Thi hành án dân sự Sơn La: Thiếu nguồn tuyển dụng cán bộ

18/08/2011
36% tổng số lượng án hàng năm của Sơn La là án ma túy, lượng tiền và tài sản phải thi hành lớn, tuy nhiên bằng nhiều giải pháp, ngành Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh này đã nỗ lực trong việc giảm án tồn đọng, một số đơn vị đạt tỷ lệ cao cả về việc và tiền


Vượt chỉ tiêu về giảm án tồn đọng

Vừa khép lại một năm cũ (công tác THADS một năm “khóa sổ” vào cuối tháng 9), Cục THADS đã  ban hành ngay kế hoạch tổ chức các đợt THA cao điểm (đợt 1 từ ngày 01/10 đến ngày 31/12/2010; đợt 2 từ ngày 01/5 đến ngày 30/6/2011) và tiến hành tổng kiểm tra rà soát việc phân loại số vụ việc có điều kiện, chưa có điều kiện THA đối với các Chấp hành viên Cục THADS tỉnh và Chi cục THADS các huyện, thành phố. 

Xác định “có bột mới gột nên hồ” công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ cũng được ngành THADS Sơn La chú trọng. Theo đó, đã kiện toàn đội ngũ lãnh đạo tại Cục THA, 10/11 đơn vị cấp huyện có Chi cục trưởng, 01 Chi cục Phó Chi cục trưởng được giao phụ trách đơn vị, 7/11 Chi cục đã kiện toàn được chức vụ Phó Chi cục trưởng. Về đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp toàn tỉnh hiện có 35 chấp hành viên, 03 thẩm tra viên.

Toàn ngành cũng đã thực hiện được 116/123 biên chế. Hiện tại Cục THADS tỉnh đang tiếp tục xem xét tuyển dụng cán bộ nhằm thực hiện đủ số biên chế được giao. Cùng với kiện toàn là chăm lo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao trình độ chuyên môn

 Công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong ngành cũng được thực hiện nghiêm túc. Cục đã tổ chức kiểm tra chéo việc phân loại hồ sơ THA giữa các Chấp hành viên trong đơn vị và thành lập 03 đoàn kiểm tra công tác phân loại hồ sơ THA tại các Chi cục. Ngoài ra, Cục THADS còn  phối kết hợp với VKSND tỉnh kiểm tra toàn diện công tác THA năm 2011 tại một số Chi cục THA .

Nhờ đồng bộ nhiều giải pháp từ 01/10/2010 đến 25/7/2011, toàn ngành đã thi hành xong 3.072 việc/4.334 việc đạt 71%; Đã giải quyết gần 9 tỷ đồng/ số tiền có điều kiện thu; giảm 998 việc so với cùng kỳ năm 2010 = 26,4% lượng án tồn đọng (vượt 16,4% chỉ tiêu Bộ tư pháp giao); Tỷ lệ về tiền: tăng 693.491.000đ so với cùng kỳ năm 2010.

“Công tác THADS thường xuyên nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành trên địa bàn, nỗ lực của cán bộ, chấp hành viên THA”. Cục trưởng Cục THADS Sơn La Nguyễn Ngọc Hải cho biết.

Khó khăn trong tuyển dụng cán bộ

Cũng theo ông Hải, khó khăn trong công tác cán bộ của THADS Sơn La là việc tuyển dụng cán bộ gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn cán bộ đủ tiêu chuẩn để tuyển dụng. Việc bổ nhiệm Chấp hành viên theo ngạch mới còn chậm do chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Tình trạng quá tải trong công việc vẫn xảy ra tại những đơn vị có số lượng tiền, tài sản phải thi hành lớn, đội ngũ cán bộ TH Acòn ít chưa tương xứng với khối lượng công việc. Việc luân chuyển, điều động cán bộ trong tỉnh khó thực hiện được trong giai đoạn hiện nay do các đơn vị cấp huyện cũng đang thiếu vị trí cán bộ chủ chốt; Đội ngũ công chức làm công tác THADS còn thiếu về số lượng, một số công chức còn hạn chế về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận và kinh nghiệm công tác thực tế.

Một trong những nguyên nhân của những hạn chế, ông Hải cho biết: Số lượng án phải thi hành hàng năm tương đối lớn trong đó án ma tuý chiếm tỷ lệ 36% trên tổng thụ lý (bằng 2.322 việc tương ứng với số tiền phải thi hành trên 16 tỷ đồng). Số lượng án ma tuý được xét xử theo quy định của BLHS năm 1999 khó thi hành do bị phạt tiền với số lượng lớn từ 20 triệu trở lên (387 việc = 11.594.621.000đ) trong khi đó người phải THA đang phải thụ hình, điều kiện kinh tế không có gì hoặc sau khi mãn hạn tù không trở về địa phương cư trú. Một số đối tượng thường xuyên phạm tội mới không đủ điều kiện xét miễn giảm theo quy định của Luật THADS.

                                                                                    Hà Anh

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần XIII nhiệm kỳ 2010 – 2015, mới đây  Cục THADS Sơn La đã ban hành chương trình hành động trong đó kiên quyết: “Không để xảy ra trường hợp chậm xác minh điều kiện THA , trong quá trình giải quyết nếu phát hiện người phải THA có điều kiện thi hành thì phải tổ chức thi hành ngay nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được THA .”