1. Khoản 28, Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Luật số 64) sửa đổi, bổ sung Điều 69 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (Luật số 26) tại khoản 4 quy định:
“ Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này; trường hợp có căn cứ xác định tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.”
Theo quy định nêu trên, sau khi áp dụng biện pháp bảo đảm tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ, Chấp hành viên phải xử lý vấn đề theo các hướng sau:
+ Nếu xác định được tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.
+ Nếu xác định tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì phải chấm dứt biện pháp bảo đảm đó.
Xuất phát từ góc độ lý luận, vấn đề nêu trên đã đưa ra phần giả định bao gồm “xác định được tài sản là thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án” và “xác định tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án” và gắn với đó là phần quy định trách nhiệm của Chấp hành viên tương ứng với phần giả định. Tuy nhiên, xét về các hoạt động nghiệp vụ thi hành án dân sự thì điều luật trên chưa đủ phần “giả định”, tức là chưa xác định hết các tình huống thực tế có thể xảy ra để quy định trách nhiệm của Chấp hành viên. Điều này gây khó khăn cho hoạt động của Chấp hành viên khi rơi vào đúng trường hợp mà điều luật không quy định trách nhiệm, như vậy rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như chất lượng của chính hoạt động nghiệp vụ của Chấp hành viên.
Trở lại vấn đề trên, điều luật chưa giả định trường hợp “xác định được tài sản là thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án nhưng họ đã thực hiện xong toàn bộ quyền, nghĩa vụ của mình” để đưa ra phần quy định trách nhiệm của Chấp hành viên.
Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự, theo quan điểm của cá nhân tôi trong điều luật nêu trên cần sửa đổi, bổ sung khoản 4 nêu trên đầy đủ như sau:
“ Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này; trường hợp có căn cứ xác định tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án hoặc xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án nhưng họ đã thực hiện xong toàn bộ quyền, nghĩa vụ của mình, Chấp hành viên phải ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.”
2. Khoản 20, Điều 1 Luật số 64 sửa đổi, bổ sung Điều 47 Luật số 26 như sau:
“ Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền, tài sản thi hành án, Chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Trường hợp đương sự không đến nhận thì tiền, tài sản đó được xử lý theo quy định tại Điều 126 của Luật này.”
Điều 126 Luật số 26 quy định về xử lý đối với tài sản:
“ Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì Chấp hành viên xử lý tài sản theo quy định tại các điều 98, 99 và 101 của Luật này và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự.
Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ Nhà nước.”
Điều 21 Luật số 64 bổ sung điểm e vào khoản 1 Điều 48 Luật số 26:
“ Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp sau đây:
…
e) Người được nhận tài sản, người được giao nuôi dưỡng đã được thông báo hợp lệ 02 lần về việc nhận tài sản, nhận người được nuôi dưỡng nhưng không đến nhận.”
Từ những quy định nêu trên, có thể thấy một số bất cập như sau:
Thứ nhất, trong thời gian hoãn thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xử lý tài sản theo điều 98, 99 và 101, tức là vẫn định giá, bán tài sản.
Thứ hai, sau khi đủ các điều kiện, cơ quan Thi hành án dân sự đã sung quỹ Nhà nước số tiền thu được thì xử lý quyết định hoãn thi hành án như thế nào là vấn đề chưa rõ. Cơ quan Thi hành án dân sự ban hành quyết định tiếp tục thi hành án thì không có đủ căn cứ theo khoản 4 Điều 48, nếu mặc nhiên xác định hồ sơ thi hành án đã giải quyết để đưa vào lưu trữ cũng chưa được thuyết phục.
3. Khoản 20, Điều 1 Luật số 64 sửa đổi Điều 47 Luật số 26:
“1. Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này được thanh toán theo thứ tự sau đây:
…
Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này.”
Trong cùng một Điều luật nêu trên đã sử dụng 02 thuật ngữ khác nhau “chi phí thi hành án” và “chi phí cưỡng chế”, trong khi đó, giải thích từ ngữ tại Điều 2 chỉ nói về “chi phí cưỡng chế thi hành án”, tại Điều 73 cũng chỉ liệt kê các loại chi phí gọi chung là “chi phí cưỡng chế”. Trong Luật Thi hành án dân sự không còn bất kỳ điều nào quy định về “chi phí thi hành án”.
Vận dụng các cách hiểu khác nhau, có thể xác định, “chi phí thi hành án” rộng hơn “chi phí cưỡng chế thi hành án”, tuy nhiên cũng không thể chỉ ra được bất kỳ một loại chi phí nào nằm ngoài phạm vi đã được quy định là “chi phí cưỡng chế”.
4. Quy định điều kiện về thời gian, mức tiền để được xem xét miễn, giảm nghĩa vụ xét về góc độ kỹ thuật lập pháp chưa phù hợp và rối rắm. Cụ thể, tại khoản 3 Điều 61 quy định:
“ Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì được xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án khi có một trong các điều kiện sau đây:
Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án;
Hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần năm số tiền còn lại phải thi hành án nhưng tối đa không quá 50.000.000 đồng.”
Nhìn vào quy định trên, xét về tính logic có thể suy luận, nếu trường hợp thời hạn kể từ ngày ra quyết định thi hành án đạt trên 05 năm thì phải áp dụng điểm a, nếu thời hạn trên 10 năm thì phải áp dụng điểm b, sau đó xét đến số tiền tương ứng với từng điểm để xác định có đủ điều kiện đưa ra xét giảm hay không. Hay có thể nói cách khác, thời hạn là điều kiện “cần” và số tiền còn phải thi hành là điều kiện “đủ”. Chỉ khi nào hội đủ cả 2 điều kiện thì việc thi hành án mới được coi là đủ điều kiện.
Nếu chỉ xét ở góc độ logic thì điều luật trên quy định đảm bảo được quyền lợi của người phải thi hành án. Tuy nhiên, ở góc độ thực tế thì chưa có tính khoa học. Ví dụ: Kể từ ngày ra quyết định thi hành án đến thời điểm xem xét đã đủ trên 10 năm, tuy nhiên số tiền còn phải thi hành án lại ít hơn 10.000.000 đồng. Giải quyết tình huống này, có ý kiến cho rằng vẫn có thể xem xét giảm theo điểm b khoản 5 Điều 61 vì điểm b còn cho phép xét giảm đối với số tiền còn phải thi hành trên 100.000.000 đồng huống chi là đối với số tiền dưới 10.000.000 đồng. Cũng có ý kiến khác cho rằng không đủ điều kiện xét giảm vì mặc dù số tiền phải thi hành án thỏa mãn điểm a nhưng về thời hạn lại thỏa mãn điểm b mà theo tuần tự áp dụng thì vấn đề thời hạn phải được xét trước tiên sau đó sẽ áp dụng quy định tương ứng như phân tích ở trên. Tức là ý kiến này cho rằng về thời gian và số tiền phải thi hành án không đáp ứng được đầy đủ điều kiện “cần”(thời gian) và “đủ”(số tiền phải thi hành) nên không được xét giảm. Tức là cơ quan thi hành án phải tiếp tục thi hành theo thủ tục chung.
Như vậy, dù là theo ý kiến nào cũng có mặt hợp lý và cũng có mặt chưa hợp lý. Điều luật quy định như vậy là chưa đáp ứng được yêu cầu, kỹ thuật lập pháp.
Từ những phân tích và ví dụ nêu trên, có thể thấy rằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã cơ bản khắc phục được những bất cập do yêu cầu vận động, phát triển của các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, cũng cần kịp thời, nghiên cứu, hướng dẫn đối với những quy định còn đưa đến nhiều cách hiểu khác nhau, khó áp dụng trên thực tế làm ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác thi hành án dân sự.
Lương Thanh Tùng
Chi cục THADS huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương