Điều 31 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có một điểm mới quy định: đơn yêu cầu thi hành án phải có nội dung: "Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án". Tiếp đến, tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 58/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “...Trường hợp đơn yêu cầu thi hành án…không nêu rõ thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án nhưng không yêu cầu xác minh thì cơ quan Thi hành án dân sự thông báo để đương sự bổ sung nội dung đơn yêu cầu trước khi ra quyết định thi hành án”. Đây là những chế định nhằm giúp cơ quan Thi hành án có ngay được các thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án mà người được thi hành án đã biết hoặc có khả năng xác minh và cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời cho việc thi hành án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính người được thi hành án.
Về xác minh điều kiện thi hành án Điều 44 Luật Thi hành án dân sự quy định: “…Nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã áp dụng nhưng không có kết quả kèm theo tài liệu chứng minh…”. Điều này cho thấy Chấp hành viên có nghĩa vụ xác minh điều kiện thi hành án khi người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được và có yêu cầu xác minh. Việc phải ghi rõ các biện pháp đã áp dụng nhưng không có kết quả kèm theo tài liệu chứng minh là để buộc người được thi hành án có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, trong trường hợp người được thi hành án là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất và tinh thần, thì hành vi dân sự của họ chưa được coi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thiết nghĩ các cơ quan thi hành án cần chấp nhận yêu cầu xác minh của họ mà không nên buộc họ phải ghi rõ các biện pháp đã áp dụng nhưng không có kết quả kèm theo tài liệu chứng minh.
Tại Điều 6 Nghị định 58/2009/NĐ-CP của Chính phủ, qui định: “ 1…Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án có yêu cầu. Trường hợp cơ quan , tổ chức, cá nhân đó từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do…2. ...Việc xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân được coi là không có kết quả khi người được thi hành án hoặc người được ủy quyền chứng minh đã trực tiếp yêu cầu bằng văn bản nhưng đã quá thời hạn 01 tháng kể từ ngày yêu cầu nhưng không nhận được văn bản trả lời của cơ quan tổ chức, cá nhân mà không có lý do chính đáng”. Từ điều luật này, có thể hiểu văn bản trả lời và nêu rõ lý do từ chối cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin; văn bản yêu cầu nhưng đã quá thời hạn 01 tháng nhưng không nhận được văn bản trả lời mà không có lý do chính đáng là tài liệu chứng minh cho việc người được thi hành án đã áp dụng biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được. Cả hai tài liệu chứng minh này đa phần người được thi hành án có thể làm được, bởi vậy các cơ quan thi hành án cần hướng dẫn cụ thể họ thực hiện được việc chứng minh, qua đó đảm bảo thực hiện đúng theo quy định pháp luật và bảo đảm quyền lợi của nhân dân./.
V.T.N