Mường Nhé niềm tin nơi biên viễn

14/08/2013
“Là huyện biên giới, rộng nhất, xa nhất của tỉnh Điện Biên, cách trung tâm tỉnh lỵ trên 200km, nằm trên ngã ba biên giới giáp ranh giữa 2 nước láng giềng là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Với diện tích tự nhiên rộng 249.950,43 ha, toàn bộ các xã của huyện đều thuộc diện xã đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại, đời sống nhân dân các dân tộc trong huyện còn gặp nhiều khó khăn, trong đó công tác thi hành án dân sự cũng không nằm ngoài những khó khăn chung đó”.


Muôn vàn khó khăn trong công tác thi hành án:

Về những khó khăn chủ yếu trong công tác thi hành án ở huyện có địa bàn rộng nhất cả nước này Chi Cục trưởng Phạm Văn Lưỡng chia sẻ: Tồn đọng về án hình sự; Khó xác minh địa chỉ của người phải thi hành do địa bàn rộng, đơn cử khoảng cách từ trung tâm huyện đến xã Sín Thầu nơi ngã ba biên giới Việt- Trung- Lào là gần 200km, rồi còn từ trung tâm xã đi đến các thôn, bản; Dân số cơ học tăng quá nhanh (tăng gấp 4 lần trong 10 năm do di cư từ địa bàn các tỉnh khác đến) khiến công tác quản lý của chính quyền gặp nhiều khó khăn, do nhân khẩu thường xuyên thay đổi nơi cư trú; Tỷ lệ án về đốt phá rừng làm nương rãy tăng đột biến, khoản tiền phạt lớn vẫn chưa thi hành được, do không có điều kiện thi hành.

Nếu cứ dừng lại ở những khó khăn chủ quan ở huyện nghèo được mệnh danh “tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe” này thì Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mường Nhé không bao giờ hoàn thành chỉ tiêu công tác hàng năm mà ngành giao phó, ông Lưỡng chia sẻ: Phải biết biến khó khăn thành thuận lợi, hiện nay công tác thi hành án trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, các quy định về thi hành án nhờ được các cấp, các ngành trong huyện tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, công chức và nhân dân các dân tộc nên đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Chi cục đã chủ động tham mưu cho Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự và xây dựng Quy chế hoạt động, định kỳ 3 tháng họp 1 lần, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; Chi Cục trưởng với trách nhiệm là Phó Trưởng ban chỉ đạo được phân công phụ trách địa bàn các xã; Chủ động thành lập các tổ công tác để phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã giải quyết án ngay tại cơ sở. Cách làm này một phần để xác định rõ trách nhiệm từng thành viên trong Ban Chỉ đạo, đồng thời cũng tạo ra sự gắn kết, quyết liệt trong giải quyết án khó, án phức tạp, huy động được trí tuệ tập thể với việc giải quyết số án tồn đọng.

Kết quả đạt được:

Với những vụ việc khó, phức tạp, Chi cục tổ chức họp bàn lấy ý kiến toàn thể anh em, cân nhắc phương án tốt nhất, chủ động báo cáo, tham mưu cho Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện phương án giải quyết. Công tác phối hợp với các ngành trong Khối Nội chính cũng được cơ quan Thi hành án chú trọng. Cụ thể, đã phối hợp với Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân huyện trong việc xét miễn, giảm các khoản tiền phạt sung công, án phí, phối hợp với các ngành chức năng trong xác minh, rà soát, phân loại án tồn đọng. Phát động phong trào thi đua ngay từ đầu năm đối với cán bộ công chức, gắn công tác thi đua với việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để qua đó công chức nâng cao tinh thần trách nhiệm với công việc, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã được giao. Quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp cho 100% công chức thi hành án. Trong công tác giải quyết thi hành án luôn lấy tuyên truyền, vận động, thuyết phục làm phương pháp chủ yếu, trong đó quan tâm đến tuyên truyền bằng ngôn ngữ của người dân địa phương, phối kết hợp với chính quyền địa phương và cơ sở tham gia vận động tự nguyện thi hành án. Năm 2012, Chi cục Mường Nhé đã giải quyết xong về việc đạt tỷ lệ 98%, về tiền đạt tỷ lệ 92% trên tổng số việc, số tiền có điều kiện thi hành, tỷ lệ giảm việc chuyển kỳ sau đạt 17,2%, kết quả các mặt công tác đạt và vượt chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao, không có vụ việc nào phải tổ chức cưỡng chế. 9 tháng năm 2013 giải quyết xong về việc đạt tỷ lệ 73,4%, về tiền đạt tỷ lệ 77,3%

Về công tác cán bộ, đến nay Chi cục đã có 8 biên chế, 2 chấp hành viên, 1 Chi Cục trưởng, 1 Phó Chi Cục trưởng, đặc biệt đây có lẽ là đơn vị duy nhất trong toàn ngành 100% công chức là nam giới, lý do cũng dễ hiểu để đến được địa bàn các thôn, bản của các xã vùng sâu, vùng xa phải mất thời gian đi công tác dài ngày do đó công chức là nam giới thường thích hợp hơn. Các hoạt động của Chi bộ, Công đoàn hàng năm đều được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ. Về đề xuất kiến nghị của đơn vị, Chi Cục trưởng Phạm Văn Lưỡng mong muốn: Cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành trong huyện tăng cường gắn kết, hỗ trợ đối với công tác thi hành án, về lâu dài tiếp tục mong ngành bổ sung thêm biên chế đáp ứng nhiệm vụ ngày càng khó khăn, nặng nề. Hy vọng và tin tưởng rằng, tương lai không xa, những khó khăn của huyện nghèo nơi biên giới đất rộng, người thưa sẽ qua đi, Mường Nhé sẽ vươn mình phát triển, góp phần giữ vững “phên giậu” phía Tây Bắc của Tổ quốc./.

Đỗ Thành Trung

Cục THADS tỉnh Điện Biên