Đổi mới phương thức thu, nộp tiền trong thi hành án dân sự

30/07/2021
Quyết định số 86/QĐ-BTP ngày 17/01/2020 của Bộ Tư pháp ban hành chương trình hành động của ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã khẳng định: “Đấy mạnh hiện đại hóa hành chính trong các lĩnh vực hành chính tư pháp để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân... Tiếp tục tăng số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau”.


Theo số liệu thống kê của Tổng Cục THADS, năm 2020, tổng số tiền thi hành án phải giải quyết là 294.081 tỷ 685 triệu 747 nghìn đồng, trong đó: số cũ chuyển sang là 174.215 tỷ 272 triệu 312 nghìn đồng; thụ lý mới là 119.866 tỷ 413 triệu 435 nghìn đồng; số tiền thi hành xong trong năm 2020 là 53.779 tỷ 842 triệu 312 nghìn đồng, tăng 971 tỷ 609 triệu 646 nghìn đồng (tăng 1,84%) so với cùng kỳ năm 2019. Từ  kết quả trên cho thấy, số tiền thi hành án phải thu hiện nay là rất lớn và ngày càng tăng cao về giá trị, đây là một trong những thách thức lớn đối với toàn hệ thống THADS. Để nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án, cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới thủ tục thi hành án, trong đó có việc ứng dụng các thành tựu về khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào quá trình tổ chức thi hành án nói chung và việc thu, nộp tiền thi hành án nói riêng.
Hiện nay, việc thu nộp tiền thi hành án được thực hiện thông qua 03 hình thức: thu bằng tiền mặt; thu qua tài khoản; thu qua kết chuyển. Tuy nhiên, hình thức chủ yếu vẫn là thu trực tiếp bằng tiền mặt. Hình thức thu nộp tiền này phải qua khá nhiều thủ tục và phát sinh nhiều loại giấy tờ như: Giấy báo, giấy triệu tập; biên lai, phiếu thu, các chứng từ kế toán....dẫn đến tốn kém thời gian và chi phí. Mặt khác cũng gây ra một số bất tiện cho người dân, đặc biệt là đối với những khoản tiền phải thi hành án nhỏ; thi hành án theo định kỳ hoặc những trường hợp người dân ở xa trụ sở cơ quan THADS, điều này phần nào cũng làm giảm hiệu quả thi hành án.
 Bên cạnh hình thức thu nộp tiền mặt, một hình thức thu nộp tiền khác cũng đang được áp dụng, đó là hình thức chuyển khoản. Tuy nhiên, hình thức này chưa thật sự phổ biến, một phần do thói quen sử dụng tiền mặt trong các giao dịch dân sự của người dân Việt Nam, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã tồn tại quá lâudo tâm lý e ngại việc chuyển khoản để nộp tiền thi hành án không đảm bảo độ chắc chắn, chính xác; hoặc người dân gặp khó khăn trong việc sử dụng các dịch vụ chuyển khoản tại ngân hàng... nên  sử dụng tiền mặt vẫn là lựa chọn chủ yếu. Điều này dẫn đến tình trạng khó quản lý các khoản thu, nộp tiền, tăng nguy cơ xuất hiện các khoản thu thiếu minh bạch và sai phạm trong quản lý, tổ chức thi hành án….Do đó, việc đổi mới các hình thức thu, nộp tiền thi hành án là rất cần thiết.
Một trong những hình thức thanh toán phổ biến hiện nay là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Đây là hình thức thanh toán thông qua các phương tiện thanh toán khác không phải bằng tiền mặt. Hình thức thanh toán này rất đa dạng, được thể hiện bằng nhiều phương thức khác nhau như: Thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng; thanh toán qua trung gian, sử dụng các loại tài sản, chứng chỉ có giá với giá trị tương đương; thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như: Ví điện tử, chuyển khoản trực tuyến thông qua MobileBanking, InternetBanking…. Uu điểm của hình thức thu tiền này là góp phần hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian thực hiện, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình làm việc với các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, phát triển các dịch vụ chuyên nghiệp về thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử ...góp phần đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tạo sự minh bạch trong giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng hơn.
Trong tình hình hiện nay, nhất là khi các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh trở nên phổ biến và việc thanh toán thông qua các phương tiện thanh toán trung gian ngày càng được ưa chuộng thì có thể xem xét bổ sung thêm hình thức thanh toán này vào thủ tục thu tiền thi hành án. Để có thể áp dụng hình thức thanh toán này, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến việc thu nộp tiền thi hành án không dùng tiền mặt trong THADS:  Luật THADS cần quy định mở rộng thêm các hình thức thu nộp khác, ví dụ như:  Thừa nhận hình thức thu nộp tiền thi hành án bằng việc sử dụng các dịch vụ TTKDTM của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;  Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo thực hiện thu các khoản tiền thi hành án không dùng tiền mặt, cụ thể như: mở  hệ thống tài khoản liên ngân hàng của cơ quan THADS tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên kết giữa cơ quan THADS và các tổ chức cung ứng dịch vụ đảm bảo tính liên thông, đầy đủ thông tin cần thiết để kiểm tra, đối chiếu, nhận biết đúng đối tượng nộp tiền thi hành án, đồng thời, đảm bảo bảo mật thông tin; Bố trí nguồn nhân lực đủ năng lực để thực hiện việc cập nhật thông tin, dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu. Bổ sung kinh phí để thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu; chi phí yêu cầu và duy trì việc sử dụng dịch vụ từ các tổ chức cung ứng dịch vụ....
Mở rộng hình thức thu nộp tiền thi hành án không dùng tiền mặt sẽ giúp người dân thụ hưởng nhiều tiện ích hơn, rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án, đồng thời có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta hiện nay.
Ths. Hoàng Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội
 
1.Theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) năm 2019, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 98% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền.