Tham dự buổi làm việc có đại diện Lãnh đạo Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục Thi hành án dân sự, tập thể Lãnh đạo Cục, Trưởng các Phòng chuyên môn thuộc Cục và Chi cục trưởng các Chi cục Thi hành án dân sự thuộc các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và tỉnh Tiền Giang.
Sau khi nghe đại diện Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự báo cáo tóm tắt kết quả công tác 09 tháng (từ ngày 01/10/2013 đến ngày 30/6/2014), những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới; ý kiến phát biểu của các đồng chí Chi cục trưởng tham dự buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Mai Lương Khôi kết luận như sau:
- Tổng cục Thi hành án dân sự biểu dương tập thể Lãnh đạo, cán bộ công chức, chấp hành viên của Cục Thi hành án dân sự các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Tiền Giang đã quyết tâm, nỗ lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, bước đầu đã tạo nên kết quả công tác 09 tháng đầu năm 2014 đáng ghi nhận, cụ thể:
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:
Về việc: Toàn tỉnh thụ lý 10.187 việc, tăng 983 việc (8,76%) so với cùng kỳ năm 2013, trong đó, năm trước chuyển sang 4.288 việc, thụ lý mới 5.899 việc, tăng 941 việc (15,95%) so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, 8.198 việc có điều kiện (chiếm 80,48%); 1.989 việc chưa có điều kiện (chiếm 19,52%). Đã giải quyết xong 4.853 việc; tăng 760 việc (15,66%) so với cùng kỳ, đạt tỷ lệ 59,20%, cao hơn 5,92% so với cùng kỳ năm 2013; số việc chuyển kỳ sau 5.334 việc, tăng 136 việc (2,55%) so với cùng kỳ năm 2013.
Về tiền: thụ lý 1.807.973.816.000 đồng, tăng 359.994.914.000 đồng (19,91%) so với cùng kỳ năm 2013, trong đó, năm trước chuyển sang 1.218.502.700.000 đồng, thụ lý mới 589.471.116.000 đ, tăng 32.237.808.000 đ (5,47%) so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, có điều kiện 1.415.982.731.000 đồng (chiếm 78,32%), tăng 52.725.178.000 đồng (3,72%) so với cùng kỳ năm 2013; 391.991.085.000 đồng chưa có điều kiện (chiếm 21.68%). Đã giải quyết xong 342.721.411.000 đ, tăng 80.480.733.000 đ (23,48%) so với cùng kỳ năm 2013, đạt tỷ lệ 24,20%, cao hơn 4,96% so với cùng kỳ năm 2013; số tiền chuyển kỳ sau là 1.465.252.405.000 đồng, tăng 312.709.320.000 đồng (21,34%) so với cùng kỳ năm 2013.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai:
Về việc: toàn tỉnh thụ lý 26.169 việc, tăng 2.081 việc so với cùng kỳ năm 2013. (trong đó, năm trước chuyển sang 11.642 việc, thụ lý mới 14.527 việc, giảm 239 việc so với cùng kỳ năm 2013). Qua phân loại có 20.594 việc có điều kiện thi hành chiếm 78,7%, án chưa có điều kiện thi hành là 5.575 việc chiếm 21,3 %; đã thi hành xong 13.055 việc/ 20.594 việc có điều kiện thi hành, đạt 63 %; tăng 1.973 việc so với cùng kỳ năm 2013.
Về tiền: Tổng thụ lý là 3.053.191.213.000 đồng; tăng so với cùng kỳ năm 2013 là 447.157.297.000 đồng; trong đó, có điều kiện thi hành 2.256.971.558.000 đồng, chiếm 73,9%; chưa có điều kiện thi hành là 796.219.655.000 đồng chiếm 26,1%. Đã giải quyết xong 617.688.260.000 đồng, đạt 27% số tiền có điều kiện thu; giảm so với cùng kỳ năm 2013 là 5.285.780.000 đồng.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tiền Giang:
Về việc: Tổng thụ lý 23.342 việc, giảm 1.226 việc (5,25%) so với cùng kỳ năm 2013, trong đó, số cũ chuyển sang là: 11.333 việc, thụ lý mới là 12.009 việc, tăng 225 việc (1,87%) so với cùng kỳ năm 2013. Qua phân loại án, có 17.753 việc có điều kiện thi hành (chiếm 76,05%); 5.589 việc chưa có điều kiện (chiếm 23,95%). Trong số việc có điều kiện, đã giải quyết xong 9.585 việc, đạt 54%, cao hơn 8,7% so với cùng kỳ năm 2013; số việc chuyển kỳ sau là 13.757 việc, giảm 1.219 việc (giảm 8,1%) so với cùng kỳ năm 2013.
Về tiền: thụ lý 1.577.030.442.000 đồng, tăng 414.840.627.000 đồng (35,7%) so với cùng kỳ năm 2013, trong đó, số cũ chuyển sang là: 685.442.761.000 đồng, số thụ lý mới là 891.587.681.000 đồng, tăng 280.342.270.000 đồng (45,86%) so với cùng kỳ năm 2013. Qua phân loại.có 1.324.860.135.000 đồng có điều kiện giải quyết (chiếm 84%); 252.170.307.000 đồng chưa có điều kiện giải quyết (chiếm 16%). Đã giải quyết xong 451.030.145.000 đồng, tăng 207.729.978.000 đồng (tăng 85,38%) so với cùng kỳ năm 2013, đạt 34%, cao hơn 11,3% so với cùng kỳ năm 2013. Số chuyển kỳ sau là 1.126.000.297.000 đồng, tăng 207.110.649.000 đồng (22,53%) so với cùng kỳ năm 2013. Dự kiến trong tháng 7/2014 sẽ giải quyết xong thêm 1.200 việc, với tổng số tiền khoản 62,7 tỉ đồng, tỉ lệ dự kiến sẽ đạt 60,8% về việc và 38,8 % về tiền.
Cục Thi hành án dân sự các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Tiền Giang đã đề cao vai trò trách nhiệm của cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện và hoàn thành chỉ tiêu thi hành án dân sự đã được Quốc hội, Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự giao; đã xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, xuyên suốt các hoạt động của Cục. Kết quả phân loại án đã đi vào thực chất, bền vững, số có điều kiện giải quyết có tỷ lệ khá cao, số lượng việc, tiền giải quyết xong cao hơn kỳ trước. Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Cục đã có sự đổi mới, linh hoạt, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Lãnh đạo Cục. Công tác tổ chức cán bộ, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các công tác khác, nhìn chung đã được triển khai thực hiện. Các cơ quan Thi hành án đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan; đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành Chỉ thị về việc tăng cường và đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự tại địa phương mình.
- Cùng với kết quả đã đạt được, Phó Tổng cục trưởng đã chỉ ra tồn tại, hạn chế của 03 đơn vị như: Kết quả giải quyết án xong về việc và về tiền mặc dù đã đạt tỷ lệ cao hơn năm trước; tuy nhiên, so với chỉ tiêu Quốc hội giao còn thấp, nếu 03 đơn vị không cố gắng, nỗ lực, có thể không đạt chỉ tiêu cả năm; hiện số việc và tiền chuyển kỳ sau tăng cao; một số vụ án lớn, có tính chất phức tạp, kéo dài nhiều năm chưa được tập trung giải quyết dứt điểm; chưa chủ động, tích cực, khắc phục khó khăn trong việc thi hành án. Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật ở một số đơn vị chưa nghiêm; kết quả thi hành án các vụ việc thuộc diện chủ động chưa cao, chưa thực sự tích cực.
- Về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Phó Tổng cục trưởng nêu rõ, trước hết là nguyên nhân chủ quan như: Vẫn còn tình trạng, có Trưởng phòng Nghiệp vụ tổ chức thi hành án và Chi cục trưởng còn có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý, không sâu sát, không nắm chắc nội dung các việc thi hành án có vướng mắc, chưa trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, bám sát hồ sơ thi hành án của chấp hành viên để chỉ đạo thi hành án hiệu quả, giải quyết dứt điểm những vụ việc tồn đọng kéo dài, dẫn đến kết quả thi hành án của đơn vị còn hạn chế, chỉ tiêu thi hành án đạt thấp, một số hồ sơ chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục nhưng không được kiểm tra, phát hiện để kịp thời chấn chỉnh.
Vẫn còn tình trạng, có chấp hành viên chưa nhận thức đầy đủ trong việc thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2014, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao, chưa thực sự tích cực khắc phục khó khăn, chưa chủ động trong tổ chức thi hành án, vẫn còn có trường hợp chưa chủ động, tích cực, chưa kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế, xử lý tài sản kê biên để giải quyết dứt điểm vụ việc
- Để hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu Quốc hội giao, Phó Tổng cục trưởng yêu cầu 03 đơn vị thực hiện ngay một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, đề cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện và hoàn thành chỉ tiêu thi hành án dân sự đã được Quốc hội giao. Tiếp tục quán triệt sâu, rộng, đầy đủ chỉ đạo của Bộ trưởng và Tổng cục trưởng về việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 37/NQ-QH13 của Quốc hội để toàn thể Lãnh đạo, chấp hành viên, cán bộ công chức trong đơn vị nhận thức đầy đủ, đúng đắn, toàn diện, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ Lãnh đạo, công chức, chấp hành viên.
Hai là, khẩn trương tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành Chỉ thị (hoặc công văn) chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành án hiệu quả, để hoàn thành chỉ tiêu được giao trong 03 tháng cuối năm 2014. Tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp Ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp; phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án, các cơ quan hữu quan trong công tác thi hành án dân sự.
Ba là, tiến hành sơ kết Kế hoạch tập trung xử lý án năm 2014; tiếp tục chỉ đạo các chấp hành viên, các Chi cục tích cực, chủ động xác minh tài sản, nắm chắc hồ sơ thi hành án; đối với các vụ việc có điều kiện thi hành cần tập trung giải quyết dứt điểm, tổ chức thi hành án hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ rà soát, phân loại án chính xác; lập danh sách cụ thể các vụ việc có điều kiện thi hành, có giá trị lớn, vướng mắc, các việc thi hành án đã bán đấu giá nhiều lần nhưng không thành, trên cơ sở đó, tập trung chỉ đạo sát sao, có biện pháp giải quyết phù hợp để thi hành án đạt kết quả; trên cơ sở đó, xác định và gắn trách nhiệm cá nhân của từng chấp hành viên, của Chi cục trưởng, Cục trưởng về kết quả đôn đốc, tổ chức thi hành án. Cục có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời cho các Chi cục; những vụ việc thi hành án có giá trị lớn, phức tạp, tài sản ở nhiều địa bàn thì Cục rút lên tổ chức thi hành, có vướng mắc Lãnh đạo Cục phải kịp thời báo cáo Tổng cục để chỉ đạo giải quyết, tránh tồn đọng kéo dài.
Bốn là, tiếp tục phát động đợt thi hành án dân sự cao điểm, chỉ đạo quyết liệt để thi hành dứt điểm các vụ việc có giá trị tiền, tài sản lớn. Xem xét, điều động, tăng cường chấp hành viên, cán bộ thi hành án có năng lực, kinh nghiệm đến các đơn vị có lượng án lớn, phức tạp.
Năm là, các đơn vị cần quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy nhanh tiến độ, thi hành dứt điểm các việc thi hành án có điều kiện, phức tạp, kéo dài, đặc biệt các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng, giúp tổ chức tín dụng thu hồi tiền, giảm nợ xấu. Lãnh đạo Cục và các Chi cục trưởng tăng cường kiểm tra, chủ động tìm các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng. Nghiên cứu những vụ án liên quan đến ngân hàng, có tài sản thế chấp là bất động sản, giá trị lớn, bán đấu giá nhiều lần không được, Cục, Chi cục phối hợp với các cơ quan hữu quan báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp mua lại để hỗ trợ cho cơ quan Thi hành án dân sự làm trụ sở hoặc kho tang vật, phục vụ công tác thi hành án.
- Giao Vụ Nghiệp vụ 2 nghiên cứu, tham mưu giải quyết những kiến nghị của Cục Thi hành án dân sự các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Tiền Giang về những vướng mắc trong thi hành án dân sự. Giao Trung tâm Dữ liệu thông tin và Thống kê thi hành án dân sự nghiên cứu quy định đối với những loại án cơ quan Thi hành án dân sự đã kê biên, định giá và tổ chức bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người đăng ký mua thì được đưa được vào mục “Lý do khác” trong báo cáo thống kê hàng tháng, hàng quý, hàng năm.
- Trên cơ sở kết luận của Phó Tổng cục trưởng tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Tiền Giang, các đơn vị thuộc Tổng cục căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án, hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội, Bộ Tư pháp giao.
Vũ Thị Hằng
Vụ Nghiệp vụ 2 - Tổng cục THADS