Gia nhập và thực thi Công ước La Hay 1980 - kinh nghiệm của Nhật Bản để hoàn thiện pháp luật thi hành án về cưỡng chế giao con

25/03/2019
Ngày 22/3/2019, được sự nhất trí của  Lãnh đạo Bộ Tư pháp về việc tổ chức buổi làm việc với Nhóm Giáo sư đến từ các trường Đại học tại Nhật Bản và chuyên gia Dự án JICA, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có buổi làm việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về gia nhập và thực thi Công ước La Hay 1980 về khía cạnh dân sự của hành vi đưa trẻ em đi ra nước ngoài bất hợp pháp cũng như kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc áp dụng Luật Thực thi công ước này trong hoàn thiện pháp luật thi hành dân sự về cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng tại Nhật Bản.

Tham dự buổi làm việc có Giáo sư Murakami Masako - Khoa Luật, Đại học Nagoya; Giáo sư Hatta Takuya - Khoa Luật, Đại học Kobe;  Giáo sư Kokubun Noriko - Giám đốc Trung tâm trao đổi pháp luật châu Á, Đại học Nagoya và Bà Kamada Sakiko - Chuyên gia Dự án JICA. Về phía Bộ Tư pháp, có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, bà Phạm Hồ Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế,  Lãnh đạo Vụ Nghiệp vụ 1, Vụ Giải quyết khiếu nại tố cáo, Văn phòng Tổng cục và một số công chức của các đơn vị liên quan.
Hai bên đã trao đổi về quy định pháp luật và thực tiễn của Việt Nam và Nhật Bản trong thi hành loại việc cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Nhìn chung, cả pháp luật Việt Nam và Nhật Bản đều có quy định về thi hành loại việc này, tuy nhiên, quá trình tổ chức thi hành gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, như người có nghĩa vụ giao con đưa con đi khỏi nơi cư trú, phát sinh tình huống trẻ em không muốn được chuyển đi hoặc ở với người có quyền được giao nuôi dưỡng sau một thời gian ở với người có nghĩa vụ giao con... Việc tổ chức thi hành loại việc này thường rất khó khăn, vì đối tượng thi hành án là trẻ em, nên việc tổ chức thi hành phải cân nhắc rất kỹ lưỡng để đảm bảo không ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Cơ quan thi hành án thường phải sử dụng các biện pháp thuyết phục, động viên hoặc sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương. Tại Nhật Bản, thi hành án giao con chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng được Bộ luật Thi hành dân sự quy định nguyên tắc chung; ngoài ra, các cơ quan thực thi pháp luật áp dụng theo án lệ, do đó, cơ chế giải quyết loại việc này linh động hơn ở Việt Nam, nhất là đối với các trường hợp trẻ em còn nhỏ.
Năm 2014, Nhật Bản đã gia nhập Công ước La Hay 1980 về khía cạnh dân sự của hành vi đưa trẻ em đi ra nước ngoài bất hợp pháp và ban hành Luật Thực thi Công ước này. Công ước quy định các biện pháp hợp tác giữa các quốc gia thành viên và thủ tục trao trả trẻ bị đưa ra nước ngoài bất hợp pháp một cách nhanh nhất, góp phần đấu tranh chống lại hành vi mang đi hoặc giữ lại trẻ trái pháp luật, ảnh hưởng đến quyền được sống trong môi trường ổn định của trẻ, vi phạm quyền nuôi dưỡng và quyền thăm nom của người cha hoặc người mẹ. Tính đến tháng 02/2019, có 100 quốc gia (thành viên và không thành viên của Hội nghị La Hay) đã tham gia Công ước này.
Để gia nhập Công ước, Nhật Bản đã có thời gian nghiên cứu khá kỹ kinh nghiệm của Canada, Anh, Đức, Pháp...; tuyên truyền để nhận thức đầy đủ, xây dựng cơ chế thực thi và năng lực cho các công chức liên quan (như thẩm phán, công tố viên, luật sư, công chức thi hành án, nhân viên Bộ Ngoại giao - cơ quan Trung ương thực thi Công ước này...), hoàn chỉnh và trình Quốc hội thông qua Luật Thực thi Công ước.
Việc gia nhập Công ước và ban hành Luật Thực thi Công ước của Nhật Bản đã góp phần giải quyết nhanh chóng các yêu cầu trao trả lại trẻ bị đưa ra nước ngoài bất hợp pháp, cũng như tạo cơ chế đảm bảo thực thi quyền thăm nom của cha/mẹ trẻ trên thực tế. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã thể hiện vai trò rất năng động, tích cực trong quá trình thực thi công ước, xây dựng nhiều kênh thông tin và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến tại Đại sứ quán các nước cho công dân Nhật Bản để nâng cao nhận thức, thiết lập các biện pháp hỗ trợ và đặc biệt là hạn chế các vụ việc phát sinh.
Qua gần 05 năm thực thi Công ước La Hay 1980 và Luật Thực thi Công ước, Nhật Bản đã có được những kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực này và đang có những điều chỉnh chính sách đối với cơ chế thi hành dân sự trong nước nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu lực thi hành các vụ việc.
Đối với Việt Nam, ngày 11/01/2018, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Kế hoạch chuẩn bị gia nhập Công ước La Hay năm 1980 về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế giai đoạn 2018 - 2021. Việt Nam có thể xem xét nghiên cứu, học hỏi các kinh nghiệm của Nhật Bản - nước có nhiều điểm chung với Việt Nam về văn hóa, truyền thống gia đình, đề cao nguyên tắc bảo vệ quyền lợi bà mẹ, trẻ em... - trong việc gia nhập và thực thi Công ước, cũng như xem xét, ứng dụng vào quá trình hoàn thiện và thực thi pháp luật về xét xử, thi hành án giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng.
Nguyễn Thị Ngân


Các tin khác