Ninh Bình: Tiếp tục kiện toàn về tổ chức để nâng cao hiệu quả công tác THADS

06/05/2008
Đội ngũ cán bộ THADS tỉnh Ninh Bình hiện nay có 93 công chức, trong đó có 39 chấp hành viên, 27 chuyên viên, 11 kế toán, 10 cán sự, 5 thủ kho và 01 lái xe. Đội ngũ cán bộ hiện nay rất đa dạng về độ tuổi và học vấn.


Nhiều đồng chí đã có thâm niên gắn bó với ngành, có năng lực về quản lý cũng như chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ trong chuyên môn. Tuy nhiên cũng có một vài đồng chí tuy lâu năm công tác nhưng chưa thực sự nghiên cứu, đổi mới phong cách lề lối làm việc nên hiệu xuất làm việc chưa đạt yêu cầu. Số cán bộ là chuyên viên, chấp hành viên tuổi đời còn trẻ, có nhiệt tình song còn thiếu kinh nghiệm, một số làm việc kém hiệu quả do chưa yên tâm công tác. Đội ngũ cán bộ giúp việc chưa chú trọng học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ, còn ỷ lại hoặc chỉ làm một số việc sự vụ theo yêu cầu của chấp hành viên hoặc lãnh đạo cơ quan. Theo đánh giá phân loại cán bộ công chức năm 2007 dựa trên kết quả công tác đối với 87 cán bộ có 30 đồng chí = 34,5% hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, 33 đồng chí = 37,9% hoàn thành nhiệm vụ, 21đồng chí = 24% chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao và 03 đồng chí = 3,6 % bị xử lý kỷ luật.

Để nâng cao hiệu quả công tác THADS, trong năm 2007 và những tháng đầu năm 2008 ngành Tư pháp tỉnh Ninh Bình tiếp tục có nhiều giải pháp kiện toàn củng cố đội ngũ cán bộ THADS trong tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Thực hiện Thông tư liên tịch số 01/207/TTLT ngày 29/3/2007 của Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ và sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp về việc thành lập các Phòng chuyên môn thuộc Thi hành án dân sự (THADS) cấp tỉnh; THADS tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Đề án thành lập các phòng chuyên môn báo cáo trình Giám đốc Sở Tư pháp, Cục THSADS Bộ Tư pháp, đồng thời tuyển chọn và đề nghị Cục trưởng THADS xét bổ nhiệm các chức danh quản lý phòng chuyên môn. Ngày 20/8/2007, Cục trưởng Cục THA dân sự có quyết định thành lập 2 phòng chuyên môn gồm: Phòng Hành chính Tổng hợp, tài vụ và Phòng nghiệp vụ Kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc THADS tỉnh. Tiếp đó ngày 31/10/2007, Cục trưởng cục THADS đã ra quyết định bổ nhiệm các chức danh Trưởng phòng chuyên môn.

Nhằm sớm ổn định và đi vào hoạt động của các phòng chuyên môn, Trưởng THADS tỉnh đã có Quyết định số 01/QĐ-TCTHA ngày 12/11/2007 ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ của các phòng chuyên môn, nhiệm vụ của các trưởng, phó phòng và biên chế của các phòng. Đến nay các phòng chuyên môn thuộc THADS tỉnh đã đi vào hoạt động, bước đầu đạt hiệu quả.

Đối với công tác cán bộ, Trong năm 2007 biên chế của các cơ quan THADS tỉnh Ninh Bình là 97 trong đó THA tỉnh 20 biên chế, các đơn vị THA trực thuộc 77 biên chế. Do công tác luân chuyển cán bộ, Tính đến tháng 4/2008 số biên chế của các cơ quan THADS tỉnh  còn lại 87, so với định biên còn thiếu 9 biên chế cần bổ sung. Hội đồng tuyển dụng công chức THA tỉnh đã tổ chức thi tuyển và xét tuyển bổ sung 06 cán bộ cho các đơn vị THA, đồng thời rút một số chuyên viên về THA tỉnh để THA tỉnh có đủ 20 biên chế theo định biên phục vụ việc kiện toàn các phòng chuyên môn. Số biên chế còn thiếu 4 thuộc các đơn vị Kim Sơn, Yên Mô, Nho Quan và THA tỉnh, thời gian tới sẽ được xét tuyển, bổ sung.

Thực hiện sự chỉ đạo của Cục THADS Bộ Tư pháp và Giám đốc Sở Tư pháp, THADS tỉnh đã tổ chức đợt khảo sát, đánh giá cán bộ ở các đơn vị THA. Qua đó xây dựng Đề án kiện toàn đội ngũ cán bộ THA từ năm 2008 đến 2010, trong đó chú trọng  việc kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ chấp hành viên. THADS tỉnh đã lập hồ sơ đề nghị Hội đồng xét tuyển chọn chấp hành viên tỉnh xét tuyển chọn được 06 đồng chí là chuyên viên đủ tiêu chuẩn đề nghị Bộ Tư pháp xét bổ nhiệm chấp hành viên; lập danh sách báo cáo Cục THADS cử 4 cán bộ của các đơn vị THA đi học đào tạo chấp hành viên trong năm 2008.

Trước yêu cầu về kiện toàn các cơ quan THADS để chuẩn bị cho việc thi hành Luật THADS, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp và Cục THADS, công tác tổ chức cán bộ của THADS từ nay đến năm 2010 ở Ninh Bình tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

- Các đơn vị THA, các phòng nghiệp vụ chuyên môn phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ công chức THA có lập trường chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt và tâm huyết với ngành, dũng cảm vì sự nghiệp bảo vệ công lý và pháp chế XHCN. Các đơn vị cần đẩy mạnh việc nghiên cứu học tập, nâng cao trình độ chuyên môn áp dụng vào thực tiễn công tác, khuyến khích cán bộ đang làm việc học thêm về pháp luật, ngoại ngữ, tin học. Gắn việc đào tạo chuyên môn với bồi dưỡng đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp, góp phần hình thành đội ngũ cán bộ THA vừa có tâm, vừa ngang tầm với nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực và đổi mới cơ chế, phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị THA, xây dựng cơ cấu hợp lý, từ đó có kế hoạch tuyển dụng, bố trí sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.

- Xiết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, cải tiến lề lối làm việc, có sự phân công trách nhiệm, phối hợp cụ thể trong công tác  giữa các đơn vị THA tỉnh với các đơn vị THA, giữa lãnh đạo với cán bộ công chức trong cơ quan, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để hạn chế những sai sót trong nghiệp vụ, đồng thời có căn cứ đánh giá năng lực phẩm chất cán bộ phục vụ cho công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ.

Thiều Thị Tú