Tổ chức thành công Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp về thu hồi tài sản tham nhũng

16/05/2024
Ngày 15-16/5/2024, tại Hà Nội, triển khai thực hiện Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2024-2025, Bộ Tư pháp Việt Nam (Tổng cục Thi hành án dân sự và Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì) đã phối hợp với Bộ Tư pháp Cộng hòa Pháp tổ chức thành công Tọa đàm “Kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp về thu hồi tài sản tham nhũng: Khung pháp lý và thực tiễn thu hồi tài sản”.

Tọa đàm có sự tham dự của đại biểu đến từ một số bộ, ban, ngành trung ương; một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt, Tọa đàm có sự tham dự của 10 chuyên gia đến từ Quỹ Luật Lục địa, Cơ quan Thu hồi tài sản và tịch thu hình sự Pháp (AGRASC), Viện Công tố tài chính quốc gia, Hội đồng Thừa phát lại và đấu giá viên quốc gia Pháp. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi và ngài Olivier Brochet - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Pháp tại Việt Nam đã đến dự và phát biểu khai mạc Tọa đàm. Đồng chí Trần Thị Phương Hoa – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS, đồng chí Nguyễn Linh Kha – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bà Anne-Charlotte Gros, Tổng Giám đốc Quỹ Luật Lục địa và ông Jean François Redonnet - Thẩm phán đầu mối hợp tác quốc tế khu vực đã chủ trì điều hành 03 buổi làm việc. 

Sau phần khai mạc, Tọa đàm đã có 1,5 ngày để các chuyên gia của Pháp và các đại biểu Việt Nam chia sẻ, trao đổi về công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Đ/c Nguyễn Thị Hoàng Giang – Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục THADS đã báo cáo tổng quan về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế  theo pháp luật Việt Nam. Theo đó, trong thời gian qua, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Điều đó được thể hiện thông qua nhiều biện pháp khác nhau, trong đó trọng tâm là nâng cao nhận thức, ý nghĩa của việc thu hồi tài sản trong công tác phòng chống tham nhũng, kinh tế; rà soát, hoàn thiện pháp luật về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan (cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan tố tụng hình sự và cơ quan THADS) trong việc kê biên, phong tỏa, xử lý tài sản tham nhũng, kinh tế. Do vậy, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong những năm gần đây có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành và thực tiễn tổ chức thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn bốn nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc chính: (i) Quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập chưa hoàn thiện dẫn đến việc xác minh, truy tìm tài sản; xử lý tài sản kê biên gặp nhiều vướng mắc do có tranh chấp; (ii) Các quy định của pháp luật liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế chưa thực sự đồng bộ, thống nhất; (iii) Chưa có tính đặc thù đối với một số loại việc THADS trong thu hồi tài sản tham nhũng; (iv) Tài sản xử lý để thu hồi trong các vụ án tham nhũng, kinh tế là những tài sản phức tạp như tài sản đã bị tẩu tán ra nước ngoài, tài sản là các dự án bất động sản chưa hoàn thành về pháp lý, tài sản là cổ phần, cổ phiếu... gây khó khăn rất nhiều cho hoạt động thu hồi tài sản. Tổng cục THADS hiện đang tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các giải pháp để khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng theo yêu cầu tại Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư. 

Đánh giá cao những nỗ lực từ phía Việt Nam và chia sẻ những vướng mắc, khó khăn còn gặp phải, các chuyên gia Pháp đã giới thiệu một cách khá toàn diện các quy định pháp luật cũng như các thiết chế và thực tiễn thu hồi tài sản tham nhũng tại Pháp. Theo đó, mặc dù pháp luật của Pháp đã có nhiều quy định về phòng, chống và thu hồi tài sản tham nhũng, nhưng thực tiễn thi hành chưa thực sự hiệu quả. Đến năm 2008, sau cuộc khủng hoảng tài chính công, Chính phủ Pháp quyết tâm mạnh mẽ phải thực hiện nghiêm công tác này, thu hồi các khoản tiền bất hợp pháp, trốn thuế, gian lận, rửa tiền, tham nhũng... cho ngân sách. Từ đó cho đến năm 2016, một loạt các văn bản luật được ban hành để đảm bảo các phương tiện, công cụ và thiết chế nhằm thực thi hiệu quả mục tiêu này, và các luật cũng liên tục được rà soát, nghiên cứu, sửa đổi để thích ứng với sự biến đổi của kinh tế - xã hội, chuyển đổi số và sự phát triển của thị trường tài chính.
Pháp đã thành lập các cơ quan chuyên trách để giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra, như: Cơ quan quản lý và thu hồi các tài sản bị tạm giữ và tịch thu AGRASC từ năm 2010; Viện công tố tài chính quốc gia PNF (theo luật ngày 6/12/2013); Tòa chuyên trách tội phạm có tổ chức JUNALCO (theo luật ngày 23/3/2019); các cơ quan điều tra chuyên trách, như Phòng cảnh sát kinh tế tài chính của sở cảnh sát tư pháp Paris, nền tảng cơ sở dữ liệu xác minh tài sản bất minh (PIAC) trực thuộc Văn phòng trung ương trấn áp tội phạm tài chính quy mô lớn OCRGDF; Văn phòng trung ương chống tham nhũng và tội phạm tài chính và thuế OCLCIFF; Đội điều tra tư pháp về tài chính SEJF v.v.
Pháp áp dụng nguyên tắc suy đoán có tội và đảo ngược nghĩa vụ chứng minh đối với tội rửa tiền. Theo đó, cơ quan điều tra có thể kê biên tất cả các tài sản của người bị tình nghi, cho dù đã chứng minh được tài sản đó có phải là do phạm tội mà có hay chưa. Tài sản bị kê biên sẽ do AGRASC quản lý và trong vòng 06 tháng kể từ khi nhận được tống đạt, người bị tình nghi hoặc bên thứ ba có liên quan có trách nhiệm chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản. Nếu không chứng minh được hoặc không liên hệ với các cơ quan chức năng thì khi hết thời hạn quy định, tài sản đã bị kê biên sẽ bị tịch thu, xử lý. Đặc biệt, để đảm bảo tài sản bị kê biên không bị xuống cấp, giảm giá trị, hoặc để giảm bớt các chi phí liên quan đến việc lưu giữ, bảo quản, nếu tài sản không có giá trị để chứng minh tội phạm và theo lệnh tịch thu của tòa án, AGRASC sẽ xem xét, đánh giá và quyết định cách thức xử lý tài sản theo hướng tối đa hóa lợi ích thu được. Tài sản có thể bị tiêu hủy (như hàng giả, vũ khí), bán đấu giá (như ô tô, hàng xa xỉ,…), chuyển cho các cơ quan nhà nước có nhu cầu sử dụng (màn hình led, trụ sở), hoặc có thể giao cho các cơ quan chức năng sử dụng cho mục đích công (nhà ở xã hội, nhà phục vụ các kỳ thể thao lớn).
Tại Pháp, Ủy viên tư pháp (commissaire de justice) là chức danh mới được ra đời vào tháng 7/2022, với tính chất là gộp nghề thừa phát lại và nghề đấu giá viên tư pháp vào 01 chức danh. Liên quan đến công tác thu hồi tài sản, Ủy viên tư pháp sẽ thực hiện vai trò là đối tác của AGRASC. Họ thực hiện các nhiệm vụ: (i) Định giá tài sản bị tạm giữ (có thể ngay tại nhà riêng của bị cáo); (ii) Đảm bảo tính xác thực của tài sản (thông tin thêm về giám định tài sản); giám định hàng hóa bị tạm giữ. Ví dụ, đối với túi Hermès hoặc đồng hồ Rolex, họ kiểm tra xem đó có phải là hàng giả hay không, sau đó, kiểm kê chính xác và ước tính giá trị để phục vụ cho bán đấu giá; (iii) Thực hiện đấu giá động sản bị tạm giữ trước khi xét xử nếu thẩm phán quyết định các tài sản là động sản này không còn hữu ích cho việc làm sáng tỏ sự thật và có khả năng mất giá (ví dụ như ô tô, thuyền) hoặc dao động (ví dụ như vàng); (iv) Quản lý các tài sản bị tạm giữ, thực hiện đấu giá và phân chia tiền thu được từ đấu giá cho các bên thụ hưởng. Năm 2020, 1.910 tài sản khác nhau đã được đấu giá qua các chuyên gia đấu giá - định giá tư pháp với tổng số tiền 4,8 triệu euro. Số tiền đấu giá thu về sau đó sẽ được trả vào ngân sách nhà nước, quỹ phòng chống ma túy, cho nạn nhân là bên dân sự có đủ điều kiện được bồi thường trên cơ sở tài sản bị tịch thu, cho Tổng cục cảnh sát quốc gia để hỗ trợ cho công tác bảo vệ những người cộng tác với cảnh sát trong công tác điều tra, bảo vệ nhân chứng, hoặc cho các cơ quan tòa án và cơ quan điều tra đấu tranh chống tội phạm và tội phạm có tổ chức.
Đối với tương trợ tư pháp trong thu hồi tài sản tham nhũng, Pháp có hai cơ chế dành cho 02 nhóm: các nước trong khối EU và các nước ngoài EU. Đặc biệt, Pháp chú trọng đến việc tài sản tham nhũng khi trả lại cho quốc gia xuất xứ phải được sử dụng một cách công khai, minh bạch, hợp pháp, phục vụ cho nhân dân. Hệ thống các cơ quan liên quan đến công tác này cũng rất đa dạng, như Văn phòng tương trợ tư pháp quốc tế (BEPI) thuộc Cục cảnh sát hình sự là cơ quan trung ương được chỉ định để triển khai áp dụng các thỏa thuận hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp mà Pháp tham gia; mạng lưới các thẩm phán liên lạc ở các khu vực địa lý trên thế giới; mạng lưới quốc tế CARIN (Camden Asset Recovery Interagency Network) v.v. Mới đây nhất, Pháp đã tham gia mạng lưới SEA-Just (South East Asia Justice Network) gồm các quốc gia ASEAN và một số nước khác như Úc, Hàn Quốc, Mỹ… Mạng lưới này được điều phối bởi UNODC để tăng cường các biện pháp tương trợ tư pháp về hình sự đối với các tội phạm tham nhũng, ma túy. Do đó, các cơ quan của Pháp và Việt Nam có thể sử dụng kênh này để thực hiện các thủ tục tương trợ hiệu quả hơn trong thời gian tới.
 
Qua Tọa đàm, các đại biểu đã được học hỏi, tìm hiểu về pháp luật cũng như thực tiễn của Cộng hòa Pháp trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, từ đó gợi mở nhiều giải pháp, định hướng việc đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động, đề xuất các phương án cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian tới./.
Nguyễn Thị Ngân, Văn phòng Tổng cục


Các tin khác