THADS tỉnh Bình Định với công tác đền ơn đáp nghĩa

02/11/2007

Đền ơn đáp nghĩa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện sự ghi nhớ công lao của Đảng và Nhà nước đối với những người có công với tổ quốc. Có được độc lập, tự do như ngày hôm nay là biết bao nhiêu người đã ngã xuống để đánh đổi và giữ lấy sự bình yên cho đất nước như ngày hôm nay. Sự mất mát đó chính là máu, là xương, là thịt của những anh hùng liệt sỹ, những thương bệnh binh, người có công với cách mạng và những bà mẹ Việt Nam anh hùng…



Hưởng ứng và thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước, lãnh đạo Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định coi công tác đền ơn đáp nghĩa là nhiệm vụ thường xuyên nhằm chung tay, góp sức cùng với Đảng, Nhà nước và xã hội chăm lo, phụng dưỡng những người đã mất mát, hy sinh phần xương máu của mình và những nỗi đau mất mát từ những người thân trong gia đình.

                Với tinh thần đó, sau khi Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định được thành lập (năm 1993) lãnh đạo Thi hành án dân sự tỉnh đã quyết định nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng: Phùng Thị Đã, hiện đang sống tại xã Hoài Châu, Hoài Nhơn, Bình Định (hiện nay đã ngoài 80 tuổi), là gia đình có 3 liệt sỹ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Việc phụng dưỡng, chăm sóc mẹ được toàn thể các cán bộ, công chức cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định đóng góp từ lương hàng tháng để hỗ trợ cho mẹ. Ngoài số tiền hỗ trợ cho mẹ, hàng quý và những ngày lễ, tết lãnh đạo Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định đều trực tiếp đến gia đình thăm hỏi, tặng quà và chúc mừng thọ mẹ. Khi mẹ bị bệnh phải nằm viện, lãnh đạo Thi hành án dân sự tỉnh đã phân công cán bộ, công chức cơ quan đến Bệnh viện cùng với gia đình chăm sóc mẹ đến khi bớt bệnh.

                Phải nói rằng sự đóng góp phụng dưỡng mẹ của cán bộ, công chức Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định tuy số tiền hàng tháng không nhiều nhưng đã thể hiện tinh thần và trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc chăm lo, phụng dưỡng những người có công với nước, đây là trách nhiệm thiêng liêng thể hiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta từ  xưa đến nay: “uống nước nhớ nguồn,” “ăn quả nhớ người trồng cây”.

Công Hoàng