Định giá tài sản trong thi hành án dân sự

14/10/2010
Định giá tài sản là hoạt động quan trọng và thường được thực hiện trong thi hành án dân sự, nhất là khi cưỡng chế thi hành án dân sự. Định giá tài sản kê biên trong thi hành án dân sự hiện nay được quy định tại Điều 98, 99 và 104 Luật thi hành án dân sự năm 2008; Điều 15, 16 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Quy định về định giá tài sản trong thi hành án dân sự có nhiều đổi mới so với trước đây, vì vậy trong hoạt động nghiệp vụ thi hành án dân sự đòi hỏi các Chấp hành viên, cơ quan thi hành án nhận thức đúng và áp dụng thống nhất.


Thời gian qua, nhiều Cục Thi hành án dân sự (Cà Mau, An Giang, Hưng Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh) có văn bản gửi Tổng cục Thi hành án dân sự đề nghị hướng dẫn vấn đề về định giá tài sản trong thi hành án dân sự. Sau khi trao đổi với Vụ Kiểm sát thi hành án (Vụ 10) thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Vụ Pháp chế, Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp và Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng, ngày 12/10/2010, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có Công văn số 2970/TCTHA-NV1 gửi Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn nghiệp vụ một số vấn đề về định giá tài sản trong thi hành án dân sự, với những nội dung cơ bản sau:

1. Về việc Chấp hành viên xác định giá tài sản kê biên

Khi xác định giá đối với tài sản kê biên theo khoản 3 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự và Điều 15 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ, Chấp hành viên cần lưu ý:

Trường hợp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên chưa có tổ chức thẩm định giá, thì Chấp hành viên yêu cầu đương sự thoả thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá ở địa bàn khác. Nếu đã yêu cầu mà đương sự không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì Chấp hành viên tiến hành xác định giá tài sản kê biên theo quy định.

Việc tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan trước khi xác định giá tài sản kê biên theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP cần được thực hiện bằng văn bản. Trường hợp cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn không có ý kiến theo đề nghị của Chấp hành viên thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự báo cáo, đề nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo các cơ quan nói trên có ý kiến để Chấp hành viên xác định giá tài sản kê biên.

2. Về bảo đảm quyền yêu cầu định giá lại tài sản kê biên

Trường hợp đương sự có yêu cầu định giá lại tài sản kê biên trước khi có thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản theo điểm b khoản 1 Điều 99 Luật Thi hành án dân sự (không phân biệt bán đấu giá tài sản lần thứ mấy), thì Chấp hành viên tổ chức định giá lại tài sản kê biên. Chấp hành viên thông báo cho đương sự biết về việc người yêu cầu định giá lại phải chịu chi phí định giá lại tài sản theo quy định của pháp luật.

3. Lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản kê biên trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự

Nếu đương sự có thoả thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó. Tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn là tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên hoặc tổ chức thẩm định giá trên địa bàn khác. Việc thoả thuận của đương sự về lựa chọn tổ chức thẩm định giá cũng được thực hiện đối với việc định giá lại tài sản kê biên.

Các trường hợp khác, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên.

4. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại về định giá tài sản kê biên

Trường hợp khiếu nại việc xác định giá tài sản của Chấp hành viên và khiếu nại về hành vi của Chấp hành viên trong việc ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá (như: thời hạn, trình tự, thủ tục ký hợp đồng v.v.) thì được giải quyết theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Khiếu nại (tranh chấp) về kết quả định giá tài sản của tổ chức thẩm định giá được giải quyết theo pháp luật về thẩm định giá. Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03/8/2005 của Chính phủ về thẩm định giá và Thông tư số 17/2006/TT-BTC ngày 13/3/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 101/2005/NĐ-CP quy định: Tổ chức thẩm định giá chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp và kết quả thẩm định giá. Việc xử lý tranh chấp về kết quả thẩm định giá thực hiện theo Điều 23 Nghị định số 101/2005/NĐ-CP nêu trên.

Như vậy, đối với những khiếu nại về kết quả thẩm định giá tài sản hoặc hành vi, quyết định của tổ chức thẩm định giá thì cơ quan thi hành án dân sự không thụ lý giải quyết. Nếu đương sự không đồng ý với kết quả thẩm định giá do tổ chức thẩm định giá đưa ra và yêu cầu định giá lại tài sản kê biên trước khi thông báo công khai việc bán đấu giá, thì Chấp hành viên tổ chức định giá lại theo quy định.

Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai đến các đơn vị, cá nhân thuộc các cơ quan thi hành án dân sự ở địa phương thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, thì kịp thời báo cáo về Tổng cục Thi hành án dân sự để có biện pháp chỉ đạo giải quyết.

                                                                                                      Lê Anh