Để triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ, tạo hành lang pháp lý cho việc chuyển giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) đôn đốc thi hành những vụ việc có gá trị dưới 500.000 đồng, ngày 27/02/2002 Bộ Tư pháp có Thông tư số 05/2002/TT-BTP hướng dẫn chuyển giao một số vụ việc trong thi hành án cho Ủy bân nhân dân cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự, kinh phí để lại cho Ủy ban nhân dân xã, phường tham gia thực hiện công tác thi hành án đã thu được nộp và ngân sách Nhà nước. Đồng thời, ngày 11/6/2002 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cũng đã ban hành Chỉ thị số 23/2002/CT-UB chỉ đạo chính quyền các cấp của An Giang tập trung mọi biện pháp để chuyển giao án có giá trị dưới 500.000 đồng cho Ủy ban nhân dân cấp xã đôn đốc thi hành một cách thiết thực, có hiệu quả. Nội dung Chỉ thị nêu rõ “Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo sâu sát công tác thi hành án, xác định công tác thi hành án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban nhân dân. Thường xuyên tạo mọi điều kiện để cơ quan thi hành án hoạt động có hiệu quả; đồng thời chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án, chuẩn bị tốt các điều kiện để tiếp nhận việc chuyển giao, tổ chức thực hiện, đôn đốc thi hành đối với những vụ việc có giá trị không quá 500.000 đồng ” .
Nhờ có sự chỉ đạo một cách đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương nói trên, trong những năm đầu triển khai thực hiện, việc chuyển giao án ở An Giang đã đạt được kết quả đáng kể. Nhiều bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực tồn đọng lâu ngày đã được Ủy ban nhân dân xã đôn đốc thi hành có hiệu quả, nhất là trong 2 năm đầu thực hiện, tỷ lệ số vụ việc thi hành xong trong năm 2003 là 65%. Tuy nhiên, những chuyển biến tích cực này không được duy trì một cách ổn định. Kết quả thi hành những năm sau có xu hướng giảm đi, thậm chí có nơi khi án được chuyển giao xuống cấp xã có hiện tượng "bỏ quên" luôn ở cấp xã. Thực tế việc chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã đôn đốc đối với những vụ việc có giá trị dưới 500.000 đồng cho thấy tỷ lệ việc chuyển giao được thi hành xong trong những năm sau luôn có xu hướng thấp hơn năm trước (năm 2003 tỷ lệ đạt 65%, đến năm 2005 khi sơ kết 3 năm thực hiện chuyển giao án dưới 500.000 đồng thì toàn tỉnh tỷ thi hành xong trên tổng số vụ việc chuyển giao giảm xuống còn 63,24%, đến 6 tháng đầu năm 2007 chỉ đạt 29,6 %). Sở dỹ có sự suy giảm như vậy là do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, về nhận thức, qua thực tiễn trong những năm vừa qua cho thấy, nhận thức của có cơ quan hữu quan trong việc thực hiện chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã đôn đốc thi hành những vụ việc có giá trị dưới 500.000 đồng chưa đúng tầm. Do đó, đối với việc này, các cơ quan hữu quan chỉ quan tâm ở thời gian đầu khi mới có Chỉ thị và có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cơ quan có thẩm quyền.
Thứ hai, về tổ chức, theo quy định tại khoản 3, Mục III Thông tư liên tịch số 04/2005/TT-LT ngày 5/5/2005 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, thì để phối hợp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Tư pháp cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập Ban Tư pháp gồm có Trưởng ban do Chủ tịch hoặc một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đảm nhiệm, công chức Tư pháp - Hộ tịch và các thành viên kiêm nhiệm khác do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định. Như vậy, có thể thấy để thực hiện các nhiệm vụ của Tư pháp cấp xã, trong đó có việc đôn đốc thi hành những việc thi hành án có giá trị dưới 500.000 đồng, ở Ban Tư pháp cấp xã có ít nhất từ 01 đến 02 người. Những trên thực tế, do việc kiêm nhiệm của đồng chí Chủ tich hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, nên để thực hiện công việc thường xuyên chỉ có 01 người. Trong khi đó, nhiệm vụ của Ban Tư pháp cấp xã lại quá nhiều (trên 10 đầu việc), điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc đôn đốc thi hành án.
Thứ ba, về phối hợp và kiểm tra, theo quy định tại khoản 1 Mục III của Thông tư số 05/2002/TT-BTP ngày 17/02/2002 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm trước Đội thi hành án (nay là thi hành án cấp huyện) và Uỷ ban nhân dân cấp trên trong việc đôn đốc thi hành án tại địa phương mình; phân công cán bộ thuộc Ban Tư pháp trực tiếp đôn đốc thi hành án và thông báo cho Thi hành án dân sự cấp huyện biết; đảm bảo việc đôn đốc thi hành án tuân thủ đúng pháp luật; tổ chức tổng kết, thực hiện chế độ báo cáo về thi hành án. Nếu có vướng mắc, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã kịp thời báo cáo để Thi hành án cấp huyện biết để chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, tại khoản 1,2,3 Mục IV của Thông tư số 05/2002/TT-BTP cũng quy định Thi hành án cấp huyện có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, kiểm tra Uỷ ban nhân dân cấp xã trong việc mở sổ sách, lập hồ sơ thi hành án và thực hiện thủ tục đôn đốc thi hành án; đáp ứng kịp thời đề nghị của Uỷ ban nhân dân cấp xã nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thi hành án; lập và chuyển đầy đủ hồ sơ, cung cấp biên lai thu, chi tiền thi hành án cho Uỷ ban nhân dân cấp xã; giải quyết khiếu nại liên quan đến việc đôn đốc thi hành án của Uỷ ban nhân dân cấp xã theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự. Tuy nhiên, hiện tại có một số nơi cơ quan Thi hành án dân sự sau khi chuyển giao án thì coi như đã hết trách nhiệm và chờ kết quả thực hiện của Ủy ban nhân dân cấp xã. Ngược lại, Ủy ban nhân dân cấp xã lại cho rằng việc này nhiệm vụ chính là của Cơ quan thi hành án, việc đôn đốc của Ủy ban nhân dân chỉ mang tính chất hỗ trợ, được đến đâu thì đến còn nhiệm vụ chính là phải tập trung cho việc hoàn thành nhiệm vụ kinh tế- xã hội ở địa phương....
Bên cạnh 3 nguyên nhân chính dẫn tới kết quả đôn đốc thi hành án dân sự có giá trị dưới 500.000 đồng ở An Giang ngày càng giảm sút như đã nêu trên, còn có nhiều nguyên nhân khác, như trình độ của cán bộ Tư pháp cấp xã chưa tương xứng với nhiệm vụ; ý thức tuân thủ pháp luật của người dân chưa cao; cán bộ Tư pháp cấp xã là người của địa phương, hoạt động trực tiếp tại cơ sở, nên có nhiều trường hợp có mối quan hệ họ hàng, quen biết với người phải thi hành án... Để khắc phục các nguyên nhân này nhằm nâng cao hiệu quả của việc chuyển giao đôn đốc thi hành án cho Ủy ban nhân dân cấp xã ở An Giang trong thời gian tới, thiết nghĩ cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh An Giang và các cấp chính quyền cần thực hiện các biện pháp sau:
Một là, Ủy ban nhân dân các cấp của An Giang cần có sự chỉ đạo sâu sát trong việc thực hiện đôn đốc thi hành án do Thi hành án dân sự cấp huyện chuyển giao. Ủy ban nhân dân cấp trên khi đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đối với Ủy ban nhân dân cấp dưới cần coi đây là một tiêu chuẩn để đánh giá thi đua;
Hai là, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan Thi hành án với Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc đôn đốc thi hành án;
Ba là, thường xuyên kiểm tra, giám sát vàtập huấn, hướng dẫn những nghiệp vụ thi hành án, nghiệp vụ tài chính cơ bản cho cán bộ Tư pháp cấp xã, để nâng cao năng lực chuyên môn trong tổ chức thực hiện các công việc liên quan đến công tác thi hành án tại Ủy ban nhân dân cấp xã;
Bốn là, tổng kết 5 năm thực hiện công tác chuyển giao án có giá trị dưới 500.000 đồng cho Ủy ban nhân dân cấp xã đôn đốc thi hành trên địa bàn tỉnh An Giang, từ đó đánh giá những mặt đã làm được, những mặt chưa làm được, đề ra hoặc kiến nghị với các cấp có thẩm quyền ban hành các quy định cụ thể để hướng dẫn thực hiện.
Huỳnh Thị Bảo Châu - Thi hành án dân sự tỉnh An Giang