Đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật trong thi hành án dân sự của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm việc tại Bình Định

19/07/2010
Thực hiện Nghị quyết số 3756/NQ-UBTP12 của Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật trong THADS, ngày 12,13/7/2010 đoàn giám sát, do đồng chí Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã về làm việc tại Bình Định và trực tiếp giám sát việc chấp hành pháp luật trong THADS ở thành phố Qui Nhơn, huyện An Nhơn và các cơ quan có liên quan ở tỉnh Bình Định.


Đoàn giám sát, giám sát toàn diện các hoạt động có liên đến công tác THADS, như: giám sát về việc ban hành văn bản qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật THADS; giám sát việc chấp hành pháp luật trong THADS, trong đó bao gồm: kết quả về THADS; tình hình, kết quả tổ chức cưỡng chế thi hành án; kết quả lập hồ sơ đề nghị xét miễn giảm đối với các khoản án phí, tiền phạt theo qui định của Pháp lệnh THADS năm 2004 trước đây, theo Luật THADS và Nghị quyết số 24/2008/NQ-QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội; tình hình và kết quả giải quyết những vụ việc, án tồn đọng; những khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS và giải pháp khắc phục; việc phối hợp với Tòa án để giải quyết những vướng mắc do án tuyên không rõ, không thi hành được; tình hình, kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS; tình hình, kết quả trong công tác hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án; công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật đối với các cơ quan thi hành án; tình hình tổ chức biên chế; công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tuyển chọn, thi tuyển, bổ nhiệm chức danh chấp hành viên theo ngạch, việc bổ nhiệm chấp hành viên không qua thi tuyển theo Nghị quyết của Quốc hội; công tác quản lý kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đầu tư xây dựng trụ sở, kho vật chứng; việc chỉ đạo công tác THADS của UBND cùng cấp, kết quả hoạt đông của Ban chỉ đạo Thi hành án và thực tiễn tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo THADS tại địa phương; tình hình, kết quả công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong THADS của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp; việc xử lý vướng mắc trong các trường hợp án tuyên không rõ dẫn đến khó thi hành trong phạm vi trách nhiệm của Tòa án nhân dân các cấp. Tham gia cùng Đoàn giám sát, ở Trung ương có đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an; ở địa phương: đại diện thường trực UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, lãnh đạo Cục THADS tỉnh, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh, Trại giam Kim Sơn; đại diện UBND và các cơ quan có liên quan ở các huyện, thành phố mà Đoàn đến làm việc.

Sau khi làm việc ở các huyện, thành phố, ngày 13/7/2010 Đoàn có buổi làm việc với các cơ quan ở tỉnh để nghe báo cáo về tình hình và kết quả việc chấp hành pháp luật trong THADS ở địa phương; báo cáo những thuận lợi, khó khăn trong quá trình hoạt động của các cơ quan thời gian qua; những khó khăn khi thực hiện Pháp lệnh THADS năm 2004, và những thuận lợi, khó khăn sau hơn một năm thực hiện Luật THADS và Nghị quyết của Quốc hội. Ông Hồ Quang Vinh, Cục trưởng Cục THADS đã báo cáo tình hình, kết quả hoạt động của các cơ quan THADS ở tỉnh trong thời gian qua, ngoài những thuận lợi cơ bản, còn có những khó khăn nhất định, như: khó khăn trong công tác tổ chức cán bộ, biên chế hiện nay của các cơ quan THADS trong tỉnh chưa đáp ứng với yêu cầu công việc, việc đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn chậm, chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển của ngành, việc đầu tư kinh phí để xây dựng trụ sở, kho vật chứng ở thời gian qua tuy đã được quan tâm nhưng chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, đồng chí Cục tưởng cũng đã báo cáo một số vụ việc thi hành án vướng mắc, khó khăn, những vụ việc Toà án tuyên chưa rõ, không có tính khả thi nên chưa tổ chức thi hành án được. Đối với việc thi hành Luật THADS, sau hơn một năm có hiệu lực thi hành, tuy đã phát huy và có tác dụng tích cực, giải quyết nhiều vấn đề mà trước đây Pháp lệnh THADS năm 2004 chưa giải quyết được. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề của Luật chưa được Chính phủ, các Bộ hướng dẫn thi hành nên cơ quan thi hành án chưa tổ chức thi hành án được; chưa ban hành Quy chế phối hợp mẫu để làm căn cứ cho các địa phương ban hành và thực hiện. Một số qui định của Luật, Nghị định số 58/2009/NĐ-CP, ngày 13/7/2009 của Chính phủ chưa cụ thể, rõ ràng nên có nhiều quan điểm chưa thống nhất trong việc tiếp nhận, xử lý việc thi hành án, như: vấn đề cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người yêu cầu thi hành án, vấn đề thu phí, mức thu phí khi đương sự yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án...

Đoàn giám sát ghi nhận nhiều vấn đề do địa phương kiến nghị, đồng thời lưu ý trong thời gian tới cần phải thực hiện tốt các vấn đề, như: đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ xét miễn giảm theo qui định của Luật và theo Nghị quyết của Quốc hội; phân loại chính xác loại việc có điều kiện thi hành án, chưa có điều kiện thi hành án để tổ chức thi hành đúng theo qui định; các cơ quan ở địa phương cần phải thường xuyên và tích cực hơn nữa trong công tác phối hợp tổ chức thi hành án, nhằm đưa tỷ lệ giải quyết án cao hơn nữa; Viện Kiểm sát nhân dân cần tăng cường kiểm sát công tác THADS; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật THADS để nhân dân hiểu rõ và thực hiện. Đối với trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương, Đoàn cũng đã đề nghị UBND tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tiếp tục quan tâm và thường xuyên chỉ đạo trong công tác THADS ở địa phương theo qui định của Luật THADS.

Phải nói rằng, thông qua việc giám sát này, các cơ quan ở tỉnh Bình Định đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung những qui định không còn phù hợp, qua đó đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành trong lĩnh vực THADS, đồng thời phối hợp chỉ đạo giải quyết những tồn tại, vướng mắc, nhất là những vụ việc khó thi hành mà thời gian qua địa phương chưa giải quyết được, đảm bảo cho công tác thi hành dân sự nói chung và của tỉnh Bình Định nói riêng được thuận lợi và đạt kết quả tốt.

Võ Công Hoàng