Hà Tĩnh: Một số kinh nghiệm xây dựng Chi cục THADS dân sự cấp huyện, rút ra từ đơn vị “Vững mạnh toàn diện ”

07/07/2011
Huyện Nghi Xuân nằm liền kề với thành phố Vinh tỉnh Nghệ An, huyện có đường Quốc lộ 1A đi qua, khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, nhà thờ tướng công Nguyễn Công Trứ và khu du lịch biển Xuân Thành... Về kinh tế xã hội là huyện có sự phát triển đa dạng các ngành nghề dịch vụ, điểm đến tham quan du lịch của nhiều du khách và có số lượng lao động xuất khẩu nhiều ra các nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…), có xã có trên 50% số lao động làm ăn ở nước ngoài (xã Cương Gián…). Từ các yếu tố này mà ở Nghi Xuân phát sinh nhiều giao dịch dân sự có tranh chấp, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp; do đó số việc thi hành án dân sự nhiều và nhiều việc thi hành rất khó khăn. Số liệu báo cáo 03 năm (2007-2009), huyện Nghi Xuân thi hành xong bình quân chỉ đạt 76% số việc có điều kiện thi hành, 37% trên tổng số việc phải thi hành, số việc thi hành án tồn đọng chiếm tỷ lệ trên 60% số việc phải thi hành.


Cuối năm 2009 Cục THADS tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp Cấp uỷ, chính quyền huyện Nghi Xuân cũng cố một bước về công tác tổ chức cán bộ, điều động luân chuyển đồng chí Nguỵ Văn Nam Phó Chi cục THADS huyện Lộc Hà bổ nhiệm làm Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Nghi Xuân; Cùng với phương châm “ Tăng cường đoàn kết, xiết chặt kỹ cương, hướng về cơ sở” Cục THADS tỉnh lựa chọn một Chấp hành viên tỉnh có năng lực về công tác nghiệp vụ và tổ chức thi hành án, phụ trách địa bàn huyện Nghi Xuân, thường xuyên kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ tháo gỡ khó khăn cho Chấp hành viên của Chi cục; Từ đây công tác thi hành án dân sự ở huyện Nghi xuân được chuyển biến tích cực; Chi cục THADS huyện Nghi Xuân năm 2010 và 9 tháng năm 2011 đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ mà Cục THADS Hà Tĩnh giao, thể hiện ở các chỉ tiêu sau:

* Xác minh phân loại số việc và tiền có điều kiện thi hành án, rất cao:

- Số việc có điều kiện thi hành:Năm 2010: 85,7%; Năm 2011: 83,8%

- Số tiền có điều kiện thi hành: Năm 2010: 33,9%; Năm 2011: 95%

* Thi hành xong vượt chỉ tiêu:

-  Tỷ lệ việc thi hành xong: Năm 2010: 88% VCT 3%; Năm 2011:  88%  VCT: 2%

- Tỷ lệ tiền thi hành xong: Năm 2010: 69% VCT 5%; Năm 2011:  95%  VCT: 29%

* Giải quyết án tồn đọng,vượt chỉ tiêu:

- Năm 2010: Số việc tồn đọng giải quyết xong đạt tỷ lệ 44%, vượt chỉ tiêu: 29%

- Năm 2011: Số việc tồn đọng giải quyết xong đạt tỷ lệ 32%, vượt chỉ tiêu: 17%

Từ Kế hoạch công tác thi hành án dân sự năm 2010, 2011 của Cục THADS tỉnh Hà Tĩnh và Báo cáo công tác thi hành án dân sự của Chi cục THADS huyện Nghi Xuân, cho thấy có một số bài học kinh nghiệm xây dựng Chi cục THADS cấp huyện, đó là:

* Đối với Cục THADS tỉnh:

- Thường xuyên quan tâm việc rà soát, đánh giá chính xác khách quan chất lượng đội ngũ công chức và công chức lãnh đạo ở các Chi cục; Luân chuyển, tăng cường kịp thời những công chức có năng lực cho những Chi cục còn yếu;

- Thực hiện phương châm “Tăng cường đoàn kết, xiết chặt kỹ cương, hướng về cơ sở”, thường xuyên kiểm tra việc xác minh phân loại án có điều kiện thi hành, khi các Chi cục gặp khó khăn thì kịp thời hổ trợ tháo gỡ.

- Những Chi cục THADS có số việc thi hành án nhiều và nhiều việc khó khăn, cần lựa chọn Chấp hành viên tỉnh có năng lực, thường xuyên kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ tháo gỡ khó khăn cho Chấp hành viên của Chi cục;

* Đối với Chi cục THADS cấp huyện:

- Trên cơ sở qui định của pháp luật về thi hành án dân sự và cán bộ công chức, ngay từ đầu năm Chi cục phải xây dựng quy chế tổ chức hoạt động của Chi cục để điều chỉnh tổ chức và hoạt động kịp thời phù hợp với tình hình thực tiễn; phân công nhiệm vụ quyền hạn cho từng cán bộ công chức “rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành”; tạo điều kiện để mỗi cán bộ công chức tự chủ được trong thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình;

- Quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đù kịp thời, kế hoạch công tác hàng năm của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và của Cục THADS tỉnh với phương châm “Phát huy đoàn kết, xiết chặt kỹ cương, tăng cường chuyên nghiệp”;

- Hàng tuần Chi cục tổ chức giao ban đầu tuần, mở rộng dân chủ để tất cả các công chức bày tỏ hết ý kiến của mình, nhưng vẫn giữ vững nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nêu cao ý thức phê bình và tự phê bình trên tinh thần đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ; Tất cả các việc thi hành án có khó khăn đều được toàn bộ công chức trong đơn vị chung tay cùng giải quyết;

- Thường xuyên báo cáo, thính thị ngành cấp trên, xin hổ trợ những việc thi hành án có khó khăn, để việc tổ chức thi hành án của Chấp hành viên không gặp phải thiếu sót vi phạm và tranh thủ được sự giúp đỡ trong công tác của Chi cục;

- Định kỳ hàng tháng, hàng quý tổ chức rà soát những việc thi hành án cần phải cưỡng chế; chủ động xây dựng kế hoạch báo cáo Cấp uỷ, Chính quyền và tham mưu cho Ban chỉ đạo thi hành án huyện chỉ đạo tổ chức thi hành;

-  Phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân cấp xã và các cơ quan tổ chức có nhiệm vụ quyền hạn trong thi hành án dân sự trên địa bàn, để thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành, xác minh điều kiện thi hành án và áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án;

- Chủ động phối hợp Trại giam, Trại Tạm giam nơi có người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, trực tiếp hoặc có văn bản yêu cầu Ban giám thị trại hổ trợ phối hợp thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành và ghi lời khai về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án;

- Phát động và tổ chức tốt các phong trào thi đua, có sơ, tổng kết kịp thời; những công chức có sáng kiến hay việc làm tốt được tuyên dương khen thưởng cả vật chất và tinh thần, để khơi dậy và phát huy “ khả năng sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” của công chức;

Một số kinh nghiệm trên đây đã giúp Chi cục THADS huyện Nghi Xuân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và là đơn vị “Vững mạnh toàn diện” trong công tác thi hành án dân sự ở Hà Tĩnh ./.

Nguyễn Văn Cường