Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum: Không ngừng nâng cao hiệu quả công tác, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh

03/11/2011
Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Kon Tum là cơ quan trực thuộc Tổng cục THADS-Bộ Tư pháp. Là cơ quan chuyên môn, tham mưu cho UBND cùng cấp trong lĩnh vực THADS theo qui định tại Điều 173 Luật THADS. 


Thực hiện Chương trình công tác của ngành Tư pháp năm 2011 (Ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-BTP ngày 25/01/2011 của Bộ Trưởng bộ Tư pháp); Kế hoạch số 54/KH-THADS, ngày 10/01/2011 của Tổng cục THADS về công tác thi hành án dân sự năm 2011. Ngay từ đầu năm 2011, Cục THADS đã xây dựng Kế hoạch công tác thi hành án dân sự, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, không ngừng nâng cao hiệu quả công tác THADS trên địa bàn tỉnh.

Năm nay, các cơ quan THADS tỉnh Kon Tum đã thụ lý tổng số 2.235 việc (tăng 164 việc so với năm 2010;  ủy thác 20 việc). Đã thi hành xong 1.658/1.775 việc có điều kiện thi hành (không tính số việc thi hành đều theo định kỳ chưa được xoá sổ thụ lý), đạt tỷ lệ 93,40 %; tăng 251 việc = 7,26% so với cùng kỳ năm 2010 và 8,4 % so với chỉ tiêu do Bộ Tư pháp giao.

Tổng số tiền thụ lý là 87 tỷ 380 triệu 432 nghìn đồng, đã uỷ thác: 7.717.061 nghìn đồng, số còn phải thi hành là: 79.663.270 nghìn đồng. Đã thi hành xong 28.576.996 nghìn đồng/30.788.896 nghìn đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 92,82%; tăng 19,17% so với cùng kỳ năm 2010 và 27,82 % so với chỉ tiêu do Bộ Tư pháp giao.

Tuy số lượng án phải đưa ra thi hành so với các tỉnh, thành phố trong cả nước vào loại “thường thường bực trung”. Nhưng Kon Tum có đặc thù riêng, là tỉnh nằm về cực bắc Tây Nguyên, phía tây biên giới giáp tỉnh Attappeu, nước bạn Lào anh em dài 142 km và giáp tỉnh Ratanakari, Vương quốc Campuchia 95 km. Địa bàn hoạt động rộng, đường sá đi lại khó khăn cách trở, lắm dốc nhiều đèo. Nhiều xã trong tỉnh chưa có đường ô tô, vào mùa mưa không thể đi xe máy được, phải đi bộ. Kon tum có 25 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 53%, có 6 dân tộc ít người sinh sống lâu đời (Xơ Đăng, Bana, Giẻ-Triêng, Gia Rai, Brâu và Rơ Măm,...). Sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975) một số dân tộc ở các tỉnh khác đến sinh sống, làm cho thành phần dân tộc, phong tục tập quán ngày càng đa dạng. Trình độ dân trí còn thấp, ý thức pháp luật còn hạn chế, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn,... Việc chặt phá rừng làm nương rẫy của đồng bào các dân tộc còn diễn biến phức tạp. Loại án này chiếm tỷ lệ tương đối lớn so với tổng số án phải thi hành, người phải thi hành án đa số là người các dân tộc có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Số tiền, tài sản phải thi hành tương đối lớn vượt quá khả năng thi hành của họ, ...

Nắm bắt đặc điểm, tình hình ở địa phương mình, lãnh đạo Cục THADS tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo kịp thời Phòng nghiệp vụ và các Chi cục thi hành án dân sự huyện, thành phố rà soát, phân loại án chính xác, đề ra phương án, kế hoạch tổ chức thi hành kịp thời có hiệu quả đối với từng vụ việc. Chỉ đạo Chấp hành viên, cán bộ thi hành án bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể, kiên trì giải thích, động viên, thuyết phục người phải thi hành án và thân nhân của người phải thi hành án tự nguyện thi hành án. Do vậy, nhiều vụ việc người phải thi hành án hoặc người nhà của người phải thi hành án đã tự nguyện đến cơ quan thi hành án để thi hành.

Hạn chế việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế, năm 2011 cả tỉnh chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 37 trường hợp, trong đó có 5 trường hợp không phải thực hiện cưỡng chế thi hành án; 19 trường hợp tổ chức cưỡng chế không phải huy động lực lượng tham gia cưỡng chế. Các vụ việc tổ chức cưỡng chế đúng trình tự, thủ tục qui định của pháp luật và đạt hiệu quả, không có khiếu nại, tố cáo.

Trong quá trình tổ chức thi hành án, các Chấp hành viên, cán bộ thi hành án luôn bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các các cơ quan hữu quan, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể không những nâng cao hiệu quả công tác thi hành án. Các bản án, quyết định của Tòa án được thi hành triệt để, kịp thời đảm bảo quyền lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mà còn góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh./.

Phạm Công Ý