Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành Quy chế làm việc của cơ quan

08/03/2010

Ngày 02/03/2010, Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp đã ban hành  Quyết định số 328/QĐ-THA ban hành Quy chế làm việc của cơ quan Tổng cục Thi hành án dân sự.



Theo đó, về nguyên tắc làm việc, Tổng cục làm việc theo chế độ Thủ trưởng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất, thông suốt của Tổng cục trưởng đối với các lĩnh vực công tác của Tổng cục và trong toàn hệ thống cơ quan thi hành án dân sự; mọi hoạt động của Tổng cục đều phải tuân theo quy định của pháp luật, của Bộ Tư pháp và các quy chế của Tổng cục. Phân công, phân cấp rõ ràng, đề cao trách nhiệm và phát huy tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị, cá nhân. Trong phân công công việc, một người, một đơn vị được giao thực hiện nhiều việc nhưng mỗi việc chỉ do một đơn vị, một người chịu trách nhiệm chính. Công việc được giao cho đơn vị nào thì Thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm chính về công việc được giao. Cán bộ, công chức giải quyết công việc đúng phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm được phân công; tuân thủ trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết công việc theo quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch công tác, Quy chế làm việc của Tổng cục, của đơn vị, trừ trường hợp đột xuất hoặc có yêu cầu của cơ quan cấp trên. Bảo đảm phát huy năng lực, sở trường của cán bộ, công chức, đề cao sự phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc và trong mọi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định. Thực hiện cải cách hành chính, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và hiệu quả trong mọi hoạt động của Tổng cục.

Tổng cục trưởng là người lãnh đạo, quản lý, điều hành Tổng cục, hệ thống cơ quan thi hành án dân sự và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp và trước pháp luật về việc quản lý, điều hành Tổng cục và hệ thống cơ quan thi hành án dân sự.

Phó Tổng cục trưởng giúp Tổng cục trưởng quản lý, điều hành, phụ trách một số lĩnh vực, nhiệm vụ công tác, một hoặc một số Vụ thuộc Tổng cục, một số cơ quan thi hành án dân sự địa phương (sau đây gọi chung là lĩnh vực) theo sự phân công của Tổng cục trưởng. Các Phó Tổng cục trưởng được phân công phụ trách lĩnh vực nào thì chủ động giải quyết công việc thuộc lĩnh vực đó và chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng về tiến độ và chất lượng công việc; nhân danh và sử dụng quyền hạn của Tổng cục trưởng khi giải quyết các công việc thuộc lĩnh vực được phân công; chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Giám đốc trung tâm thuộc Tổng cục (gọi chung là Vụ trưởng) quản lý, điều hành hoạt động của Vụ và trực tiếp thực hiện một số công việc trong lĩnh vực, chuyên môn nghiệp vụ được phân công; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng cục trưởng về việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Phó Chánh Văn phòng, Phó Vụ trưởng, Phó Giám đốc trung tâm thuộc Tổng cục (gọi chung là Phó Vụ trưởng) giúp Vụ trưởng điều hành hoạt động của Vụ và trực tiếp thực hiện một số công việc trong lĩnh vực, chuyên môn nghiệp vụ được phân công, phân cấp; theo dõi, kiểm tra và đánh giá kết quả việc thực hiện công việc được giao đối với các đơn vị, cá nhân được phân công phụ trách, phối hợp với các Phó Vụ trưởng khác trong việc giải quyết các công việc có liên quan, báo cáo Vụ trưởng những vấn đề vượt quá thẩm quyền hoặc các Phó Vụ trưởng còn có những ý kiến khác nhau; chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật về kết quả thực hiện các nhiệm vụ đó; trường hợp vắng mặt trong giờ làm việc thì phải báo cáo và được sự đồng ý của Vụ trưởng.

Tổng Cục trưởng uỷ quyền cho Vụ trưởng ký thừa lệnh (TL) và sử dụng con dấu của Tổng cục để ban hành các văn bản xử lý, giải quyết công việc sau đây thuộc lĩnh vực phụ trách: Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự địa phương báo cáo công tác thi hành án, báo cáo thống kê thi hành án, báo cáo về tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản, về phí thi hành án dân sự, báo cáo về công tác tổ chức, cán bộ và các loại báo cáo khác theo yêu cầu của Lãnh đạo Tổng cục. Thông báo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục về việc thi hành án và yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục. Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự báo cáo việc thi hành án, chuyển hoặc bổ sung hồ sơ thi hành án. Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự góp ý kiến xây dựng dự thảo các văn bản liên quan đến thi hành án. Thông báo ý kiến của Lãnh đạo Tổng cục về tổ chức, cán bộ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục và đôn đốc việc thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục. Phiếu chuyển đơn thư, giấy báo tin cho đương sự về thi hành án và các văn bản khác được uỷ quyền. Lệnh điều xe ôtô cho cán bộ, công chức của Tổng cục đi công tác.

Cán bộ, công chức chuyên môn, nghiệp vụ chấp hành sự chỉ đạo, hướng dẫn, phân công công tác của cấp trên; chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật và trước Lãnh đạo Vụ trực tiếp phụ trách về tiến độ, chất lượng, hiệu quả thực hiện các công việc được giao. Chủ động thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn ban hành văn bản, quy trình giải quyết công việc. Phối hợp với cán bộ, công chức khác có liên quan để giải quyết công việc; báo cáo Lãnh đạo Vụ trực tiếp phụ trách các vấn đề vượt quá thẩm quyền hoặc còn có ý kiến khác nhau. Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện hành, nội quy, quy chế của Bộ Tư pháp, Tổng cục, của Vụ và sự chỉ đạo của cấp quản lý trực tiếp. Thường xuyên học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức. Chấp hành chế độ thông tin, báo cáo; quản lý, lưu giữ hồ sơ công việc; quản lý và sử dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị làm việc được giao theo quy định. Trường hợp vắng mặt trong giờ làm việc thì phải báo cáo và được sự đồng ý của Lãnh đạo Vụ trực tiếp phụ trách. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật và của Vụ, Tổng cục và của Bộ Tư pháp.

Tổng cục trưởng thông tin cho các Phó Tổng cục trưởng về các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp trong các lĩnh vực, nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục. Tổng cục trưởng chỉ đạo sự phối hợp giữa các Phó Tổng cục trưởng theo chương trình, kế hoạch công tác, kế hoạch kiểm tra và quy chế làm việc. Khi thực hiện công tác đánh giá cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện chính sách đối với Lãnh đạo Vụ, Tổng cục trưởng tham khảo ý kiến của Phó Tổng cục trưởng trực tiếp phụ trách Vụ trước khi thực hiện các quy trình về công tác cán bộ theo quy định.

Phó Tổng cục trưởng chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng về việc quản lý các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác, các Vụ, các địa phương được Tổng cục trưởng phân công phụ trách có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo Tổng cục trưởng kết quả các Vụ, địa phương do mình phụ trách. Các Phó Tổng cục trưởng phối hợp với nhau trong công tác và thông tin kịp thời về việc giải quyết các công việc được phân công. Nếu có vấn đề liên quan đến lĩnh vực do Phó Tổng cục trưởng khác phụ trách thì Phó Tổng cục trưởng được giao chủ trì có trách nhiệm chủ động phối hợp với Phó Tổng cục trưởng đó để giải quyết; trường hợp còn có ý kiến khác nhau thì báo cáo Tổng cục trưởng quyết định. Khi Tổng cục trưởng điều chỉnh sự phân công công tác thì các Phó Tổng cục trưởng có trách nhiệm bàn giao nội dung công việc, hồ sơ, tài liệu có liên quan và báo cáo Tổng cục trưởng.

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, nếu có vấn đề phát sinh liên quan đến các Vụ khác thì Vụ được giao chủ trì có trách nhiệm chủ động phối hợp với Vụ có liên quan đó để giải quyết. Các Vụ có trách nhiệm phối hợp với nhau trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ chung của Tổng cục và chức năng, nhiệm vụ của mỗi Vụ. Trường hợp vượt quá thẩm quyền hoặc có ý kiến khác nhau giữa các Vụ thì Vụ trưởng chủ trì có trách nhiệm báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Tổng cục trực tiếp phụ trách xem xét, quyết định.

Quan hệ công tác giữa Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo Vụ với các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội thuộc Tổng cục được thực hiện theo Điều lệ hoạt động của các tổ chức đó, các văn bản khác có liên quan và các quy định cụ thể tại Quy chế này.

Quan hệ công tác giữa Tổng cục với Lãnh đạo Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp thực hiện theo Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp. Tổng cục thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước. Quan hệ giữa Tổng cục với Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật và sẽ có quy định cụ thể riêng. Lãnh đạo Tổng cục phối hợp với Cục Thi hành án dân sự Bộ Quốc phòng giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong quân đội theo quy định của pháp luật.

Quy chế cũng quy định về chế độ làm việc, với các nội dung: Lập chương trình, kế hoạch công tác; soạn thảo và ký duyệt văn bản; hội nghị và họp; thông tin, báo cáo; quản lý công văn, tài liệu; quản lý lao động của Tổng cục; giải quyết khiếu nại, tố cáo; quản lý tài sản và sử dụng trang phục thi hành án dân sự; tiếp khách; khen thưởng và xử lý vi phạm.

Anh Tuấn