Kỷ niệm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự (19/7/1946– 19/7/2014): Tưng bừng các đợt cao điểm giúp thi hành án “Về đích” sớm.

22/07/2014
Một trong những hoạt động được đánh giá là thiết thực, có ý nghĩa nhất chào mừng ngày truyền thống thi hành án dân sự - 19/7 năm nay là việc các địa phương đồng loạt tổ chức các đợt ra quân cao điểm thi hành án dân sự. Việc thực hiện các chiến dịch cao điểm này không những tạo ra khí thế thi đua sôi nổi trong các cơ quan Thi hành án dân sự mà còn góp phần phấn đấu đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.


Cao điểm ở các thành phố lớn

Năm 2014 này là năm năm thứ 2, Thi hành án dân sự thực hiện Nghị quyết về công tác tư pháp của Quốc hội, trong đó giao những chỉ tiêu cụ thể cho thi hành án dân sự, vì thế nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan Thi hành án dân sự hết sức nặng nề. Ngay từ đầu năm, hàng loạt giải pháp đã được triển khai ở các địa phương, tuy nhiên những ngày tháng 07 này mới được coi là thời điểm “Nước rút” để hoàn thành kế hoạch công tác năm. Trong đó, việc tổ chức các đợt cao điểm thi hành án dân sự thực sự là những điểm nhấn quan trọng.

Là địa bàn có lượng án chiếm 12% về việc, 35% về tiền của toàn quốc, từ 01/7/2014 thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức đợt cao điểm thi hành án. Đợt cao điểm này sẽ kéo dài đến hết tháng 09/2014. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh - Nguyễn Văn Lực cho biết, 09 tháng đầu năm, kết quả thi hành án cả việc và tiền của thành phố đều cao hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ thi hành về giá trị thì đang “Là một thách thức lớn”. Được biết, năm 2013 là năm mà lượng án ở thành phố Hồ Chí Minh tăng đột biến, cao nhất từ trước đến nay. 09 tháng đầu năm 2014 số việc thụ lý mới vẫn tiếp tục tăng 15% về việc và 32% về tiền so với cùng kỳ. “Xác định kết quả thi hành án dân sự của thành phố Hồ Chí Minh góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chỉ tiêu của cả nước nói chung nên anh em toàn ngành đang nỗ lực hết sức, không chỉ với đợt cao điểm thi hành án mà chúng tôi còn thực hiện nhiều giải pháp khác để hoàn thành nhiệm vụ”, Cục trưởng Nguyễn Văn Lực chia sẻ.

Tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự - Lê Quang Tiến cũng cho biết, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phát động thi đua thi hành án dân sự đợt I năm 2014 (từ ngày 01/01/2014 đến ngày 30/ 5/2014). Kết quả, trong số việc có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 13.390 việc, đạt tỷ lệ 63%; Đã thi hành được 1.339.505.277.000 đồng, trong số tiền có điều kiện thi hành. Kết quả của đợt cao điểm này góp phần quan trọng vào kết quả thi hành án của cả năm. Ngay sau đợt I cao điểm thi hành án kết thúc, Cục Thi hành án dân sự đã tiếp tục phát động đợt thi đua cao điểm lần thứ II, kéo dài đến 30/9/2014. “Trong 09 tháng đầu năm 2014, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội thành lập các Đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra việc xây dựng, triển khai Kế hoạch công tác tại các Chi cục và việc rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án của 19/30 Chi cục, 07/09 cuộc kiểm tra toàn diện đối với đơn vị cấp huyện; 01 cuộc kiểm tra đối với chấp hành viên thuộc Cục Thi hành án dân sự thành phố. Qua các cuộc kiểm tra chúng tôi đã kịp thời khuyến khích, động viên các đơn vị có cách làm hay, sáng kiến mới, đồng thời uốn nắn, chấn chỉnh các thiếu sót, vi phạm. Từ nay đến cuối năm, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự sẽ tiếp tục tăng cường các chuyến kiểm tra, chỉ đạo với cơ sở, nhất là đối với những đơn vị có những tồn tại, yếu kém trong công tác thi hành án”, Cục trưởng Lê Quang Tiến cho biết.

Đứng thứ tư trong cả nước về số lượng án phải thi hành, theo thống kê của Cục Thi hành án dân sự Đồng Nai trong 09 tháng năm 2014, bình quân một chấp hành viên của các cơ quan Thi hành án trong tỉnh phải thi hành 360 việc. Riêng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Biên Hòa bình quân 01 chấp hành viên phải thi hành 750 việc. Mặc dù với sức ép công việc như vậy trong điều kiện biên chế khó khăn song 09 tháng đầu năm, các cơ quan Thi hành án dân sự đã đã thi hành xong 13.055 việc/20.594 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 63 %; tăng 1.973  việc so với cùng kỳ năm 2013; thu được: 617.688.260.000 đồng; đã giải quyết nhiều vụ án lớn, phức tạp. Kết quả này một phần nhờ Cục đã tổ chức triển khai thực hiện nhiều đợt thi đua cao điểm, chỉ đạo các Chi cục, chấp hành viên tích cực, chủ động xác minh điều kiện thi hành án, nắm chắc hồ sơ thi hành án, đảm bảo việc phân loại án chính xác.

Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự, hầu khắp các địa phương trong cả nước đều tổ chức các đợt cao điểm thi hành án dân sự. Từ các thành phố lớn nơi có lượng án nhiều, phức tạp như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai…nói trên thì nhiều tỉnh có lượng án trung bình như Hưng Yên, Bắc Giang, Quảng Ninh…đến những tỉnh miền núi còn rất nhiều khó khăn như Lai Châu, Bắc Kạn…cũng đã tổ chức nhiều đợt cao điểm về thi hành án với phương châm “Về đích sớm”, chủ động khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Được biết, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thi hành án dân sự đã phát động phong trào thi đua, trong đó yêu cầu các địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, biện pháp, tạo sự đột phá trong công tác thi hành án dân sự; bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Bộ Tư pháp, thi hành xong đạt trên 88% về việc, 77% về tiền trên số có điều kiện thi hành theo; giảm tối thiểu 7-10% số việc chuyển kỳ sau; ra Quyết định đúng thời hạn đối với 100% bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật; phân loại chính xác việc, tiền có điều kiện thi hành, chưa có điều kiện thi hành. Có biện pháp khắc phục vi phạm, thiếu sót về trình tự, thủ tục trong thi hành án dân sự. Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, tùy từng điều kiện ở địa phương mình, các cơ quan Thi hành án dân sự đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả thi hành án, trong đó, việc tổ chức các đợt thi đua cao điểm của thi hành án dân sự chính là một giải pháp rất đáng ghi nhận.

Thu Hằng


Các tin khác