Hoãn thi hành án do đương sự bỏ địa chỉ

07/09/2015
Trong thời gian qua, lượng việc chuyển kỳ sau tại các Chi cục tương đối nhiều. Trong số đó phải nói đến án hoãn do đương sự bỏ địa chỉ (Khoản 1 điều 48 Luật thi hành án dân sự năm 2008). Thực tế có một bất cập khi người phải thi hành án vắng mặt tại địa chỉ trong bản án. Nhưng họ chuyển đến ở mới ngay   xã, phường liền kề, họ có tài sản, có điều kiện thi hành án mà cơ quan thi hành án vẫn ban hành quyết định hoãn. Thậm chí trong nội thành có trường hợp đương sự bỏ địa chỉ chuyển đến ngay sau trụ sở Chi cục thi hành án mà công an phường nơi người phải thi hành án chuyển đi cũng không nắm được. Điều đó cho thấy vấn đề quản lý  nơi cư trú của người phải thi hành án cần được đặt ra.  Luật cư trú năm 2006 không điều chỉnh vấn đề quản lý nhà nước đối với người phải thi hành án. Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 tại điểm c khoản 2 điều 7a quy định Nghĩa vụ của người phải thi hành án  thông báo cho cơ quan thi hành án khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú mới của mình. Nếu người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ trên thì sẽ như thế nào thì luật chưa có quy định rõ. Do vậy, lý do bỏ địa chỉ của đương sự dẫn đến việc phân loại án tại Chi cục tỷ lệ án không có điều kiện thi hành sẽ cao. Cho nên, cần có giải pháp  để giảm bớt án hoãn đưa những án này vào dạng có điều kiện thi hành khi xác minh được địa chỉ mới của đương sự.


1. Nguyên nhân và tồn tại

Do các cơ quan tiến hành tố tụng chưa  xác định cụ thể bị can, bị cáo trước khi bị bắt thì cư trú nơi nào. Đương sự đăng ký hộ khẩu một nơi, nhưng tạm trú, thường trú một nơi, lại phạm tội ở nơi khác. Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát. Viện kiểm sát cũng truy tố bị can theo địa chỉ theo hồ sơ và dĩ nhiên trong quá trình xét hỏi thì Toà án cũng vậy. Bởi việc xác định địa chỉ, nơi cư trú, thường trú, nơi có tài sản của người bị báo không ảnh hưởng đến quá trình tố tụng. Vì vậy, Chi cục thi hành án khi thụ lý phải ban hành quyết định hoãn thi hành án.

Người phải thi hành án sống lang thang gầm cầu vỉ hè, vườn hoa… trước khi phạm tội, bản thân họ không có nhà ở, không có nơi cư trú, không có tài sản. Do đó, Tòa án ghi trong bản án chỗ ở đương sự không cố định.  Các cơ quan Công an, chính quyền địa phương không có thông tin. Những án ủy thác từ tỉnh khác cho nhau cũng theo nội dung bản án. cơ quan nhận ủy thác căn cưa ra quyết định thi hành. Mặc dù luật thi hành án sửa đổi bổ sung năm 2014(Điều 44a) có quy định về ủy thác xác minh thi hành án nhưng chưa có hướng dẫn cơ quan nhận ủy thác trả lời xác minh nếu không có đương sự tại địa phương thì có thực hiện việc ủy thác hay không?

Người phải thi hành án có địa chỉ theo bản án nhưng từ thời điểm toà án cấp sơ thẩm tuyên có bị cáo có kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị. Khi xét xử phúc thẩm cho đến khi tổ chức thi hành án khoảng từ 3 đến 12 tháng (đối với án hình sự phức tạp) thì gia đình người phải thi hành án đã bán nhà chuyển đi nơi khác không rõ địa chỉ. Hoặc những đối tượng đã ra tù có về nhà nhưng bỏ nhà đi lang thang, gia đình và người thân cũng không rõ con mình đi đâu. Mặt khác, theo quy định của luật cư trú năm 2006 nhà nước giao cho Bộ công an và  UBND các cấp là cơ quan quản lý nhà nước về cư trú. Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý còn nhiều bất cập. Vì vậy, người phải thi hành án lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trốn tránh nghĩa vụ của mình.

Những hồ sơ hoãn thi hành án chỉ mang tính thủ tục theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, đương sự vẫn có điều kiện thi hành án nhưng lại ở nơi khác. Nếu đúng sự thật đương sự khó khăn không cần phải nói đến lẽ đương nhiên. Như hiện nay, việc tạo điều kiện cho công dân dễ dàng nhập hộ khẩu thì đối tượng người phải thi hành án cũng không nằm ngoài đối tượng thuộc diện luật cư trú điều chỉnh. Song ở đây đương sự có điều kiện thi hành án nhưng vì lý do bỏ địa chỉ thì cần có giải pháp. Các cơ quan nhà nước sẽ buộc phải họ có trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan thi hành án phải tổ chức thi hành bản án, đưa bản án có hiệu lực trên thực tiễn; Người được thi  hành án không phải chịu thiệt thòi và nhà nước thu được sớm các khoản tiền án phí dân sự và tiền phạt. Mặt khác, nếu xác định được nơi cư trú của đương sự thì cơ quan thi hành án mới có thể xem xét miễn, giảm mặc dù đã đủ thời gian xét theo điều 61 luật thi hành án dân sự. 

2. Một số giải pháp

Một là: Cần sửa đổi bổ sung luật cư trú năm 2006 quy định về quản lý nơi cư trú đối với người phải thi hành án khi chuyển đi nơi khác cụ thể: Quy định  về quản lý người  đang hưởng án treo và hình phạt cải tạo không giam giữ. Những quy định này phải làm rõ nơi cư trú mới của đối tượng phải thi hành án về hình sự cũng như dân sự. Tránh thực tế hiện này Công an và chính quyền cơ sở không nắm được nơi cư trú mới của họ. Cần quy định về việc đăng tải danh sách những đối tượng này lên Cổng thông tin điện tử của Cơ quan công an. Khi cơ quan thi hành án tiến hành xác minh thì có ngay thông tin. Đối với những trường hợp công dân chuyển về nơi ở mới thì Công an cấp xã lập danh sách và gửi thông tin về nơi ở cũ của người mới chuyển đến. 

Hai là: Đối với cơ quan tiến hành tố tụng cần phải kiểm tra căn cước và xác minh chính xác địa chỉ: Đăng ký hộ khẩu, nơi ở, nơi cư trú quan trọng hơn là nơi có tài sản của  các bị can. Một bản án cần có nhiều địa chỉ, trong trưòng hợp cơ quan thi hành án không xác minh được địa chỉ theo bản án thì phải có địa chỉ khác theo hộ khẩu hoặc địa chỉ nơi tạm trú, hoặc người thân thích của họ để thuận tiện cho việc điều tra xác minh. Nên quy định trách nhiệm quản lý các đối tượng đang chấp hành án cho Công an tại cấp xã; trách nhiệm cung cấp thông tin nơi cư trú của người phải thi hành án cho công an cấp xã. Một mặt phù hợp với luật cư trú mặt khác tăng cường và nâng cao khả năng thi hành các bản án hình sự có phần dân sự và các loại án khác.

Trần Đại Sỹ

Chi cục THADS huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng