Tuy nhiên trong quá trình theo dõi, cập nhật kết quả thống kê thi hành án dân sự, chúng tôi gặp vướng mắc đối với trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự cấp trên ra quyết định rút hồ sơ của cơ quan Thi hành án dân sự cấp dưới lên tổ chức thi hành theo quy định tại điểm g, khoản 2, Điều 35 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
Về bản chất, việc cơ quan Thi hành án dân sự cấp trên rút hồ sơ đang được cơ quan Thi hành án dân sự cấp dưới thi hành lên để tổ chức thi hành là giống với việc cơ quan Thi hành án dân sự cấp dưới ủy thác cho cơ quan Thi hành án dân sự nơi khác thi hành khi có đủ điều kiện ủy thác. Tuy nhiên, việc rút hồ sơ lại được thực hiện giữa cơ quan thi hành án cấp trên và cấp dưới trong cùng một địa phương, nên sẽ có một số vấn đề đặt ra như sau:
Thứ nhất: Cơ quan Thi hành án cấp tỉnh ra quyết định rút hồ sơ lên để thi hành, vậy thì cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện sẽ báo cáo kết quả thi hành như thế nào và nhập vào mục nào trong biểu thống kê được ban hành theo Quyết định số 02 của Bộ Tư pháp, vì theo các biểu mẫu thống kê được ban hành theo Quyết định 02 thì không có mục thống kê đối với vụ việc được cơ quan Thi hành án dân sự cấp trên rút về thi hành?
Thứ hai: Khi cơ quan Thi hành án cấp tỉnh rút hồ sơ về thì sẽ tiếp tục tổ chức thi hành vụ việc theo quyết định thi hành án của cơ quan Thi hành án cấp huyện hay cơ quan Thi hành án cấp tỉnh phải ra quyết định thi hành án mới để tổ chức thi hành vụ việc?
Với vấn đề thứ nhất, có ý kiến cho rằng, mặc dù vụ việc đã được cơ quan Thi hành án cấp tỉnh rút lên thi hành nhưng số liệu và kết quả giải quyết vụ việc vẫn được cập nhật và thống kê, báo cáo kết quả tại cơ quan Thi hành ánh dân sự cấp huyện nơi đã thụ lý và ra quyết định thi hành án, bởi vì đến thời điểm cơ quan cấp tỉnh ra quyết định rút hồ sơ thì quyết định thi hành án của cơ quan cấp huyện đó vẫn có hiệu lực thi hành và cơ quan cấp tỉnh có thể tiếp tục tổ chức thi hành vụ việc theo các nội dung mà thi hành án cấp huyện đã ra quyết định. Việc cơ quan cấp tỉnh ra quyết định rút hồ sơ về thi hành là do vụ việc phức tạp mà Chấp hành viên cấp huyện chưa có đủ kinh nghiệm thi hành hoặc vì lý do nào đó chứ không phải vì quyết định thi hành án đang thi hành của cơ quan cấp huyện có sai phạm nên phải rút hồ sơ.
Mặt khác, do các Biểu mẫu thống kê theo Quyết định 02 của Bộ Tư pháp không có mục nào quy định thống kê việc rút hồ sơ thi hành án nên không thể nhập kết quả vào mục “ủy thác” và càng không thể nhập vào mục “thi hành xong”. Do vậy để hợp lý thì việc tổ chức thi hành án được duy trì ở cấp tỉnh, còn thống kê kết quả thi hành án được báo cáo ở cấp huyện.
Ý kiến khác thì cho rằng: Vụ việc sau khi được rút lên cấp tỉnh để thi hành thì kết quả sẽ phải được thống kê và báo cáo ở cấp tỉnh, không thể có kiểu “người này làm người kia hưởng thành tích được”. Mặt khác, căn cứ vào Mẫu số 35 trong hệ thống Biểu mẫu nghiệp vụ thi hành án dân sự được ban hành kèm theo Quyết định số 07/2007/QĐ-BTP ngày 12/7/2007 của bộ Tư pháp thì, cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh sau khi rút hồ sơ về phải ra quyết định thi hành án mới để tổ chức thi hành, do đó việc thống kê và báo cáo kết quả tổ chức thi hành phải thực hiện ở cấp tỉnh là đương nhiên.
Phần “Quyết định” của Mẫu số 35 ghi như sau:
“….
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Rút Hồ sơ thi hành án số…../…..ngày.… tháng…. năm…. hiện đang do Thi hành án dân sự…….tổ chức thi hành về khoản…………………….
Điều 2. Cơ quan Thi hành án dân sự………………………………. có trách nhiệm ra quyết định thi hành án đối với Bản án, Quyết định ….số…../…. ngày…. tháng…. năm…. của………………....;
Các thủ tục do Thi hành án dân sự…….. đã thực hiện không trái quy định của pháp luật có giá trị pháp lý;
Điều 3. Trưởng thi hành án dân sự…… người được thi hành án người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Chấp hành viên phụ trách hồ sơ có trách nhiệm thi hành quyết định này.
……”.
Nếu thực hiện theo Biểu mẫu đã được Bộ Tư pháp ban hành thì cơ quan Thi hành án cấp tỉnh phải ra Quyết định thi hành án mới để tổ chức thi hành chứ không thi hành theo quyết định thi hành án của cấp huyện, do vậy việc thống kê kết quả thi hành án được báo ở cấp tỉnh như ý kiến thứ hai là đúng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là việc cơ quan Thi hành án cấp tỉnh ra quyết định thi hành án mới theo hướng dẫn của Mẫu số 35 là có ổn không? Tại sao cơ quan Thi hành án cấp tỉnh không căn cứ theo quyết định thi hành án ở cấp huyện để tiếp tục thi hành nhằm tránh tình trạng tồn tại số việc thi hành án “ảo”? Đồng thời với việc ra quyết định thi hành án mới của cơ quan cấp tỉnh theo hướng dẫn của Biểu mẫu trên thì quyết định thi hành án của cấp huyện sẽ được xử lý như thế nào, và kết quả thể hiện trong Thống kê là xong, ủy thác hay đình chỉ? Tất cả đều không có cơ sở để thống kê.
Vậy là cùng một nội dung vụ việc được tổ chức thi hành nhưng lại phát sinh 02 quyết định thi hành án của 02 cơ quan thi hành án vào hai thời điểm khác nhau, mặc dù quyết định thi hành án ban đầu không có sai sót về nội dung nhưng lại không được tổ chức thi hành. Vậy phải căn cứ vào đâu để giải quyết quyết định thi hành án của cơ quan Thi hành án cấp huyện?
Đây là những vấn đề mà quá trình làm công tác thống kê thi hành án dân sự chúng tôi đang gặp vướng mắc, xin nêu ra để các đồng nghiệp cũng như bạn đọc trao đổi và thực hiện.
Theo chúng tôi, trong khi chờ cơ quan chức năng hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung đối với các quy định về thống kê thi hành án dân sự cũng như các quy định về biểu mẫu nghiệp vụ thi hành án dân sự, chúng ta có thể căn cứ vào Biểu mẫu số 35 như đã nêu trên nhưng trên cơ sở “linh hoạt” đối với Mẫu này và sửa lại phần Quyết định như sau để áp dụng cho phù hợp (phần in nghiêng):
“….
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Rút Hồ sơ thi hành án số…../…. ngày.… tháng…. năm…. hiện đang do Thi hành án dân sự……. tổ chức thi hành về khoản…………………….
Điều 2. Kết quả thi hành do Thi hành án…… (cấp huyện),… đã thực hiện không trái quy định của pháp luật có giá trị pháp lý;
Quyết định thi hành án số …… ngày.… tháng…. năm (của Thi hành án cấp huyện) hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Quyết định này (rút hồ sơ) có hiệu lực.
Cơ quan Thi hành án dân sự…………………………….. có trách nhiệm ra quyết định thi hành án đối với Bản án, Quyết định ….số…../….. ngày.... tháng…. năm…. của………………....;
Điều 3. Trưởng thi hành án dân sự…… người được thi hành án người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Chấp hành viên phụ trách hồ sơ có trách nhiệm thi hành quyết định này.
……”
Nguyễn Thọ Thanh