Chi cục THADS huyện Đông Anh hiện nay có 17 cán bộ công chức, trong đó có: 07 Chấp hành viên, 01 Thẩm tra viên, 06 Thư ký, 02 Kế toán viên và 01 cán bộ làm công tác văn thư, lưu trữ. Năm 2011, tổng số việc đơn vị phải giải quyết là 1.866 việc, tính trung bình mỗi Chấp hành viên phải giải quyết hơn 266 việc, trong đó có 1.597 việc thuộc diện chủ động thi hành án, mà phần lớn là các khoản thu cho ngân sách nhà nước – số việc nằm trong diện xét miễn, giảm thi hành án khi có đủ điều kiện. Đây là thuận lợi cũng như thách thức lớn đối với toàn thể cán bộ công chức làm công tác THADS, nếu xét miễn giảm tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị hoàn thành được các chỉ tiêu được giao, ngược lại nếu làm không tốt thì khó hoàn thành chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu giảm việc, tiền THADS chuyển kỳ sau. Nhận thức được điều này, ngay từ đầu năm Lãnh đạo Chi cục THADS huyện Đông Anh đã xây dựng Kế hoạch tổ chức THADS chi tiết, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thắng lợi cả 4 chỉ tiêu giao năm 2011. Cụ thể: Tỷ lệ về việc đạt 89,64%; tỷ lệ về giá trị đạt 80,32%; tỷ lệ giảm việc chuyển kỳ sau là 15,6%; tỷ lệ giảm giá trị tồn đọng là 6%. Để đạt được kết quả này, ngoài việc chủ động, tích cực tổ chức thi hành Bản án, quyết định có điều kiện thi hành, Chi cục THADS huyện Đông Anh cũng quan tâm và chỉ đạo sát sao đối với việc xét miễn, giảm THADS. Do đó, trong năm 2011 Chi cục đã thực hiện miễn, giảm được 110 việc với số tiền là 153.831.000 đồng.
Dưới đây là một số kinh nghiệm trong thực hiện miễn, giảm THADS tại Chi cục THADS huyện Đông Anh:
1. Trong công tác chỉ đạo, điều hành
Chính việc nhận thức rõ việc miễn, giảm thi hành án có ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu được giao, nhất là chỉ tiêu giảm việc, tiền chuyển kỳ sau, nên ngay từ đầu năm, Chi cục THADS huyện Đông Anh đã chỉ đạo các Chấp hành viên tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá, phân tích và lập kế hoạch tổ chức thi hành án cụ thể, trong đó chú trọng tới việc thực hiện xét miễn, giảm THADS và chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, Lãnh đạo Chi cục THADS huyện Đông Anh cũng tiến hành nhiều biện pháp liên quan đến chỉ đạo, điều hành như: thực hiện việc điều chuyển hồ sơ giữa các Chấp hành viên, điều chuyển, phân công địa bàn phụ trách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Chấp hành viên trong thực hiện nhiệm vụ; thực hiện các biện pháp thi đua, khen thưởng tạo động lực cho Chấp hành viên và cán bộ công chức hăng hái phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ; tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy; huy động trí tuệ tập thể và sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, xã hội trong cơ quan như Công đoàn, Nữ công, Đoàn thanh niên…
2. Chú trọng công tác phối hợp trong thực hiện xét miễn, giảm THADS
Theo quy định, việc xét miễn, giảm THADS cần có sự tham gia của nhiều cơ quan: Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, chính quyền địa phương….Do đó, Lãnh đạo Chi cục THADS huyện Đông Anh đã tích cực, chủ động trong việc giữ mối liên hệ thường xuyên với các cơ quan nêu trên để kịp thời xét miễn, giảm thi hành án đối với những việc có đủ điều kiện xét miễn, giảm thi hành án và giải quyết các vướng mắc trong quá trình xét miễn, giảm THADS. Đồng thời, Chi cục THADS huyện Đông Anh cũng thường xuyên tham mưu cho Ban chỉ đạo THADS, chỉ đạo các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ với Chi cục THADS huyện Đông Anh nhằm tháo gỡ các khó khăn liên quan đến việc lập hồ sơ xét miễn, giảm THADS…
3. Thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quy định của pháp luật về xét miễn, giảm THADS
Thứ nhất, phải nhận thức đúng và đầy đủ nội dung quy định của Luật thi hành án về việc miễn, giảm THADS (điều kiện miễn, trình tự, thủ tục xét miễn, giảm THADS);
Thứ hai, kịp thời chỉ đạo Chấp hành viên rà soát và phân loại toàn bộ các hồ sơ chưa thi hành thuộc diện chủ động thi hành án, khoản thu cho ngân sách nhà nước, từ đó xác định và lập danh sách những hồ sơ có đủ điều kiện miễn, giảm theo quy định tại Điều 61 Luật THADS 2008, Điều 26, Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về thủ tục THADS. Đồng thời, thực hiện ngay việc lập Hồ sơ xét miễn, giảm đối với những trường hợp đủ điều kiện miễn giảm để chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Để đảm bảo việc lập hồ sơ được chính xác, kịp thời, ngay trong Quý đầu tiên của năm, khi đã tập hợp các hồ sơ có đủ điều kiện miễn, giảm và xác định rõ các trường hợp miễn giảm nghĩa vụ thi hành án theo quy định, Lãnh đạo đơn vị cùng các Chấp hành viên tiến hành xem xét các thủ tục để đề nghị xét miễn giảm theo Điều 62, Luật THADS và Điều 6, Thông tư 10/2010/TTLT- BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/5/2010 hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước đối với các hồ sơ đề nghị miễn, giảm nhằm xây dựng các hồ sơ miễn giảm đầy đủ, chặt chẽ trước khi chuyển sang Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân.
Thực hiện Điều 62, Luật THADS 2008, hồ sơ đề nghị xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước bao gồm 5 loại tài liệu:
1/ Văn bản đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan THADS hoặc của Viện trưởng Viện kiểm sát trong trường hợp đề nghị xét miễn, giảm khoản tiền phạt.
2/Bản án, quyết định của Tòa án, Quyết định thi hành án của cơ quan THADS.
3/ Biên bản xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án được thực hiện trong thời hạn không quá 03 tháng trước khi đề nghị xét miễn, giảm.
4/ Tài liệu khác chứng minh điều kiện được xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án ( nếu có).
5/ Ý kiến bằng văn bản của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trong trường hợp cơ quan THADS đề nghị xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án.
Tại Thông tư 10/2010/TTLT- BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/5/2010 hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước đối với các hồ sơ đề nghị miễn, giảm đã cụ thể hóa các thủ tục trên, quy định rõ: Biên bản xác minh phải thể hiện rõ việc người phải thi hành án không có tài sản hoặc nguồn thu nhập để thi hành án. Biên bản phải có xác nhận của Trưởng thôn ( Tổ trưởng tổ dân phố) và UBND xã, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Riêng trường hợp đương sự đang chấp hành hình phạt tù giam thì ngoài biên bản xác minh trên cần có xác nhận của Giám thị trại giam, trại tạm giam nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù về trường hợp người phải thi hành án đó có lập công lớn, có bị bệnh nặng, có tài sản gửi ở bộ phận lưu ký hay kết quả thu nộp ngân sách nhà nước do trại giam, trại tạm giam thu...
Ngoài ra, trong hồ sơ đề nghị xét miễn giảm cần phải có Giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi người phải thi hành án cư trú đối với trường hợp không có tài sản để thi hành án.
Đây là một vấn đề rất khó ngay từ khi bắt đầu lập hồ sơ đề nghị miễn giảm nghĩa vụ thi hành án. Bởi vì việc Uỷ ban nhân dân xã, đại diện các thôn, khối phố đã ký xác nhận trong biên bản xác minh là bằng chứng cho thấy họ đã đồng ý với điều kiện thi hành án của người phải thi hành án đã được Chấp hành viên ghi rõ trong biên bản xác minh. Hơn nữa, chưa có một mẫu giấy xác nhận chung để các địa phương áp dụng. Vì vậy, Lãnh đạo Chi cục đã đề nghị Ban chỉ đạo thi hành án của huyện tổ chức cuộc họp của Ban chỉ đạo cùng với sự tham gia của các đồng chí đại diện UBND các xã, thị trấn trong huyện để thống nhất biện pháp giải quyết.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo, các đồng chí trong cuộc họp đã thảo luận và đóng góp các ý kiến rất thiết thực và xác đáng để tìm mọi biện pháp giảm án tồn đọng, nhất là tập trung cho việc xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các trường hợp phải thi hành các khoản thu nộp ngân sách nhà nước nhưng không có tài sản để thi hành. Để giải quyết vấn đề về thủ tục trong hồ sơ đề nghị miễn, giảm thi hành án, Ban chỉ đạo đã nhất trí phương án để Chi cục thi hành án soạn thảo một mẫu giấy xác nhận chung cho các xã, đồng thời các địa phương căn cứ vào mẫu đó sẽ xác nhận các trường hợp người phải thi hành án không có tài sản để đảm bảo hồ sơ đủ thủ tục miễn giảm theo quy định.
Tiếp đó, Lãnh đạo Chi cục thi hành án đã tổ chức cuộc họp giữa liên ngành với sự tham gia của Lãnh đạo Toà án nhân dân, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân của huyện để thống nhất quy trình chuyển hồ sơ miễn giảm thi hành án. Cuộc họp đã đi đến thống nhất cao về chu trình chuyển hồ sơ: vào tháng đầu của mỗi quý, Cơ quan thi hành án chuyển hồ sơ đã lập từ quý trước cho Viện kiểm sát nhân dân để thực hiện việc kiểm sát. Trong thời hạn 15 ngày, Viện kiểm sát sẽ có văn bản nêu rõ ý kiến đề nghị miễn giảm và thông báo cho cơ quan thi hành án biết. Sau khi nhận hồ sơ có văn bản đề nghị miễn giảm thi hành án của Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án sẽ chuyển hồ sơ sang Toà án. Toà án sẽ tiến hành các thủ tục xét miễn, giảm thi hành án theo trình tự và thời gian quy định.
Sau một năm thực hiện việc phối hợp giữa ba cơ quan trong công tác miễn, giảm thi hành án, Chi cục THADS huyện Đông Anh đã tổ chức tổng kết, nêu rõ những mặt đã thực hiện tốt, những gì chưa làm được để rút kinh nghiệm cho những đợt tổ chức thực hiện năm sau.
Tuy vậy, quá trình thực hiện công tác xét miễn, giảm THADS còn có nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải khắc phục. Có thể thấy các quy định về miễn, giảm THADS được ghi nhận từ Pháp lệnh năm 2004, tiếp tục phát triển và ghi nhận trong Luật THADS năm 2008. Quá trình thực hiện quy định về miễn, giảm đã giải quyết được khối lượng việc, tiền đáng kể, nhất là khi có Nghị quyết 24 của Quốc hội về miễn thi hành đối với những vụ việc phải thu cho ngân sách có giá trị đến 500.000 đồng, đã quá 5 năm không thi hành được. Tuy nhiên, sau khi có Luật Thi hành án, thì kết quả việc xét miễn, giảm lại giảm đi do qui định buộc người phải thi hành án phải thi hành được 1/20 của nghĩa vụ, trong khi số vụ việc thụ lý của Chi cục THADS huyện Đông Anh về thi hành tiền phạt ngày càng nhiều, giá trị ngày càng lớn, nên điều kiện để thi hành được 1/20 là rất khó khăn. Mặt khác, các đối tượng thi hành khoản tiền phạt phần lớn thuộc diện phải chấp hành hình phạt tù nhiều năm, tù chung thân, không có khả năng để thực hiện thi hành án và không có ý thức tự nguyện thi hành. Trong đó có số lượng khá lớn người phạm tội đang ở tuổi vị thành niên, sống chung với gia đình, không có tài sản, không có nguồn thu nhập. Nhiều đương sự sau khi chấp hành hình phạt tù xong không có việc làm, không có thu nhập, lại bị tái nghiện, tái phạm, ngoài ra có một số không nhỏ người phải thi hành án tự ý bỏ nơi cư trú để đi làm ăn ở địa phương khác, chính quyền địa phương và công an khu vực không biết. Vì vậy, quy định người phải thi hành nghĩa vụ đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước đã thi hành được ít nhất bằng 1/20 khoản phải thi hành mới được xét miễn giảm theo khoản 3, Điều 61, Luật THADS đã bó hẹp phạm vi xét miễn giảm thi hành án.
Trường hợp người phải thi hành án bỏ đi lang thang không rõ địa chỉ, xác minh tại địa phương và gia đình đều không biết được địa chỉ của đương sự, hồ sơ đủ điều kiện về thời gian và khoản phải thi hành án để miễn giảm, nhưng trong khoản 2, Điều 6, Thông tư 10/2010/TTLT quy định “ Biên bản xác minh điều kiện thi hành án (...) cần xác định rõ việc người phải thi hành án không có tài sản hoặc nguồn thu nhập để thi hành án...” Như vậy, cơ quan Viện kiểm sát nhân dân cho rằng, đối với những trường hợp người phải thi hành án không rõ địa chỉ, mặc dù tại nơi cư trú cuối cùng của người đó xác minh không có tài sản, không có thu nhập để đảm bảo thi hành án, đều không thuộc trường hợp được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Chính vì vậy, những hồ sơ thuộc những trường hợp này bị tồn đọng không giải quyết được.
Do đó, trong thời gian tới, cùng với việc khảo sát thực tiễn 2 năm thi hành Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành của Bộ tư pháp và Tổng cục THADS, mong rằng những khó khăn bất cập trong công tác thi hành án nói chung cũng như những vướng mắc khó khăn trong công tác miễn giảm thi hành án sẽ được khắc phục, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các Chấp hành viên hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.
Nguyễn Thị Nhàn