“Thu phí thi hành án dân sự, những vấn đề cần nghiên cứu từ một vụ việc cụ thể”

30/08/2010


Bản án dân sự phúc thẩm số 17, ngày 15/12/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương tuyên: “Buộc ông Vũ Xuân Đàn, trú tại số 8 đường Đền Thánh, khu 4, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương phải trả cho anh Dương Đức Cảnh, trú tại số 10 đường Đền Thánh, khu 4, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương 01 gian nhà xây lợp ngói mà ông Đàn đang ở được xây dựng trên diện tích đất 37,3 m2 tại tờ bản đồ số 07, thửa đất số 75 trong sổ địa chính của ủy ban nhân dân thị trấn Kẻ Sặt, có mốc giới gian nhà như sau:

+/ Phía Bắc rộng 3,77 m giáp hộ ông Huy;

+/ Phía Nam (mặt tiền) rộng 7,01 m giáp đường Đền Thánh;

+/ Phía Tây dài 9,37 m giáp hộ anh Cảnh (nguyên đơn);

+/ Phía Đông dài 9,82 m giáp hộ bà Cốm.”

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ngày 29/01/2008, anh Dương Đức Cảnh có đơn yêu cầu thi hành án. Căn cứ vào đơn yêu cầu, ngày 30/01/2008, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự huyện Bình Giang đã ra quyết định thi hành án số 43 cho thi hành khoản trả nhà nói trên đối với ông Vũ Xuân Đàn và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.

Trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên đã tiến hành đầy đủ các thủ tục tống đạt quyết định thi hành án và giấy báo tự nguyện thi hành án cho ông Vũ Xuân Đàn theo quy định của pháp luật.

Chấp hành viên phối hợp với đại diện chính quyền địa phương thị trấn Kẻ Sặt nhiều lần động viên, thuyết phục ông Vũ Xuân Đàn tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả nhà cho người được thi hành án, nhưng đều không có kết quả. Ông Vũ Xuân Đàn luôn đưa ra nhiều lý do xin khất thời gian để tự nguyện nhưng ông đều không thực hiện.

Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Giang xác định cần thiết phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với ông Vũ Xuân Đàn để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.

Ngày 05/7/2010, dưới sự chỉ đạo phối hợp của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Giang đã phối hợp cùng với các cơ quan hữu quan, đại diện chính quyền địa phương thị trấn Kẻ Sặt tiến hành cưỡng chế trả nhà đối với ông Vũ Xuân Đàn theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Sau khi tiến hành cưỡng chế trả nhà cho người được thi hành án là anh Dương Đức Cảnh, căn cứ quy định tại Điều 34 Nghị định số 58/2006/NĐ - CP, ngày 13/7/2009 của Chính phủ, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Giang xác định anh Dương Đức Cảnh thuộc đối tượng phải chịu phí thi hành án dân sự tính trên giá trị tài sản anh được nhận.

Tuy nhiên để có căn cứ thu phí thi hành án đối với anh Dương Đức Cảnh, có 2 vấn đề chúng tôi nêu ra cần trao đổi như sau:

Vấn đề thứ nhất:

Cần xác định những tài sản anh Dương Đức Cảnh được nhận như thế nào?

Về vấn đề này, hiện nay có 2 quan điểm như sau:

+/ Quan điểm thứ nhất:

Cơ quan Thi hành án tiến hành cưỡng chế trả nhà cho anh Dương Đức Cảnh theo đúng nguyên trạng, mốc giới gian nhà mà bản án đã tuyên, bên cạnh đó vì đặc thù ngôi nhà là loại bất động sản gắn liền với đất nên đồng thời với việc trả nhà, bắt buộc phải trả cả quyền sử dụng đất gắn liền với gian nhà. Do đó, những tài sản mà anh Dương Đức Cảnh được nhận bao gồm 01 gian nhà và cả quyền sử dụng đất gắn liền. Như vậy, cần phải xác định giá trị của gian nhà và quyền sử dụng đất gắn liền với gian nhà để làm căn cứ thu phí thi hành án đối với anh Dương Đức Cảnh.

+/ Quan điểm thứ hai:

Bản án xác định đây là vụ kiện đòi nhà cho thuê nên đã không tuyên giá trị và không tính án phí có giá ngạch, hơn nữa tại phần quyết định của bản án chỉ tuyên nghĩa vụ trả nhà chứ không tuyên buộc phải chuyển giao quyền sử dụng đất gắn liền với nhà. Cơ quan Thi hành án khi ra quyết định Thi hành án cũng chỉ ghi “cho thi hành khoản trả nhà đối với ông Vũ Xuân Đàn”; Căn cứ vào đó, quyết định cưỡng chế của Chấp hành viên cũng chỉ ghi là Quyết định cưỡng chế trả nhà. Như vậy, có thể thấy trong các căn cứ quan trọng để xác định tài sản phải giao mà cũng là tài sản mà anh Dương Đức Cảnh được nhận chỉ là 01 gian nhà theo án tuyên chứ không bao gồm quyền sử dụng đất gắn liền. Như vậy, anh Dương Đức Cảnh chỉ phải chịu phí thi hành án dân sự tính trên giá trị của gian nhà mà anh được nhận chứ không bao gồm cả giá trị của quyền sử dụng đất gắn liền.

Cá nhân tôi đồng ý với quan điểm thứ 2 vì những lý do sau đây:

Việc cưỡng chế trả nhà đối với ông Vũ Xuân Đàn theo quyết định của bản án là 1 biện pháp cưỡng chế nằm trong nhóm các biện pháp cưỡng chế cụ thể quy định tại Mục 9 Luật Thi hành án dân sự ngày 14/11/2008 bao gồm: Cưỡng chế trả vật (Điều 114); Cưỡng chế trả nhà, giao nhà (Điều 115); Cưỡng chế trả giấy tờ (Điều 116); Cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất (Điều 117).

Trong phần quyết định của bản án chỉ tuyên nghĩa vụ trả nhà đối với ông Vũ Xuân Đàn, về diện tích 37,3 m2 được hiểu là diện tích đất mà gian nhà chiếm chỗ, (thực chất đây là diện tích nhà) các đặc điểm như số tờ bản đồ, số thửa đất chính là đặc điểm để xác định vị trí đất mà ngôi nhà tọa lạc. Cùng với các đặc điểm tứ cận, đây là những căn cứ cần thiết nhất để xác định vị trí chính xác của một bất động sản gắn liền trên đất. Cần phải hiểu thật rõ để tránh nhầm lẫn rằng Tòa án tuyên như vậy là bao gồm cả nghĩa vụ chuyển giao quyền sử dụng đất.

Bản chất của vụ án được xác định là đòi lại nhà cho thuê, quyền sử dụng đất là sở hữu hợp pháp của bố mẹ anh Dương Đức Cảnh đã được xác lập trước khi xảy ra vụ kiện, Tòa án khi giải quyết vụ việc không nhận định lại về quyền sử dụng đất và do đó cũng không thể buộc ông Vũ Xuân Đàn phải trả lại quyền sử dụng đất cho anh Dương Đức Cảnh.

Vì những lý do trên, tại phần quyết định của bản án chỉ tuyên ông Vũ Xuân Đàn phải trả cho anh Dương Đức Cảnh 01 gian nhà xây lợp ngói có các đặc điểm như đã mô tả mà không buộc ông Vũ Xuân Đàn phải chuyển giao quyền sử dụng đất gắn liền với gian nhà nói trên cho anh Dương Đức Cảnh. Điều 117 Luật Thi hành án dân sự ngày 14/11/2008 quy định: “ Trường hợp bản án, quyết định tuyên nghĩa vụ chuyển giao quyền sử dụng đất thì Chấp hành viên tổ chức giao diện tích đất cho người được thi hành án...”. Do đó, cơ quan Thi hành án chỉ có quyền cưỡng chế trả 01 gian nhà cho anh Dương Đức Cảnh theo đúng những gì mà bản án tuyên chứ không thể tổ chức cưỡng chế chuyển giao cả quyền sử dụng đất gắn liền với gian nhà được.

Từ những lập luận trên có thể thấy rằng, tài sản mà cơ quan Thi hành án có thẩm quyền cưỡng chế trả cho anh Dương Đức Cảnh mà cũng là tài sản mà anh Dương Đức Cảnh được nhận chỉ bao gồm 01 gian nhà xây lợp ngói có các đặc điểm mô tả như trên, do đó anh Dương Đức Cảnh chỉ phải chịu phí thi hành án dân sự tính trên giá trị gian nhà.

Vấn đề thứ hai:

Việc định giá để thu phí thi hành án được tiến hành như thế nào?

Về vấn đề này hiện nay có 2 quan điểm thực hiện như sau:

+/ Quan điểm thứ nhất:

Hiện nay, Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 58/2009/NĐ-CP, ngày 13/7/2009 của Chính phủ chưa có quy định cụ thể về hình thức tổ chức định giá tài sản để thu phí thi hành án, do đó có thể áp dụng tinh thần được quy định tại Phần II Mục 2 điểm b.2 Thông tư liên tịch số 68/2008/TTLT-BTC-BTP, ngày 21/7/2008 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án. Theo đó, “... Nếu quyết định của Tòa án không tuyên giá trị tài sản hoặc có tuyên nhưng không còn phù hợp (thay đổi quá 20%) so với giá thị trường tại thời điểm thu phí thì cơ quan thi phí lập Hội đồng định giá tài sản để xác định phí thi hành án phải nộp của người được thi hành án...” Và “... Việc định giá, định giá lại tài sản và bán đấu giá tài sản để thu hồi tiền phí thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án”.

Như vậy, có thể thấy nếu áp dụng các quy định nêu trên thì việc định giá tài sản để thu phí thi hành án phải được thực hiện bởi Hội đồng định giá tài sản. Thẩm quyền ra quyết định thành lập Hội đồng định giá cũng như thành phần được áp dụng tương tự quy định tại điều 43 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004.

+/ Quan điểm thứ hai:

Tại khoản 1 Điều 33 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP, ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự quy định “Trường hợp Tòa án không tuyên giá trị của tài sản hoặc có tuyên nhưng không còn phù hợp (thay đổi quá 20%) so với giá thị trường tại thời điểm thu phí thì cơ quan thu phí tổ chức định giá tài sản để xác định phí thi hành án phải nộp của người được thi hành án...”

   Như vậy, trong các quy định pháp luật hiện hành không có quy định về việc phải thành lập Hội đồng định giá tài sản để thu phí thi hành án cũng như để xác định giá của tài sản kê biên. Việc thành lập Hội đồng định giá tài sản là không có căn cứ.

Trong trường hợp này, Chấp hành viên thực hiện việc định giá theo đúng quy định tại Điều 98 Luật Thi hành án dân sự mà không thành lập Hội đồng định giá tài sản.

   Cá nhân tôi đồng ý với quan điểm thứ hai vì những lý do sau đây:

   Luật Thi hành án dân sự cũng như Nghị định số 58/2009/NĐ-CP không quy định hình thức tổ chức định giá như thế nào, nhưng nếu áp dụng theo tinh thần như trong trường hợp định giá tài sản kê biên được quy định tại Điều 98 Luật Thi hành án dân sự thì có thể thấy có các hình thức định giá như sau:

1. Do đương sự tự thỏa thuận về giá tài sản kê biên.

2. Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá.

3. Chấp hành viên tự xác định giá sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn.

   Các hình thức định giá nêu trên được áp dụng một cách tuần tự và trong từng điều kiện cụ thể.

   Ngoài ra trong hệ thống quy định pháp luật về thi hành án dân sự hiện hành không có quy định về bất kỳ hình thức định giá nào khác, ngay cả hình thức định giá tài sản thông qua Hội đồng định giá trước đây được quy định rất rõ tại Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 thì đến nay cũng không còn được quy định nữa. Nguyên tắc áp dụng pháp luật là được áp dụng những quy định không trái với pháp luật hiện hành, nhưng trong trường hợp này nếu vẫn áp dụng quy định về việc định giá tài sản thông qua Hội đồng định giá thì lại trái với quy định về các hình thức định giá mà điều 98 Luật Thi hành án dân sự đã đưa ra, như vậy là không đúng với nguyên tắc trên.

   Một lý do nữa, trong điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay khi mà Nhà nước ta đang có chủ trương xã hội hóa một số hoạt động công vụ, tức là cho phép sự tham gia của các cá nhân, tổ chức đủ điều kiện vào hoạt động đó. Tinh thần của Luật Thi hành án dân sự nói riêng và tinh thần cải cách Tư pháp nói chung đều thể hiện rõ vấn đề này. Theo cá nhân tôi, việc quy định về các hình thức định giá tài sản kê biên như đã phân tích ở trên là hoàn toàn phù hợp, trước tiên là đảm bảo tôn trọng sự thỏa thuận của các đương sự, tiếp theo nếu đương sự không thỏa thuận được thì tiến hành ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá để đảm bảo tính chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa cao (Tổ chức thẩm định giá có chức năng chuyên môn là xác định giá trị của các loại tài sản).

   Áp dụng vào trường hợp vụ ông Vũ Xuân Đàn, để xác định giá trị của gian nhà thì Chấp hành viên trước tiên cần làm việc với người phải thi hành án là ông Vũ Xuân Đàn và người được thi hành án là anh Dương Đức Cảnh để xem họ có thỏa thuận về giá trị của gian nhà không hoặc họ có thỏa thuận lựa chọn một tổ chức thẩm định giá nào để thẩm định không. Nếu họ thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá nào thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức đó. Trong trường hợp họ không thỏa thuận được về giá hoặc tổ chức thẩm định họ lựa chọn từ chối ký hợp đồng thì Chấp hành viên tiến hành ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Trường hợp cuối cùng nếu không thực hiện được việc ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên sẽ tiến hành tự xác định giá trị của gian nhà sau khi tham khảo ý kiến của cơ quan Kinh tế-hạ tầng, cơ quan Tài chính cùng cấp, chính quyền địa phương thị trấn Kẻ Sặt để làm căn cứ thu phí đối với anh Dương Đức Cảnh.

Trên đây là trao đổi về những quan điểm áp dụng trong một vụ việc cụ thể, rất mong nhận được sự tham gia đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp và những người quan tâm./.

Lương Thanh Tùng