Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm giúp các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội.

07/08/2014


Trong những năm qua, công tác thi hành án dân sự luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị. Lần đầu tiên Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2012/QH13 về công tác tư pháp, trong đó đã giao chỉ tiêu cụ thể đối với công tác thi hành án dân sự. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trả lời chất vấn trước Quốc hội, trong đó có nội dung về công tác thi hành án dân sự. Qua đó, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Quốc hội và cử tri cả nước đối với công tác này. Trong bối cảnh tình hình kinh tế của đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi lượng án phải tổ chức thi hành ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, song toàn thể đội ngũ công chức làm công tác thi hành án dân sự đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành đến mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; công tác thi hành án dân sự đã đạt được những kết quả nhất định. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi hành án dân sự thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: Kết quả thi hành án chưa có sự chuyển biển rõ rệt, kết quả thi hành án 09 tháng của toàn Ngành chỉ đạt tỷ lệ 65,63% về việc và 35,3% về tiền (tuy tăng 1,97% về việc nhưng giảm 2,17% về tiền so với cùng kỳ năm 2013, còn thiếu 22,37% về việc và 41,7% về tiền so với chỉ tiêu về thi hành án dân sự theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội); công tác quản lý, chỉ đạo điều hành còn nhiều hạn chế; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm; công tác phối hợp có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao.   

Nhằm quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự năm 2014 được giao theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội, vừa qua, tại cuộc họp giao ban công tác ngày 01/7/2014, Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành đã nhấn mạnh “Tổng cục, các Cục và Chi cục Thi hành án dân sự, đặc biệt là các chấp hành viên cần phải xác định, thời gian từ nay đến hết 30/9/2014, phải ưu tiên, tập trung mọi nguồn lực cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đó là đôn đốc, tổ chức thi hành án, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2014”. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đã triển khai thực hiện đồng bộ một loạt các giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, “Sát cánh” cùng các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương trong việc tổ chức thi hành án phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2014:

- Tổng cục đã chỉ đạo Văn phòng phối hợp cùng Trung tâm Dữ liệu, Thông tin và Thống kê thực hiện việc rà soát, lập Danh sách các đơn vị có lượng án lớn, phức tạp hoặc còn nhiều yếu kém để tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục có sự chỉ đạo. Trên cơ sở đó, ngày 26/6/2014, Tổng cục đã có Thông báo kết luận số 1846/TB-TCTHADS về việc phân công Lãnh đạo Tổng cục trực tiếp chỉ đạo công tác thi hành án dân sự đối với 13 địa phương: Bình Thuận, Đồng Nai, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh.

- Triển khai thực hiện Thông báo kết luận nêu trên, Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành đã trực tiếp cùng Đoàn công tác của Tổng cục đi công tác và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương (từ ngày 04 đến ngày 07/7/2014), tại Hà Nội (ngày 19/7/2014). Tổng cục trưởng đã dự và chỉ đạo Hội nghị sơ kết công tác thi hành án 09 tháng năm 2014 của các đơn vị này, đồng thời, trực tiếp làm việc với Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, qua đó, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan Thi hành án dân sự và góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo đối với công tác thi hành án dân sự tại các địa phương này. Buổi làm việc của đồng chí Tổng cục trưởng với Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã nhất trí nâng mức hỗ trợ kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh từ mức 01 triệu đồng/01 biên chế lên mức 1,5 triệu đồng/01 biên chế; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã nhất trí việc bố trí diện tích mặt bằng để Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương xây dựng trụ sở làm việc và cụm kho tang tài vật tại Khu hành chính mới của tỉnh. Với tinh thần đó, Phó Tổng cục trưởng Mai Lương Khôi đã trực tiếp đi công tác và quán triệt, chỉ đạo việc tổ chức thi hành án tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh (từ ngày 10 đến ngày 11/7/2014); Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Thủy cũng đã trực tiếp đi công tác và quán triệt, chỉ đạo việc tổ chức thi hành án tại Hải Phòng (ngày 25/7/2014). Trong thời gian tới, các đồng chí Lãnh đạo Tổng cục sẽ tiếp tục dành thời gian trực tiếp đi công tác làm việc với các địa phương còn lại để nghe báo cáo, nắm chắc tình hình, trên cơ sở đó, quán triệt, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao kết quả thi hành án một cách rõ rệt.

- Cùng với đó, Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành cũng đã yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, trên cơ sở đó, kịp thời tham mưu, giúp Lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo đối với địa phương được phân công trực tiếp chỉ đạo; Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các địa phương phải thường xuyên báo cáo về tiến độ giải quyết án, tình hình thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ của đơn vị mình, định kỳ hàng tuần, Cục trưởng phải báo cáo đồng chí Lãnh đạo Tổng cục phụ trách trực tiếp, Chi cục trưởng báo cáo Cục trưởng về kết quả thi hành án của đơn vị, kịp thời đề xuất hướng giải quyết, khắc phục tồn tại. Ngoài ra, Tổng cục trưởng cũng yêu cầu Vụ Nghiệp vụ 1, Vụ Nghiệp vụ 2 chủ động, tích cực tham mưu, giúp Lãnh đạo Tổng cục trong việc chỉ đạo, cùng các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án tại cơ sở, đặc biệt là những vụ án có điều kiện thi hành, có giá trị lớn; có thể trực tiếp xuống địa bàn hoặc rút hồ sơ lên để nghiên cứu, nhanh chóng có phương án hỗ trợ địa phương giải quyết vụ việc đạt kết quả.

- Tổng cục cũng đã chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, phân loại chính xác án có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành; tập trung giải quyết dứt điểm những việc có điều kiện thi hành, nhất là những vụ việc đơn giản, những vụ việc có giá trị lớn liên quan đến tín dụng ngân hàng; lập danh sách cụ thể các vụ việc có điều kiện thi hành, có giá trị lớn, phức tạp, vướng mắc, trên cơ sở đó, tập trung chỉ đạo thật sát sao, có các biện pháp cụ thể giải quyết phù hợp để thi hành án đạt kết quả, trong đó cần gắn trách nhiệm cá nhân của từng chấp hành viên, của Chi cục trưởng và của Cục trưởng về kết quả đôn đốc, tổ chức thi hành án.

- Nhằm chấn chỉnh, kịp thời tháo gỡ vướng mắc các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đang gặp phải, nhất là khó khăn dẫn đến chậm giao tài sản bán đấu giá thành, Tổng cục trưởng đã chỉ đạo Vụ Nghiệp vụ 1 hoàn thiện văn bản hướng dẫn nghiệp vụ chung, thống nhất trong toàn quốc về vấn đề liên quan đến kê biên, định giá, bán đấu giá, bảo đảm đúng quy định tại Nghị định số 125/2013/NĐ-CP (Công văn số 1948/TCTHADS-NV1 ngày 04/7/2014).

Bên cạnh những giải pháp cụ thể nêu trên, Tổng cục đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 1754/QĐ-BTP ngày 28/7/2014 ban hành “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 75/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII về chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến công tác thi hành án dân sự” với nhiều giải pháp đồng bộ: Hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ trong công tác thi hành án dân sự, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức... nhằm thực hiện đầy đủ các yêu cầu tại Nghị quyết số 75/2014/QH13 của Quốc hội về công tác thi hành án dân sự và lời hứa của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trước Quốc hội và cử tri cả nước; tiếp tục khắc phục những hạn chế, tồn tại, tạo chuyển biến mạnh mẽ, gắn với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội trong những tháng cuối năm  2014 và những năm tiếp theo.

Tuy chưa thể nhìn thấy ngay hiệu quả tức thì của các giải pháp nêu trên, nhưng hy vọng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát cùng với sự nỗ lực, cố gắng, dốc toàn lực tập trung tổ chức thi hành án của toàn thể cán bộ, công chức, chấp hành viên, Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương sẽ vượt khó, hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu nhiệm vụ được giao năm 2014.

Huy Hùng


Các tin khác