Kết quả thực hiện Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 18/3/2015 về phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự

21/06/2016
Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 18/3/2015 phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự từ trung ương đến địa phương, với sự nỗ lực, tích cực chỉ đạo của 02 ngành Trung ương đã phát huy tối đa vai trò quan trọng trong công tác phối hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm sự thống nhất trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, tạo chuyển biến tích cực trong công tác thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng, ngân hàng.

Một số kết quả nổi bật được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp ghi nhận như: 
- Việc quán triệt và thực hiện Quy chế được triển khai nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao. Cho đến thời điểm tháng 6/2016, đã có 47/63 địa phương ban hành quy chế phối hợp trong công tác THADS liên quan đến tín dụng, ngân hàng; các địa phương còn lại đang tiếp tục triển khai việc thực hiện ký kết Quy chế.
- Công tác phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THADS liên quan đến tín dụng, ngân hàng được 02 ngành chú trọng thực hiện với nhiều hình thức phong phú như tổ chức các buổi tập huấn, thảo luận, trao đổi chuyên đề, lồng ghép trong các tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết. Qua đó, góp phần đáng kể trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật thi hành án trong cán bộ, người dân và đương sự, đảm bảo cho công tác thi hành án dân sự và đặc biệt là việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng đạt hiệu quả tích cực.
- Thông qua cơ chế phối hợp liên ngành, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về THADS liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng đã có sự chuyển biến tích cực cả về tiến độ, chất lượng, đặc biệt là trong quá trình hướng dẫn thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 về nội dung hướng dẫn chuyển giao quyền và nghĩa vụ  thi hành án liên quan đến việc mua bán các khoản nợ giữa VAMC và các tổ chức tín dụng, ngân hàng; phối hợp trong việc tổng kết các Đề án của Chính phủ như “ Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”, “ Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng”...
- Với mục tiêu giảm nợ xấu xuống dưới 03%, Tổng cục Thi hành án dân sự và Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp để kiểm tra công tác thi hành án dân sự liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Bên cạnh việc kiểm tra công tác tổ chức thi hành án, các đoàn kiểm tra đã dành thời gian nhất định để kiểm tra việc phối hợp trong thực hiện Quy chế tại địa phương giữa các Cục Thi hành án dân sự địa phương và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các Cục Thi hành án dân sự địa phương đã chủ động mời đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia các đoàn kiểm tra đối với các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng.
- Trong thời gian qua, 02 ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực trong việc giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác thi hành án dân sự. Đối với các vụ việc khó khăn, phức tạp liên quan đến tín dụng, ngân hàng mà phải tổ chức họp liên ngành, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và trên cơ sở ý kiến mà 02 ngành thống nhất đưa ra đã tạo nên hiệu quả trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc.
- Nghị quyết hàng năm của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách nhà nước, trong đó Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ: chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng để tạo điều kiện thu hồi nợ, giảm nợ xấu và mở rộng tín dụng; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự để bảo vệ quyền chủ nợ và thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng. Hàng năm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đều ban hành Chương trình hành động của Bộ Tư pháp, theo đó, về nhiệm vụ trong công tác thi hành án dân sự nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan thi hành án trong việc tổ chức thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng.
- Sau hơn một năm triển khai thực hiện, Quy chế đã phát huy tác dụng, thể hiện rõ nét và nổi bật qua kết quả thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, đó là: Năm 2015, số việc phải thi hành cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng là 16.932 việc, tăng 3.436 việc so với cùng kỳ năm 2014, tương ứng với tổng số tiền phải thi hành là trên 68.965 tỷ đồng, tăng hơn 28.114 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014. Số việc đã thi hành xong 3.043 việc, tăng  2.231 việc so cùng kỳ năm 2014, tương ứng với số tiền trên 15.794 tỷ đồng, tăng hơn 10.466 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2014, kết quả thi hành án xong về án tín dụng, ngân hàng năm 2015 đã tăng gần gấp 04 lần số việc và gấp 03 lần số tiền so với cùng kỳ năm 2014; Kết quả thống kê 06 tháng năm 2016, số việc phải thi hành cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng là 16.433 việc, tăng 2.042 việc so với cùng kỳ năm 2015, tương ứng với tổng số tiền phải thi hành trên 60.399 tỷ, tăng trên 11.394 tỷ so với cùng kỳ năm 2015. Số việc đã thi hành xong 1.239 việc, tăng 508 việc so với cùng kỳ năm 2015, tương ứng với số tiền trên 8.120 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, kết quả thi hành án xong về án tín dụng, ngân hàng 06 tháng năm 2016 đã tăng trên 41% số việc và tăng trên 30% số tiền so với cùng kỳ năm 2015.
Có thể  khẳng định, việc ban hành Quy chế số 01 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong phối hợp giữa các cơ quan thi hành án dân sự và các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi tổ chức việc thi hành án. Thông qua việc thực hiện, triển khai Quy chế đã nâng cao nhận thức của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, các Chấp hành viên, đó là việc thi hành án các vụ việc có liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng là nhiệm vụ chính trị do Đảng và Chính phủ giao; việc giải quyết và thu hồi số lượng lớn về tiền, tài sản liên quan đến các tổ chức tín dụng đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 03% đã góp phần hoàn thành chỉ tiêu của Quốc hội giao về việc và về tiền của các cơ quan thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, Quy chế phối hợp cũng nâng cao nhận thức của các tổ chức, tín dụng ngân hàng trong việc thu hồi tiền, tài sản ngay từ khi xét xử đến khi thi hành án. Đồng thời, các tổ chức tín dụng, ngân hàng đã nâng cao trách nhiệm trong cung cấp thông tin tài khoản của người phải thi hành án và thực hiện các quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm của cơ quan thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận việc triển khai thực hiện Quy chế số 01 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: (i) Việc phối hợp có lúc, có nơi còn chưa đáp ứng yêu cầu, thể hiện trong việc cơ quan thi hành án còn chậm thụ lý việc thi hành án của các tổ chức tín dụng; các tổ chức tín dụng không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự trong việc phong tỏa hoặc khấu trừ tiền trong tài khoản, (ii) Kết quả thi hành án dân sự vẫn còn hạn chế chưa đạt yêu cầu, toàn quốc số việc còn tồn đọng chưa thi hành là 15.194 việc, số tiền trên 52.283 tỷ đồng.
Có thể nói nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế bao gồm nguyên nhân chủ quan và khách quan. Những nguyên nhân khách quan như (i) Sự quá tải trong công việc của Chấp hành viên và cơ quan THADS; (ii) hệ thống pháp luật chưa đồng bộ (còn một số quy định giữa Luật Thi hành án dân sự và Luật các tổ chức tín dụng chưa được đồng bộ); (iii) sự chống đối quyết liệt của người phải thi hành án - khách hàng vay của ngân hàng; (iv) một số bản án, quyết định của Tòa án chưa rõ ràng dẫn đến việc thi hành án khó khăn, kéo dài.
Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân chủ quan như: (i) Trong quá trình thực hiện Quy chế phối hợp có lúc, có nơi chưa đầy đủ; (ii) chưa coi trọng đúng mức việc triển khai thực hiện Quy chế; (iii) phương pháp phối hợp, các ngành chưa bài bản, khoa học, dẫn đến sự phối hợp có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, thiếu thống nhất; (iv) Công tác quản lý chỉ đạo, điều hành của một số Lãnh đạo cơ quan THADS chưa quyết liệt; (v) thiếu chủ động phối hợp với các ban, ngành có liên quan trong công tác THADS, đặc biệt là trong việc phối hợp để giải quyết những vụ việc trọng điểm, kéo dài; việc kiểm tra đôn đốc đối với cán bộ thuộc quyền quản lý trong công tác phối hợp chưa thường xuyên; (vi) trình độ chuyên môn của đội ngũ chấp hành viên chưa đồng đều, năng lực còn hạn chế dẫn đến kết quả công tác chưa cao và gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng (vii) công tác quản lý, chỉ đạo của một số tín dụng, ngân hàng còn thiếu tính khoa học, nhiều tổ chức tín dụng còn buông lỏng không kiểm soát chặt chẽ dẫn đến khách hàng mất khả năng thanh toán; (viii) cán bộ tín dụng, ngân hàng thiếu kinh nghiệm khi tham gia vào hoạt động tố tụng và thi hành án; (ix) một vài nơi chưa có sự tham gia các cơ quan chính quyền địa phương, chưa đưa ra các khuyến cáo đối với người dân về việc rủi ro khi thế chấp trong quá trình người dân thế chấp, bảo lãnh tài sản để vay vốn tín dụng....
Để khắc phục những khó khăn hạn chế nói trên, trong bối cảnh thực hiện mục tiêu của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung “Tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng” thì Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Trên cơ sở đó, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới mà hai ngành cần nỗ lực thực hiện bao gồm:
- Tiếp tục quán triệt, phổ biến Nghị quyết của Chính phủ, Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng nhà nước và Bộ Tư pháp trong xử lý nợ xấu.
- Về phía Ngân hàng Nhà nước: chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng thực hiện đúng trình tự, thủ tục thẩm định tài sản trước khi cho khách hàng vay. Trong quá trình nhận thế chấp phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ tài sản thế chấp để tránh tình trạng tài sản bị thay đổi so với lúc nhận thế chấp; cử người có năng lực, trách nhiệm để tham gia giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng từ giai đoạn xét xử đến giai đoạn thi hành án dân sự, đồng thời, phải kịp thời đề nghị Tòa án giải thích các nội dung chưa rõ trong các quyết định, bản án của Tòa án để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật; các Chi nhánh Ngân hàng nhà nước Việt Nam ở địa phương cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự trong việc tiến hành rà soát các vụ việc phải thi hành án; lập kế hoạch để thực hiện, kiểm tra Quy chế phối hợp từ đó rút kinh nghiệm chỉ đạo chung, chuẩn bị cho việc tổng kết hàng năm theo Quy chế.
- Về phía Bộ Tư pháp: Chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu trong thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và công tác phối hợp liên ngành; thường xuyên, kịp thời tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và phối hợp với các ngành, các tổ chức đoàn thể để huy động hệ thống chính trị ở địa phương trong công tác THADS nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác THADS trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trọng: (i) nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục nói chung và phát huy vai trò của Tổ công tác xử lý nợ xấu ở Tổng cục và ở từng địa phương trong công tác xử lý nợ xấu, nhằm nâng cao và hoàn thành chỉ tiêu thi hành án, nhất là chỉ tiêu về tiền;  (ii) sớm triển khai thực hiện trên cả nước việc thực hiện yêu cầu thi hành án trực tuyến; (iii) tăng cường công tác kiểm tra trực tiếp đối với các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, nhất là các Chi cục; (iv) Chỉ đạo các địa phương nơi có nhiều án tín dụng, ngân hàng, nhất là những nơi có bản án, quyết định đang trong quá trình tổ chức thi hành có vướng mắc cần tích cực phối hợp triển khai Quy chế phối hợp nhằm nâng cao hơn nữa kết quả thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng; (v) lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản có năng lực để đảm bảo quá trình kê biên, bán đấu giá đúng pháp luật và hiệu quả.
Nguyễn Thị Nhàn
Vụ Nghiệp vụ 1- Tổng cục Thi hành án dân sự