Thực tiễn trong chỉ đạo tổ chức thi hành một vụ việc thi hành án khó khăn, phức tạp

26/08/2014
Thi hành dứt điểm bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan Thi hành án dân sự nhằm nâng cao kết quả thi hành án, giảm việc thi hành án chuyển kỳ sau luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và dư luận quần chúng nhân dân. Trong những năm qua, được sự quan tâm xác đáng, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền, cùng với sự nỗ lực cố gắng của của toàn thể cán bộ, công chức và người lao động trong Ngành Thi hành án dân sự, số lượng bản án, quyết định thi hành xong hàng năm đều tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế trong thi hành án dân sự cần được khắc phục, nhất là tình trạng việc thi hành án chưa được tổ chức thi hành dứt điểm phải chuyển kỳ sau không ngừng tăng lên, trong đó có việc thi hành phần quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Dẫn đến hạn chế này có nhiều nguyên nhân, trong đó, các đối tượng phải thi hành án phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự đa phần có điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù giam, liên quan đến tập đoàn kinh tế lớn hoặc phải thi hành số tiền quá lớn…Trong số đó, vụ việc khó khăn nhất gần đây trong thi hành án phần dân sự mà khi tuyên án, Tòa án không tuyên tài sản bảo đảm thi hành án là vụ án hình sự liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (gọi tắt là vụ Vinashin) - nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC).


Nội dung vụ việc

Tại Bản án số 454/2012/HSPT ngày 30/8/2012 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xét xử Phạm Thanh Bình và đồng bọn phạm tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Nguyễn Tuấn Dương phạm tội sử dụng trái phép tài sản. Những cá nhân phải thi hành án theo bản án này đều nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng các doanh nghiệp của Tập đoàn Vinashin. Tại phiên xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo rất nguy hiểm, diễn ra ở nhiều địa phương, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư. Bản án phúc thẩm tuyên phạt:

Phạm Thanh Bình 20 năm tù, bồi thường thiệt hại hơn 500 tỷ đồng; Trần Văn Liêm 19 năm tù, bồi thường hơn 495 tỷ đồng; Tô Nghiêm 18 năm tù, bồi thường số tiền 16 tỷ đồng; Nguyễn Văn Tuyên 16 năm tù, bồi thường 14 tỷ đồng; Trịnh Thị Hậu 14 năm tù; Hoàng Gia Hiệp 13 năm tù; Trần Quang Vũ 11 năm tù, bồi thường thiệt hại cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu 25.438.986.030 đồng, đã nộp 01 tỉ đồng khắc phục một phần hậu quả; Đỗ Đình Côn 10 năm tù, bồi thường cho Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh gần 14 tỷ đồng; Nguyễn Tuấn Dương 3 năm tù, bồi thường cho Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long 24.909.123.574 đồng.

Như vậy, phần trách nhiệm dân sự buộc Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm, Tô Nghiêm, Nguyễn Văn Tuyên, Đỗ Đình Côn, Trần Quang Vũ phải liên đới bồi thường cho 06 công ty tổng cộng 1.149.478.487.851 đồng, ngoài ra 09 bị cáo phải nộp án phí dân sự, hình sự và tiền phạt tổng cộng 1.901.590.000 đồng. Theo quyết định của Bản án 454/2012/HSPT thì 06 công ty được thi hành án là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vinashin, Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tàu thủy Cái Lân, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên điện Cái Lân, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Triệu, Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long.

Thực tiễn chỉ đạo tổ chức thi hành án và kết quả đạt được

Bản án có hiệu lực pháp luật, Cục Thi hành án dân sự Hải Phòng đã chủ động ra quyết định thi hành án khoản án phí, tiền phạt, tổ chức thi hành theo quy định và ủy thác đến cơ quan Thi hành án nơi đương sự cư trú để tiếp tục thi hành án. Các khoản còn lại (bồi thường thiệt hại), theo quy định của Luật Thi hành án dân sự hiện hành, người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án thì cơ quan Thi hành án dân sự mới thụ lý và ra quyết định thi hành án. Tuy nhiên, sau khi có bản án, phần lớn trong số doanh nghiệp được thi hành án đã không có đơn yêu cầu thi hành án. Do đó, Bộ Tư pháp đã chủ động tổ chức nhiều cuộc họp với sự tham dự của đại diện các Bộ, Ngành có liên quan để trao đổi, bàn biện pháp chỉ đạo tổ chức thi hành bản án. Đồng thời, Tổng cục Thi hành án - Bộ Tư pháp có nhiều Công văn chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, Hải Phòng và tỉnh Nam Định tích cực, chủ động thi hành án vụ Vinashin, thành lập riêng một tổ công tác kiểm tra, đôn đốc thi hành vụ án Vinashin. Theo đó, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng đã liên tiếp có các công văn hướng dẫn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên - Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận tải viễn dương Vinashin, Công ty cổ phần Công nghệ tàu thủy Hoàng Anh, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghệ tàu thủy Cái Lân, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên điện Cái Lân Vinashin về việc làm đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng có nhiều Công văn yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thuộc quyền quản lý được nhận tiền bồi thường làm đơn yêu cầu thi hành án.

Tuy  nhiên, sau rất nhiều Công văn hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền, chỉ có 2 trong số 06 doanh nghiệp được thi hành án làm đơn yêu cầu thi hành án là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu yêu cầu Trần Quang Vũ bồi thường 24.438.986.030 đồng cộng lãi suất chậm thi hành án và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin yêu cầu Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm liên đới bồi thường 991.376.423.000 đồng cộng lãi suất chậm thi hành án.

Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long không làm đơn do đã tự thi hành xong: Theo Bản án, Nguyễn Tuấn Dương phải bồi thường cho Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long 24.909.123.574 đồng. Ngày 23/8/2013, Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị của Công ty đã họp và thống nhất đối trừ công nợ vào cổ phần của Nguyễn Tuấn Dương tại Công ty số tiền 24.909.123.574 đồng, doanh nghiệp đã coi như tự thi hành xong, không làm đơn yêu cầu thi hành án.

Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh không làm đơn yêu cầu thi hành án với lý do: Hội đồng quản trị và Hội đồng cổ đông Công ty cho biết Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh không bị thiệt hại và không yêu cầu ông Bình, ông Tuyên, ông Côn phải bồi thường 34.839.338.936 đồng theo quyết định của bản án. Tài sản đầu tư của Công ty vẫn còn tính đến thời điểm hiện tại, giá trị tài sản lớn hơn nghĩa vụ phải bồi thường nên Công ty không làm đơn yêu cầu thi hành án.

Cho đến nay, các cơ quan có thẩm quyền đã tiêu tốn không ít giấy mực để hướng dẫn, thuyết phục nhưng có 02 doanh nghiệp chưa làm đơn yêu cầu thi hành án gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tàu thủy Cái Lân đối với khoản Phạm Thanh Bình, Tô Nghiêm phải liên đới bồi thường Công ty 33.664.700.828 đồng và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên điện Cái Lân đối với khoản Phạm Thanh Bình, Tô Nghiêm phải liên đới bồi thường cho Công ty 32.910.835.400 đồng.

Trong việc thi hành án chủ động, đến nay, các cơ quan Thi hành án dân sự đã tổ chức thi hành xong 618.969.000 đồng thu cho ngân sách nhà nước. Hiện  còn phải thi hành đối với 03 đương sự số tiền 1.282.621.000 đồng (Trong đó, Phạm Thanh Bình: 601.933.000 đồng; Tô Nghiêm: 110.000.000 đồng; Trần Văn Liêm: 570.688.000 đồng).

Việc thi hành án phần án phí đối với Đỗ Đình Côn (do Cục Thi hành án dân sự Nam Định tổ chức thi hành) và Nguyễn Văn Tuyên (do Chi cục Thi hành án dân sự quận Nam Từ Liêm - Hà Nội) đã tổ chức thi hành xong, còn phần bồi thường thiệt hại mà các bị cáo này phải trả Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh thì Hoàng Anh lại không yêu cầu thi hành án nên cơ quan Thi hành án không thể tổ chức thi hành. Do đó, vụ việc này hiện nay Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng và 02 Chi cục Hoàn Kiếm, Thanh Xuân (Hà Nội) tiếp tục tổ chức thi hành.

Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng phải tổ chức thi hành án đối với Trần Quang Vũ án phí 124.438.000 đồng; bồi thường cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu 24.438.986.030 đồng và lãi suất chậm thi hành án. Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng đã kê biên, thẩm định giá ngôi nhà số 40, ngõ 11, Hai Bà Trưng, phường An Biên, quận Lê Chân, Hải Phòng của Trần Quang Vũ và bà Hoàng Thị Hải Vân (là vợ của Vũ) đã nộp tiền để chuộc lại ngôi nhà. Hiện nay hồ sơ thi hành án chủ động thi hành phần án phí đối với Vũ đã xong hoàn toàn. Số tiền còn lại hơn 100 triệu trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu. Bên cạnh đó, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng tiếp tục xác minh căn hộ số 706 nhà 17T6 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội của Trần Quang Vũ và căn hộ số 706 nhà 17T6 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội để đảm bảo thi hành án.

Tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phải tổ chức thi hành án khoản án phí dân sự 598.688.000 đồng đối với Trần Văn Liêm; khoản liên đới bồi thường cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin 991.376.423.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án đối với Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm.

Đối với khoản án phí của Trần Văn Liêm, hàng tháng gia đình đều nộp thay khoảng 2 triệu/tháng, đến hết tháng 7/2014 mới thu được 28.000.000 đồng nộp ngân sách nhà nước. Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định cưỡng chế kê biên nhà số 68A Hàng Bông của vợ chồng Phạm Thanh Bình và kết quả thẩm định giá hơn 02 tỷ đồng. Hiện bà Tâm (vợ ông Bình) nộp tiền chuộc lại căn nhà trên, sau khi trừ khoản án phí, khoản thi hành được cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin  được hơn 01 tỷ đồng.

Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Xuân (Hà Nội) phải tổ chức thi hành án khoản án phí dân sự đối với Phạm Thanh Bình 650.933.000 đồng; Tô Nghiêm 141.287.000 đồng. Hàng tháng, gia đình của các đương sự nộp thay khoảng 4-5 triệu. Cho đến tháng 7/2014, đã thu của Phạm Thanh Bình 49.000.000 đồng án phí dân sự; Tô Nghiêm 31.287.000 đồng án phí dân sự. Chi cục Thi hành án quận Thanh Xuân đã xác minh Phạm Thanh Bình có căn hộ 1601, nhà 17T6 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội; Tô Nghiêm có căn hộ 1403, nhà 17T6 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội và đã có công văn ngăn chặn việc mua bán chuyển nhượng để đảm bảo xử lý đồng bộ số tiền chủ động và theo đơn yêu cầu thi hành án đối với Phạm Thanh Bình và Tô Nghiêm, vì Phạm Thanh Bình, Tô Nghiêm phải liên đới bồi thường Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tàu thủy Cái Lân 33.664.700.828 đồng và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên điện Cái Lân 32.910.835.400 đồng nhưng 02 doanh nghiệp trên chưa làm đơn yêu cầu thi hành án.

Như vậy, mặc dù Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo sát sao và các cơ quan Thi hành án đã cố gắng nhưng kết quả tổ chức thi hành án sau 02 năm mới thu được gần 700 triệu tiền án phí nộp ngân sách nhà nước, còn lại hơn 01 tỷ đang tiếp tục thi hành. Khoản thi hành phần bồi thường thiệt hại đối với các doanh nghiệp đã làm đơn yêu cầu trong thực tế mới thu được hơn 01 tỷ so với con số nghìn tỷ là một khoảng cách khá xa. Rõ ràng các cơ quan thi hành án đã có nỗ lực trong việc tổ chức thi hành nhưng tính khả thi của việc thi hành án còn rất khó khăn. 

- Khó khăn về nguồn tài sản để đảm bảo thi hành án (điều kiện thi hành án)

Các đương sự phải thi hành án trong vụ án này hầu hết đều đang chấp hành hình phạt tù dài hạn, khi xác minh điều kiện thi hành án, cơ quan thi hành án đã phát hiện số tài sản có giá trị rất ít hoặc đã được thế chấp ở ngân hàng nên rất khó khăn trong việc xử lý đảm bảo thi hành án.

Ví dụ: Đương sự Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh, qua xác minh cho thấy, Tuyên có một biệt thự tại Khu đô thị Mễ Trì Hạ nhưng đang thế chấp tại ngân hàng. Xác minh tài sản của Trần Văn Liêm, nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tàu viễn dương Vinashin thấy, căn hộ P1208 nhà 17T6, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính mà trước đây ông này đăng ký thường trú đã sang tên cho một người khác... Xác minh tài sản của Trần Quang Vũ, nguyên Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu cho kết quả, Vũ không có nguồn thu nhập riêng, tài sản không có gì có giá trị tại địa phương ngoài ngôi nhà ở quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, là tài sản chung của hai vợ chồng. Ngoài ra, cơ quan thi hành án cũng xác minh Vũ có căn hộ tại 706, nhà 17T6, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội. Được biết, số tiền bồi thường thiệt hại của Vũ cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu là 24,5 tỷ đồng. Với số tài sản đó, chắc chắn nguyên tổng giám đốc này không thể hoàn thành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại như bản án mà tòa án đã tuyên.

Như vậy, số tiền phải bồi thường thiệt hại với các mức thấp nhất trên 10 tỷ đồng, nhiều nhất gần 500 tỷ đồng nhưng các đương sự phải thi hành án dân sự trong vụ án Vinashin lại có rất ít tài sản. Theo quy định tại Điều 51 Luật Thi hành án dân sự, trong trường hợp người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án thì sẽ trả đơn yêu cầu thi hành án cho người được thi hành án. Như vậy, thực tế khách quan cho thấy, việc thi hành án dân sự trong vụ án này không có tính khả thi.

- Về ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp được thi hành án

Các đương sự được thi hành án là các doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải chưa có ý thức chấp hành pháp luật, thể hiện ở việc chưa chủ động trong việc yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, cũng đồng thời là để bảo vệ phần tài sản (phần vốn) của Nhà nước mà các doanh nghiệp này quản lý. Mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã vào cuộc, đã chỉ đạo các doanh nghiệp liên quan thuộc Bộ phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành án, nhưng việc chỉ đạo chưa quyết liệt nên chưa đạt được hiệu quả cần thiết. Nguyên nhân là do Bộ Giao thông vận tải mới chỉ dừng lại ở việc ban hành văn bản chỉ đạo mà chưa có sự kiểm tra sâu sát việc chấp hành trên thực tế của các doanh nghiệp sau khi được chỉ đạo. Vì thế trừ hai doanh nghiệp là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vinashin làm đơn yêu cầu thi hành án, hai doanh nghiệp Hoàng Anh và Cửu Long cho rằng đã tự đối trừ thi hành xong, còn 02 doanh nghiệp điện Cái Lân và tàu thủy Cái Lân vẫn «Im hơi lặng tiếng», không làm đơn dù liên tục nhận được công văn hướng dẫn của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng. Vì thế, tài sản của Tô Nghiêm và Phạm Thanh Bình mặc dù đã được Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Xuân, Hà Nội xác minh và ngăn chặn chuyển nhượng, chỉ chờ có đơn yêu cầu của 02 doanh nghiệp trên để Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng thụ lý và ủy thác là Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Xuân sẽ tiến hành xử lý tài sản. Nhưng chính sự thờ ơ của các đơn vị được hưởng quyền này lại gây khó khăn cho việc thi hành án.

Một số bài học kinh nghiệm

- Bài học của cơ quan xét xử trong việc tuyên tài sản bảo đảm thi hành án

 Trong quá trình xét xử vụ Vinashin, Tòa án đã không áp dụng các biện pháp bảo đảm đối với người phải thi hành án nên khi thi hành án thì mới phát hiện các bị cáo không có tài sản để thi hành. Do đó, đây sẽ là bài học cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tính đến khả năng thi hành án dân sự, nhất là những vụ án kinh tế lớn sau này.

- Cần có sự vào cuộc của tất cả các cơ quan ban ngành, đặc biệt là cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp được thi hành án

Vụ Vinashin là một vụ án có tính chất phức tạp, có tác động ảnh hưởng rất lớn trong xã hội. Do đó, việc thi hành án đối với vụ án này có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ về mặt kinh tế, mà còn về mặt chính trị - xã hội. Trách nhiệm thi hành án đối với vụ án này không chỉ phụ thuộc vào Ngành Thi hành án dân sự, mà còn cần sự quan tâm, phối hợp của các Cấp, các Ngành, các đơn vị có liên quan để việc thi hành án đạt được hiệu quả cần thiết. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo sát sao, quyết liệt hơn nữa đối với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan đến việc thi hành án trong vụ Vinashin để các đơn vị này phối hợp, hợp tác hiệu quả hơn nữa với cơ quan Thi hành án dân sự địa phương trong việc tổ chức thi hành vụ án này, nhằm hướng tới hiệu quả công việc chung mà hai bên cùng có trách nhiệm thực hiện.

- Các cơ quan Thi hành án cần tăng cường trách nhiệm trong việc xác minh, kê biên, xử lý tài sản

Trong quá trình tổ chức thi hành án, các cơ quan Thi hành án cần làm hết khả năng, tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong việc xác minh, xử lý tài sản thi hành án, tổ chức thi hành án, hướng dẫn các công ty về trình tự, thủ tục thực hiện để thi hành dứt điểm vụ việc này với hiệu quả cao nhất có thể.

Nguyễn Thị Nhàn