Cơ quan Thi hành án dân sự Hưng Yên trong tiến trình cải cách tư pháp

09/07/2015
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh quy định về tổ chức Tòa án và các ngạch Thẩm phán, trong đó có quy định rõ Ban Tư pháp xã có quyền “Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”. Đây chính là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động của ngành thi hành án dân sự; tiếp đó ngày 19.7.1946, Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Để ghi nhận thành tích đã đạt được và động viên các thế hệ cán bộ, công chức và người làm công tác THADS, qua đó tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp; ngày 5.3.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 397/QÐ-TTg lấy ngày 19.7 hàng năm là Ngày Truyền thống ngành Thi hành án dân sự.  Sau 69 năm hình thành và phát triển, ngành THADS đã có những đóng góp quan trọng trong tiến trình xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.


Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02.6.2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” là chủ trương lớn để Nhà nước thể chế hoá quan điểm của Đảng nhằm xây dựng nền tư pháp Việt Nam trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, với định hướng quan trọng trong Nghị quyết nhằm hoàn thiện về thể chế, tổ chức và hoạt động các cơ quan tư pháp, hoạt động bổ trợ tư pháp theo đó hoạt động thi hành án dân sự được tiếp tục cải cách, hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, tạo chuyển biến cơ bản trong lĩnh vực quan trọng này. Thi hành án dân sự là một hoạt động hiện thực hóa bản án, quyết định trong thực tiễn cuộc sống; hoạt động này, gắn liền với quyền lợi của người phải thi hành án, người được thi hành án và nhân thân của họ, có mối quan hệ thường xuyên với nhân dân và các tổ chức để giải quyết các thủ tục, trình tự có liên quan đến công tác THA. Trong thời gian qua thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2.6.2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, Kế hoạch số 39-KH/TU ngày 25.7.2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2.6.2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao với các giải pháp chỉ đạo đồng bộ, phù hợp, quyết liệt, phối hợp chặt chẽ, kết quả công tác thi hành án dân sự tại Hưng Yên đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, tạo sự đột phá tích cực trong giai đoạn mới. Nhiều vụ việc phức tạp được giải quyết dứt điểm, án tồn đọng giảm mạnh qua các năm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, cơ quan, tổ chức và công dân, tạo niềm tin cho nhân dân, khẳng định vị thế của ngành đối với Cấp uỷ, chính quyền địa phương, tạo đà cho công tác THADS những năm tiếp theo. Từ năm 2006 đến hết năm 2014, tổng số việc toàn ngành phải thi hành án là 29.924 việc với số tiền trên 1.309 tỷ đồng, trong đó đã giải quyết được 28.163 việc với số tiền hơn 1.172 tỷ đồng làm giảm đáng kể lượng án tồn đọng về việc và tiền. Đặc biệt năm 2013, toàn ngành đã thi hành xong 4.439 việc, đạt tỷ lệ 93%, tiếp tục làm giảm tồn 8,4% so với số việc năm 2012 chuyển sang. Năm 2014, tổng số việc đã thụ lý là 6.072 việc, đã thi hành xong 4.341 việc, đạt tỷ lệ 94% làm giảm tồn 3.62% số việc, giảm 7% giá trị thi hành về tiền năm 2013 chuyển sang.

Với những thành tích nêu trên cho thấy, công tác thi hành án dân sự tỉnh HưngYên đã đạt được về cả lượng và chất, từ kiện toàn tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị đến hiệu quả hoạt động, khẳng định được vị trí và tầm quan trọng của công tác thi hành án dân sự trong đời sống xã hội. Ghi nhận thành tích đã đạt được trong những năm qua, ngành Thi hành án dân sự đã có nhiều tập thể được Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh công nhận Tập thể lao động xuất sắc, được nhận Bằng khen và Cờ thi đua các loại, nhiều cá nhân được Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đặc biệt, năm 2012 Cục Thi hành án dân sự tỉnh được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, năm 2013 được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2009 -2013, nhiều cá nhân được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua Ngành Tư pháp, Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen...Từ những kết quả nêu trên cho thấy, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp trong đó có lĩnh vực thi hành án dân sự theo Nghị quyết số 49 là rất đúng đắn, sự thay đổi cả về chất và lượng trong công tác thi hành án dân sự là bước đi quan trọng, làm nền tảng để tiếp tục thực hiện các mục tiêu lớn đã được xác định trong Nghị quyết.

Tiến trình cải cách tư pháp trong công tác thi hành án dân sự tại Hưng Yên cho đến nay đã đạt được bước phát triển mới từ thể chế đến tổ chức bộ máy; sau khi Quốc hội đã ban hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện năm 2014, tạo tiền đề quan trọng trong tiến trình thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động thi hành án; vì vậy, hoạt động thi hành án dân sự ngày càng tiếp tục đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập, góp phần thực hiện thành công công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Theo đó, dưới tiến trình này, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thể chế về tổ chức và hoạt động thi hành án tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung kịp thời, đồng bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành và xây dựng đội ngũ công chức cơ quan Thi hành án dân sự đã đi vào chiều sâu, số lượng, chất lượng đội ngũ công chức được nâng lên rõ rệt, bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn của công chức có sự chuyển biến mạnh mẽ, các chế độ chính sách đối với công chức, người lao động được quan tâm thực hiện. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg ngày 1.7.2008 về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác THADS, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Chỉ thị 04/2010/CT-UBND ngày 20.8.2010 về việc tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự với những cơ sở pháp lý này tạo đà cho hoạt động thi hành án dân sự thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo tiến trình cải cách tư pháp của tỉnh.

 Triển khai thực hiện Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09.9.2009 của Chính phủ; ngày 6.11.2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2723/QĐ-BTP quyết định thành lập Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên và các quyết định thành lập 10 Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Bộ máy hoạt động của ngành đến nay được củng cố, kiện toàn. Với cải cách về tổ chức, vị thế của cơ quan THADS được nâng lên theo sự phát triển tất yếu của tiến trình cải cách tư pháp. Hiện nay, số lượng công chức toàn ngành là 119 công chức, trong đó có 10 Chấp hành viên trung cấp, 40 Chấp hành viên sơ cấp, 9 Thẩm tra viên và các chức danh khác. Về chuyên môn có 10 đồng chí là thạc sỹ, 91 công chức trình độ đại học, 18 công chức trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Cán bộ, công chức của ngành thường xuyên được cử đi học, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Cục và 10 Chi cục THADS đều có trụ sở làm việc khang trang, cơ sở vật chất và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cơ quan Thi hành án dân sự đã chủ động đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính như: xây dựng quy chế làm việc, quy chế dân chủ, quy chế tiếp dân, quy chế chi tiêu; tổ chức lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn, biển cơ quan, biển các phòng làm việc, biển chức danh. Đối với công tác tiếp công dân giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo đã lập đường dây nóng, đặt hòm thư góp ý, bố trí lịch tiếp dân, phòng tiếp dân. Khi tiếp nhận đơn, thư của công dân, phải nhanh chóng phân loại và xử lý kịp thời, bảo đảm đúng thời gian quy định. Đội ngũ cán bộ, công chức đã có thay đổi về tác phong, lề lối làm việc; thủ trưởng các cơ quan THA đã chỉ đạo cán bộ mặc trang phục của ngành, đeo thẻ cán bộ khi đi làm nhiệm vụ…

Kết luận số 92-KL ngày 12.3.2014 của Bộ Chính trị xác định: “Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 về cơ bản là đúng đắn. Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương cần phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, tiếp tục thực hiện mục tiêu, quan điểm, phương hướng cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX vẫn còn phù hợp. Đồng thời, quán triệt nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng nêu trong các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI và các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 có liên quan đến tổ chức, hoạt động tư pháp”. Tiến trình cải cách tư pháp giai đoạn 2010-2015 trong Văn kiện Đại hội đại biểu tỉnh đảng bộ lần thứ XVII xác định: “Đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; khắc phục oan, sai, án phải cải, sửa, huỷ; nâng cao chất lượng tố tụng, chất lượng thực hành quyền công tố và chất lượng tranh tụng tại toà; nâng cao năng lực của cơ quan thi hành án dân sự; xây dựng các chế định và đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bổ trợ pháp lý”. Vì vậy, hoạt động thi hành án dân sự trong thời gian tới cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau: (i) Bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, của tỉnh, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết luận số 92 ngày 12.3.2014 về tiếp tục triển khai Nghị quyết số 49, Kế hoạch số 39-KH/TU ngày 25.7.2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2.6.2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai cải cách tư pháp trong cơ quan Thi hành án dân sự; (ii) Thủ trưởng cơ quan thi hành án hai cấp làm tốt công tác tham mưu cho Ban Thường vụ, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự trong lãnh đạo và chỉ đạo các hoạt động thi hành án dân sự (iii) Tập trung triển khai Luật Thi hành án dân sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về thi hành án dân sự; (iv) Đẩy mạnh phong trào thi đua chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, cơ quan Thi hành án hai cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác năm 2015 theo Nghị quyết của Quốc hội; (v) Cục Thi hành án dân sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, trong việc tổ chức thi hành đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục trong thi hành bản án, quyết định của Tòa án; đảm bảo tổ chức thi hành có hiệu quả đối với những vụ việc trọng điểm, những vụ việc tồn đọng, kéo dài, những vụ việc có giá trị tài sản lớn, những vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng; (vi) Cục và các Chi cục tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả quy chế phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự, làm tác công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, quan tâm hướng về cơ sở, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ của Chấp hành viên; (vii) Cục Thi hành án tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức toàn ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tiến trình cải cách tư pháp và hội nhập.

Vũ Hoàng Thụ

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự