Họp Hội đồng tư vấn thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi)

15/12/2023



Chiều ngày 15/12/2023, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi). Chủ trì cuộc họp là đồng chí Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng. Cuộc họp có sự tham gia của các thành viên là đại diện các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trực tiếp đến các chính sách được đề xuất.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo đã trình bày Báo cáo tóm tắt sự cần thiết ban hành Luật THADS (sửa đổi); Quá trình xây dựng; Phạm vi điều chỉnh của Luật THADS (sửa đổi); Mục tiêu, nội dung, giải pháp thực hiện của 05 chính sách được đề xuất, cụ thể:
Chính sách 1. Xác định rõ phạm vi hoạt động, phạm vi các bản án, quyết định mà cơ quan THADS tổ chức thi hành và các nguyên tắc cơ bản trong THADS
Chính sách 2. Hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự, người tham gia THADS khác [1]
Chính sách 3. Hoàn thiện tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan THADS; nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan THADS, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, người có thẩm quyền trong THADS; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác trong THADS[2]
Chính sách 4. Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả THADS[3]
Chính sách 5. Đảm bảo nguồn lực để tổ chức THADS[4]
          Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã có ý kiến thẩm định đối với hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) về các nội dung: (1) Sự cần thiết ban hành luật; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật; (2) Sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; (3) Tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật và tính khả thi, tính dự báo của nội dung chính sách, các giải pháp và điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách dự kiến trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; (4) Tính tương thích của nội dung chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (5) Sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nếu chính sách liên quan đến thủ tục hành chính; việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nếu chính sách liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; (6) Việc tuân thủ trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

 Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận: Hội đồng nhất trí đề nghị trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi). Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ đề nghị theo các ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng, trong đó tập trung hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động chính sách thật đầy đủ, đánh giá kỹ các nội dung chính sách trước khi trình và giải trình một cách rõ ràng, cụ thể về ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định cũng như ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và địa phương.
 

[1] Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đương sự, người tham gia THADS khác và định hướng hoàn thiện để bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm; quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân, việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và của các bên trong THADS.
[2] Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan THADS, xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Cơ quan THADS, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, người có thẩm quyền trong THADS; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong thi hành án hình sự, dân sự và hành chính; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong THADS; hoàn thiện cơ chế tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động THADS.
[3] Xây dựng quy trình thủ tục THADS theo hướng dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân[3], cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các khâu trung gian, quy trình, thủ tục gây phiền hà cho đương sự, khó khăn cho tác nghiệp của Chấp hành viên; tạo lập cơ sở pháp lý cần thiết để từng bước thực hiện xã hội hóa một số hoạt động THADS; triển khai việc chuyển đổi số, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thi hành án.
[4] Bảo đảm nguồn lực nguồn lực để Hệ thống THADS hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới chính sách, chế độ tiền lương và cơ chế bảo đảm để đội ngũ cán bộ THADS yên tâm công tác, liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.


Các tin khác