Thực tiễn giải quyết bồi thường nhà nước trong cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi và một số đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết bồi thường.

01/08/2013
Kể từ thời điểm thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã thụ lý và giải quyết bồi thường đối với 02 vụ, đó là Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đã giải quyết bồi thường với số tiền bồi thường là 72.553.500 đồng đối với bà Trần Thị Xanh, ông Nguyễn Hồng Phương, ở thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đã giải quyết bồi thường với số tiền bồi thường là 2.308.750.000 đồng đối với bà Huỳnh Thị Nga, ông Võ Văn Học, ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.


Qua thực tiễn công tác giải quyết bồi thường trong ngành Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, công tác giải quyết bồi thường cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải có giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết bồi thường trong ngành Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi.

Giải quyết bồi thường trong thực tiễn đạt hiệu quả cao.

Qua việc thụ lý và giải quyết bồi thường đối với 02 vụ việc trên, có thể khẳng định công tác giải quyết bồi thường trong thi hành án dân sự đối với các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đạt hiệu quả cao, điều này được thể hiện thông qua các nội dung như:

Thứ nhất, về yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị thiệt hại với mức bồi thường thiệt hại thực tế mà cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường chấp nhận bồi thường cho người bị thiệt hại có sự chênh lệch rất lớn: người bị thiệt hại đã có đơn gửi đến cơ quan Thi hành án dân sự (cơ quan có trách nhiệm bồi thường) đã yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền rất lớn (như vụ bà Trần Thị Xanh, ông Nguyễn Hồng Phương thì bà Xanh, ông Phương yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi bồi thường thiệt hại với tổng số tiền là 1.399.366.000đ; Vụ bà Huỳnh Thị Nga, ông Võ Văn Học thì bà Nga, ông Học yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi bồi thường thiệt hại với tổng số tiền là 5.872.100.000đ. Tuy nhiên, qua quá trình giải quyết bồi thường thì giữa cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường với người bị thiệt hại đã thương lượng và thống nhất mức bồi thường phù hợp với thiệt hại thực tế mà cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường đã xác minh xác định và nhỏ hơn rất nhiều so với yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị thiệt hại (vụ bà Trần Thị Xanh, ông Nguyễn Hồng Phương, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sơn Tinh chỉ chấp nhận bồi thường thiệt hại cho bà Xanh, ông Phương tổng cộng số tiền là 72.553.500đ, chênh lệch 1.326.812.500đ so với yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà Xanh, ông Phương; vụ bà Huỳnh Thị Nga, ông Võ Văn Học, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Phổ chỉ chấp nhận bồi thường thiệt hại cho bà Nga, ông Học là 2.308.750.000đ, chênh lệch 3.563.350.000đ).

Thứ hai, sau khi ban hành Quyết định giải quyết bồi thường và thực hiện việc chuyển giao Quyết định giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại thì người bị thiệt hại đã đồng ý với Quyết định giải quyết bồi thường, không khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.

Một số bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn giải quyết bồi thường.

Qua thực tiễn công tác giải quyết bồi thường trong Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cho thấy: để công tác giải quyết bồi thường thiệt hại trong thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tranh thủ được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo ngành cấp trên (Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và Cục Thi hành án dân sự tỉnh) và sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương, đặc biệt là sự chỉ đạo kịp thời và xuyên suốt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp  – Trưởng ban chỉ đạo Thi hành án dân sự.

Thứ hai, trong quá trình giải quyết bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải chủ động và thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan để tiến hành xác minh thiệt hại; Động viên, thuyết phục để người bị thiệt hại chấp nhận mức thiệt hại trong quá trình thương lượng giải quyết bồi thường.

Thứ ba, kiên trì tổ chức thương lượng để đưa ra những chứng cứ có tính thuyết phục nhằm phân tích, đánh giá mức thiệt hại thực tế mà người yêu cầu bồi thường bị thiệt hại, đồng thời, bác bỏ những yêu cầu bất hợp lý của người bị thiệt hại. Trên cơ sở đó động viên, thuyết phục người bị thiệt hại chấp nhận mức thiệt hại thực tế.

Thực tiễn giải quyết bồi thường vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc.

Với sự ra đời của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu, đồng bộ trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại trong hoạt động thi hành án dân sự. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng tại các Cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc như:

Khó khăn, vướng mắc do người bị thiệt hại không thực hiện đúng quy định của pháp luật về yêu cầu bồi thường thiệt hại:

Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cũng như Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP ngày 15/12/2011của Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự thì: "trong thời hiệu yêu cầu bồi thường, người bị thiệt hại phải gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường gồm: đơn yêu cầu bồi thường theo mẫu; Bản sao văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường, đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường để được xem xét thụ lý giải quyết" (Điều 41 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Điều 11, Điều 12 của Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP ngày 15/12/2011của Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng). Như vậy, đây là một thủ tục bắt buộc đối với người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động, đã có nhiều trường hợp, người bị thiệt hại gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường khi thời hiệu yêu cầu bồi thường đã hết hoặc người bị thiệt hại gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường không đầy đủ hoặc không đúng quy định của pháp luật về hồ sơ yêu cầu bồi thường: không gửi đơn hoặc đơn yêu cầu bồi thường không đúng theo mẫu quy định; Không cung cấp bản sao văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; Không cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường và đã được hướng dẫn bổ sung, nhưng hết thời hạn quy định, mà người yêu cầu bồi thường không bổ sung hồ sơ yêu cầu bồi thường. Ngoài ra còn có nhiều trường hợp, mặc dù cơ quan Thi hành án dân sự đã phối hợp với chính quyền địa phương nhiều lần động viên, thuyết phục và hướng dẫn người bị thiệt hại làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật để được thụ lý giải quyết, nhưng họ vẫn không thực hiện, gây khó khăn cho công tác giải quyết bồi thường. Vì vậy, cần phải có cơ chế để ràng buộc người bị thiệt hại thực hiện, nếu người bị thiệt hại không thực hiện đúng quy định của pháp luật về yêu cầu bồi thường thiệt hại, thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại từ chối thụ lý giải quyết yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại.

Tuy nhiên, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Nghị định số 16/2010/NĐ-CP  ngày 03/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cũng như Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP ngày 15/12/2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng chưa quy định việc xử lý đơn yêu cầu bồi thường như thế nào. Do đó, gây khó khăn cho cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường xử lý hồ sơ yêu cầu bồi thường của người yêu cầu bồi thường (người bị thiệt hại) không thực hiện đúng quy định của pháp luật về yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Khó khăn về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự:

Theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP ngày 15/12/2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng thì các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự gồm: Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 38 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (điểm a, Khoản 1, Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước); Có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại (điểm b, Khoản 1, Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước). Đối với trường hợp này, văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật gồm có Quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 142 Luật Thi hành án dân sự đã có hiệu lực pháp luật; Quyết định xử lý tố cáo của người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 157 Luật Thi hành án dân sự; Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật (Điều 4 Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP ngày 15/12/2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng). Tuy nhiên, trong thực tế xảy ra nhiều trường hợp, mặc dù Quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 142 Luật Thi hành án dân sự đã có hiệu lực pháp luật hoặc Bản án của Tòa án đã qua 02 cấp xét xử và đã có hiệu lực pháp luật và trong Quyết định giải quyết khiếu nại cũng như bản án của Tòa án đã xác định hành vi trái pháp luật của người gây thiệt hại, đồng thời quy định cho người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nhưng người bị thiệt hại, không chấp hành Quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 142 Luật Thi hành án dân sự đã có hiệu lực pháp luật hoặc bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, không yêu cầu bồi thường thiệt hại, mà tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan, ban, ngành ở địa phương cũng như ở Trung ương để khiếu nại Quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật hoặc yêu cầu xem xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, gây khó khăn cho công tác giải quyết bồi thường, cũng như gây bất ổn về tình hình an ninh, chính trị. Tuy nhiên, Sau khi nhận đơn khiếu nại của đương sự, thì các cơ quan, ban, ngành chuyển đến cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường yêu cầu xem xét, giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại. Sau khi kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường hướng dẫn cho người bị thiệt hại bổ sung hồ sơ yêu cầu bồi thường đúng Quy định tại Điều 41 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Điều 11 Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP ngày 15/12/2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng, nhưng người bị thiệt hại không thực hiện, vì cho rằng Quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 142 Luật Thi hành án dân sự đã có hiệu lực pháp luật hoặc bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường) không khách quan. Vì vậy, gây khó khăn cho việc xử lý đơn, cũng như công tác giải quyết bồi thường trong thực tế.

Khó khăn về trình tự, thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường:

Theo quy định tại Điều 54 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày bản án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải chuyển ngay hồ sơ đề nghị bồi thường đến cơ quan tài chính cùng cấp; trường hợp là cơ quan hưởng kinh phí từ ngân sách Trung ương thì chuyển hồ sơ đến cơ quan quản lý cấp trên. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhận được hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị bồi thường để cấp kinh phí hoặc có văn bản gửi cơ quan Tài chính cùng cấp đề nghị cấp kinh phí bồi thường; Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn cơ quan có trách nhiệm bồi thường bổ sung hồ sơ hoặc sửa đổi, bổ sung quyết định giải quyết bồi thường. Thời hạn bổ sung hồ sơ không quá 15 ngày” (Khoản 1, Điều 54); “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị bồi thường hợp lệ thì cơ quan Tài chính có thẩm quyền cấp kinh phí cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường để chi trả cho người bị thiệt hại” (Khoản 3, Điều 54); “Sau khi nhận được kinh phí do cơ quan Tài chính cấp, trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện việc chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của người bị thiệt hại” (Khoản 4, Điều 54).

Với quy định của pháp luật là như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại việc cấp kinh phí bồi thường chưa được thực hiện kịp thời. Vì vậy, việc chậm cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại cũng là khó khăn xuất phát từ thực tiễn hoạt động giải quyết bồi thường trong thi hành án dân sự.

Một số đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết bồi thường trong ngành, lĩnh vực quản lý.

Để triển khai thực hiện tốt Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự tại các cơ quan Thi hành án dân sự, đồng thời, để hoạt động thi hành án dân sự đúng quy định của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do người thi hành công vụ của các cơ quan Thi hành án dân sự gây ra có khả năng dẫn đến bồi thường cần thực hiện các giải pháp sau:

1. Kiện toàn công tác tổ chức cán bộ cả về số lượng lẫn chất lượng, đảm bảo tất cả các cơ quan Thi hành án dân sự đủ số lượng cán bộ, công chức theo biên chế được phân bổ; Đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, tăng cường biên chế cho các cơ quan Thi hành án dân sự nhằm thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Thủ trưởng đơn vị theo dõi công tác giải quyết bồi thường để kịp thời thực hiện thủ tục giải quyết bồi thường khi người bị thiệt hại có đơn yêu cầu bồi thường; Đôn đốc, chỉ đạo việc giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của các cơ quan Thi hành án dân sự nhằm bảo đảm thực hiện bồi thường công bằng, khách quan, đúng pháp luật và thống nhất;

2. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng đối với chấp hành viên, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ để góp phần hạn chế những sai phạm đến mức phải bồi thường trong quá trình thực thi công vụ; Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giải quyết bồi thường đối với cán bộ trực tiếp được bố trí theo dõi, tham mưu và giúp lãnh đạo các cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện việc giải quyết bồi thường, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn cho cán bộ được bố trí theo dõi, tham mưu và giúp lãnh đạo các cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện việc giải quyết bồi thường, để việc giải quyết bồi thường trong thi hành án dân sự được công bằng, khách quan, đúng pháp luật và thống nhất.

3. Chú trọng công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo cho công dân, đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, tạo niềm tin cho công dân trong việc chấp hành pháp luật.

4. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chấp hành pháp luật; Phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản có liên quan cho nhân dân biết và hiểu nguyên tắc cơ bản Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là cán bộ, công chức làm sai mà gây thiệt hại cho dân thì Nhà nước sẽ phải bồi thường.

5. Cần nghiên cứu bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trả lại hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại và có thông báo từ chối thụ lý yêu cầu bồi thường thiệt hại trong các trường hợp như: Thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại đã hết; Hồ sơ yêu cầu bồi thường không đầy đủ và người yêu cầu bồi thường đã được hướng dẫn bổ sung hồ sơ, nhưng hết thời gian quy định mà người yêu cầu bồi thường không bổ sung hồ sơ nhằm giúp các cơ quan có trách nhiệm bồi thường có cơ sở xử lý đối với những trường hợp người yêu cầu bồi thường không thực hiện đúng quy định của pháp luật về yêu cầu bồi thường thiệt hại.

6. Kịp thời cấp kinh phí bồi thường khi có đề nghị của cơ quan Thi hành án dân sự địa phương để chi trả kịp thời cho người bị thiệt hại./.

Phạm Huy Ân