Hỗ trợ tài chính để thi hành án: Người sốt sắng, kẻ thờ ơ

19/05/2008

Hỗ trợ tài chính là cơ chế hoàn toàn mới nhằm “thanh lý nợ” cho các cơ quan, tổ chức phải thi hành án (THA) hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp mà không có khả năng THA. Mặc dù cơ chế này được đánh giá là một giải pháp hữu hiệu trong việc giải quyết án tồn đọng và trong khi các cơ quan THA sốt sắng thì,  nhiều đối tượng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước lại tỏ ra khá thờ ơ…



Hỗ trợ tài chính để thi hành án: Người sốt sắng, kẻ thờ ơ.

Hỗ trợ tài chính là cơ chế hoàn toàn mới nhằm “thanh lý nợ” cho các cơ quan, tổ chức phải thi hành án (THA) hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp mà không có khả năng THA. Mặc dù cơ chế này được đánh giá là một giải pháp hữu hiệu trong việc giải quyết án tồn đọng và trong khi các cơ quan THA sốt sắng thì,  nhiều đối tượng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước lại tỏ ra khá thờ ơ…

Mong muốn nhiều, thực tế không được bao nhiêu.

Hướng dẫn quy định về hỗ trợ tài chính để THA, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 136 ngày 9/6/2005 và Bộ Tài chính đã có hẳn một Thông tư (số 86 ngày 3/10/2005)  hướng dẫn riêng về vấn đề này. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, kết quả thực hiện hỗ trợ tài chính để THA lại không đạt như mong muốn. Cụ thể trong năm 2006 số việc thuộc diện được hỗ trợ tài chính là 174 việc, nhưng số việc đã được giải quyết chỉ là 31 việc, tương ứng số tiền trên 6,1 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hết sức khiêm tốn: 17,8%. Năm 2007 số việc thuộc diện hỗ trợ tài chính là 279 việc, số việc đã được hỗ trợ là 64 việc, bằng 11,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 23%. Nhìn vào số việc thuộc diện hỗ trợ tài chính thì thấy rằng không lớn so với hàng trăm ngàn việc THA còn tồn đọng hiện nay. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ thì rất lớn. Bởi đối tượng phải THA trong các vụ việc này là các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đã bị giải thể, sáp nhập, không còn khả năng THA. Ngoài ra, theo Bộ Tư pháp còn một loại đối tượng khác là các Hợp tác xã nông nghiệp, HTX mua bán từ thời kinh tế bao cấp đã tự giải thể hoặc chuyển sang loại hình cơ cấu dịch vụ, không có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tài sản không có gì. Khi giải thể hoặc sáp nhập, nghĩa vụ THA không chuyển giao cho cơ quan, tổ chức mới. Một số đối tượng khác phải THA là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội không tự nguyện THA, nhưng cơ quan THA không thể kê biên tài sản của họ vì pháp luật không cho phép. Thậm chí, nhiều trường hợp khi cơ quan THA yêu cầu các cơ quan này làm thủ tục trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ tài chính để THA nhưng các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện một cách đối phó, với tâm lý chả còn gì để mất, do đó các vụ việc này thường bị kéo dài không giải quyết được.

Ngoài nguyên nhân nêu trên, về quy định pháp luật, cũng theo Bộ Tư pháp còn nhiều bất cập. Đó là việc hỗ trợ tài chính để THA còn chưa cụ thể, rõ ràng. Ví dụ chưa có quy định về thời gian cụ thể để các cơ quan tổ chức trong diện được hỗ trợ THA làm văn bản đề nghị cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp xem xét việc hỗ trợ tài chính và trong thời hạn bao nhiêu lâu thì cơ quan có thẩm quyền phải duyệt đề nghị?

Các cơ quan quản lý cần vào cuộc

Đẩy mạnh tiến độ giải quyết các vụ việc cần phải hỗ trợ tài chính để THA về lâu dài các cơ quan THA kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về vấn đề này theo hướng càng cụ thể thì địa phương càng dễ thực hiện. Đại diện Cục THA – Bộ Quốc phòng tại một Hội nghị về giải quyết án tồn đọng đã cho rằng: cần mở rộng phạm vi hỗ trợ THA vì thực chất đây là việc nhà nước thực hiện việc bồi thường thay cho các cơ quan hoạt động hoàn toàn bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Còn ông Phạm Hoài Thuận – Trưởng THA Bến Tre thì cho rằng: sau khi đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ tài chính theo hướng dẫn tại Thông tư 86/TT-BTC mà không thực hiện được, Chính phủ nên có chủ trương giải quyết loại án này, vì hiện tại số lượng án thuộc diện hỗ trợ không nhiều nhưng giá trị thi hành rất lớn, nhiều vụ đã tồn đọng đến 15 năm nay không giải quyết được.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị cần có quy định cụ thể, hướng dẫn về thủ tục THA hành chính, đặc biệt là thủ tục cưỡng chế THA đối với các cơ quan nhà nước. Hiện nay, nhiều bản án hành chính Toà chỉ tuyên chung chung, mà không rõ ràng thẩm quyền giải quyết của cơ quan THA hay cơ quan hành chính nên đương sự khiếu nại kéo dài.

Tuy nhiên, trong khi chờ một chủ trương mới từ Chính phủ, thì giải pháp trước mắt là phải huy động sự vào cuộc một cách thực sự của các cơ quan quản lý. Hiện nay, cả nước còn tồn đọng rất nhiều vụ việc mà bên phải THA là UBND các cấp. Vì vậy, UBND cấp trên cần chỉ đạo UBND cấp dưới phải thực hiện nghiêm túc bản án, quyết định của Toà án. Chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ THA của UBND mà mình là lãnh đạo. Tương tự, các cơ quan quản lý cấp trên cần đốc thúc các đơn vị cấp dưới thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Trong trường hợp thuộc đối tượng được hỗ trợ cần phối hợp với cơ quan THA để nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục giải quyết nợ.

Thu Hằng – Báo Pháp luật VN

Đối tượng được hỗ trợ tài chính để THA gồm:

- Cơ quan nhà nước;

- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và các cơ quan, đơn vị thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp;

Đơn vị sự nghiệp do nhà nước thành lập, được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động;

- Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang được nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động;

- Đối với các tổ chức phải THA được quy định thuộc các điểm (nêu trên) đã bị chia, tách, giải thể khi chưa thực hiện xong nghĩa vụ THA thì  việc hỗ trợ tài chính cũng được thực hiện đối với từng đối tượng cụ thể.

- Các doanh nghiệp nhà nước đã bị giải thể, bị tuyên bố phá sản, bị chia, tách, cổ phần hoá thì nghĩa vụ THA được chuyển giao theo quy định của pháp luật về THADS…

(Điều 1 Mục II, Thông tư 86/TT-BTC ngày 3/10/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Quyết định 136 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước để THADS)