Hội nghị đã nghe đại diện lãnh đạo Cục THADS tỉnh báo cáo tình hình, kết quả tổ chức thi hành án đối với các vụ việc liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong 05 năm (2015-2019) và 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó, trong thời gian qua, các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã xác định việc tổ chức thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để bảo đảm cho việc hoàn tành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đồng thời góp phần hỗ trợ các tổ chức tín dụng, ngân hàng thu hồi các khoản nợ xấu. Chính vì vậy, nhiều biện pháp, giải pháp về quản lý điều hành, chuyên môn nghiệp vụ được áp dụng khá đồng bộ, hiệu quả, như: Giao chỉ tiêu thực hiện hàng năm cho các Chấp hành viên; thành lập Tổ chỉ đạo xử lý nợ xấu để bám cơ sở, tham gia vận động và chỉ đạo đối với các vụ việc khó khăn, vướng mắc; tăng cường công tác kiểm tra và tự kiểm tra; tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo THADS cùng cấp chỉ đạo giải quyết đối với những khó khăn, vướng mắc trong phối hợp thi hành án dân sự, nhất là đối với án liên quan đến tín dụng, ngân hàng; tập huấn nâng cao trình độ và kỹ năng tổ chức thi hành án cho đội ngũ Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án… Nhờ vậy, kết quả thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng hàng năm đạt khá cao, năm sau luôn cao hơn năm trước (đã giải quyết xong 243 việc, thu hồi cho các ngân hàng với số tiền trên 730 tỷ đồng), góp phần quan trọng giảm tỷ lệ nợ xấu cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa thực sự bền vững, lượng việc, tiền có điều kiện đang thi hành vẫn còn nhiều (263 việc/689,3 tỷ đồng), một số vụ việc khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm.
Tại Hội nghị, với tinh thần hợp tác, trách nhiệm, đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An, các tổ chức tín dụng, ngân hàng và cơ quan THADS đã cùng nhau đánh giá, chia sẻ, trao đổi, nhìn nhận thẳng thắn những tồn tại, cũng như khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thi hành án đối với loại án tín dụng ngân hàng, như: Phần lớn các đối tượng phải thi hành án trong loại việc này đều có nghĩa vụ trả những khoản nợ rất lớn do làm ăn thua lỗ, dẫn tới điều kiện kinh tế, thu nhập khó khăn, chỉ có nhà và đất là tài sản duy nhất; nhiều trường hợp tài sản thế chấp là của bên thứ ba nên ý thức chấp hành không cao, không có sự hợp tác, thậm chí là chống đối quyết liệt; rất nhiều tài sản sau khi đã kê biên bán đấu giá không có người mua, có những vụ việc đã qua nhiều lần giảm giá vẫn không bán được, trong khi đó, bên được thi hành án là các ngân hàng cũng không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án theo quy định, dẫn đến việc thi hành án tồn đọng, kéo dài; tính pháp lý của tài sản thế chấp, nhất là quyền sử dụng đất trong nhiều vụ việc chưa rõ ràng, có tranh chấp, thậm chí có tài sản thế chấp không xác định đúng số lượng, hoặc diện tích đất thế chấp bị chồng lấn; chất lượng, quy trình thẩm định cho vay vốn của một số ngân hàng còn chưa đảm bảo, dẫn đến giá trị tài sản tại thời điểm kê biên thấp hơn nhiều so với khoản nợ vay; tính pháp lý của một vài tài sản chưa bảo đảm; nhiều vụ việc tài sản thế chấp là phương tiện giao thông, nhưng đến giai đoạn tổ chức thi hành án không xác định được tài sản đang ở đâu…
Xác định việc giải quyết có hiệu quả đối với án tín dụng, ngân hàng sẽ góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng, khơi thông dòng tiền lưu thông theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời là giải pháp trọng tâm quyết định đến kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh. Kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Quốc Nam, Cục trưởng Cục THADS tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong giải quyết đối với án liên quan đến tín dụng, ngân hàng, theo đó về phía cơ quan thi hành án dân sự cần phải: (i) Luôn bám sát, quán triệt, phổ biến Nghị quyết của Chính phủ, Chương trình hành động của Bộ Tư pháp, Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng nhà nước và Bộ Tư pháp trong xử lý nợ xấu và Kế hoạch triển khai của Tổng cục đến các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh; (ii) Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Cục và phát huy vai trò của Tổ công tác xử lý nợ xấu trong quá trình chỉ đạo, giải quyết án tín dụng, ngân hàng; (iii) Tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo và xử lý nghiêm trách nhiệm đối với việc chậm thi hành án dân sự nói chung và các việc liên quan án tín dụng, ngân hàng nói riêng; (iv) Tranh thủ sự chỉ đạo, quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp, các ngành liên quan trong việc tổ chức thi hành các bản án liên quan đến tín dụng, ngân hàng; (v) Phối hợp kịp thời với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An để chỉ đạo hoặc kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn phối hợp tốt với các cơ quan Thi hành án dân sự để xử lý có hiệu quả đối với các loại vụ việc này; (vi) Tổng hợp, đánh giá kết quả thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng báo cáo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, nhất là làm rõ nguyên nhân dẫn đến án tín dụng ngân hàng ngày càng nhiều, lượng tiền phải thi hành lớn… Về phía các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần phải: (i) Nâng cao chất lượng thẩm định tài sản cầm cố, thế chấp đảm bảo cho khoản vay sát với giá thị trường tại thời điểm cho vay, nhất là khi nhận tài sản thế chấp là động sản có đăng ký như xe ô tô, máy xúc, máy đào… thì cần nắm được việc tài sản đó đang được bên vay lưu thông, sử dụng ở địa điểm nào cụ thể để thuận lợi khi xử lý tài sản; (ii) Phối hợp đề nghị Tòa án khi xét xử cần tuyên rõ nghĩa vụ phải thi hành án đối với từng tài sản thế chấp, xác định cụ thể số tiền đối với từng hợp đồng thế chấp để cơ quan Thi hành án dân sự có cơ sở đẩy nhanh tiến độ trong quá trình tổ chức thi hành án… Tuyệt đối không thỏa thuận cho phép thi hành dần trong bản án, ảnh hưởng đến kết quả thi hành án; (iii) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên ngân hàng, tổ chức tín dụng có nghĩa vụ phải thi hành án thì ngân hàng, tổ chức tín dụng phải gương mẫu chấp hành bằng việc tự nguyện thi hành, không để cơ quan THADS phải áp dụng biện pháp cưỡng chế; (iv) Nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức thi hành các vụ việc tín dụng, ngân hàng; (v) Thực hiện các quyết định về phong tỏa, khấu trừ tiền trong tài khoản theo quy định của Luật THADS và pháp luật về tín dụng, ngân hàng khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp đảm bảo, quyết định cưỡng chế thi hành án của Chấp hành viên; (vi) Có cơ chế nhận lại tài sản đã bán đấu giá từ sau lần giảm giá thứ hai trở đi mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành để trừ vào số tiền được thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Luật Thi hành án dân sự; (vii) Có cơ chế miễn, giảm lãi thật cụ thể, thống nhất cho người phải thi hành án. Tích cực phối hợp với các cơ quan Thi hành án dân sự trong việc xem xét, quyết định hỗ trợ tiền thuê nhà cho người phải thi hành án theo quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật Thi hành án dân sự; thoả thuận với người đăng ký mua tài sản về cách thức giải quyết đối với các khoản thuế, phí liên quan trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm; (viii) Phối hợp phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo kịp thời các trường hợp nhũng nhiễu, vi phạm đến Cục trưởng và Chi cục trưởng các Chi cục Thi hành án dân sự để kịp thời xem xét, giải quyết, tránh trường hợp gửi không đúng cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến mất thời gian trả lời, ảnh hưởng đến hiệu quả tổ chức thi hành án.
Cục THADS tỉnh Nghệ An