Từ năm 2008 trở về trước, kết quả thi hành án dân sự được tính trên cơ sở tỷ lệ thi hành án về việc và tỷ lệ thi hành án về giá trị (gồm tiền và tài sản quy ra tiền). Từ năm 2009, năm 2010 và năm 2011, các cơ quan Thi hành án dân sự phải thực hiện 04 chỉ tiêu gồm chỉ tiêu về việc, chỉ tiêu về giá trị, chỉ tiêu giảm việc tồn đọng và chỉ tiêu giảm tiền tồn đọng.... Năm 2013 theo Quyết định số 881/QĐ-TCTHADS ngày 28/12/2013 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc giao chỉ tiêu năm 2013 cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, các cơ quan Thi hành án dân sự phải thực hiện 6 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu giảm 7% đến 10% số việc chuyển sang năm 2014 so với số việc chuyển kỳ sau của năm 2012 chuyển sang năm 2013.
Năm 2009, năm 2010, để đạt được các chỉ tiêu đã được giao, cũng là để hoàn thành nhiệm vụ, các chấp hành viên đã nỗ lực hết sức mình, tìm mọi biện pháp, từ đi cơ sở nhiều hơn, có khi bố trí đi cả những ngày nghỉ, rồi đề nghị thông báo trên đài phát thanh từng thôn, xã, phường, thị trấn; tổ chức các đợt đôn đốc thi hành án cao điểm huy động toàn bộ lực lượng cán bộ công chức của đơn vị về từng thôn, xã của địa phương để thi hành án. Tuy nhiên, nếu chỉ có như vậy thì cũng khó đạt được các chỉ tiêu đã được giao, nhất là chỉ tiêu giảm án tồn.
Vào thời điểm đó, còn tồn rất nhiều hồ sơ thi hành án mà thời gian đã trên 10 năm, trên 5 năm mà người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án. Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự; Thông tư 07/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 25 tháng 03 năm 2010 của liên ngành Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất hướng dẫn thủ tục miễn thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng mà thời gian tổ chức thi hành án đã quá 05 năm, tính đến thời điểm Luật thi hành án có hiệu lực thi hành (01/7/2009) nhưng người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án. Kết quả miễn hàng nghìn hồ sơ thi hành án là một nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến việc giảm án tồn, tăng tỷ lệ việc, tỷ lệ giảm án tồn cao chưa từng thấy của ngành thi hành án dân sự so với những năm trước đó.
Tuy nhiên, việc xét miễn thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng chỉ thực hiện một lần sau khi Luật Thi hành án dân sự 2008 có hiệu lực thi hành.
Đến năm 2011, Bộ Tư pháp đã ra Quyết định 48/QĐ-BTP ngày 19/01/2011 quyết định về việc giao chỉ tiêu cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, tại Mục 4 nêu rõ:
Cục trưởng, Chi Cục trưởng Thi hành án dân sự căn cứ vào tình hình thực hiện nhiệm vụ tại mỗi địa phương để giao chỉ tiêu cụ thể, nhưng không thấp hơn mức sàn 81% về việc, 61 % về giá trị, giảm tối thiểu 10% việc, 5% về tiền thi hành án dân sự chuyển sang năm 2012 so với năm 2010 chuyển sang năm 2011 và phải đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu chung của tỉnh được Bộ tư pháp giao.
Trong năm 2011, công tác thi hành án dân sự tiếp tục được khởi sắc, các chỉ tiêu thi hành án phần lớn đã đạt được. Cũng phải khẳng định, để đạt được điều đó cần phải có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ tư pháp, Tổng cục thi hành án dân sự cũng như sự quyết tâm của các các cơ quan Thi hành án và chấp hành viên. Nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng phải kể đến chính là việc xét miễn, giảm thi hành án thực hiện theo quy định tại các Điều 61, Điều 62, Điều 63, Điều 64 của Luật Thi hành án dân sự 2008 và Điều 26 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự 2008 về thủ tục thi hành án dân sự và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 10/2010/TLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/5/2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao “hướng dẫn việc miễn, giảm thi hành án đối với khỏan nộp ngân sách nhà nước”. Việc thực hiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các hồ sơ đủ điều kiện cũng đã góp phần nâng cao tỷ lệ giảm án tồn.
Song qua kết quả thi hành án theo các tỷ lệ trên, nhiều đơn vị không đạt được giá trị giảm tiền tồn đọng. Lý do bởi có những vụ việc có giá trị lớn tồn đọng như: đang hoãn thi hành án; tạm đình chỉ thi hành án, chưa thi hành án do mới thụ lý; hoặc đang thi hành án dở dang nhưng thủ tục kéo dài, chưa bán đấu giá thành...
Năm 2012, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định 301/QĐ-BTP ngày 28/02/2012, Tổng cục thi hành án ban hành Quyết định số 94/QĐ-TCTHADS ngày 29/02/2012 về việc giao chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2012 cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, theo đó chỉ tiêu giảm tiền tồn đọng không được đặt ra.
Tại Điều 1 của Quyết định 301/QĐ-BTP đã giao chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2012 cho ngành Thi hành án dân sự như sau:
1. Chỉ tiêu giải quyết xong trong số có điều kiện giải quyết:
Giải quyết xong 85% về việc và 70% về tiền (tiền và giá trị tài sản được quy ra tiền) trong số việc, tiền có điều kiện giải quyết.
2. Chỉ tiêu giảm việc thi hành án dân sự chuyển kỳ sau:
Giảm tối thiểu 10% số việc chưa giải quyết xong chuyển sang năm 2013 so với số việc chưa giải quyết xong của năm 2011 chuyển sang năm 2012;
3. Chỉ tiêu phân loại việc, tiền thi hành án:
Phấn đấu phân loại việc, tiền có điều kiện, chưa có điều kiện giải quyết chính xác 100%.
Trong năm này, các cơ quan Thi hành án dân sự đã đạt được chỉ tiêu về việc, về tiền, nhưng riêng tỷ lệ giảm việc tồn đọng đã thực sự khó khăn, một số đơn vị không thể đạt được tỷ lệ giảm 10% số việc chưa giải quyết xong chuyển sang năm 2013 so với số việc chưa giải quyết xong của năm 2011 chuyển sang năm 2012.
Năm 2013, Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự tiếp tục ra Quyết định số 881/QĐ-TCTHADS ngày 28/12/2012 về việc giao chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2013. Tại khoản 4, 5 Điều 1 của Quyết định đã đưa ra tỷ lệ thi hành án năm 2013 phải đạt được như sau:
Thi hành xong đạt trên 88% về việc và trên 77% về tiền ( tiền và giá trị tài sản được quy ra tiền) trên tổng số việc, tiền có điều kiện thi hành; Giảm 7% đến 10% số việc chuyển sang năm 2014 so với số việc chuyển kỳ sau của năm 2012 chuyển sang năm 2013.
Để đạt được trên 88% về việc, trên 77% về tiền, đối với chấp hành viên không phải là khó vì tỷ lệ này tính trên số việc, số tiền có điều kiện thi hành. Phải khẳng định rằng, có điều kiện thi hành thì mới tính tỷ lệ, nếu không có điều kiện thi hành thì chấp hành viên không thể nào thi hành được. Ví dụ: Có những trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù giam, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không có người nộp thay số tiền án phí, tiền phạt… thì tại Khoản 5, Điều 6, Nghị định 58/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự đã quy định: Trường hợp người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án mà đang chấp hành hình phạt tù hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới thì thời hạn xác minh giữa các lần không được quá một năm. Những trường hợp như thế này đều hoãn thi hành án theo quy định tại Điều 48, Luật thi hành án dân sự. Mà đã hoãn thi hành án thì xếp vào loại không có điều kiện thi hành. Vậy thì hai tỷ lệ trên có đủ cơ sở để chấp hành viên có thể phấn đấu đạt được. Tuy nhiên, vấn đề cần phải bàn và đang thực sự là gánh nặng đối với chấp hành viên, đó chính là tỷ lệ giảm việc tồn đọng. Xin được đưa ra dẫn chứng:
Chấp hành viên A năm 2012 chuyển sang năm 2013 phải thi hành 45 việc; thụ lý mới đến tháng 8/2013 là 164 việc, tổng cộng 209 việc. Đã giải quyết được 150 việc, còn tồn 59 việc. Trong khi đó số việc xác minh không có điều kiện chiếm đến 50 việc. Chỉ còn 9 việc có điều kiện để thi hành. Theo như chỉ tiêu được giao thì đến 30/9/2013, Chấp hành viên A phải đạt tỷ lệ giảm án tồn 10%, nghĩa là phải giảm số tồn từ 59 việc xuống còn 40 việc, tương ứng theo đó là phải giảm 19 việc. Trong khi số việc có điều kiện chỉ còn 9 việc thì trong một tháng (đến 30/9/2013), chấp hành viên không thể nào thi hành được thêm 10 việc khi mà toàn bộ 10 việc đó không có điều kiện thi hành, chưa kể 9 việc có điều kiện kia chỉ có thể cưỡng chế (thời gian và thủ tục phức tạp hơn) mới thi hành được.
Như vậy, số việc năm trước chưa thi hành được đa phần là những việc không có điều kiện, cộng thêm số thụ lý mới cũng phát sinh nhiều việc không có điều kiện, tăng số việc không có điều kiện lên, trong khi để miễn, giảm phải đủ thời gian trên 5 năm trở lên kèm theo các điều kiện khác theo quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008 và Điều 26 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 10/2010/TLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/5/2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao “hướng dẫn việc miễn, giảm thi hành án đối với khỏan nộp ngân sách nhà nước”. Chính vì vậy, để giảm được 7% đến 10% số việc chuyển sang năm 2014 so với số việc chuyển kỳ sau của năm 2012 chuyển sang năm 2013 là bài toán quá khó đối với mỗi chấp hành viên. Vì để thi hành được một việc khó từ năm trước chuyển sang thì có thể lại thụ lý mới thêm vài việc không có điều kiện thi hành.
Có thể nói, hiện nay công tác thi hành án dân sự thực sự được quan tâm, nhưng nhiệm vụ thi hành án lại vô cùng nặng nề. Năm 2013 cũng là năm thực hiện Nghị quyết 37/2012/QH13 về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, của Tòa án nhân dân tối cao và công tác thi hành án năm 2013. Trong đó chỉ rõ giải pháp mang tính đột phá trong việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ về thi hành án dân sự đã được xác định trong Nghị quyết là việc giao chỉ tiêu cụ thể cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong cả nước. Tuy nhiên, tại báo cáo số 30/BC-BTP ngày 23/01/2013 của Bộ Tư pháp về Tình hình triển khai Nghị quyết số 37/2012/QH ngày 23/11/2012 của Quốc hội cũng đã nêu rõ: Dự báo, năm 2013, số việc và tiền phải thi hành sẽ rất lớn, chỉ trong Quý I/2013 (tính theo năm báo cáo thống kê), số thụ lý mới là trên 140 nghìn việc, với số tiền trên 12 nghìn tỷ đồng (bằng khoảng 60% về việc và trên 42% về tiền so với số còn phải thi hành của năm 2012 chuyển sang), trong khi đó, Đề án miễn thi hành đối với một số khoản thu nộp ngân sách nhà nước không có điều kiện thi hành không được cơ quan có thẩm quyền thông qua, nên việc thực hiện chỉ tiêu lại càng trở lên khó khăn hơn.
Do đó, trong thời gian tới Bộ Tư pháp, Tổng cục thi hành án dân sự cần nghiên cứu xây dựng phương án giao chỉ tiêu nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với từng địa phương để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trong đó có chỉ tiêu giảm án tồn.
Nguyễn Linh Anh
Chi cục THADS huyện Đông Anh