Bàn về nội dung quyền yêu cầu thi hành án đối với khoản lãi suất chậm thi hành án

23/11/2010
Trong công tác thi hành án dân sự, việc thi hành đối với khoản lãi suất chậm thi hành án là rất phổ biến vì đây là khoản mà “toà án phải quyết định rõ trong bản án hoặc quyết định”, có thể là khoản mà cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án hoặc thi hành theo đơn yêu cầu. Đối với trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, thông thường người được thi hành án sẽ làm đơn yêu cầu với nội dung yêu cầu thi hành cả khoản nợ gốc và cả khoản lãi suất chậm thi hành án. Tuy nhiên, trong thực tế cũng có trường hợp người làm đơn chỉ yêu cầu đối với khoản nợ gốc mà chưa yêu cầu đối với khoản lãi suất chậm thi hành án. Hiện nay, do không có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về quyền yêu cầu thi hành án đối với khoản lãi suất chậm thi hành án đối với trường hợp này. Do đó, trong thực tiễn thi hành án dân sự đã có những cách hiểu và áp dụng khác nhau. Cụ thể là cách hiểu khác nhau về mốc thời gian để tính lãi suất chậm thi hành án và tính lãi trên số tiền nào?


Ví dụ:

Bản án số 2541/2009/DSPT ngày 29/12/2009 của TAND Tp.Hồ Chí Minh tuyên:

“…Buộc ông Nguyễn văn A trả cho ông Trần Minh H số tiền 1.260.000.000 đồng. Thanh toán một lần ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày ông H có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông A chưa thi hành án thì hàng tháng ông A còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán ...”

Ngày 05/01/2010 ông H có đơn yêu cầu thi hành án. Trong đơn yêu cầu của ông H có nội dung “Buộc ông Nguyễn văn A trả cho ông Trần Minh H số tiền 1.260.000.000 đồng. Thanh toán một lần ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật”. Cơ quan thi hành án đã thụ lý đơn, ra quyết định thi hành án và giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngày 12/7/2010 ông A đã trả cho ông H được 700.000.000 đồng. Ngày 20/7/2010 sau khi đến Cơ quan thi hành án nhận số tiền trên ông H đã làm đơn yêu cầu tính tiền lãi chậm thi hành án.

Vậy việc tính lãi suất chậm thi hành án trong trường hợp cụ thể này được áp dụng mốc thời gian nào và tính lãi trên số tiền nào?

Quan điểm thứ nhất cho rằng:

Mốc thời gian để tính lãi suất chậm thi hành án là ngày ông H có đơn yêu cầu thi hành án và tính trên tổng số tiền gốc là 1.260.000.000 đồng, vì lãi suất chậm thi hành án là một khoản đương nhiên phát sinh kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án. Nó không phụ thuộc vào nội dung đơn yêu cầu đó có yêu cầu khoản lãi suất chậm thi hành án hay không, và nó cũng có thời hiệu yêu cầu thi hành án như những khoản khác.

Quan điểm thứ hai ngược lại cho rằng:

Mốc thời gian để tính lãi suất chậm thi hành án là ngày ông H có đơn yêu cầu tính tiền lãi chậm thi hành án và tính trên số tiền nợ gốc còn phải trả là 560.000.000 đồng. Vì theo quan điểm này cho rằng: thời điểm phát sinh lãi suất chậm thi hành án là thời điểm người được thi hành án yêu cầu thi hành án đối với khoản lãi chậm thi hành án và lãi suất chậm thi hành án chỉ phát sinh đối với số tiền còn phải thi hành án tại thời điểm họ yêu cầu thi hành khoản lãi suất chậm thi hành án.

Với trường hợp trên, chúng tôi cho rằng vì hiện nay không có văn bản pháp luật quy định cụ thể, nên để xác định được mốc thời gian và số tiền để tính lãi, trong trường hợp cụ thể đã nêu cũng như những trường hợp tương tự, thì chúng ta phải hiểu và giải thích đúng bản chất của khoản “lãi suất chậm thi hành án” làm căn cứ xác định nội dung của quyền yêu cầu thi hành án đối với lãi suất chậm thi hành án.

Trước hết chúng ta cần xem xét các căn cứ pháp lý sau đây:

- Tại thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản tại khoản 1 mục III có quy định như sau: “Để bảo đảm quyền lợi cho bên được thi hành án, hạn chế việc bên phải thi hành án cố tình dây dưa, không tự nguyện thi hành án, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án, khoản tiền phải nộp để đưa vào ngân sách Nhà nước (tiền tịch thu, tiền truy thu thuế, tiền truy thu do thu lợi bất chính, tiền phạt), toà án phải quyết định rõ trong bản án hoặc quyết định là kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 313 Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp được hướng dẫn tại khoản 3 phần 1 Thông tư này về các khoản vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng. Khi tính lãi chỉ tính lãi số tiền còn phải thi hành án, mà không tính lãi của số tiền lãi chưa trả trong quá trình thi hành án (khoản 2 Điều 313 Bộ luật Dân sự năm 1995 đã được thay thế bởi khoản 2 Điều 305 Bộ luật Dân sự năm 2005, quy định về trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự như sau: Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác)”. Từ quy định trên cho thấy, pháp luật đã thừa nhận khoản lãi suất chậm thi hành án là một khoản trong bản án hoặc quyết định nhằm bảo đảm quyền lợi cho bên được thi hành án, hạn chế việc bên phải thi hành án cố tình dây dưa, không tự nguyện thi hành án.

- Tại điểm 1.3 mục 1 Công văn số 404/TP-THA ngày 24/2/2005 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn một số vấn đề nghiệp vụ thi hành án (mặc dù Công văn này đã bị hủy theo Quyết định số 861/QĐ-BTP ngày 27/4/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp do có những nội dung không còn phù hợp. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể vận dụng để giải thích về quyền yêu cầu thi hành án đối với khoản lãi suất chậm thi hành án) có hướng dẫn như sau:

Đối với trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu khi yêu cầu thi hành án, người được thi hành án chỉ yêu cầu thi hành số tiền gốc theo bản án, quyết định của Toà án mà chưa yêu cầu thi hành khoản lãi suất chậm thi hành án, thì cơ quan thi hành án giải thích cho người được thi hành án biết về quyền yêu cầu thi hành án đối với khoản lãi suất chậm thi hành án. Nếu người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành khoản lãi suất chậm thi hành án mà cơ quan thi hành án chưa ra quyết định thi hành án thì cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án chung cho số tiền gốc và lãi suất chậm thi hành án; nếu người được thi hành không yêu cầu thi hành phần lãi suất chậm thi hành án thì cơ quan thi hành án chỉ ra quyết định thi hành án đối với số tiền gốc mà họ đã yêu cầu thi hành án.

 Trong trường hợp cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án đối với số tiền gốc, sau đó người được thi hành án mới có đơn yêu cầu thi hành khoản lãi suất chậm thi hành án thì nếu bản án, quyết định của Toà án còn trong thời hiệu yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án đối với khoản lãi suất chậm thi hành án (áp dụng như một khoản của bản án, quyết định của Toà án).

Nếu bản án, quyết định đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định không chấp nhận đơn yêu cầu thi hành án quá hạn đối với khoản lãi suất chậm thi hành án đó”.

Như vậy, theo hướng dẫn tại công văn này thì quyền yêu cầu thi hành án đối với khoản lãi suất chậm thi hành án có thể được thực hiện vào bất cứ thời điểm nào trong thời hiệu yêu cầu thi hành án của của bản án hoặc quyết định mà không phụ thuộc vào việc khoản nợ gốc đã thi hành xong hay chưa. Xét về mặt lý luận, thì đây là một quy định hợp lý nhằm bảo vệ quyền lợi cho người được thi hành án.

Căn cứ những quy định trên, có thể hiểu bản chất của khoản lãi suất chậm thi hành án là một khoản mà “toà án phải quyết định rõ trong bản án hoặc quyết định” nhằm “để bảo đảm quyền lợi cho bên được thi hành án”. Nó được xem như là một khoản trong bản án hoặc quyết định.

Từ những căn cứ pháp lý đã phân tích, áp dụng vào ví dụ trên khi Tòa án đã tuyên “Kể từ ngày ông H có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông A chưa thi hành án thì hàng tháng ông A còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán” thì khoản lãi chậm thi hành án đương nhiên phát sinh khi ông H có đơn yêu cầu thi hành án mà không phụ thuộc vào nội dung đơn có yêu cầu khoản này hay không, trừ trường hợp ông H đã thể hiện rõ ý chí từ bỏ quyền yêu cầu thi hành đối với khoản lãi chậm thi hành án.

Do đó, theo chúng tôi cách xác định mốc thời gian để tính lãi suất chậm thi hành án và tính lãi trên tổng số tiền nợ gốc theo quan điểm thứ nhất là hợp lý. Điều đó cũng có nghĩa là nội dung quyền yêu cầu thi hành án đối với khoản lãi suất chậm thi hành án có thể được xác định như sau: lãi suất chậm thi hành án được xem như là một khoản trong bản án hoặc quyết định. Khoản này đương nhiên phát sinh (phát sinh lãi chậm thi hành án trên nợ gốc) khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, không phụ thuộc vào nội dung đơn có yêu cầu hay không và nó có thời hiệu yêu cầu thi hành theo quy định tại Điều 30 LTHADS 2008. Cách tính lãi suất chậm thi hành án nên thống nhất như cách tính trong trường hợp người được thi hành án đồng thời yêu cầu thi hành cả khoản nợ gốc và lãi suất chậm thi hành án cùng một lúc.

Theo chúng tôi, để thực hiện được mục đích của việc quy định khoản lãi suất chậm thi hành án là bảo đảm quyền lợi cho bên được thi hành án, hạn chế việc bên phải thi hành án cố tình dây dưa, không tự nguyện thi hành án, nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự, cũng như góp phần tăng cường pháp chế XHCN thì pháp luật về thi hành án dân sự nên có những quy định cụ thể về nội dung quyền yêu cầu thi hành án đối với khoản lãi suất chậm thi hành án theo hướng như đã trình bày trên.

Hồ Quân Chính