Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự: Đã đạt được những kết quả đáng trân trọng

11/05/2010

Được thành lập theo Quyết định số 1117/QĐ-THA, ngày 18/6/2009 của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (nay là Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự), sau hơn 8 tháng đi vào hoạt động, sáng ngày 23/4/2010, tập thể Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo đã báo cáo đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính và Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự về kết quả công tác từ tháng 7/2009 đến tháng 3/2010.



Là một đơn vị mới, được thành lập theo Quyết định số 1117/QĐ-THA nói trên, với 10 biên chế, hình thành từ lãnh đạo và chuyên viên của 03 Vụ thuộc Tổng cục, đến ngày 17/7/2009, Vụ chính thức đi vào hoạt động. Bước vào tổ chức hoạt động với trách nhiệm chính được giao là giúp Tổng cục trưởng trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo về thi hành án dân sự, trong điều kiện người mới, việc mới, “vạn sự khởi đầu nan”, Vụ đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề, tính chất vô cùng khó khăn, phức tạp của công việc thi hành án dân sự nói chung và việc giải quyết khiếu nại tố cáo nói riêng, tập thể Vụ đã đoàn kết thống nhất lấy sự tận tụy với công việc, sự công tâm làm nguyên tắc, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục, sự phối hợp của các Vụ chuyên môn thuộc Tổng cục, Thanh tra Bộ và các đơn vị hữu quan, sau hơn 8 tháng đi vào hoạt động, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo về thi hành án dân sự đã đạt được những kết quả vô cùng quan trọng, đưa công tác này dần đi vào nề nếp, hướng tới bài bản.

Công tác tiếp dân: Theo hướng yên dân

Để việc tiếp công dân được theo dõi sâu sát và có hệ thống, ngay từ khi triển khai hoạt động, Vụ đã lập Sổ Theo dõi tiếp dân, phân công chuyên viên thực hiện trách nhiệm tiếp dân gắn với địa bàn và gắn với trách nhiệm xử lý đơn thư; thống nhất các nguyên tắc trong công tác tiếp dân để thực hiện. Việc tiếp dân được thực hiện tại Phòng Tiếp dân của Bộ; kết thúc buổi tiếp dân phải ghi chép kết quả tiếp dân vào Sổ Theo dõi tiếp dân của Vụ, trong đó ghi rõ ngày, giờ tiếp, cán bộ tiếp, người được tiếp, nội dung trình bày, nội dung giải thích, hướng dẫn của cán bộ tiếp. Nếu có tình hình phức tạp thì báo cáo ngay Lãnh đạo Vụ để xử lý kịp thời. Nếu người đến khiếu nại gửi đơn thì chuyển đơn thư đến Văn thư của Tổng cục để vào Sổ công văn đến; khi Lãnh đạo Tổng cục phê chuyển đến Vụ thì thực hiện theo quy trình xử lý đơn thư. Việc tiếp dân được quán triệt thực hiện theo hướng yên dân, tôn trọng quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, thuận lợi nhất cho người khiếu nại. Qua công tác tiếp dân chú trọng giải thích cho đương sự các quy định của pháp luật, thẩm quyền giải quyết vụ việc; động viên và giải thích cho người khiếu nại không cần phải đến trực tiếp để khiếu nại mà chỉ cần gửi đơn khiếu nại qua đường bưu điện; đối với những trường hợp khiếu nại không thuộc thẩm quyền của Vụ thì hướng dẫn đương sự gửi đơn đề nghị đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ghi nhận đầy đủ những đề nghị của đương sự để xem xét theo thẩm quyền. Vì vậy, trong thời gian hơn 8 tháng, với việc tiếp 211 lượt công dân có khiếu nại về thi hành án, có thể thấy rằng, số lượng người đến khiếu nại nói chung và các trường hợp khiếu nại gay gắt, kéo dài; khiếu nại của những đương sự thuộc địa bàn Hà Nội đã giảm hẳn so với trước đây.

Công tác xử lý đơn thư: Không “vo tròn”, không “ỉm” đơn

Trong tổng số công văn đến phải xử lý là 4.251 văn bản, ngoài 1.027 văn bản là các báo cáo và hồ sơ thi hành án do các Cục Thi hành án dân sự gửi đến theo yêu cầu của Tổng cục để giải quyết khiếu nại; các công văn, phiếu chuyển của Uỷ ban Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Thanh tra Bộ…; các Báo cáo của các Cục Thi hành án dân sự về tình hình giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài hàng quý; các Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của địa phương gửi Tổng cục để biết và các công văn, thông báo khác thì có 2.975 văn bản là đơn thư của đương sự. Cùng với số đơn tồn đọng do hai Phòng Nghiệp vụ bàn giao khi thành lập Vụ là 249 đơn, đưa tổng số đơn phải xử lý lên 3.224 đơn.

Trong thời gian chờ đợi ban hành quy chế giải quyết đơn thư, để quản lý công việc cũng như đảm bảo trách nhiệm của từng khâu, Lãnh đạo Vụ thống nhất phân công trách nhiệm xử lý đơn thư và các văn bản, công việc liên quan đến đơn thư cho chuyên viên theo tiêu chí địa bàn; các văn bản và công việc không liên quan đến đơn thư thì tuỳ theo yêu cầu để xử lý cụ thể. Sau khi phân loại cho thấy đơn trùng lặp chiếm số lượng tương đối lớn; đơn thư tập trung chủ yếu vào 02 địa bàn lớn là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; một số địa bàn có nhiều đơn thư như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Vĩnh Long, Long An, Bình Dương, Đăk Lăk, Thanh Hoá, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Yên, Hưng Yên…; một số địa bàn có ít đơn thư như Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nam Định, Hà Nam, Bạc Liêu, Tuyên Quang, Kon Tum…; một số địa bàn hầu như không có đơn thư như Điện Biên, Lai Châu, Đăk Nông, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Sơn La…

Để thực sự tạo sự chuyển biến đối với hai địa bàn lớn, Lãnh đạo Vụ thống nhất phân công đồng chí Phụ trách Vụ trực tiếp giải quyết các vụ việc thuộc địa bàn thành phố Hà Nội, đồng chí cấp phó trực tiếp giải quyết đơn thư thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Để đảm bảo các đơn thư của đương sự đều được xử lý, với phương châm “làm cho hết việc chứ không làm cho hết giờ”, không “vo tròn”, không “ỉm” đơn, không “đùn đẩy” lên trên, với 1.249 tổng số hồ sơ vụ việc phải giải quyết, Vụ đã ban hành hoặc tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục ký ban hành 1.127 văn bản; tổ chức 22 đoàn trực tiếp đi xác minh, làm việc tại địa phương để giải quyết việc khiếu nại, tố cáo; tham gia 05 đoàn công tác của Thanh tra Bộ để giải quyết các vụ khiếu nại thuộc thẩm quyền của Lãnh đạo Bộ. Kết quả đã giải quyết được 96% đơn thư bằng các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo, văn bản trả lời, hướng dẫn có lý, có tình, đúng hướng hoặc đã kịp thời chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Số còn lại đang giải quyết là đơn mới nhận đang chờ xử lý, đơn có tính chất phức tạp, có quan điểm khác nhau cần có thời gian xác minh, phối hợp; dự thảo đang chờ ban hành…

Kết quả theo dõi cho thấy đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự trong thời gian qua đã có chiều hướng giảm so với trước; nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm.

Công tác quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan thi hành án dân sự địa phương: Chuẩn bị điều kiện để quản lý sát sao hơn

Hiện tại, Lãnh đạo Bộ đang giao Thanh tra Bộ trách nhiệm giúp theo dõi chính đối với các Báo cáo các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài hàng quý của địa phương, do đó, Vụ giúp Tổng cục trưởng thực hiện việc phối hợp với Thanh tra Bộ để tổng hợp, theo dõi chung, chuẩn bị điều kiện để tiếp nhận trách nhiệm này trong thời gian tới.   

Quá trình tổng hợp, theo dõi đã xác định được số lượng và kết quả giải quyết những vụ việc tồn đọng tại địa phương, phối hợp với Thanh tra Bộ để giúp địa phương tìm biện pháp cụ thể để giải quyết; ban hành các văn bản để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành thi hành án dân sự về việc chấp hành các yêu cầu về nội dung, hình thức và thời hạn báo cáo các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài hàng quý, việc sao gửi hồ sơ thi hành án, hồ sơ giải quyết khiếu nại để giải quyết khiếu nại tố cáo hoặc báo cáo cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

 Qua theo dõi cho thấy chất lượng công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương và việc chấp hành các yêu cầu của cấp trên đã được nâng lên rõ rệt, có những địa bàn đã có chuyển biến rõ rệt trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo nói chung và việc giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài nói riêng như địa bàn thành phố Hà Nội và một số địa bàn khác.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của địa phương, Vụ đã đầu tư xây dựng chuyên đề giải quyết khiếu nại tố cáo để báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác thi hành án năm 2010, qua đó đã chỉ ra nhiều ví dụ cụ thể, hướng dẫn địa phương thực hiện tốt hơn công tác này; đề xuất và đưa vào chương trình công tác năm 2010 của Tổng cục kế hoạch tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự cho Cục trưởng và Trưởng Phòng giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh; đề xuất và đưa vào chương trình công tác năm 2010 kế hoạch kiểm tra chuyên đề về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; phân công cán bộ tham gia Tổ soạn thảo xây dựng biểu mẫu thống kê, báo cáo công tác thi hành án dân sự, trong đó có các biểu mẫu về khiếu nại, tố cáo để áp dụng trong toàn ngành; phân công cán bộ tham gia Đề án rà soát án tồn đọng để giảm thiểu các vụ việc tồn đọng, kéo dài.

 Để chuẩn bị cho việc thực hiện nhiệm vụ quản lý khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự trong toàn ngành và để đưa công tác giải quyết khiếu nại thực sự đi vào nề nếp, Vụ đã chủ trì và hoàn thành việc xây dựng dự thảo quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, đã tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương và Thanh tra Bộ, dự kiến ban hành trong tháng 5/2010.

Công tác phối hợp: Kịp thời, đầy đủ

Vụ đã phối hợp chặt chẽ với các Vụ chuyên môn trong Tổng cục để xử lý các vấn đề liên quan đến đơn thư như việc xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, việc xử lý cán bộ bị khiếu nại tố cáo, việc cung cấp số liệu, thông tin để tổng hợp chung,…. Hàng tuần đều có báo cáo công tác gửi Lãnh đạo Tổng cục và Văn phòng Tổng cục, thực hiện đầy đủ các yêu cầu báo cáo đột xuất và định kỳ liên quan đến công tác và lĩnh vực phụ trách của Vụ. Đặc biệt, Vụ đã phối hợp với Thanh tra Bộ trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo về thi hành án dân sự, trong việc theo dõi các vụ việc khiếu nại tố cáo kéo dài tại địa phương, trong việc tham mưu giải quyết những vụ việc thuộc thẩm quyền của Lãnh đạo Bộ. Bên cạnh đó, tập thể Vụ đã tạo được ý thức xử lý kịp thời và báo cáo đầy đủ đến cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đã chuyển đơn, có công văn, yêu cầu về kết quả giải quyết đơn thư của đương sự; kịp thời rà soát và cung cấp các số liệu khi có yêu cầu cụ thể.

Công tác xây dựng thể chế và công tác khác:

Bên cạnh công tác trên, Vụ đã cử người tham gia các Tổ Biên tập xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự theo sự phân công của Lãnh đạo Tổng cục; phối hợp với Viện khoa học pháp lý thực hiện Đề án khảo sát về thi hành án dân sự; với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế liên quan đến việc thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; cử cán bộ làm Báo cáo viên tại Hội nghị tập huấn về Luật Thi hành án dân sự, Hội nghị triển khai công tác năm 2010; Hội đàm giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào về thi hành án dân sự; giảng viên cho lớp Tập huấn Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh; các Khoá đào tạo nguồn Chấp hành viên, Luật sư tại Hà Nội; báo cáo viên về Luật Thi hành án dân sự tại các Hội nghị do thành phố Hà Nội tổ chức...; tham gia góp ý các đề án, văn bản và các công việc khác khi được phân công.

Vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước:

Kết quả đạt được như trên là rất khả quan, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước. Đó là biên chế của Vụ quá ít (trong 10 biên chế, thì có 01 chuyên viên chuyên trách Tổ 30, 02 chuyên viên học tập trung chương trình Thạc sỹ, số cán bộ làm việc thực tế là 07 người, đó là chưa kể 01 Lãnh đạo, 01 chuyên viên đang theo học chương trình cao cấp lý luận chính trị và trung bình 01 biên chế cho việc đi  xác minh tại địa phương và 01 biên chế cho việc thụ lý đơn thư, làm các loại báo cáo), nên công việc thường xuyên quá tải. Hiện chưa có phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, nên việc vào sổ thụ lý đơn, phân loại đơn thư, quản lý hồ sơ, thống kê, báo cáo còn bị động, mất rất nhiều thời gian; điều kiện làm việc còn quá thiếu thốn. Hiện cũng chưa có quy định cụ thể về cách phân loại đơn thư, cách thức thụ lý đơn khiếu nại, tố cáo, hình thức công khai Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo và đặc biệt là tổ chức thực hiện Quyết định giải quyết khiếu nại và kiểm tra việc thực hiện Quyết định giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự nên vẫn còn nhiều lúng túng, làm cho công tác này chưa thực sự phát huy hiệu quả. Lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự vẫn còn nhiều, tình trạng khiếu nại tố cáo vượt cấp còn lớn, số lượng công dân thiếu hiểu biết pháp luật, lợi dụng khiếu nại tố cáo để trì hoãn việc thi hành án, làm giảm uy tín của cán bộ ngành vẫn còn cao; các việc thuộc thẩm quyền của Tổng cục phần lớn là phức tạp, cần thời gian nghiên cứu giải quyết nhưng thời hạn quy định lại quá ngắn. Một số cơ quan thi hành án dân sự địa phương thực hiện chưa nghiêm túc các yêu cầu liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, chưa chú trọng nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại tố cáo; cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại tố cáo chưa được tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về giải quyết khiếu nại tố cáo và chưa được thực hiện chế độ hỗ trợ cho người làm công tác tiếp dân và xử lý đơn thư.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn đó, kết quả đạt được rất cơ bản trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo như đã nêu trên đã được Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính và Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự ghi nhận, động viên và biểu dương khen ngợi.

Lan Hương - Hồng Nhung