Thanh Hóa, tập trung mọi nguồn lực cho việc giải quyết án, tiếp tục phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trong những tháng cuối năm 2020

28/07/2020
Nhằm quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự năm 2020 được giao theo Nghị quyết của Quốc hội, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ưu tiên, tập trung mọi nguồn lực cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đó là đôn đốc, tổ chức thi hành án. Đây cũng là Kết luận của Cục trưởng Bùi Mạnh Khoa tại Hội nghị giao ban công tác thi hành án dân sự, hành chính 09 tháng đầu năm 2020 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa vào ngày 17/7/2020. Bên cạnh đó, Cục Thi hành án dân sự cũng đã triển khai thực hiện đồng bộ một loạt các giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, “sát cánh” cùng các cơ quan Thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành án.

Tính đến hết tháng 06/2020, Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa đạt 69,42% về việc và 18,53% về tiền, kết quả đạt được này chưa đáp ứng và tỷ lệ về tiền còn xa so với chỉ tiêu được giao. Sở dĩ con số này còn thấp là vì nhiều nguyên nhân:
Số tiền phải thi hành tăng đột biến (tăng 1.678.220.754 đồng tương đương 114% so với cùng kỳ năm 2019), nhất là những vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng. Nhiều tài sản là nhà, đất, xe ô tô, tàu biển vv… khi ngân hàng nhận thế chấp không xác minh rõ ràng về tài sản; định giá tài sản quá cao so với giá trị thực tế hoặc nhận thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, đến khi Chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản gặp nhiều khó khăn từ việc định giá tài sản, xác định tài sản ở đâu hoặc tìm kiếm tài sản, dẫn đến việc án không có điều kiện thi hành với số tiền lớn.
Vẫn còn lượng việc tương đối lớn thuộc diện chưa có điều kiện thi hành tồn đọng kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa có cơ chế giải quyết, tính đến hết tháng 6/2020, toàn tỉnh có 1.773 việc chưa có điều kiện thi hành trên tổng số 15.392 tổng số việc phải thi hành (đã trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng), số vụ việc này là do người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, bỏ đi khỏi địa phương, không rõ địa chỉ, không có tài sản để thi hành án. Mặc dù thời gian kéo dài song họ vẫn không có khả năng để thi hành một phần nghĩa vụ, cho nên các trường hợp này vẫn không thực hiện được việc xét miễn, giảm thi hành án vì không đủ điều kiện, đây là nguyên nhân dẫn đến án tồn đọng và tiếp tục tăng.
Từ tháng 02/2020, do dịch bệnh Covid-19 nên cả hệ thống chính trị vào cuộc tập trung cho phòng chống dịch bệnh, một số công tác tổ chức thi hành án nói chung và công tác phối hợp gặp nhiều khó khăn (nhiều vụ việc phải tạm dừng việc xác minh điều kiện thi hành án, việc cưỡng chế có huy động lực lượng, các cuộc họp liên ngành để bàn biện pháp tổ chức thi hành hoặc nhiều vụ việc giao tài sản nhưng chưa thực hiện được do thiếu thành phần…) đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, kết quả thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ.
Trong bối cảnh tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thị trường, nhiều doanh nghiệp vay vốn Ngân hàng không có khả năng thanh toán nợ, đồng nghĩa với việc các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại phát sinh với số tiền phải thi hành án tăng lên nhanh chóng. Các vụ việc có giá trị phải thi hành lớn liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng chiếm 53% tổng số tiền phải thi hành án trong khi việc xử lý tài sản đảm bảo mất nhiều thời gian; việc kê biên, xử lý tài sản thế chấp gặp nhiều khó khăn như việc thẩm định giá trị tài sản trước khi cho vay của các tổ chức tín dụng cao hơn nhiều so với giá trị thực tế khi cơ quan Thi hành án tiến hành kê biên, bán đấu giá; nhiều tài sản thế chấp khi tiến hành xác minh đã bị thay đổi hiện trạng, thậm chí không còn trên thực tế để xử lý; một số tài sản thế chấp là xe ô tô đến giai đoạn tổ chức thi hành án không thể xác định được các xe này đang hoạt động ở đâu, do ai quản lý, thậm chí đã bị chuyển nhượng trái phép.
Một số quy định của pháp luật bất cập, không còn phù hợp với thực tế hoặc chồng chéo, thiếu cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền cũng như cơ chế xử lý nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Đặc biệt là các quy định của pháp luật có liên quan đến thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Chính sách pháp luật về công khai, đăng ký và quản lý tài sản, đặc biệt là cơ chế giám sát thu nhập, tài sản đối với cá nhân, tổ chức đang trong quá trình hoàn thiện.
Tài sản thi hành án bán đấu giá nhiều lần không thành, nhiều vụ việc đã kê biên, định giá bán đấu giá tài sản, mặc dù đã giảm giá nhiều lần nhưng vẫn không có người mua do không có người mua hoặc do tâm lý ngại mua tài sản thi hành án dẫn đến việc thi hành án kéo dài.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nan giải là vậy, song tại Hội nghị giao ban công tác thi hành án dân sự, hành chính 9 tháng năm 2020, hầu hết các Chi cục đều quyết tâm phấn đấu và dự báo sẽ hoàn thành chỉ tiêu vào những tháng cuối cùng của năm công tác. Cũng tại Hội nghị, Cục trưởng nhấn mạnh, không vì bất kì lý do gì mà chúng ta không tập trung mọi nguồn lực cho việc giải quyết án, nổ lực hơn nữa ở những tháng còn lại của năm công tác để hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Cùng với đó, Cục trưởng đã yêu cầu Phòng nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án chủ động, tích cực tham mưu giúp Lãnh đạo Cục giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc mà các Chi cục báo cáo, đề xuất, kiến nghị, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án, đặc biệt là những vụ án có điều kiện thi hành mà có giá trị lớn, có thể trực tiếp xuống địa bàn hoặc rút hồ sơ lên để nghiên cứu, nhanh chóng có phương án hỗ trợ giải quyết vụ việc đạt kết quả; Phòng Kiểm tra và Giải quyết khiếu nại, tố cáo tham mưu giải quyết đảm bảo đúng quy trình, thời hạn đối với các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc xin ý kiến chỉ đạo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo để kéo dài việc thi hành án; các Phòng chuyên môn còn lại thuộc Cục khẩn trương tham mưu giải quyết ngay các đề xuất đang còn tồn đọng thuộc phạm vi, trách nhiệm tham mưu của Phòng.
Đối với các Chi cục, cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, phân loại chính xác án có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành; tập trung giải quyết dứt điểm những việc có điều kiện thi hành, nhất là những vụ việc đơn giản, đặc biệt trú trọng vụ việc có giá trị lớn liên quan đến tín dụng ngân hàng; tập trung chỉ đạo thật sát sao, có các biện pháp cụ thể giải quyết phù hợp để thi hành án đạt kết quả, trong đó cần gắn trách nhiệm cá nhân Chấp hành viên, Chi cục trưởng về kết quả đôn đốc, tổ chức thi hành án.
Bên cạnh những yêu cầu chung đó, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa cũng đưa ra các giải pháp cụ thể chung trong 03 tháng cuối năm 2020 đó là:
Trong thời gian còn lại của năm 2020 (còn hơn 2 tháng) các đồng chí Chi cục trưởng phải nắm chắc tình hình và có biện pháp nâng cao tỷ lệ giải quyết án về cả việc và tiền.
Đối với các vụ việc đang bán đấu giá, sau khi giảm giá lần thứ hai mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc đấu giá không thành thì khi đến kỳ báo cáo theo dõi sát và chỉ đạo Chấp hành viên phải đối trừ giá trị tài sản và đưa sang số tiền chưa có điều kiện thi hành theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2019/TT- BTP ngày 21/11/2019 của Bộ Tư pháp; tiếp tục rà soát chặt chẽ các vụ việc có thể xử lý ngay được trong năm để xử lý triệt để, không được để dành việc.
Liên quan đến công tác thẩm định giá tài sản trong thời gian qua cho thấy hầu hết các vụ việc có giá thẩm định quá cao, số lượng vụ việc bán được lần 1, lần 2 là quá ít, nhiều vụ việc phải hạ giá rất nhiều lần, các nội dung cụ thể đã được chỉ đạo tại Công văn số 272/CTHADS - NV ngày 17/4/2020 của Cục, Cục Thi hành án dân sự yêu cầu các đồng chí Chi cục trưởng phải thực hiện nghiêm túc, trong đó đặc biệt phải giám sát Chấp hành viên thuộc quyền quản lý trong việc lựa chọn ký kết hợp đồng thẩm định giá, hợp đồng bán đấu giá tài sản đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản có uy tín, có chất lượng; kiên quyết không ký hợp đồng với những đơn vị thẩm định giá, bán đấu giá không đủ điều kiện hoặc có vi phạm, có dấu hiệu tiêu cực trong  thẩm định giá, bán đấu giá tài sản hoặc kết quả thẩm định giá không phù hợp, chênh lệch lớn so với giá thị trường, bán đấu giá tài sản không hiệu quả, thiếu minh bạch; chỉ đạo Chấp hành viên căn cứ Chứng thư thẩm định giá rà soát, kịp thời phát hiện những bất thường trong việc thẩm định giá để yêu cầu giải trình rõ lý do, nếu có vi phạm phải có biện pháp khắc phục ngay.
Đối với việc báo cáo là lý do khác chưa giao được tài sản thì phải rà soát, đánh giá kỹ nguyên nhân của từng việc cụ thể và xây dựng giải pháp xử lý, nếu phát hiện sai phạm hoặc Chấp hành viên cố tình trì hoãn việc bán đấu giá mà không có lý do chính đáng phải kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định. Đối với việc báo cáo nêu là đương sự thoả thuận kéo dài thời hạn giao tài sản, đồng chí Chi cục trưởng phải giám sát chặt chẽ để yêu cầu Chấp hành viên thực hiện giao hoặc cưỡng chế giao tài sản ngay sau khi thời hạn thoả thuận đã hết mà người phải thi hành án vẫn không tự nguyện giao tài sản.
Các đơn vị phải có ngay kịch bản để giải quyết từng vụ việc cụ thể, rà soát từng Chấp hành viên để giao chỉ tiêu còn lại trong thời gian hơn hai tháng cuối năm; tập trung mọi nguồn lực, dành thời gian tối đa cho các Chấp hành viên giải quyết án, các công việc hành chính khác căn cứ vào tình hình của đơn vị để điều chỉnh cho phù hợp; tiếp tục rà soát triệt để các vụ việc đủ điều kiện miễn, giảm để phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án thực hiện các quy trình về xét miễn, giảm thi hành án trong năm công tác.
Đến nay, tuy chưa thể nhìn thấy ngay hiệu quả tức thì của các giải pháp nêu trên nhưng hy vọng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa cùng với sự nỗ lực, cố gắng, dốc toàn lực tập trung tổ chức thi hành án của toàn thể cán bộ, công chức, Chấp hành viên các Chi cục trên địa bàn tỉnh, tin tưởng rằng, Thanh Hóa sẽ vượt khó, hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu nhiệm vụ được giao năm 2020.
Lê Thị Phương