Việc tổ chức thi hành phần dân sự trong bản án hình sự phúc thẩm

23/11/2010
Trên tạp chí Dân chủ & Pháp luật số tháng 11 (224) năm 2010 có bài “Hai ý kiến về việc thi hành phần dân sự trong một bản án hình sự phúc thẩm” của tác giả Đào Quang Trung - Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An. Đây là một vụ án mà trong thực tế việc tổ chức thi hành án dân sự có thể sẽ gặp không ít khó khăn do có nhiều ý kiến khác nhau.


Tóm tắt nội dung chính bài đã đăng như sau:

Trần Thị Liên và Phan Thị Trâm đã bàn nhau vay tiền của Ngân hàng để cho vay lại, lãi suất cao hơn. Liên và Trâm còn rủ rê, lôi kéo nhiều người khác dùng hồ sơ nhà đất thế chấp cho Ngân hàng công thương Việt Nam - Chi nhánh tại Nghệ An (ngân hàng) để vay tiền, sau đó Liên và Trâm vay lại, những người này được hưởng hoa hồng. trong nhiều hành vi của các bị cáo có trường hợp cụ thể sau đây:

Ngày 18/5/1995 được sự đồng ý của bà Trần Thị Tứ, Trâm đã dùng hồ sơ nhà, đất của bà Tứ để thế chấp vay tiền ngân hàng số tiền 200.000.000 đồng. Bà Tứ ký nhận tiền và giao cho Trâm vay. Cùng với nhiều hành vi tương tự của Trâm và các đương sự khác, sau khi đến hạn thanh toán thì những người này không có khả năng thanh toán cho ngân hàng, ngân hàng đã khởi kiện ra Tòa án để giải quyết. (vụ án đã qua 04 lần xét xử sơ thẩm và 04 lần phúc thẩm)

Bản án hình sự phúc thẩm số 640/HSPT ngày 25/7/2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tuyên:

“… Buộc bà Phan Thị Trâm phải hoàn trả cho bà Trần Thị Tứ số tiền 242.668.000 đồng để bà Trần Thị Tứ thanh toán số tiền nêu trên cho Ngân hàng công thương Việt Nam - Chi nhánh tại Nghệ An…

... Giao các tài sản thế chấp và các tài liệu liên quan đến tài sản thế chấp của các hộ Trần Thị Tứ,… cho Ngân hàng công thương Việt Nam - Chi nhánh tại Nghệ An quản lý để giải quyết theo quy định của pháp luật và theo hướng đã nhận định ở trên…”

Nội dung chính của hai ý kiến khác nhau về tổ chức thi hành án dân sự:

- Ý kiến thứ nhất cho rằng trong phần án tuyên như nêu trên được hiểu có thể chia thành hai phần nghĩa vụ thi hành án độc lập và ra hai quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu khác nhau: phần nghĩa vụ thứ nhất là “Buộc bà Phan Thị Trâm phải hoàn trả cho bà Trần Thị Tứ số tiền 242.668.000 đồng”. phần nghĩa vụ thứ hai là “bà Trần Thị Tứ thanh toán số tiền nêu trên (242.668.000 đồng) cho Ngân hàng ….” Theo đó, nếu bà Tứ không tự nguyện thi hành án thì cơ quan thi hành án có quyền kê biên, xử lý tài sản của bà Tứ để thi hành án mà không phụ thuộc vào việc bà Trâm đã “hoàn trả” cho bà Tứ số tiền trên hay chưa?

- Ý kiến thứ hai cho rằng trong phần án tuyên như nêu trên phải được hiểu là: nghĩa vụ thanh toán số tiền 242.668.000 đồng của bà Trần Thị Tứ cho Ngân hàng chỉ được thực hiện khi bà Trâm đã “hoàn trả” số tiền 242.668.000 đồng cho bà Tứ. Do đó, trong trường hợp này cơ quan thi hành án không được kê biên xử lý tài sản của bà Tứ để thi hành án.

Ý kiến trao đổi:

Việc tổ chức thi hành Bản án nêu trên trong thực tế quả thực không thể tránh khỏi có những ý kiến khác nhau. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến những ý kiến khác nhau đó xuất phát từ cách hiểu nội dung bản án không thống nhất. Với mong muốn tìm được tiếng nói chung trong việc tổ chức thi hành án dân sự đối với trường hợp cụ thể trên cũng như những trường hợp tương tự có thể gặp trong thực tế tôi mạnh dạn nêu ra ý kiến cá nhân, mong nhận được sự trao đổi của mọi người.

Đối với việc tổ chức thi hành Bản án mà bài viết đã nêu trên, theo quan điểm cá nhân tôi ủng hộ ý kiến thứ hai vì các lý do sau:

Thứ nhất: theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (LTHADS 2008) quy định Chấp hành viên có nhiệm vụ “Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định” có nghĩa là chấp hành viên phải thi hành đúng theo nội dung bản án, quyết định và nội dung này phải được hiểu theo cách hiểu chung nhất, đúng nhất, không được suy diễn. Trong nội dung bản án trên “Buộc bà Phan Thị Trâm phải hoàn trả cho bà Trần Thị Tứ số tiền 242.668.000 đồng để bà Trần Thị Tứ thanh toán số tiền nêu trên cho Ngân hàng công thương Việt Nam - Chi nhánh tại Nghệ An” phải được hiểu là một khoản thống nhất không thể tách rời (chú ý chữ “để” và cụm từ “số tiền nêu trên”). Nghĩa vụ trả tiền của bà Tứ cho Ngân hàng phụ thuộc vào nghĩa vụ “hoàn trả” của bà Trâm cho bà Tứ, ở đây không thể hiểu là hai nghĩa vụ độc lập cũng không thể hiểu là nghĩa vụ liên đới. Do đó, không thể chia thành hai phần nghĩa vụ độc lập và ra hai quyết định thi hành án như ý kiến thứ nhất được.

Thứ hai: xét về nội dung vụ án thì bà Trần Thị Tứ vừa là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vừa là người bị hại nên Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên như trên. Vì vậy, chúng ta có thể hiểu người thực sự có nghĩa vụ trả tiền cho Ngân hàng chính là bà Trâm và trả bằng cách gián tiếp thông qua bà Tứ, việc bà Tứ dùng số tiền bà Trâm “hoàn trả” để thanh toán cho Ngân hàng là hình thức, thủ tục để phù hợp với hợp đồng tín dụng mà bà đã ký nhận tiền và giao cho bà Trâm.

Thứ ba: hướng xử lý đối với tài sản thế chấp của bà Tứ. Vì, nghĩa vụ trả tiền của bà Tứ cho Ngân hàng phụ thuộc vào nghĩa vụ “hoàn trả” của bà Trâm cho bà Tứ. Do đó, Cơ quan thi hành án không được kê biên xử lý tài sản của bà Tứ để thi hành án khi bà Trâm chưa thực hiện xong nghĩa vụ “hoàn trả” tiền cho bà Tứ. Tuy nhiên, trong trường hợp này Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án “Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản” theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 66 LTHADS 2008. Tài sản thế chấp của bà Tứ chỉ được kê biên xử lý khi bà Trâm đã thực hiện nghĩa vụ “hoàn trả” tiền cho bà Tứ. Nhưng bà Tứ không tự nguyện thi hành án, không dùng số tiền bà Trâm trả để thanh toán cho Ngân hàng.

Từ những phân tích và nhận định trên, chúng tôi cho rằng để tổ chức thi hành Bản đã nêu đúng pháp luật thì điều quan trọng là cơ quan thi hành án phải xem nội dung bản án tuyên như trên là một thể thống nhất không thể tách rời, nghĩa vụ trả tiền của bà Tứ cho Ngân hàng phụ thuộc vào nghĩa vụ “hoàn trả” của bà Trâm cho bà Tứ.

Hồ Quân Chính