Từ những đặc thù như thế nên công tác thi hành án dân sự trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng vụ việc phải thi hành hàng năm bình quân 450 việc (trong đó các năm trước chuyển sang khoảng 200 việc, thụ lý mới 250 việc). Tập trung chủ yếu là án hình sự chiếm 2/3 tổng số việc, trong đó án Ma túy chiếm hơn một nửa. Các vụ việc đưa ra thi hành chủ yếu không có điều kiện thi hành, người phải thi hành án phải chấp hành hình phạt tù nhiều năm. Một số việc có điều kiện thi hành nằm vào loại việc thi hành dở dang, thi hành dần theo mùa vụ. Công tác xác minh tài sản gặp rất nhiều khó khăn vì địa bàn đi lại xa, có xã từ trụ sở cơ quan Thi hành án đến trung tâm xã cách 150 km. Có 3 xã chưa có đường bộ vào đến nơi, phải đi đường sông, cách hàng ngày trời mới đến. Đồng bào sống du canh, du cư, không ở nhà nên Chấp hành viên và cán bộ thi hành án rất vất vả để tiếp cận giải quyết.
Nhận thức được những khó khăn đặc thù của công tác thi hành án dân sự trên địa bàn, thường trực Huyện ủy và Lãnh đạo UBND huyện Tương Dương đã quan tâm dành nhiều thời gian lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thi hành án. Ban chỉ đạo Thi hành án được kịp thời kiện toàn, do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, với 14 thành viên gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan, phòng ban hữu quan.
Sau khi kiện toàn, Ban Chỉ đạo đã ban hành quy chế hoạt động và Quyết định phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Ngay từ những ngày đầu năm, Ban chỉ đạo đã tổ chức họp Ban hành Chương trình công tác năm. Trong 6 tháng đầu năm 2011, Ban chỉ đạo đã họp 2 phiên định kỳ. Đầu tháng 8 năm 2011, Ban chỉ đạo đã tổ chức họp sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2011.
Những nội dung Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự huyện trong 6 tháng đầu năm, đó là: Chỉ đạo rà soát, phân loại án, xây dựng kế hoạch thi hành đối với từng vụ việc; tập trung xây dựng các hồ sơ xét miễn, giảm chuyển Tòa án nhân dân huyện ra quyết định; phối hợp với các trại tạm giam, trại giam trong toàn quốc để thu tiền thi hành án đối với các đối tượng đang chấp hành hình phạt tù giam, phối hợp với Tòa án động viên người phải thi hành án tự nguyện nộp trước các khoản tiền phải thi hành án; chỉ đạo các cơ quan phối hợp với Chi cục Thi hành án trong việc áp dụng cưỡng chế thi hành án và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn làm tốt công tác phối hợp thi hành án tại địa phương.
Kết quả bước đầu tuy còn khiêm tốn nhưng phần nào đã thấy được công tác thi hành án dân sự trên địa bàn huyện đã có khởi sắc.
- Kết quả thi hành xong: 229 việc / 271 việc có điều kiện TH, đạt 84,5%; Tăng 38 việc (16%) so với cùng kỳ năm 2010.
- Số tiền đã thu được: 302.536.000 đồng/ 620.820.000 đồng có điều kiện thu, đạt 48,7%.
- Tỷ lệ giảm án tồn đọng: Giảm 15% về việc, 1% về tiền.
- Miễn theo Nghị quyết 24/2008/NQ-QH12 được 12/12 việc thuộc diện miễn, đạt 100%; Miễn, giảm theo luật thi hành án: miễn 5 việc, giảm 01 việc. Tổng số tiền đã xét miễn, giảm được 32.029.000đ.
- Trong 6 tháng đầu năm không có đơn thư khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực thi hành án dân sự.
- UBND các xã, thị trấn và các ban nghành đã nhận thức tốt hơn, bước đầu đã quan tâm phối hợp tốt với Chi cục Thi hành án trong công tác thi hành án
Tại cuộc họp sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, Ban chỉ đạo đã đề ra chương trình hoạt động 6 tháng đầu năm:
- Chỉ đạo Chi cục Thi hành án tổ chức thi hành đạt vượt 85% thi hành xong về việc, 65% thi hành xong về tiền; giảm số chuyển sang kỳ sau 15% về việc và 5% về tiền.
- Tăng cường công tác chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các ban ngành phối hợp tích cực với Chi cục Thi hành án.
- Tham mưu cho Huyện uỷ ban hành Chỉ thị về việc nâng cao vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng đối với công tác thi hành án dân sự và tham mưu cho UBND huyện ban hành Chỉ thị nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn huyện.
Từ những kết quả bước đầu ở huyện miền núi vùng cao Tương Dương, cho thấy nơi nào cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm và cơ quan Thi hành án tranh thủ được sự quan tâm ấy chắc chắn hiệu quả công tác thi hành án sẽ được nâng cao.
Nguyễn Hồng Trung