Thấy gì từ việc tổng kết 04 năm thi hành Luật Thi hành án dân sự về giải quyết khiếu nại, tố cáo tại tỉnh Quảng Ngãi

09/09/2013
Luật thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực từ ngày 01/7/2009 đánh dấu sự phát triển và hoàn thiện pháp luật về Thi hành án dân sự. Với các quy định mới về cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan Thi hành án dân sự từ Trung ương đến địa phương; quy định trình tự, thủ tục thi hành án hành án dân sự; về mối quan hệ giữa các cơ quan hữu quan…làm tăng cường hiệu quả công tác tổ chức thi hành án dân sự cũng như hiệu quả công tác quản lý hoạt động thi hành án dân sự, góp phần thiết thực giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Pháp Lệnh Thi hành án dân sự năm 2004.


Sau 04 năm triển khai thực hiện Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành, có thể nhận thấy việc hiện thực hóa các nội dung và đưa Luật Thi hành án dân sự đã góp phần tăng số việc tự nguyện thi hành án, hạn chế số vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh. Kết quả này là do hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự được củng cố, đảm bảo số lượng từ tỉnh đến cơ sở, chất lượng công chức được nâng cao, đã có sự kết hợp giữa việc tuân thủ đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án với vận động, giáo dục, thuyết phục đương sự.

Công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo là một trong những lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi phải được thực hiện nghiêm túc nhằm góp phần ổn định tình hình chính trị của địa phương. Trong Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quyền khiếu nại, tố cáo của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được coi trọng, thể hiện đầy đủ hơn về trách nhiệm của chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Vì vậy, từ khi triển khai Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Phòng Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã tham mưu cho Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi giải quyết tất cả các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và chỉ đạo các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện giải quyết đúng thời hạn, đúng quy định pháp luật ngay từ nơi phát sinh, từ đó hạn chế việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh và các việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài. Vì vậy, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm đáng kể và không còn phức tạp nữa.

Nguyên nhân nào làm phát sinh khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự.

Thực tế cho thấy, bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có thẩm quyền chỉ dừng lại ở việc xác định quyền và nghĩa vụ cụ thể cho các bên đương sự. Trong khi đó, thông qua hoạt động thi hành án, các bản án, quyết định đó được thi hành trên thực tế, nên tính bức xúc của các bên đương sự, đặc biệt là người phải thi hành án đạt đến đỉnh điểm; người phải thi hành án sẽ hiểu là buộc phải thực hiện các nghĩa vụ đã được ấn định trong Bản án, Quyết định của cơ quan có thẩm quyền nên tất yếu sẽ làm tổn hại đến lợi ích của họ (cho dù lợi ích đó hiện đã trở thành bất hợp pháp), do đó họ tìm cách nhằm đối phó hoặc trốn tránh, kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc tìm cách tẩu tán tài sản, không hợp tác, thậm chí chống đối, cản trở việc thi hành án; nhiều trường hợp, người phải thi hành án không hiểu trình tự thủ tục thi hành án hoặc lợi dụng quyền tự do dân chủ của công dân làm đơn khiếu nại, tố cáo không đúng quy định pháp luật và sao gửi đến nhiều cơ quan chức năng không đúng thẩm quyền, vượt cấp nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian thi hành án.

Ngoài ra, về phía người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tuy họ là người thắng kiện, nhưng thực tế quyền lợi của họ chỉ được ghi nhận trong bản án, quyết định của Tòa án và quyền đó mới chỉ được thể hiện trên giấy tờ, do đó họ mong muốn cơ quan Thi hành án tổ chức thực hiện việc thi hành án càng nhanh càng tốt, nó thể hiện dưới dạng các yêu cầu thi hành án qua mỗi lần tiếp xúc với chấp hành viên, các yêu cầu này càng trở nên gay gắt hơn khi kết quả thi hành án đạt hiệu quả thấp hoặc bị người phải thi hành án trì hoãn, kéo dài về mặt thời gian…. Do đó, dẫn đến người được thi hành án, người có quyền lợi liên quan thực hiện việc khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự.

Một nguyên nhân khác ảnh hưởng trực tiếp và làm phát sinh khiếu nại, tố cáo là nhiều bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, có sai sót, không có tính khả thi, cơ quan Thi hành án đã đề nghị giải thích, đính chính hay xem xét lại Bản án theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nhưng chậm được đáp ứng dẫn tới bản án, quyết định bị chậm thi hành hoặc không thể thi hành được dẫn đến đương sự có đơn yêu cầu, khiếu nại đề gửi nhiều nơi, vượt cấp. Đặc biệt, do chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án vẫn còn mắc phải sai phạm, thiếu sót và việc áp dụng quy định pháp luật về thi hành án vẫn còn lúng túng vì một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất và rõ ràng.

Tất cả những vấn đề trên lý giải cho một thực tiễn đó là việc khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự luôn phát sinh và việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong thi hành án dân sự luôn được xem là một vấn đề phức tạp, hệ trọng, nên cần phải được xem xét, giải quyết kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhằm phần nào hạn chế việc tồn đọng đơn thư khiếu nại kéo dài và hạn chế phát sinh khiếu nại mới.

Hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự được nâng lên đáng kể.

Áp dụng Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, công tác giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực thi hành án dân sự đối với các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi luôn được Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi quan tâm, xem xét giải quyết và đôn đốc, chỉ đạo Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố tập trung giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại thuộc thẩm quyền ngay tại nơi phát sinh, đảm bảo đúng pháp luật, không để tình trạng khiếu nại bức xúc kéo dài, vượt cấp, gây mất lòng tin trong nhân dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đương sự và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài tồn tại nhiều năm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi như vụ ông Võ Văn Học, bà Huỳnh Thị Nga; vụ bà Nguyễn Thị Xanh, Lãnh đạo Cục luôn báo cáo xin ý kiến và tranh thủ được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, từ đó Cục trưởng cục Thi hành án dân sự tỉnh đã chỉ đạo các Phòng chuyên môn thuộc Cục, Chi cục Thi hành án dân sự các huyện có liên quan đến vụ việc tập trung giải quyết, nên hiện nay các vụ việc nói trên đã được giải quyết dứt điểm.

Trong 04 năm thực hiện Luật Thi hành án dân sự từ ngày 01/7/2009 đến ngày 01/7/2013; các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận 179 đơn khiếu nại, tố cáo. Trong đó, số đơn khiếu nại là 176 đơn, số đơn tố cáo là 03. Số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết 98 đơn, đã giải quyết xong 98 đơn; số đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết 81 đơn, đã chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết 81 đơn.

Thực tiễn và quy định của pháp luật về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi được thực hiện kịp thời, đảm báo đúng pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người phải thi hành án và người được thi hành án. Tuy nhiên, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như:

Việc khiếu nại của đương sự không đảm bảo đúng quy định của pháp luật vẫn còn tồn tại, có những trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự, cơ quan quản lý thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp, Tổng Cục Thi hành án dân sự) đã giải quyết thỏa đáng và đúng quy định của pháp luật nhưng đương sự chẳng những không chấp hành mà còn khiếu nại kéo dài; đương sự không nắm bắt được trình tự, thủ tục pháp luật quy định về khiếu nại, do đó rất nhiều trường hợp khiếu nại không đúng thẩm quyền, khiếu nại vượt cấp.

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2009, nhưng đến nay Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/07/2009 của Chính phủ chỉ có duy nhất Điều 25 hướng dẫn thi hành về giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự. Nghị định chỉ hướng dẫn cách xử lý đơn khiếu nại không có căn cứ thụ lý, nội dung đơn vừa khiếu nại, vừa tố cáo, thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án cấp trên của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nhưng quá thời hạn mà không giải quyết, quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành ngay và cơ sở để xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành. Nghị định hướng dẫn không quan tâm đến những vấn đề khác như:

+ Quyền khiếu nại của đương sự: Quyền khiếu nại của đương sự được Hiến pháp quy định cụ thể, do đó, đương sự có thể khiếu nại bất cứ quyết định, hành vi nào của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án mà đương sự cho là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Nhưng như thế nào là có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó trái pháp luật, và như thế nào là không có căn cứ. Quá trình tác nghiệp của chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án, thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự đều được pháp luật quy định cụ thể. Đồng thời, mọi thủ tục thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự đều chịu sự kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp hoặc của Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên. Luật đã quy định cụ thể quyền kháng nghị của Viện Kiểm sát, vậy nếu quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án, chấp hành viên có căn cứ là trái pháp luật, thì việc tổ chức thi hành án có được tiếp tục thực hiện hay không mà không bị Viện Kiểm sát kháng nghị theo quy định của pháp luật. Mặt khác, thi hành án dân sự là nhằm bảo đảm cho bản án được tổ chức thi hành trên thực tế. Các quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, chấp hành viên đều trực tiếp tác động vào quyền, lợi ích của đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nếu mỗi quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, chấp hành viên đều bị khiếu nại, thì quá trình tổ chức thi hành một quyết định thi hành án sẽ kéo dài, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân, đặc biệt là cho những đối tượng đã được bản án tuyên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

+ Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại: Luật thi hành án dân sự quy định cho người khiếu nại có các quyền và nghĩa vụ cụ thể để thực hiện quyền khiếu nại của mình. Nhưng Luật không quy định trách nhiệm của người khiếu nại nếu khiếu nại sai, không có căn cứ. Mặt khác, trong quá trình thi hành án, người phải thi hành án chỉ có một nghĩa vụ duy nhất là phải tự nguyện thi hành án. Chúng ta đã biết, tâm lý người phải thi hành án luôn cảm thấy quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, vì bản án đã tuyên cụ thể, cho nên họ luôn mong muốn kéo dài thời gian thi hành án, tìm đủ mọi biện pháp để có thể hạn chế đến mức thấp nhất khả năng thiệt hại cho mình và lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để trì hoãn, kéo dài nghĩa vụ thi hành án.

+ Nghĩa vụ của người bị khiếu nại: Luật thi hành án dân sự quy định người bị khiếu nại có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do quyết định, hành vi trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật. Đây là một quy định chưa tạo ra sự bình đẳng trước pháp luật giữa đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan với người có trách nhiệm, quyền hạn tổ chức thi hành bản án, quyết định của Toà án. Một bên có quyền khiếu nại, dù có hay không có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật. Khiếu nại xong, chỉ được hưởng quyền lợi mà không có chế tài để xử lý hành vi khiếu nại sai. Một bên khác chỉ bị khiếu nại, bị bồi thường thiệt hại, bị xử lý kỷ luật nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi do mình gây ra là trái pháp luật, nhưng nếu quyết định, hành vi của mình là đúng pháp luật thì thôi, không ai phải bồi thường cho những tổn thất mà người thi hành công vụ phải gánh chịu, trong đó tổn thất về mặt tinh thần là không thể nào cân đo, đong đếm được.

Luật Thi hành án dân sự năm 2008, các văn bản hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Thi hành án dân sự vẫn chưa quy định rõ ràng, thống nhất, đồng bộ trong việc quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với trường hợp chấp hành viên đồng thời là Chi cục trưởng của cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện bị khiếu nại, vì theo quy định tại Khoản 1, Điều 142 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự: “Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của chấp hành viên thuộc quyền quản lý của cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện”. Tuy nhiên, giải thích tại Công văn số 1209/TCTHADS-NV1 ngày 27/5/2013 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc giải đáp nghiệp vụ thi hành án đã hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với trường hợp người bị khiếu nại là chấp hành viên đồng thời là Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Vì vậy nhiều cơ quan Thi hành án dân sự lúng túng trong việc xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Điểm b, Khoản 1, Điều 145 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có quy định: “Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền tạm dừng việc thực hiện quyết định, hành vi bị khiếu nại hoặc yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự tạm ngừng việc thi hành án trong thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật này, nếu xét thấy việc thi hành án sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc ảnh hưởng đến việc giải quyết khiếu nại”. Tuy nhiên, vấn đề tạm ngừng thi hành án để giải quyết khiếu nại vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể, việc giải quyết các vấn đề phát sinh khi tạm ngừng thi hành án thì cũng chưa có quy định.

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã nêu khái niệm cũng như quy định khá cụ thể về thời hạn, thời hiệu, và trình tự, thủ tục giải quyết theo luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện đối với hai loại đơn khiếu nại và tố cáo. Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan Thi hành án dân sự còn phân ra 02 loại đơn khác là đơn kiến nghị và yêu cầu của công dân. Đây là những loại phát sinh trong thực tiễn mà cơ quan Thi hành án dân sự không thể xếp cùng với hai loại đơn khiếu nại, tố cáo bởi chúng có những tính chất và đặc điểm riêng. Có thể nói đơn kiến nghị, yêu cầu là một kênh thông tin giúp nhà quản lý làm tốt hơn nhiệm vụ của mình đồng thời nó thể hiện quyền lợi hợp pháp của đương sự trong quá trình tổ chức thi hành án. Cho đến nay chưa có văn bản nào trong lĩnh vực thi hành án dân sự nêu ra khái niệm cũng như quy định về trình tự thủ tục và thời hạn, thời hiệu giải quyết các loại đơn này. Vì vậy, trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo để đảm bảo thống nhất giữa các địa phương, trong việc phân loại và xử lý giải quyết 02 loại đơn này cần đưa ra khái niệm cơ bản và quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết 02 loại đơn nói trên trong văn bản pháp luật.

Một số biện pháp nâng cao kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự:

Nghiên cứu xây dựng các quy định hướng dẫn trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng và hướng dẫn thủ tục thi hành án dân sự nói chung để khắc phục những khó khăn vướng mắc trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như công tác tổ chức thi hành thoe hướng:

- Quy định thống nhất thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan Thi hành dân sự, Thủ trưởng cơ quan quản lý về thi hành án dân sự.

Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ cần có Thông tư hướng dẫn như thế nào là quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, chấp hành viên có căn cứ cho rằng, quyết định, hành vi đó là trái pháp luật hoặc quyết định hành vi đó là không trái pháp luật. Điều này hạn chế được khả năng lợi dụng quyền khiếu nại của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để trì hoãn, kéo dài thời gian thi hành án, làm ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của Toà án do cơ quan Thi hành án thực hiện.

Hiện tại, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 chỉ quy định tạm ngừng việc thi hành án một cách chung chung và đối chiếu với các quy định hoãn, thì việc tạm ngừng không được tính là hoãn thi hành án. Do đó, để cơ quan Thi hành án dân sự có cơ sở trả lời cho người được thi hành án trong trường hợp chậm thi hành án do giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như đảm bảo quyền lợi cho người phải thi hành án không phải nộp lãi suất chậm thi hành án trong thời gian ngừng thi hành án, cần quy định thời hạn giải quyết khiếu nại về thi hành án là một trong những căn cứ hoãn thi hành án (nếu thấy cần thiết), hoặc quy định cụ thể những trường hợp tạm ngừng thi hành án.

Quy định chế tài đối với những hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo (không đúng sự thật) để chây ỳ, lẩn tránh và kéo dài thời gian thi hành án, cần phối hợp với các cơ quan hữu quan đưa ra xử lý nghiêm, kể cả biện pháp truy cứu trách nhiệm hình sự để làm gương đối với các trường hợp trên. Điều này giúp cho người khiếu nại có suy nghĩ đúng đắn hơn về quyền khiếu nại, tố cáo của mình, chỉ khi nào thật sự cần thiết, chắc chắn rằng quyết định, hành vi đó của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, chấp hành viên có căn cứ là trái pháp luật, họ mới tiến hành việc khiếu nại.

Đối với cơ quan Thi hành án dân sự, cơ quan quản lý thi hành án dân sự:

Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự các cấp cần ưu tiên tập trung chỉ đạo việc phân loại các đơn thư khiếu nại, tố cáo, xác định những vụ việc tồn đọng, bức xúc là do nguyên nhân chủ quan hay khách quan, nếu vụ việc tồn đọng, bức xúc do chủ quan thì phải tích cực, chủ động đề ra các biện pháp giải quyết, phân công trách nhiệm cho từng cá nhân, ấn định thời hạn giải quyết dứt điểm đối với từng trường hợp cụ thể. Trường hợp do nguyên nhân khách quan, có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp thì tập hợp đầy đủ những vấn đề vướng mắc để trao đổi, kiến nghị với các cơ quan hữu quan hoặc báo cáo cơ quan cấp trên xin hướng dẫn, chỉ đạo biện pháp giải quyết. Đồng thời quán triệt nguyên tắc vụ việc nào thuộc thẩm quyền của cấp nào thì phải giải quyết dứt điểm ở cấp đó, tránh tình trạng giải quyết qua loa, đại khái hoặc đùn đẩy trách nhiệm, phải có biện pháp giải quyết hiệu quả ngay tại nơi phát sinh, với phương châm “quyết liệt, thận trọng”. Khi giải quyết phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và đúng nội dung khiếu nại, tố cáo, phải xác minh làm rõ những tình tiết liên quan đến vụ việc trước khi ra quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo về thi hành án để hạn chế tối đa sai sót, khiếu nại kéo dài.

Quán triệt sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự cho Thủ trưởng, chấp hành viên và cán bộ làm công tác thi hành án dân sự.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự, về khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự cho quần chúng nhân dân. Tạo điều kiện thuận lợi để quần chúng nhân dân nâng cao ý thức pháp luật về thi hành án dân sự, giúp họ tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

Thường xuyên mở các lớp tập huấn cho tất cả cán bộ, công chức làm công tác thi hành án những quy định của pháp luật về thi hành án dân sự theo luật thi hành án dân sự năm 2008. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự thực hiện đúng quy định của pháp luật về thi hành án, hạn chế đến mức thấp nhất những khiếu nại phát sinh trong quá trình tổ chức việc thi hành án.

Thực hiện tốt công tác rà soát, xác minh, phân loại án, tổ chức các đợt cao điểm giải quyết án tồn đọng, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành hữu quan trong việc tổ chức thi hành án dân sự. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thi hành án dân sự, nhất là những nơi có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm./.

Phạm Huy Ân