Hà Nam: Khó khăn trong việc chuyển giao án

13/05/2008

Là tỉnh thuần nông, diện tích nhỏ với 6 huyện, thị bao gồm 116 xã thị trấn, dân số sống chủ yếu bằng nông nghiệp, thu nhập thấp. Điều đó có ảnh hưởng nhất định đến công tác thi hành án dân sự (THADS) của Hà Nam, đặc biệt là việc chuyển giao án tại địa bàn này chủ yếu là những việc án phí hình sự và án cấp dưỡng nuôi con (thuộc những loại việc khó thi hành).



Chỉ đạt trên 23% về tiền

Mặc dù để thực hiện Thông tư 05 của Bộ Tư pháp về chuyển giao án không quá 500 ngàn cho cấp xã thi hành, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác THA, trong đó đặc biệt chú trọng đến loại án không quá 500 ngàn; 100% xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh cũng đã được tập huấn nghiệp vụ, trang bị biểu mẫu và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tuy nhiên kết quả THA vẫn đạt không cao. Theo số liệu của THA tỉnh, từ tháng 7/2002 đến tháng 2/2008 trong tổng số 4435 việc đã chuyển giao, thì các huyện chỉ thi hành xong 1462 việc, còn tồn đọng 2973 việc, đạt tỷ lệ 33%. Trong gần 6 năm số tiền chuyển giao là gần 638 triệu đồng, đã thi hành xong trên 150 triệu, vẫn còn tồn đến trên 487 triệu đồng và chỉ đạt tỷ lệ trên 23%. Đáng chú ý là những năm đầu khi mới thực hiện chuyển giao, kết quả đạt tương đối khá, tuy nhiên những năm sau đó kết quả đạt ngày càng giảm dần. Cũng theo THADS tỉnh, thậm chí có những đơn vị xã, thị trấn chỉ thi hành xong 5 đến 10% trong tổng số việc đã chuyển giao. Tuy nhiên, bên cạnh đó có khoảng 20 đến 30 xã đạt tỷ lệ 90 đến 100%, khoảng 30 xã đạt tỷ lệ từ 70 đến 90%. Do số xã đạt tỷ lệ thấp chiếm đến 1/2nên đã ảnh hưởng đến kết quả THA của cả tỉnh.                    

Vấn đề là nhận thức

Ngoài một số khó khăn trong việc áp dụng Thông tư 05, theo ông Nguyễn Công Minh, Trưởng THADS Hà Nam thì vấn đề khó “thông” nhất là nhận thức. Khoảng 50% Chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn chưa coi trọng công tác THA. Cụ thể những việc khó khăn, phức tạp hoặc có vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ, cán bộ tư pháp không chủ động đề xuất phương án giải quyết hoặc không trao đổi với cơ quan THA. Đối với những việc đương sự có điều kiện nhưng cố tình chây ỳ, chống đối cán bộ tư pháp cũng không báo với THA huyện để có biện pháp cưỡng chế. Công tác chuyển giao án không được chính quyền địa phương ủng hộ cũng một phần vì công tác tuyên truyền pháp luật về THA còn chưa thường xuyên, sâu rộng đến cán bộ, công chức và cả những người trong diện phải THA. Cơ quan THA biết điều này nhưng do không có kinh phí để tuyên truyền riêng nên chỉ có thể “nhờ” lồng ghép trong công tác tuyên truyền nói chung, và được làm ở mức độ rất hạn chế. Do đó, khi chuyển giao án không quá 500 ngàn về cho cơ sở thì một thực tế mà cấp xã gặp phải là dù là nơi gần dân nhất nhưng có đến 90% đương sự có mặt ở địa phương nhưng cố tình không nhận giấy báo gọi và không tự nguyện THA.

Một khó khăn khác, giống như nhiều địa phương, cũng theo ông Minh là vấn đề về đội ngũ cán bộ. Đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã ở Hà Nam hiện đang thiếu về cả số và chất lượng, lại phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc nên không có thời gian cho công tác THA. Năm 2005 về trước, đội ngũ này thường xuyên bị thay đổi theo mỗi nhiệm kỳ của HĐND, các cán bộ có năng lực thường được cất nhắc lên làm nhiệm vụ mới, dẫn đến tình trạng công việc bị gián đoạn. Từ năm 2005 đến nay, cán bộ tư pháp xã đã phần nào ổn định hơn tuy nhiên về chất lượng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tình hình thực tế. Điều này cũng xuất phát từ lý do hiện nay, chế độ đãi ngộ cho cán bộ tư pháp xã còn nhiều hạn chế. Ngoài lương hành chính theo quy định chung, họ không được hưởng bất cứ khoản phụ cấp nào khác trong khi công việc thì mỗi ngày thêm nhiều (và cũng không có những phương tiện tối thiểu phục vụ cho công việc như sổ lưu hồ sơ, bàn ghế, hay ít ra là sổ sách, giấy mực..) Việc chuyển giao án khó khăn cho cơ sở và cũng khó khăn cho cả cơ quan THA. Bởi nói là chuyển giao nhưng THA vẫn phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ sở, việc làm này cũng đòi hỏi mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, là tốn kém về kinh phí, vì mỗi lần chuyển giao lại phải pho to một bộ hồ sơ mới. Nhưng nếu sau đó không thi hành được, hồ sơ phải rút lên đồng nghĩa với việc THA cùng lúc “ôm” hai bộ hồ sơ, rất lãng phí. Chính vì những bất cập trong chuyển giao án nên THA Hà Nam đề nghị không nên tiếp tục chủ trương này.

Được biết Bộ Tư pháp đã có đề nghị với Chính phủ về việc cho dừng việc chuyển giao án không quá 500 ngàn. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, việc thi hành các loại việc này vẫn liên quan trực tiếp đến chính quyền cơ sở. Cơ quan THA sẽ không thể làm tốt nếu cơ sở không có sự phối hợp nhịp nhàng. Nên chăng, thay vì dừng chuyển giao thì phải tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan để bản án được thi hành dứt điểm.

Thu Hằng

Từ tháng 7/2002 đến tháng 2/2008 trong tổng số 4435 việc đã chuyển giao, thì các đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Nam chỉ thi hành xong 1462 việc, còn tồn đọng 2973 việc, đạt tỷ lệ 33%. Trong gần 6 năm số tiền chuyển giao là gần 638 triệu đồng, đã thi hành xong trên 150 triệu, còn tồn đến trên 487 triệu đồng và chỉ đạt tỷ lệ trên 23%. Đáng chú ý là những năm đầu khi mới thực hiện chuyển giao, kết quả đạt tương đối khá, tuy nhiên những năm sau đó kết quả đạt ngày càng giảm.