Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh: Thực hiện tốt công tác dân vận, thi hành dứt điểm vụ việc thi hành án kéo dài hơn 20 năm

05/06/2020
Từ nhận thức về tầm quan trọng của công tác dân vận nói chung và công tác vận động, thuyết phục trong thi hành án dân sự nói riêng, trong những năm qua, Chi ủy, Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh luôn xác định công tác dân vận là một nội dung quan trọng và không thể thiếu trong hoạt động tổ chức thi hành án dân sự. Cục Thi hành án dân sự đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác dân vận trong hoạt động thi hành án dân sự, triển khai đến các đơn vị trực thuộc thực hiện, đem lại hiệu quả thiết thực, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm.

Tại tỉnh Tây Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2020, các cơ quan Thi hành án dân sự đã thụ lý thi hành hơn 21.000 việc với số tiền hơn 2.366 tỷ đồng. Với số lượng án lớn, nhiều vụ việc có tính chất phức tạp, tuy nhiên toàn tỉnh đã giải quyết xong 6.668 việc và thu số tiền hơn 231 tỷ đồng. Các cơ quan Thi hành án dân sự đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án với 98 trường hợp, giảm 44 trường hợp so với cùng kỳ, trong đó có 12 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án trước khi tổ chức cưỡng chế, số cuộc cưỡng chế có huy động lực lượng liên ngành là 19 trường hợp (giảm 46 trường hợp so với cùng kỳ). Đối với mỗi vụ việc thi hành án, sau khi tiếp nhận hồ sơ, Chấp hành viên đã nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của Tòa án, phối hợp chính quyền, đoàn thể tại địa phương tìm hiểu thông tin nhân thân và mối quan hệ giữa các đương sự để có thể tìm ra cách thức dân vận sao cho khéo, phù hợp, bảo đảm được hiệu quả. Đồng thời kiên trì vận động, giải thích cho người phải thi hành án và gia đình thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Nhờ đó, nhiều vụ việc thi hành án phức tạp, rơi vào bế tắc, phải chuẩn bị đến phương án cưỡng chế nhưng nhờ vào sự phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự và các ban ngành, đoàn thể tại địa phương kiên trì vận động, thuyết phục nên người phải thi hành án đã tự nguyện thi hành án.
Đơn cử như vụ việc thi hành án của ông Trần Văn Tồn, bà Nguyễn Thị Út ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh do Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh tổ chức thi hành. Theo quyết định của Bản án số 342/DSPT ngày 29/11/2000 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh. có nội dung:
“Sửa một phần bản án sơ thẩm số 02 ngày 21/3/2000 của TAND tỉnh Tây Ninh:
Hủy hợp đồng mua bán đất lập ngày 18/11/1996 giữa ông Trần Văn Tồn, bà Nguyễn Thị Út với anh Nguyễn Văn Phước, chị Nguyễn Thị Hiền vì hợp đồng vô hiệu.
Bà Út, ông Tồn phải hoàn trả cho anh Phước 15 triệu đồng. Phần 60 triệu đồng tiền ông Tồn, bà Út nợ anh Phước, chị Hiền các bên tự thương lượng giải quyết, nếu không tự giải quyết được thì  có quyền khởi kiện thành vụ án khác.
Buộc anh Phước, chị Hiền trả lại phần đất đã mua của ông Tồn, bà Út cho các thừa kế của bà Hai (do chị Lan, chị Lợi, chị Dung nhận).
Các chị Lợi, Lan, Dung phải thanh toán cho chị Hiền, anh Phước 1.506.000 đồng và được sở hữu chung hàng rào (do anh Phước, chị Hiền làm).
Ông Tồn, bà Út có quyền thỏa thuận bán giá trị vật liệu nhà và các công trình kiến trúc cho các thừa kế của bà Hai. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì ông Tồn, bà Út phải dỡ nhà và các công trình trên phần đất mà ông bà đang quản lý (trong thửa đất của bà Hai) để trả lại đất cho các thừa kế của bà Hai (do chị Lợi, Lan, Dung nhận) và các chị Lợi, Lan, Dung phải thanh toán cho ông Tồn, bà Út số tiền 2.000.000 đồng (tiền di dời)…”.
Quá trình tổ chức thi hành án từ năm 2000 đến năm 2019, do người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, quyết liệt chống đối, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh đã nhiều lần có kế hoạch cưỡng chế nhưng qua công tác nắm thông tin của cơ quan Công an đều chưa đồng ý tham gia bảo vệ cưỡng chế nên việc cưỡng chế chưa thực hiện được. Nguyên nhân của việc tổ chức thi hành án kéo dài, đó là: (1) Đa số người dân sinh sống tại nơi ở của ông Tồn, bà Út đều không đồng tình với nội dung bản án phúc thẩm, gia đình ông Tồn, bà Út có thái độ chống đối rất quyết liệt. Mỗi lần cơ quan Thi hành án dân sự có kế hoạch cưỡng chế đều phải hoãn, do đó càng làm cho người dân củng cố thêm niềm tin sự phản đối của họ là có căn cứ và thể hiện sự mong chờ một kết quả giải quyết khác từ cấp Trung ương; (2) Các cơ quan phối hợp đều khẳng định bản án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nhưng khi tổ chức thực hiện chưa có sự đồng thuận với nội dung bản án nên chưa thật sự tích cực hỗ trợ cơ quan Thi hành án dân sự;(3) Vụ việc thực hiện qua nhiều năm, qua nhiều giai đoạn, nhiều Chấp hành viên tổ chức thi hành nên không đảm bảo tính xuyên suốt, không nắm vững hồ sơ thi hành án nên việc nghiên cứu, đề xuất biện pháp tổ chức thi hành chưa mang lại hiệu quả; (4) Công tác phối hợp bảo vệ cưỡng chế chưa tốt; (5) Ông Trần Văn Tồn tuổi đã cao, bị bệnh tim mạch, sức khỏe yếu, có khả năng chết do đột quỵ trong lúc tổ chức cưỡng chế, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương nên chưa tiến hành việc cưỡng chế.
Xác định đây là vụ việc thi hành án phức tạp, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh rất quan tâm, đã tổ chức nhiều cuộc họp và các thành viên trong Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự đều thống nhất Bản án có hiệu lực pháp luật phải tổ chức thi hành. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh sớm tổ chức thi hành dứt điểm, tránh khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Từ ngày 20/7/2015 đến ngày 23/7/2015, Đoàn giám sát liên ngành do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì đã tiến hành giám sát việc tổ chức thi hành án của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh đối với vụ việc trên. Theo Báo cáo số 124/BC-MTTW-BBT ngày 09/9/2015 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát liên ngành, Đoàn giám sát đã đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có các văn bản kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và chính quyền địa phương với một số nội dung nhằm thi hành dứt điểm Bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Từ năm 2015 đến năm 2019, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh tiếp tục thực hiện các chỉ đạo, kết luận của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh đối với vụ việc ông Tồn, bà Út. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thi hành án người phải thi hành án liên tục chống đối rất quyết liệt, việc khảo sát hiện trạng các thửa đất không thể thực hiện được. Để thi hành dứt điểm vụ việc, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh ngày 20/02/2020, Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh kết luận: Cục Thi hành án dân sự phối hợp với UBND huyện Tân Biên và các ngành ở địa phương vận động thuyết phục gia đình ông Tồn thêm lần nữa, nếu vận động không thành sẽ xây dựng kế hoạch cưỡng chế giao tài sản theo bản án đã tuyên.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh, ngày 11/3/2020, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh phối hợp với UBND huyện Tân Biên, UBND xã Tân Lập tổ chức vận động ông Trần Văn Lợi, ông Trần Văn Tiến (con của ông Trần Văn Tồn và bà Nguyễn Thị Út) thực hiện việc giao quyền sử dụng đất theo Bản án số 342/DSPT ngày 29/11/2000. Sau ngày 11/3/2020, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh tiếp tục làm việc, vận động, thuyết phục ông Trần Văn Lợi, ông Trần Văn Tiến và ông Nguyễn Văn Phước, bà Nguyễn Thị Hiền tự nguyện giao quyền sử dụng đất cho những người được thi hành án. Đồng thời, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh vận động những người được thi hành án hỗ trợ một khoản tiền chi phí để ông Trần Văn Lợi, ông Trần Văn Tiến và ông Nguyễn Văn Phước, bà Nguyễn Thị Hiền tự nguyện giao đất theo bản án. Qua quá trình kiên trì, tích cực vận động, thuyết phục, ngày 06/5/2020, ông Trần Văn Lợi, ông Trần Văn Tiến và ông Nguyễn Văn Phước, bà Nguyễn Thị Hiền đã tự nguyện giao đất cho bà Trần Thị Dung, Trần Thị Lan, Trần Thị Lợi theo đúng nội dung bản án số 342/DSPT ngày 29/11/2000 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với việc thi hành dứt điểm Bản án hình sự sơ thẩm số 81/2009/HSST ngày 28/10/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh vào năm 2018, việc tổ chức thi hành dứt điểm vụ việc ông Trần Văn Tồn, bà Nguyễn Thị Út đã kéo dài hơn 20 năm, có thể thấy được để có sự thay đổi từ thái độ chống đối, không hợp tác sang thái độ tự nguyện của người phải thi hành án là một quá trình kiên trì, nỗ lực của Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự cùng với sự phối hợp đồng bộ và trách nhiệm của các cơ quan phối hợp và chính quyền địa phương trong công tác thuyết phục, vận động đương sự tự nguyện thi hành án, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Từ thực tiễn tổ chức thi hành án 02 vụ việc phức tạp nêu trên, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, đối với những vụ việc thi hành án phức tạp, khó thi hành cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự sâu sát, quyết liệt của Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự.
Hai là, bằng nhiều biện pháp linh hoạt và phù hợp cùng với sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan có liên quan và đặc biệt là phải chú trọng và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích pháp luật cho người dân hiểu và tự giác thi hành bản án, hạn chế thấp nhất biện pháp cưỡng chế.
Ba là, Chấp hành viên trực tiếp tổ chức thi hành án phải nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm cao và phải có bản lĩnh vững vàng để thực hiện nhiệm vụ; kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; có sự vận động, thuyết phục cả các bên đương sự có suy nghĩ, hành động tích cực, hiểu biết và tôn trọng pháp luật và Chấp hành viên phải công tâm, khách quan.
Trương Thị Hồng Hoa