Chuyển mình trong công tác Thi hành án dân sự ở tỉnh Điện Biên

02/08/2010
Công tác thi hành án dân sự là một hoạt động tư pháp của Nhà nước, nhằm bảo đảm thi hành các quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật. Với đặc thù của một tỉnh vùng cao hoạt động trong điều kiện còn gặp khó khăn, trình độ dân trí thấp, về cơ sở vật chất, nhân lực, đặc biệt là lực lượng chấp hành viên thiếu. Song, trong những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên, công tác thi hành án dân sự hoạt động ngày càng hiệu quả, tỷ lệ giải quyết án về việc, về tiền năm sau đều cao hơn năm trước, tỷ lệ án tồn đọng giảm.


Thi hành án dân sự tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố (nay là Cục và Chi cục Thi hành án dân sự) đã  từng bước vượt lên những khó khăn, tập thể toàn ngành đoàn kết và xác định rõ vị thế, vai trò, trách nhiệm trước yêu cầu đổi mới của ngành. Với 102 biên chế hiện có, trong đó cấp tỉnh 19 biên chế với 5 chấp hành viên, 4 thẩm tra viên. Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã thành lập 3 phòng chuyên môn là: Phòng Tổ chức, hành chính, tổng hợp và tài vụ; Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án; Phòng Kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo. Chi cục cấp huyện 83 biên chế, với 27 chấp hành viên, 1 thẩm tra viên. Trình độ chuyên môn: đại học 53, cao đẳng 3, trung cấp 43 chưa qua đào tạo là 03 người, đội ngũ cán bộ, công chức, chấp hành viên đa phần là lực lượng trẻ, được đào tạo cơ bản gắn bó với cơ sở, nhiệt tình với công việc.

Về trụ sở làm việc đã có 6/10 đơn vị đã được xây dựng trụ sở tương đối khang trang với quy mô nhà 2 tầng. Hiện đang hoàn tất hồ sơ chuẩn bị thi công là Cục Thi hành án dân sự tỉnh; đang thi công là Chi cục huyện Điện Biên, thị xã Mường Lay, Chi cục huyện Mường Ảng đã được xây dựng nhà tạm trong thời gian chờ quy hoạch chi tiết thị trấn, huyện. Tuy nhiên so với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay thì quy mô xây dựng, diện tích đất các địa phương đã cấp trước đây thường chật hẹp, chỉ đảm bảo đủ xây dựng trụ sở làm việc. Đến nay chưa có đơn vị nào được cấp đất để đầu tư xây dựng kho vật chứng.

Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009 và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành đã thay đổi về mô hình, tổ chức của các cơ quan thi hành án dân sự theo đó được tổ chức theo ngành dọc bao gồm Tổng cục Thi hành án dân sự ở Trung ương, Cục Thi hành án dân sự ở cấp tỉnh và Chi cục Thi hành án dân sự ở cấp huyện. Ngay từ tháng 7 năm 2009,  Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã chỉ đạo các Chi cục Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh tổ chức học tập quán triệt những nội dung cơ bản của Luật tới toàn thể cán bộ, công chức trong ngành, tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp cùng các Chi cục tổ chức tuyên truyền Luật Thi hành án dân sự đến nhân dân, trưởng thôn, bản, tổ dân phố, cán bộ xã, phường thị trấn, phối hợp cùng Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin về những nội dung cơ bản của Luật. Các hình thức tuyên truyền phong phú, thời lượng, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Thông qua các đợt tuyên truyền về Luật Thi hành án dân sự và hoạt động của cơ quan  thi hành án đã được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ủng hộ, tạo thuận lợi để quá trình giải quyết án đạt kết quả cao. Đến nay 100% các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo thi hành án do đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng ban, thành viên Ban chỉ đạo là các ngành trong Khối Nội chính cùng cấp. Các Ban chỉ đạo nhìn chung hoạt động hiệu quả, các vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết triệt để, trong quá trình giải quyết không có tình trạng khiếu kiện xảy ra.

          Tháng 7/2009, Thi hành án dân sự tỉnh đã tham mưu cho Giám đốc Sở Tư pháp tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ ủy quyền  của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện một một số công tác tổ chức cán bộ thi hành án địa phương. Hiện nay bộ máy tổ chức các cơ quan thi hành án dân sự đã từng bước được kiện toàn, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ chấp hành viên, cán bộ, công chức ngày càng được khẳng định đủ khả năng hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khắc phục triệt để tình trạng cơ quan thi hành án dân sự chỉ có 1 chấp hành viên, đảm bảo đủ chức danh Chi cục trưởng, Phó chi cục trưởng, hoàn thành công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ chốt, dự nguồn đào tạo chấp hành viên đến năm 2015, công tác tuyển dụng cán bộ được tiến hành đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo về số lượng và chất lượng theo yêu cầu của ngành.

Chủ động phối hợp với các ngành trong Khối Nội chính trong quá trình thực thi các bản án, quyết định, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác. Một số vụ án lớn, khó khăn, phức tạp kéo dài nhiều năm nay trong quá trình thi hành án đã kiên trì động viên, thuyết phục, đồng thời kiên quyết sử dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành dứt điểm nên đã làm giảm đáng kể số án tồn đọng, nâng số tiền thực thu trong toàn tỉnh lên tương đối cao. Năm 2009 là năm đầu tiên Cục Thi hành án dân sự tỉnh được UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt chương trình công tác trọng tâm về Thi hành án dân sự trên địa bàn. Cụ thể, tổng số việc phải thi hành 3.558 việc với số tiền là 31,5 tỷ; đã thi hành song 1.895 việc. Tỷ lệ thi hành song/ tổng số có điều kiện thi hành đạt 86,8% (vượt chỉ tiêu 8,8%). Số tiền đã thu được là 4,3 tỷ. Tỷ lệ thực thu/ tổng số có điều kiện thu đạt 74% (vượt chỉ tiêu 17%). Số tiền không có điều kiện thu là 25,6 tỷ đã giải quyết được 6,9 tỷ gồm: miễn giảm 2,7 tỷ; đình chỉ 2,0 tỷ; trả đơn 2,1 tỷ. Đây là năm mà toàn ngành Thi hành án dân sự tỉnh đạt tỷ lệ giải quyết về việc, về tiền, về án tồn đọng đạt cao so với các tỉnh, thành trong toàn quốc. Mặc dù so với các tỉnh khác thì tổng số án phải thi hành ở Điện Biên không phải là nhiều, nhưng với địa hình rộng, dân cư phân bố rải rác, thưa thớt, điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội chậm phát triển, tỷ lệ án hình sự về ma túy chiếm đến 90%, người phải thi hành án phần lớn nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, có gia đình có 3 - 4 anh em nghiện ngập, cá biệt có đương sự có đến 4 bản án phải thi hành, đương sự phần lớn không việc làm, không có thu nhập. Do đó kết quả đã giải quyết về việc, về tiền, về án tồn đọng trên là sự nỗ lực phấn đấu của tập thể toàn ngành.

Đến nay, Chi bộ Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã được thành lập với 11 đảng viên, trực thuộc Đảng ủy dân chính Đảng tỉnh, đồng chí Cục trưởng được bầu làm Bí thư, Ban chi ủy gồm 3 đồng chí, các tổ chức trực thuộc như Công đoàn, Đoàn thanh niên, đã hoàn thành việc chia tách và đi vào hoạt động nền nếp; thường xuyên tổ chức nhiều phong trào thi đua sâu rộng như văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, 100% cán bộ, công chức đều tham gia nhiệt tình, sôi nổi, tích cực tham gia vào các hoạt động phong trào do ngành và tỉnh phát động tổ chức.  

 Đồng chí Lường Văn Sương, Cục trưởng, Bí thư Chi bộ khẳng định: kể từ sau Lễ Công bố Quyết định thành lập Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục các huyện, thị, thành phố với vị thế mới và trách nhiệm nặng nề hơn toàn ngành cần chủ động, tích cực nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng án tồn đọng, kiên quyết ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất nguyên nhân có thể xảy ra tình hình khiếu nại, tố cáo trong công tác thi hành án. Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ, kiện toàn tổ chức của các cơ quan thi hành án, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, xây dựng các giải pháp thu hút, nâng cao chất lượng, tỷ lệ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh  trong việc thực hiện các nhiệm vụ về chuyên môn và chính trị ở địa phương.

Một năm hoạt động sau khi Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn đặc thù vốn có của một tỉnh vùng cao phía Tây Tổ quốc, nhưng với tinh thần đoàn kết,  trách nhiệm của tập thể đội ngũ cán bộ, công chức tin tưởng chắc chắn rằng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục hoạt động có hiệu quả, khẳng định vai trò, vị thế mới của ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bộ Tư pháp và UBND tỉnh Điện Biên giao, góp phần ổn định về chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn Điện Biên nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung ./.

Phạm Thị Hà - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên