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, Tổng cục THADS rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan, ban, ngành; đặc biệt là các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc chia sẻ những khó khăn của Hệ thống THADS, tiếp tục tăng cường truyền thông về lĩnh vực THADS, thi hành án hành chính qua đó góp phần nâng cao ý thức của cá nhân, tổ chức đối với việc chấp hành bản án, quyết định của Tòa án; lên án, phê phán hiện tượng chây ỳ, trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án; tạo sự quan tâm, đồng thuận của xã hội đối với công tác thi hành án.
TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ