Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự và Thủ trưởng các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện tiếp công dân định kỳ, bố trí phòng tiếp dân, công chức có phẩm chất, kỹ năng dân vận và tinh thần phục vụ làm công tác tiếp công dân. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự thường xuyên ban hành các văn bản đôn đốc, chỉ đạo; tập trung kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ tham mưu, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; ban hành Kế hoạch kiểm tra, chỉ đạo giải quyết các vụ việc loại này.
Tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong 06 tháng đầu năm 2018 cho thấy công tác này đã đạt được những kết quả nhất định, cụ thể:
Về việc tiếp công dân: Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp 200 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, trình bày liên quan đến việc thi hành án, giảm 60 lượt so với cùng kỳ năm 2017, tương đương với 23%. Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã tiếp tổng cộng 71 lượt công dân đến Địa điểm tiếp công dân của Bộ Tư pháp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự, tương ứng với 58 vụ việc. Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm, đưa ra khỏi danh sách 29/58 vụ (chiếm 50%), đang tiếp tục, theo dõi, chỉ đạo giải quyết 29/58 vụ việc (chiếm 50%).
Về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo: Toàn hệ thống Thi hành án dân sự đã tiếp nhận 4.417 đơn, bao gồm 3.145 đơn khiếu nại và 1.272 đơn tố cáo. Trong đó, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục là 67 việc (04 việc tố cáo, 63 việc khiếu nại), tăng 15 vụ, tương ứng với 28,84% so với cùng kỳ năm ngoái, đã giải quyết được 50 vụ việc đạt tỷ lệ 76,12%; thuộc thẩm quyền của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương là 1.497 việc (1.334 việc khiếu nại, 163 việc tố cáo), đã giải quyết xong 1.344/1.497 việc (1.217 việc khiếu nại, 127 việc tố cáo), đạt tỷ lệ 90%, số chuyển sang kỳ sau là 153 việc (có 117 việc khiếu nại và 36 việc tố cáo); đơn trùng và thuộc thẩm quyền của cơ quan khác là: 2.853 đơn.
Về kết quả rà soát, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài: Từ Quý II/2017 đến hết Quý II/2018 giải quyết xong 65/106 vụ đạt 61%. Một số địa phương đã tích cực giải quyết, đưa các vụ việc ra khỏi danh sách như: Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Trà Vinh, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Nghệ An, Bình Định. Tính đến ngày 04/4/2018, toàn Ngành Tư pháp có 60
[1] vụ việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự phức tạp, kéo dài. Trong đó, thuộc thẩm quyền giải quyết của Thanh tra Bộ: 05 vụ việc; thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục Thi hành án dân sự: 10 vụ việc; thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương: 45 vụ việc thuộc 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua theo dõi, phân tích báo cáo của Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho thấy có các nhóm loại vụ việc khiếu nại, tố cáo như sau:
- Vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đúng quy định thấu tình đạt lý nhưng đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan liên tục có đơn khiếu nại, công dân có đơn tố cáo;
- Vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết đúng quy định thấu tình đạt lý, lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền cấp trên đã chỉ đạo thực hiện đúng quy định pháp luật nhưng chưa được các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện, hoặc thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ hoặc có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ... dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo bức xúc, tồn đọng, kéo dài;
- Vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài do trước đây giải quyết chưa đúng với quy định của pháp luật;
- Vụ việc đương sự gửi nhiều đơn khiếu nại, tố cáo nhưng không được giải quyết mặc dù đã hết thời hiệu theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế, cụ thể:
* Công tác tiếp dân của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cơ bản đã có chuyển biến nhưng còn chậmthể hiện ở số lượng công dân đến Tổng cục Thi hành án dân sự khiếu nại, tố cáo, phản ánh, trình bày liên quan đến việc thi hành án trong 6 tháng đầu năm 2018 còn nhiều (200 lượt).
* Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo::
+ Tình trạng vi phạm về thẩm quyền giải quyết (khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh nhưng cấp huyện giải quyết và ngược lại); có trường hợp không đủ điều kiện thụ lý giải quyết khiếu nại nhưng cơ quan thi hành án dân sự lại thụ lý giải quyết khiếu nại); vi phạm thời hạn giải quyết như chậm giải quyết khiếu nại (đã ra thông báo thụ lý khiếu nại nhưng để kéo dài, không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại); vi phạm hình thức giải quyết khiếu nại, tố cáo: theo quy định phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại nhưng lại trả lời bằng công văn; khiếu nại, tố cáo của đương sự là có cơ sở nhưng khi giải quyết khiếu nại, tố cáo áp dụng pháp luật không đúng, không chấp nhận khiếu nại của đương sự, dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp.
+ Số vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa giải quyết xong kỳ trước chuyển sang kỳ sau còn nhiều 153 việc (có 117 việc khiếu nại và 36 việc tố cáo);
+ Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh mới tại Tổng cục Thi hành án dân sự tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (tăng 15 vụ, tương ứng với 28,84% so với cùng kỳ năm trước), phần lớn đơn Tổng cục Thi hành án nhận được là đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp (Trong số 1.965 đơn nhận được có 67 đơn thuộc thẩm quyền, 1.170 đơn trùng, 728 đơn vượt cấp).
+ Nhiều quy định pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự chưa cụ thể, chưa thực sự tạo cơ hội thuận lợi cho việc sử dụng quyền khiếu nại, tố cáo của đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và công dân. Mặt khác, vẫn còn một số nơi sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, các ngành với các cơ quan thi hành án dân sự trong giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa tốt dẫn đến tình trạng chậm giải quyết khiếu nại, tố cáo;
+ Việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo có nơi, có lúc chưa nghiêm từ đó làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự cũng như làm giảm lòng tin của người khiếu nại, tố cáo vào chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
* Việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài
- Kết quả rà soát tổng hợp cho thấy các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài giảm đạt 61%. Mặc dù đã cố gắng, nhưng số việc chuyển sang Quý III năm 2018 vẫn còn nhiều, cần có biện pháp triệt để hơn để đưa các vụ việc này ra khỏi danh sách theo quy định tại Quyết định số 1397/QĐ-TCTHADS ngày 30/12/2016 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự.
Các tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nêu trên là do những nguyên nhân sau:
* Nguyên nhân khách quan:
Một là, pháp luật về thi hành án dân sự còn chồng chéo, mâu thuẫn, thủ tục thi hành án rườm rà, phức tạp, có những vấn đề pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự chưa quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Hai là, biên chế của các cơ quan thi hành án dân sự hạn chế nên việc phân công bộ phận, công chức làm công tác tiếp công dân gặp khó khăn, đặc biệt, một số địa phương có lượng án nhiều, giá trị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, ...
Ba là, Chấp hành viên, công chức ở một số cơ quan thi hành án hiện đang quá tải công việc, dẫn đến chậm trễ trong việc tổ chức thi hành án, do đó quyền lợi của người được thi hành án không được đảm bảo, phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Bốn là, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài trong nhiều năm, trong khi điều kiện kinh tế, xã hội và các quy định của pháp luật liên quan có nhiều thay đổi dẫn đến khó khăn cho việc giải quyết.
Năm là, cơ sở vật chất phục vụ cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra, nhất là vấn đề bố trí phòng tiếp công dân ở các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cấp huyện.
* Nguyên nhân chủ quan:
- Tại Tổng cục Thi hành án dân sự, một số vụ việc chưa kịp thời tham mưu xử lý nghiêm khắc, tương xứng đối với các Chấp hành viên, Thẩm tra viên và cán bộ có sai phạm dẫn đến một số trường hợp chấp hành kỷ cương, kỷ luật còn chưa nghiêm; chưa chỉ đạo giải quyết dứt điểm toàn bộ những vụ việc khiếu nại, phức tạp, kéo dài; việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các Quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo, kết luận kiểm tra, kết luận thanh tra... và xử lý vi phạm còn hạn chế.
- Một số cơ quan thi hành án dân sự chưa chú trọng đến việc rà soát và tập trung ưu tiên giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự phức tạp, kéo dàiCó sai phạm, thiếu sót trong quá trình tổ chức thi hành án, thậm chí là sai phạm nghiêm trọng, khó khắc phục, gây thiệt hại cho Nhà nước và công dân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo bức xúc.
- Nhận thức của một số Thủ trưởng, Chấp hành viên, công chức cơ quan thi hành án dân sự về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa đầy đủ; trình độ năng lực của một số công chức trực tiếp làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cơ quan thi hành án dân sự còn hạn chế. Cá biệt có biểu hiện người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo nể nang, lòng vòng khi giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra, cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo công tác thi hành án dân sự ở địa phương, trong đó có công tác giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự. Trong một số trường hợp giải quyết khiếu nại, các cơ quan hữu quan còn thiếu sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả thậm chí đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết khiếu nại.
- Về ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận đương sự còn thấp, có hiện hiện tượng người khiếu nại, tố cáo lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp. Có nhiều vụ việc đã được các cơ quan thi hành án dân sự giải quyết dứt điểm, đúng chính sách pháp luật, thấu tình, đạt lý nhưng đương sự vẫn khiếu nại, tố cáo với mục đích kéo dài việc thi hành án, thậm chí gây mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chế tài để xử lý đối với những trường hợp này. Trong khi đó, pháp luật mới chỉ có chế tài đối với hành vi cố tình tố cáo sai sự thật (vu cáo), còn đối với hành vi cố tình khiếu nại không có căn cứ để trì hoãn thi hành án hoặc gây rối quá trình thi hành án thì chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý.
Để khắc phục tình trạng nêu trên và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, hệ thống cơ quan thi hành án dân sự cần tập trung thực hiện những giải pháp sau:
* Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo:
- Thủ trưởng cơ quan Thi hành án nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, đổi mới về tư duy, phương pháp làm việc, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công thi hành án nói chung và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự nói riêng. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm trong thi hành án dân sự; thực hiện công tác hậu kiểm việc thực hiện Quyết định giải quyết khiếu nại, Kết luận nội dung tố cáo, Kết luận kiểm tra của Tổng cục Thi hành án dân sự, Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ, Kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Chịu trách nhiệm và bị xử lý nếu có vi phạm hoặc để đơn vị có nhiều yếu kém, vi phạm trong tông tác, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; không chấp hành báo cáo về Tổng cục Thi hành án dân sự đúng yêu cầu về nội dung, báo cáo không trung thực, không đảm bảo thời hạn.
- Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần khẩn trương kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình hiện nay; Chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giải quyết dứt điểm, kịp thời các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo theo yêu cầu, kiến nghị của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Tư pháp và các Đoàn Đại biểu Quốc hội, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc đương sự đề nghị Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp dân do vụ việc không được giải quyết thỏa đáng;
Thủ trưởng cơ quan Thi hành án phải trực tiếp tiếp dân, hạn chế việc ủy quyền cho cấp dưới; Phối hợp với các cơ quan, ban ngành Trung ương, địa phương thống nhất hướng giải quyết những vụ việc có khó khăn, vướng mắc; Kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo thi hành án, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở địa phương trong giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; Báo cáo xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ của Tổng cục Thi hành án dân sự những vụ việc có vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án; Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về Thi hành án dân sự nói riêng để người dân hiểu và chấp hành pháp luật.
- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáotrong thi hành án dân sự, cụ thể:
+Tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ trong nội bộ Ngành Thi hành án dân sự về công tác quản lý giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nghiên cứu quy định cụ thể hơn về chế độ quản lý cán bộ của Ngành Thi hành án dân sự và cơ chế xử lý kiên quyết đối với những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, động viên khuyến khích, khen thưởng kịp thời đối với những cơ quan, cá nhân thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Thi hành án dân sự; nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo để áp dụng chung.
+ Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giải quyết khiếu nại, tố cáo phù hợp với chủ trương cải cách hành chính.
- Tăng cường công tác phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự.Thực tế cho thấy, để giải quyết dứt điểm, thấu tình, đạt lý một số vụ khiếu nại, tố cáophức tạp, kéo dài trong thời gian qua luôn cần phải có sự phối hợp giải quyết của nhiều ban, ngành, đoàn thể. Trong thời gian tới, vấn đề tăng cường sự phối hợp liên ngành trong quá trình giải quyết khiếu nại là một giải pháp quan trọng và rất cần thiết. Trong mối quan hệ phối hợp ấy, các cơ quan thi hành án dân sự phải giữ vai trò chủ động. Về lâu dài cần phải nghiên cứu xây dựng các quy chế phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể theo cấp hành chính.
* Đối với công tác xử lý những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài
Đầu năm 2018, Tổng cục Thi hành án đã thực hiện các giải pháp: Tại Hội nghị tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ thi hành án dân sự, hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 tổ chức tại Hà Nội và Đắk Lắk cho Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Trưởng Phòng kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các Chi cục trưởng, Chấp hành viên, Thẩm tra viên của cơ quan thi hành án dân sự 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo đã thông qua chuyên đề trình bày tại Hội nghị, quán triệt các nội dung chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục, cụ thể:
Thứ nhất, tăng cường tập huấn kỹ năng nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, công chức làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là kỹ năng giáo dục, thuyết phục đương sự trong thi hành án dân sự và kỹ năng tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư, kỹ năng xử lý tình huống và kỹ năng kiểm tra, xác minh trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ hai, xác định trách nhiệm chính trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài thuộc về các Cục trưởng và Chi cục trưởng. Yêu cầu Cục trưởng, Chi cục trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm, chú trọng đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, tăng cường sự phối hợp với Cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự trong chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ ba, quán triệt Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện yêu cầu về nội dung (phân loại đúng tiêu chí, bổ sung các vụ việc Lãnh đạo Bộ tiếp công dân, đảm bảo đầy đủ nội dung) và thời hạn theo yêu cầu báo cáo định kỳ, đột xuất.
Thứ tư, tăng cường kiểm tra chuyên đề và kiểm tra đột xuất đối với đơn vị Thủ trưởng chưa phát huy được vai trò của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, có nhiều khiếu nại, tố cáo vượt cấp, trong đó tập trung kiểm tra các địa bàn có nhiều việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm hoặc địa bàn phát sinh mới nhiều việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Thứ năm, để hỗ trợ hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại qua đường dây nóng, ngày 12/12/2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TCTHADS ngày 12/12/2017 về việc ban hành Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị qua đường dây nóng của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự.
Các giải pháp tiếp tục thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2018:
Một là, Nâng cao nhận thức của một số Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cán bộ công chức thi hành án dân sự về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chú trọng bồi dưỡng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức làm công tác thi hành án dân sự và bố trí công chức có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm để làm công tác tham mưu thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm áp dụng đúng quy định pháp luật; không để xảy ra sai phạm dẫn đến khiếu nại, tố cáo.
Hai là, tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài:
- Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ, khó khăn vướng mắc, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan Trung ương (Bộ Công an, Bộ Tài Chính, Tòa án nhân dân tối cao...) để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc bảo vệ cưỡng chế, kịp thời giải thích bản án hoặc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình thi hành án; lập hồ sơ bảo đảm tài chính, cấp kinh phí bồi thường.
- Về phía Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự địa phương tập trung giải quyết dứt điểm 24 vụ việc Lãnh đạo Bộ tiếp công dân, cụ thể:
+ Khẩn trương xây dựng Quy chế hoạt động của Tổ rà soát, tham mưu chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài về thi hành án dân sự. Quy chế này quy định nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, quan hệ công tác và trình tự giải quyết công việc của Tổ tham mưu, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài về Thi hành án dân sự (sau đây gọi là Tổ công tác) và Nhóm giúp việc cho Tổ tham mưu, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài về Thi hành án dân sự (sau đây gọi là Nhóm giúp việc). Tổ công tác và Nhóm giúp việc có chức năng tham mưu, giúp Lãnh đạo Bộ Tư pháp chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài về Thi hành án dân sự trong phạm vi toàn quốc.
+ Đôn đốc, chỉ đạo địa phương tích cực tổ chức thi hành án, giải quyết khiếu nại tố cáo đúng pháp luật hợp tình, hợp lý, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương để tổ chức cưỡng chế thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành;
+ Phối hợp với Cục Bồi thường Nhà nước hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự địa phương lập hồ sơ bồi thường theo đúng trình tự, thủ tục đối với các vụ việc có sai phạm trong việc tổ chức thi hành án, phải bồi thường;
+ Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương để thống nhất hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình áp dung pháp luật về thi hành án cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.
+ Đối với các vụ việc mới rà soát từ các cơ quan thi hành án dân sự: Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục xây dựng kế hoạch giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài đã rà soát và phát sinh;
+ Lãnh đạo Tổng cục tiếp tục làm việc trực tiếp đối với các địa phương có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đặc biệt là các vụ việc công dân đến Địa điểm tiếp công dân của Bộ Tư pháp để khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.
+ Kiểm tra đột xuất đối với các địa phương có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đặc biệt là các vụ việc công dân đến Địa điểm tiếp công dân của Bộ Tư pháp để khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự. Qua kiểm tra, đánh giá toàn diện vụ việc và đề xuất các giải pháp giải quyết dứt điểm vụ việc.
- Về phía các cơ quan thi hành án dân sự địa phương: Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định trách nhiệm chính trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài là của các Cục trưởng và Chi cục trưởng; đưa kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài vào tiêu chí đánh giá Cục trưởng, địa phương nào để tồn đọng nhiều, không thực hiện chỉ đạo của Tổng cục và báo cáo không chính xác, không trung thực, thì Cục trưởng phải bị xem xét, xử lý trách nhiệm. Theo đó, Thủ trưởng các cơ quan thi hành án dân sự địa phương thực hiện các biện pháp sau:
+ Khẩn trương chỉ đạo rà soát, giải quyết và báo cáo các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; Xây dựng kế hoạch rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài thuộc địa bàn, có phương án thực hiện, đặt ra tiến độ giải quyết xong đối với từng vụ việc (trong mỗi vụ việc đặt ra thời hạn đối với từng tác nghiệp cụ thể).
- Tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự để chỉ đạo công tác phối hợp trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ việc trọng điểm tại địa phương; đề xuất Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương đối với vụ việc chưa có sự đồng thuận, ủng hộ trong việc chỉ đạo tổ chức thi hành án.
- Đối với các vụ việc có vướng mắc từ bản án, quyết định của tòa án cần chủ động có văn bản và bám sát kết quả giải quyết của Tòa án, trả lời của cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thi hành kịp thời vụ việc ngay khi có kết quả giải quyết.
- Đối với các vụ việc bồi thường nhà nước: rà soát, tập hợp, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường nhà nước; tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đối với hoạt động thi hành án nhằm hạn chế sai sót, vi phạm dẫn đến việc bồi thường, bảo đảm tài chính; thực hiện tốt công tác dự báo các vụ việc có thể xảy ra bồi thường, bảo đảm tài chính, bảo đảm tài chính trong thi hành án dân sự.