Hội nghị Quốc tế về thi hành án dân sự trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin

06/05/2019
Từ ngày 25 đến hết ngày 26/4/2019, tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, Cục Thực thi pháp luật Thái lan đã tổ chức hội nghị quốc tế với chủ đề “Thi hành án dân sự trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin”. Tham gia Hội nghị quan trọng này gồm có đoàn đại biểu của các quốc gia thanh viên trong khối ASEAN, cùng với đoàn đại biểu của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật bản, Liên bang Nga, Pháp. Đặc biệt, Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện Ngân hàng Thế giới, đại diện Hoàng gia Thái Lan - ngài Panadda Diskul, Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thái Lan - ngài ACM Prajin Juntong và đại diện Hiệp hội các chức danh tư pháp quốc tế (UIHJ) - ngài Marc Schmitz.

Dưới sự chủ trì của Cục trưởng Cục Thực thi pháp luật Thái Lan, hội nghị đã nghe báo cáo chuyên đề “Đạo đức và quản trị tốt trong thời đại đột pháp về công nghệ thông tin” do chính Hoàng thân  Panadda Diskul, người đồng thời là Trợ lý Thủ tướng Chính phủ Thái Lan trình bày. Hội nghị cũng dành thời gian nghe một báo cáo kết quả nghiên cứu quan trọng của Giáo sư, Tiến sĩ Piyabutr Bunaramrueang đến từ Khoa Luật, Đại học Chulalongkorn về chủ đề chính của Hội nghị. Sau đó, Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận về 03 chủ đề lớn, bao gồm:
Chủ đề 1 về thi hành án dân sự liên quan tới tài sản ảo: Ngài Marc Schmitz – Chủ tịch Hiệp hội các chức danh tư pháp quốc tế (UIHJ), các đại diện đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và các đại biểu, chuyên gia đã thảo luận làm rõ những vấn đề còn đang gây tranh cãi như: tài sản kỹ thuật số được hiểu như thế nào? chẳng hạn tiền điện tử, chương trình chăm sóc khách hàng thường xuyên và tiền ảo có phải là tài sản kỹ thuật số không? Tính khả thi và những khó khăn, bất cập trong việc xác minh, cưỡng chế để thi hành án tài sản ảo (kỹ thuật số)?
Chủ đề 2 có tiêu đề “Sự chuyển đổi số - Ứng dụng công nghệ số trong thi hành án dân sự”: Các đại biểu đến từ Ngân hàng Thế giới, Hiệp hội các chức danh tư pháp quốc tế, Pháp, Hàn Quốc, Thái Lan... đã thảo luận về sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số và ảnh hưởng của nó tới mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có vấn đề nhận thức về tài sản. Các diễn giả cũng khẳng định công nghệ số cũng đã được ứng dụng trong thi hành án dân sự nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho các bên có liên quan và nêu ra những đóng góp của công nghệ trong việc chuyển giao từ thủ tục thi hành án truyền thống sang thủ tục thi hành án dựa trên công nghệ số.
Chủ đề 3, Những thách thức công nghệ đối với thi hành án dân sự: Các đại biều đã thảo luận Blockchain là gì? Blockchain hoạt động như thế nào? Ưu, nhược điểm của Blockchain? Từ đó phải hiện đại hóa quy trình, thủ tục thi hành án dân sự để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng về công nghệ thông tin trước những thách thức mà chúng tạo ra như quyền riêng tư và bảo mật thông tin...
Hội nghị cũng đã được nghe giới thiệu những thông tin cơ bản về Hiệp hội các chức danh tư pháp quốc tế như sự ra đời, phát triển và sứ mệnh cũng như các hoạt động gần đây của tổ chức này. Bên cạnh đó, đại diện Liên bang Thừa phát lại Nga cũng đã có bài phát biểu và trân trọng mời đại diện các nước tham gia Hội nghị thường niên về thi hành án dân sự được tổ chức tại Moscow, Liên bang Nga từ ngày 31/7 đến ngày 03/8/2019.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện của Đoàn Việt Nam đã chia sẽ những thông tin cơ bản về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong Hệ thống thi hành án dân sự và trình tự thủ tục thi hành án dân sự tại Việt Nam. Đồng thời, cũng bày tỏ thực trạng hợp tác quốc tế song phương và đa phương của Việt Nam trong lĩnh vực này còn rất khiêm tốn và nhấn mạnh sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như mong muốn được tăng cường hợp tác quốc tế hơn nữa với các tổ chức quốc tế như UIHJ và hợp tác song phương với các quốc gia, đặc biệt là với các quốc gia tham gia Hội nghị quốc tế tại Bangkok, Thái Lan dịp này.
Đoàn công tác Thái Lan