Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang

25/04/2008


Để thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thi hành án dân sự tỉnh đã thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004; mặt khác, hiện nay Thi hành án dân sự tỉnh được thành lập 03 phòng, trong đó có Phòng Kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phòng Kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, tham mưu giúp Trưởng Thi hành án trực tiếp giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo. Hàng năm, ngay từ đầu năm, Thi hành án dân sự tỉnh đã thống nhất biện pháp tổ chức thực hiện và kiểm tra thực hiện ở cấp tỉnh và cấp huyện, chủ động rà soát, thống kê, lên danh sách những việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết, phân loại một cách chính xác số lượng đơn thư, số lượng vụ việc phát sinh, phân tích, đánh giá, xác định nội dung khiếu nại chủ yếu, các nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến khiếu nại đối với từng vụ việc cụ thể. Theo đó, những đơn mặc dù tiêu đề ghi khiếu nại, tố cáo nhưng nội dung chỉ là yêu cầu thi hành án thì không đưa vào diện đơn để giải quyết khiếu nại, tố cáo. Những đơn thư không thuộc thẩm quyền, các cơ quan thi hành án dân sự đã kịp thời chuyển tới cơ quan có thẩm quyền và thực hiện thông báo cho người khiếu nại, tố cáo được biết. Nhờ làm tốt công tác này, chất lượng giải quyết đơn thư đã được nâng nên một bước. Từ 01/10/2005 đến 31/12/2007, các cơ quan thi hành án đã nhận 119 đơn khiếu nại, 10 đơn tố cáo. Các cơ quan thi hành án tỉnh Bắc Giang đã giải quyết được 117 đơn/119 đơn khiếu nại, 08 đơn tố cáo, 02 trường hợp người tố cáo rút đơn.

Qua thực tiễn giải quyết đơn khiếu nại, bên cạnh những đơn thư khiếu nại đúng với thực tế vụ việc, còn một số trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại để cố tình chây ỳ, trì hoãn và chống đối việc thi hành án, khiếu nại tràn lan dẫn đến đơn thư khiếu nại nhiều nhưng có nội dung trùng lặp. Đặc biệt đối với các vụ việc đương sự đã được thuyết phục, giải thích nhưng vẫn chây ỳ, khiến cơ quan thi hành án phải tổ chức cưỡng chế, trong quá trình thi hành án, đương sự vẫn khiếu nại nhiều nơi, tuy nhiên qua xác minh thì các khiếu nại này không có cơ sở, ví dự: vụ La Văn Bình (huyện Sơn Động). Có những trường hợp lợi dụng quyền tố cáo của mình nhằm làm ảnh hưởng đến uy tín cán bộ, như đơn tố cáo của Nguyễn Mạnh Hoàng (huyện Tân Yên) đối với Chấp hành viên. Qua xác minh cho thấy đây là đơn tố cáo không có cơ sở pháp lý và nhằm mục đích làm giảm uy tín của Chấp hành viên. Ngoài ra, còn có các tố cáo với nội dung cho rằng cán bộ, Chấp hành viên có động cơ vụ lợi trong tổ chức thi hành án như nhận hối lộ, bao che cho người phải thi hành án tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.vv..

Nhìn chung, xuất phát từ đặc thù của hoạt động thi hành án dân sự là luôn tác động trực tiếp đến các quyền, lợi ích vật chất của đương sự, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, quyền và lợi ích thiết thân của họ cũng như của gia đình nên trong giai đoạn này các bên đương sự thường khiếu nại một cách quyết liệt nhằm thúc đẩy việc thi hành án nhanh hoặc làm cản trở việc thi hành án chính vì vậy, đã khiến cho việc khiếu nại, tố cáo trở nên bức xúc. Nhận thức được tình hình đó, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự đặc biệt quan tâm và coi đây là một công tác quan trọng trong công tác thi hành án. Thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ góp phần vào việc nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, hoàn thành tốt công tác chung của cơ quan, thông qua đó góp phần làm ổn định tình hình chính trị ở địa phương.

Để thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế thấp nhất việc tồn đọng, gây bức xúc trong nhân dân, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, công tác phối hợp:  VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an phối hợp ban hành các kế hoạch liên ngành để chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan Tư pháp địa phương trong việc rà soát, giải quyết những vụ việc tồn đọng, bức xúc. Thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự cũng như chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại tố cáo tại địa phương. TAND, VKSND trước khi ra quyết định kháng nghị cần trao đổi với cơ quan thi hành án đang tổ chức thi hành vụ việc để có biện pháp xử lý hậu quả đối với những vụ việc bản án đã được thi hành xong; cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhằm phát hiện xử lý nhanh chóng, ngăn chặn kịp thời việc tẩu tán tài sản ngay từ khi phát hiện, điều tra vụ án để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành án sau này có hiệu quả.

 Hai là, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật: Hiện tại theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự thì việc giải quyết khiếu nại về thi hành án tuân thủ các quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự nhưng giải quyết tố cáo trong thi hành án lại được giải quyết theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc giải quyết khiếu nại và tố cáo trong thi hành án dân sự có nhiều trường hợp quan hệ chặt chẽ với nhau nên việc áp dụng cùng lúc cả hai văn bản luật đã gây khó khăn cho việc giải quyết khiếu nại và tố cáo trong thi hành án dân sự. Nhất là các quy định về thời hạn, trình tự và hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do đó trong thời gian tới cần phải điều chỉnh sửa đổi các quy định giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự cho thống nhất.

Ba là, về tổ chức: Thường xuyên củng cố, kiện toàn, bổ sung biên chế cho các cơ quan thi hành án. Lựa chọn và tuyển dụng cho cơ quan thi hành án dân sự những cán bộ đủ năng lực trình độ, phẩm chất. Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho Chấp hành viên, nâng cao ý thức cho Chấp hành viên trong việc nghiên cứu và áp dụng pháp luật trong công tác thi hành án.

 Bốn là, công tác chỉ đạo điều hành: Tăng cường công tác kiểm tra công tác chỉ đạo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các cơ quan thi hành án dân sự. Xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, Chấp hành viên có thái độ sách nhiễu đối với đương sự. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án nói riêng về nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, Chấp hành viên phải lấy giáo dục, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án là chính, kiên quyết  áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết để thi hành dứt điểm bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mà đương sự có điều kiện thi hành nhưng cố tình lẩn tránh, trây ỳ không tự nguyện thi hành án./.

Hoàng Giang