Những khó khăn, bất cập khi áp dung theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về giải quyết khiếu nại, tố cáo trên thực tiễn
Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2009, nhưng đến nay, chỉ có Điều 25 Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/07/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành về giải quyết khiếu nại về thi hành án. Nghị định chỉ hướng dẫn cách xử lý đơn khiếu nại không có căn cứ thụ lý, nội dung đơn vừa khiếu nại, vừa tố cáo, thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp trên của Thủ trưởng cơ quan thi hành án có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nhưng quá thời hạn mà không giải quyết, quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành ngay và cơ sở để xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành. Nghị định hướng dẫn không quan tâm đến những vấn để khác như trường hợp sau:
Bản án dân sự sơ thẩm 12/2008/DSST ngày 25/12/2008 của Toà án nhân dân quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, xét xử vắng mặt theo luật định. Tuyên buộc vợ chồng ông Nguyễn N. L và bà Trần T.Đ.H, không rõ nơi cư trú, xác định nơi cư trú cuối cùng của ông L là Ba Tri, Bến Tre, nơi cư trú cuối cùng của bà Trần T. Đ. H là quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, phải trả cho bà Nguyễn Thị C, trú tại quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh số tiền 700.000.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án, ngoài ra, buộc vợ chồng ông L, bà H phải nộp án phí 20.000.000 đồng.
Bản án có hiệu lực pháp luật, bà C gửi đơn yêu cầu thi hành án đến cơ quan Thi hành án quận Tân Bình, nơi đây sau khi tiến hành xác minh, phát hiện tại địa phương ông L, bà H không có điều kiện thi hành án. Nhưng bà C cung cấp cho cơ quan thi hành án dân sự quận Tân Bình 05 giấy CNQSDĐ mang tên Nguyễn N. L và Trần T. Đ. H, toạ lạc tại thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang diện tích 900m2 đất thổ cư và lâu năm khác. Do đó, Thi hành án dân sự quận Tân Bình đã uỷ thác thi hành án cho cơ quan Thi hành án dân sự huyện Tịnh Biên tiếp tục tổ chức thi hành án.
Quá trình thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã tiến hành gửi cho ông L, bà H các quyết định về thi hành án theo địa chỉ cuối cùng ghi trong bản án (do bà H đã thay đổi địa chỉ theo bản án) bằng biện pháp gửi bảo đảm có phản hồi qua đường bưu điện. Khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án theo giấy báo tự nguyện thi hành án, Chấp hành viên áp dụng biện pháp kê biên tài sản của ông L, bà H tại thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Thủ tục thông báo lần này được áp dụng bằng phương tiện thông tin đại chúng trên đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh hai lần.
Ngày 14/01/2009, Chấp hành viên tiến hành kê biên tài sản của người phải thi hành án. Nhưng tài sản được kê biên không chỉ có 900m2 đất thổ cư và lâu năm khác, mà Chấp hành viên còn kê biên thêm tổng cộng 300m2 đất thổ cư thuộc 02 giấy CNQSDĐ khác cũng do vợ chồng ông L, bà H đứng tên cùng toạ lạc tại thị trấn Nhà Bàng, vì qua khảo sát giá trị thực tế quyền sử dụng đất trước khi kê biên, Chấp hành viên ước tính giá trị tài sản không đủ để thi hành án số tiền 700.000.000 đồng. Hơn thế nữa, trước khi kê biên thêm 300m2 đất thổ cư, Chấp hành viên phát hiện bà H chuẩn bị tẩu tán dưới hình thức chuyển nhượng lại cho người khác.
Ngày 15/01/2009, bà H đến cơ quan Thi hành án dân sự huyện Tịnh Biên để khiếu nại việc kê biên thêm 300m2 đất thổ cư hiện bà đang giữ 02 giấy CNQSDĐ là sai, đồng thời, yêu cầu huỷ quyết định kê biên, vì bà cho rằng quá trình tổ chức thi hành án và quá trình kê biên tài sản là sai. Theo thẩm quyền giải quyết khiếu nại, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự huyện Tịnh ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, không chấp nhận nội dung khiếu nại của bà H. Sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, bà tiếp tục khiếu nại đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự tỉnh An Giang. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự tỉnh An Giang giữ nguyên quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
Tiếp tục thực hiện việc thi hành án, Chấp hành viên tiến hành định giá tài sản đã kê biên, lúc này bà Hạnh đã cung cấp được địa chỉ cụ thể nên việc thông báo định giá đã được gửi bảo đảm có phản hồi qua đường bưu điện đến địa chỉ mới. Nhưng ngày định giá bà vẫn không có mặt, sau đó một ngày, bà mới đến cơ quan thi hành án để yêu cầu nhận biên bản định giá.
Bà lại tiếp tục gửi đơn khiếu nại về việc định giá tài sản là sai, không đúng giá thực tế. Chấp hành viên giải quyết khiếu nại lần đầu, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự huyện Tịnh Biên giải quyết tiếp theo. Trình tự, Chấp hành viên tiến hành hợp đồng với trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh An Giang vào tháng 06/2008. Lúc này, bà H có đơn khiếu nại gửi đến cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để tiếp tục khiếu nại cơ quan thi hành án dân sự huyện Tịnh Biên tổ chức thi hành án không đúng pháp luật, nên việc tổ chức bán đấu giá phải ngưng lại vì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự huyện Tịnh Biên xét thấy có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án.
Đến nay, việc tổ chức thi hành án vẫn bị ngưng lại, không có cơ sở hoãn thi hành án vì hiện tại, Viện Kiểm sát nhân tỉnh An Giang đã mượn hồ sơ nghiên cứu để trả lời khiếu nại cho bà Hạnh theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân tối cao.
Thậm chí vào ngày 03/9/2009, Chấp hành viên gửi giấy triệu tập bằng đường bưu điện là thư bảo đảm có phản hồi để triệu tập bà H đến cơ quan Thi hành án dân sự huyện Tịnh Biên vào lúc 08 giờ 30 ngày 09/9/2009 để thực hiện việc thoả thuận trung tâm thẩm định giá và tổ chức bán đấu giá với người được thi hành án bà không đến mà có đơn khiếu nại cho rằng Chấp hành viên gửi giấy triệu tập không đúng thời gian theo quy định của pháp luật
Vấn đề đặt ra ở đây như sau:
1. Quyền khiếu nại của đương sự
Quyền khiếu nại của đương sự được Hiến pháp quy định cụ thể, do đó, đương sự có thể khiếu nại bất cứ quyết định, hành vi nào của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án mà đương sự cho là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Nhưng như thế nào là có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó trái pháp luật, và như thế nào là không có căn cứ. Quá trình tác nghiệp của Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án, thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự đều được pháp luật quy định cụ thể. Đồng thời, mọi thủ tục thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự đều có sự kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp hoặc của Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên, Luật đã quy định cụ thể quyền kháng nghị của Viện Kiểm sát, vậy nếu quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án, Chấp hành viên có căn cứ là trái pháp luật, thì việc tổ chức thi hành án có được tiếp tục thực hiện hay không mà không bị Viện Kiểm sát kháng nghị theo quy định của pháp luật?
Hơn nữa, thi hành án dân sự là nhằm bảo đảm cho bản án được tổ chức thi hành trên thực tế. Các quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên đều trực tiếp tác động vào quyền, lợi ích của đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nếu mỗi quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên đều bị khiếu nại (vì quyền hiến định của công dân), thì quá trình tổ chức thi hành một quyết định thi hành án sẽ kéo dài, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân, đặc biệt là cho những đối tượng đã được bản án tuyên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
2. Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại.
Luật Thi hành án dân sự quy định cho người khiếu nại có các quyền và nghĩa vụ cụ thể để thực hiện quyền khiếu nại của mình. Nhưng Luật không quy định trách nhiệm của người khiếu nại nếu khiếu nại sai, không có căn cứ. Mặt khác, trong quá trình thi hành án, người phải thi hành án chỉ có một nghĩa vụ duy nhất là phải tự nguyện thi hành án. Chúng ta đã biết, tâm lý người phải thi hành án luôn cảm thấy quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, vì bản án đã tuyên cụ thể, cho nên, họ luôn mong muốn kéo dài thời gian thi hành án, tìm đủ mọi biện pháp để có thể hạn chế đến mức thấp nhất khả năng thiệt hại cho mình. Trong thời điểm hiện nay, nếu cơ quan thi hành chậm trễ dù chỉ một ngày, thì có thể giá trị tài tài sản sẽ thay đổi, dẫn đến thiệt thòi quyền lợi cho người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ví dụ như việc chậm tổ chức bán đấu giá tài sản đã kê biên của bà H, thì giá trị đất sẽ tăng lên hoặc giảm xuống. Nếu xét tại thời điểm tháng 06/2009, giá trị quyền sử dụng đất đã kê biên chỉ là 500.000 đồng/m2, nhưng nay có thể giá trị tăng lên 1.000.000 đồng/m2. Vậy, ai là người được lợi nhiều nhất trong việc kéo dài thời gian thi hành án. Phải chăng chỉ có bà H. Trong khi đó, pháp luật về thi hành án dân sự cho phép bà H có thể tự nguyện thi hành án trước ngày bán đấu giá tài sản một ngày để nhận lại tài sản đã kê biên.
3. Nghĩa vụ của người bị khiếu nại
Luật Thi hành án dân sự quy định người bị khiếu nại có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do quyết định, hành vi trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật. Đây là một quy định chưa tạo ra sự bình đẳng trước pháp luật giữa đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan với người có trách nhiệm, quyền hạn tổ chức thi hành bản án, quyết định của toà án. Một bên có quyền khiếu nại, dù có hay không có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật. Khiếu nại xong, chỉ được hưởng quyền lợi mà không có chế tài để xử lý hành vi khiếu nại sai. Một bên khác chỉ bị khiếu nại, bị bồi thường thiệt hại, bị xử lý kỷ luật nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi do mình gây ra là trái pháp luật, nhưng nếu quyết định, hành vi của họ là đúng pháp luật thì không ai phải bồi thường cho những tổn thất mà họ phải gánh chịu, trong đó, tổn thất về mặt tinh thần là không thể nào xác định được.
Tình huống nói trên chỉ có một bên khiếu nại là người phải thi hành án, nếu người được thi hành án khiếu nại việc cơ quan thi hành chậm tổ chức thi hành( vì hiện tại, thời hạn giải quyết khiếu nại đã hết), dẫn đến không nhanh chóng thu hồi được cho bà số tiền 700.000.000 đồng, trong khi nếu có số tiền đó, bà đầu tư vào công việc kinh doanh của mình, như tham gia thị trường vàng chẳng hạn, thì đến nay lợi nhuận trong việc kinh doanh của bà là bao nhiêu? Ai là người phải bồi thường, phải chăng chỉ có Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên chịu trách nhiệm hay không?
Trên đây là một vài điểm cần trao đổi trong việc áp dụng quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự. Xin nêu ra đây để các đồng nghiệp đóng góp ý kiến!
Xin chân thành cảm ơn!
Lương Thanh Tùng