Một số vấn đề khó khăn, vướng mắc khi xử lý cổ phiếu để thi hành án

09/05/2023


Một số vấn đề khó khăn, vướng mắc khi xử lý cổ phiếu để thi hành án[1]
Hồ Quân Chính[2]
 
Tóm tắt: Cổ phiếu là một loại tài sản có tính thanh khoản cao trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý để thi hành án, loại tài sản này lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều vụ việc thi hành án vẫn chưa giải quyết dứt điểm được do chưa thể xử lý được cổ phiếu mà trong bản án, quyết định Tòa án đã tuyên có tài sản thi hành án là cổ phiếu. Những khó khăn, vướng mắc khi xử lý loại tài sản này một phần nguyên nhân là dopháp luật về thi hành án dân sự cònthiếu các hướng dẫn rõ ràng và thiếu sự tương thích giữa các ngành luật. Bài viết nêu và phân tích một số vấn đề khó khăn, vướng mắc về xử lý cổ phiếu để thi hành án, đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự.
Từ khóa: Xử lý cổ phiếu để thi hành án, khó khăn trong thi hành án, bán cổ phiếu, xử lý tài sản của công ty cổ phần để thi hành án.
Trong nền kinh tế thị trường của thế giới cũng như nền kinh tế trong nước của chúng ta hiện nay, cổ phiếu là loại tài sản đang dần trở nên phổ biến, đặc biệt là đối với loại cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán. Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán như những năm qua thì việc ngày càng có nhiều cổ phiếu là đối tượng để xử lý thi hành án là một tất yếu. Dưới góc nhìn tích cực thì việc minh bạch, đảm bảo tính khả thi trong quá trình xử lý tài sản chứng khoán cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức nắm giữ tài sản là các loại chứng khoán, bảo đảm cho nền kinh tếnói chung và thị trường chứng khoán nói riêng phát triển ổn định. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến xử lý tài sản là các loại chứng khoán nói chung và cổ phiếu nói riêng để thi hành án là một yêu cầu hết sức cấp thiết trong tình hình hiện nay.
Thục tế, có rất nhiều vụ án, đặc biệt là các vụ đại án đã và đang được điều tra, xét xử và thi hành án liên quan đến cổ phần, cổ phiếu, ví dụ như: Bản án hình sự phúc thẩm số 281/2018/HSPT ngày 04/5/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, về phần dân sự có nội dung “… Buộc Hứa Thị P phải bồi hoàn cho Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương 500.000.000.000 đồng (Năm trăm tỷ đồng). Về xử lý tài sản đã thu giữ, kê biên, phong tỏa: Duy trì các lệnh kê biên tài sản số 06/C46-P11, số 07/C46-P11 và số 08/C46-P11 cùng ngày 01/4/2016 của Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an để đảm bảo cho việc thi hành án về tội: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, đối với các tài sản là 5.877.979 cổ phiếu Công ty cổ phần tập đoàn SSG. Trong đó: 3.335.493 cổ phiếu đứng tên sở hữu Hứa Thị Bích Hạnh, 1.681.993 cố phiếu đứng tên sở hữu Ngô Kim H; và 860.493 cổ phiếu đứng tên sở hữu là Hứa Thị …; Bản án số: 311/2021/HS-PT Ngày 21/5/2021 của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên về phần dân sự có nội dung “…Buộc bị cáo Đinh Ngọc H giao nộp số tiền 728.776.876.070 đồng (bảy trăm hai mươi tám tỷ bảy trăm bảy mươi sáu triệu tám trăm bảy mươi sáu ngàn không trăm bảy mươi) để nộp vào ngân sách Nhà nước. Tiếp tục duy trì các lệnh kê biên tài sản và phong tỏa tài khoản của Cơ quan điều tra Bộ Công an đã thực hiện để đảm bảo Thi hành án, cụ thể gồm: “…+ Lệnh kê biên tài sản số 65/C03-P12 ngày 18/12/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về việc kê biên tài sản là 20.003.534 cổ phần trị giá 200.035.340.000 đồng đứng tên Công ty cổ phần tập đoàn Y tại Tổng công ty Xây dựng C1 - Công ty cổ phần của Đinh Ngọc H; Lệnh kê biên tài sản số 07/CSKT-P12 ngày 11/02/2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về việc kê biên tài sản là 17.213.552 cổ phần trị giá 180.742.296.000 đồng đứng tên Công ty cổ phần A tại Tổng công ty Xây dựng C1 - Công ty cổ phần của Đinh Ngọc H; Lệnh kê biên tài sản số 08/CSKT-P12 ngày 11/02/2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về việc kê biên tài sản là 11.767.694 cổ phần trị giá 152.980.022.000 đồng đứng tên Công ty Cổ phần đầu tư C tại Tổng Công ty Xây dựng C1 - Công ty cổ phần của Đinh Ngọc H…”; Vụ ông Trần Phương Bình tại Ngân hàng Đông Á…Qua các vụ việc trên cho thấy, tài sản là cổ phần, cổ phiếu và vốn góp bị cơ quan điều tra, Tòa án tuyên kê biên, ra lệnh kê biên để đảm bảo cho quá trình điều tra, xét xử và thi hành án hiện nay đã trở nên khá phổ biến, đặc biệt là trong các vụ đại án kinh tế, tham nhũng. Ngoài ra trong quá trình tổ chức thi hành các vụ án khác thì CHVcũng xác minh được rất nhiều người phải thi hành án có cổ phần, cổ phiếu và vốn góp ở các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để xử lý được loại tài sản này thì hiện nay đang gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc. 
Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu phân tích các vấn đề pháp lý liên quan đến việc xử lý cổ phiếu của người phải thi hành án để thi hành các bản án quyết định tại các cơ quan thi hành án dân sự, chỉ ra khó khăn, vướng mắc, từ đó, đề xuất một số kiến nghị góp phần hoàn thiện quy định pháp luật trong lĩnh vực này.
1. Quy định về xử lý cổ phiếu để thi hành án
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp (LDN) năm 2020 thì “Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần”. Khoản 1 Điều 121 LDN năm 2020 giải thích về cổ phiếu như sau: “Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó”.
Pháp luật về thi hành án dân sự hiện nay không có quy định riêng về việc xử lý cổ phiếu để thi hành án mà chỉ có quy định về thu giữ, xử lý giấy tờ có giá để thi hành án. Tuy nhiên, việc xác định cổ phiếu có phải là giấy tờ có giá hay không vẫn đang có những quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng cổ phiếu là giấy tờ có giá vì: Mặc dù hiện nay Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa định nghĩa cụ thể giấy tờ có giá là gì mà chỉ nêu giấy tờ có giá là một loại tài sản[3]. Tuy nhiên, tại khoản 8 Điều 6 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 thì quy định giấy tờ có giá là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Đồng thời, trước đây tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, quy định: “Giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch”. Tuy nhiên, hai nghị định này hiện nay đã được thay thế bởi Nghị định số 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, có hiệu lực từ ngày 15/5/2021. Trong Nghị định số 21/2021/NĐ-CP này đã không còn đưa ra khái niệm về giấy tờ có giá như trước đây.
Quan điểm thứ hai lại cho rằng cổ phiếu là một loại chứng khoán vì: Tại khoản 1 Điều 4 về giải thích từ ngữ của Luật chứng khoán năm 2019 có giải thích: chứng khoán là loại tài sản trong đó bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền, … Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 4 cũng giải thích về cổ phiếu như sau: Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
Chúng tôi cho rằng hai quan điểm trên đều có những điểm hợp lý. Tuy nhiên, chúng tôi ủng hộ quan điểm thứ nhất hơn vì tại thời điểm hiện nay nếu xem tất cả các loại cổ phiếu là chứng khoán và xử lý như đối với chứng khoán để thi hành án là chưa thích hợp vì những lý do sau:
Thứ nhất, Luật Chứng khoán năm 2019 chỉ điều chỉnh những cổ phiếu hoạt động trên thị trường chứng khoán, còn những cổ phiếu của công ty chưa niêm yết thì không áp dụng Luật Chứng khoán để điều chỉnh được. Trong khi đó thực tế số cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ít hơn nhiều so với cổ phiếu ở những công ty chưa niêm yết.
Thứ hai, pháp luật về thi hành án dân sự hiện nay chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xử lý tài sản là chứng khoán, do vậy sẽ rất khó khăn cho việc tổ chức thi hành án nếu không xem cổ phiếu là giấy tờ có giá.
Thứ ba, quan điểm cá nhân chúng tôi vẫn cho rằng bản chất của các loại tài sản được xem là chứng khoán theo Luật Chứng khoán năm 2019 cũng là một dạng của giấy tờ có giá theo quy định về tài sản của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Do đó, chúng tôi cho rằng việc xem cổ phiếu là một loại giấy tờ có giá và áp dụng các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự để xử lý khi người phải thi hành án có tài sản là cổ phiếu để thi hành án trong thời điểm hiện nay vẫn còn phù hợp.Vì vậy, khi xử lý để thi hành án thì sẽ áp dụng các quy định về trình tự, thủ tục xử lý giấy tờ có giá trong Luật thi hành án dân sự để giải quyết, cụ thể như sau:
- Điều 82 Luật thi hành án dân sự quy định: “1. Trường hợp phát hiện người phải thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án thì CHV ra quyết định thu giữ giấy tờ đó để thi hành án.2. Người phải thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án phải chuyển giao giấy tờ đó cho cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Trường hợp người phải thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân giữ giấy tờ có giá không giao giấy tờ cho cơ quan thi hành án dân sự thì CHV yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chuyển giao giá trị của giấy tờ đó để thi hành án”
Như vậy, theo quy định tại khoản 1 thì những người đang giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án có thể là: người phải thi hành án, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác. Khi CHV phát hiện những người này đang giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án, thì Chấp hành viên có quyền ra quyết định thu giữ các giấy tờ có giá đó để xử lý thi hành án. Những người này phải chuyển giao giấy tờ đó cho CHV để xử lý theo quy định. Xử lý ở đây được hiểu là CHV sẽ áp dụng các quy định của pháp luật để bán giấy tờ có giá nhằm thu lại một khoản tiền để thanh toán cho người được thi hành án.
- Điều 83 Luật thi hành án dân sự quy định “Việc bán giấy tờ có giá được thực hiện theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục bán tài sản là giấy tờ có giá để đảm bảo thi hành án.
Khi CHV tiến hành việc xử lý giấy tờ có giá, cổ phiếu theo các quy định trên chính là đang thực hiện thủ tục “cưỡng chế thi hành án đối với giấy tờ có giá”. Trong hoạt động thi hành án dân sự hiện nay Luật Thi hành án dân sự quy định có 6 biện pháp cưỡng chế được áp dụng. Trong đó biện pháp “Cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản, thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án” được quy định đầu tiên tại khoản 1 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự.
2. Khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành án đối với cổ phiếu
- Khó khăn, vướng mắc trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án
Cũng như những loại tài sản khác, trước khi có thể đưa ra xử lý, bán để thi hành án thì Chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh thông tin tài sản. Trình tự, thủ tục tiến hành việc xác minh được thực hiện theo các quy định chung của pháp luật. Tuy nhiên, cổ phiếu là một loại tài sản đặc thù nên việc xác minh đối với loại tài sản này gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là hiện nay có hàng ngàn Công ty phát hành và niêm yết chứng khoán trên thị trường. Bên cạnh đó còn có các khó khăn khác như việc phối hợp cung cấp thông tin của các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan quản lý tài sảnvẫn còn hạn chế, chưa kịp thời.
Để có căn cứ, cơ sở xử lý cổ phiếu của người phải thi hành án thì CHV cần phải xác minh được các thông tin như: Đơn vị phát hành cổ phiếu, mã cổ phiếu, số lượng cổ phiếu mà người phải thi hành án đang nắm giữ, loại cổ phiếu (cổ phiếu ưu đãi hay cổ phiếu phổ thông), mệnh giá cổ phiếu, trạng thái của cổ phiếu (đã giao dịch trên sàn chứng khoán hay chưa)…Đối với những thông tin này nếu như tiếp cận được sổ đăng ký cổ đông của công ty cổ phần thì CHV mớicó thể biết được đầy đủ các thông tin liên quan đến cổ phiếu cần xác minh. Tuy nhiên, trên thực tế việc này rất khó, vì các Công ty không sẵn sàng hỗ trợ và thực hiện theo yêu cầu của CHV. Ngoài ra, đối với những công ty cổ phần đã phát hành cổ phiếu ra công chúng thì việc xác minh chủ sở hữu và số lượng cổ phiếu nắm giữ lại còn phức tạp hơn, vì lúc này cổ phiếu đã được lưu hành trên thị trường chứng khoán, nó có tính thanh khoản cao, việc mua bán diễn ra rất nhanh chóng trên sàn giao dịch. Hơn nữa, nó được điều chỉnh bởi pháp luật về chứng khoán, cụ thể là Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản pháp luật có liên quan. Tại Điều 55 Luật Chứng khoán có quy định “Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm bảo mật thông tin liên quan đến sở hữu của khách hàng; từ chối việc phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tài sản, trích lục, sao chép thông tin sở hữu chứng khoán của khách hàng mà không có sự đồng ý của khách hàng, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền…”.Tại Điều 23 Thông tư 119/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán có nội dung: “Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chỉ thực hiện phong tỏa, giải tỏa chứng khoán sau khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”. Có nghĩa quyền sở hữu chứng khoán của khách hàng được bảo mật tối đa, nhưng phải chịu sự điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, CHV phải xác minh trực tiếp hoặc bằng văn bản tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hoặc xác minh tại các công ty chứng khoán.Như vậy, với công tác xác minh điều kiện thi hành án đối với tài sản là cổ phiếu là rất phức tạp và tốn rất nhiều thời gian, công sức, đồng thời yêu cầu CHV phải nắm vững nghiệp vụ và am hiểu nhiều quy định pháp luật có liên quan.
- Khó khăn trong việc thu giữ cổ phiếu để thi hành án
Thủ tục thu giữ giấy tờ có giá nói chung và cổ phiếu nói riêng, được quy định tại Điều 82 Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, CHV phải ra quyết định thu giữ giấy tờ. Tuy nhiên, việc thu giữ, yêu cầu chuyển giao giấy tờ có giá hiện nay đang gặp không ít khó khăn do người đang nắm giữ giấy tờ thường không hợp tác với cơ quan thi hành án, CHV. Trong trường hợp này thì CHV phải yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (đơn vị phát hành, quản lý) chuyển giao giá trị của giấy tờ đó cho cơ quan thi hành án dân sự để xử lý thi hành án. Nhưng việc này cũng chỉ thực hiện được khi các giấy tờ có giá đó là loại giấy tờ hữu hình có ghi rõ tên người sở hữu và mệnh giá. Trong khi đó, hiện nay đa số cổ phiếu chỉ thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử. Riêng cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường chứng khoán thì người trực tiếp sở hữu, nắm giữ cổ phiếu thực ra chỉ nắm giữ tài khoản điện tử mà không có bất cứ giấy tờ nào. Do vậy, việc yêu cầu giao giấy tờ có giá là cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường chứng khoán hoặc yêu cầu chuyển giao giá trị của loại cổ phiếu này là rất khó khăn và hiện nay pháp luật về thi hành án vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý đối với loại giấy tờ có giá “vô hình” này. Điều này đặt ra cho CHV rất nhiều vấn đề về cách thức thu giữ, biện pháp thu giữ và bảo quản tài sản là giấy tờ như thế nào khi xử lý cổ phiếu để thi hành án.
Tại Công văn số 7917/UBCK-PTTT ngày 30/11/2021 của Ủy ban chứng khoán Nhà nước trả lời Tổng cục Thi hành án dân sự về thủ tục xử lý đối với cổ phiếu niêm yết, giao dịch có hướng dẫn “Hiện nay, để thực hiện theo phương thức giao dịch qua hệ thống của sở giao dịch chứng khoán cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu chứng khoán từ đối tượng phải thi hành án sang cơ quan thi hành án. Sau đó, cơ quan thi hành án thực hiện bán cổ phiếu căn cứ vào tình hình thực tế tại ngày giao dịch”. 
Như vậy, rõ ràng trong trường hợp cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường chứng khoán thì việc ra quyết định thu giữ như những loại tài sản hữu hình là không khả thi vì nó tồn tại dưới dạng tín hiệu điện tử (tài khoản tại công ty chứng khoán). Hơn nữa, chỉ căn cứ vào quyết định thu giữ thì cũng không đủ điều kiện để thực hiện việc xử lý, bán chứng khoán. Vì muốn bán cổ phiếu trên tài khoản chứng khoán thì phải là chủ tài khoản chứng khoán đó mới thực hiện được. Để làm được như vậy thì CHV phải ra quyết định buộc công ty chứng khoán chuyển quyền chủ sở hữu tài khoản chứng khoán đó sang cho cơ quan thi hành án dân sự tạm đứng tên để xử lý số cổ phiếu bị thu giữ.
- Khó khăn trong việc bán cổ phiếu để thi hành án
Hiện nay việc bán tài sản là giấy tờ có giá nói chung và cổ phiếu nói riêng để thi hành ánđược thực hiện theo quy định tại Điều 83 Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, tại điều luật này cũng chỉ quy định rất chung chung “Việc bán giấy tờ có giá được thực hiện theo quy định của pháp luật”không có hướng dẫn cụ thể hơn nên việc bán cổ phiếuthực sự làm cho CHV rất lúng túng trong quá trình tổ chức thi hành án.
Để có thể bán được cổ phiếu thì trước hết cần phải thẩm định giá cổ phiếu, xác định giá khởi điểm làm cơ sở bán cổ phiếu. Tuy nhiên, thực tế thì việc xác định giá cổ phiếu phức tạp hơn rất nhiều so với thẩm định giá trị các loại tài sản khác. Nếu như cổ phiếu của công ty chưa phát hành ra công chúng thì việc thẩm định giá có thể phải thẩm định giá trị doanh nghiệp để làm cơ sở xác định giá cổ phiếu. Đối với cổ phiếu đã giao dịch trên thị trường chứng khoán thì giá thị trường của nó thay đổi liên tục. Do vậy, nếu không có quy định cụ thể về thời điểm chốt giá thì CHV sẽ không biết được phải lấy giá nào để bán. Vừa qua, ngày 15/10/2021, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tổ chức cuộc họp liên ngành giữa đại diện các cơ quan như VKSND tối cao, TAND Tối cao, Ủy ban chứng khoán nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam…sau đó ngày 10/12/2021 Tổng cục Thi hành án dân sự đã ra Thông báo số 366/TB-TC thi hành án dân sự kết luận cuộc họp liên ngành thống nhất hướng dẫn thủ tục xử lý chứng khoán và xử lý cổ phần có giá trị âm. Tại thông báo này có hướng dẫn “Đối với chứng khoán đã được niêm yết hoặc đã được đăng ký giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán thì căn cứ các quy định pháp luật chứng khoán, cơ quan thi hành án dân sự bán trên hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán theo phương thức khớp lệnh với giá nằm trong biên độ giá giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán tại ngày thực hiện giao dịch. Cơ quan thi hành án dân sự không phải thực hiện thủ tục thẩm định giá khi bán chứng khoán theo phương thức này”. Như vậy, có thể hình dung quy trình theo hướng dẫn trên thì CHV sẽ phải ra quyết định thu giữ cổ phiếu của người phải thi hành án có trong tài khoản chứng khoán mở tại Công ty chứng khoán và quyết định buộc công ty chứng khoán chuyển quyền chủ sở hữu tài khoản chứng khoán đó sang cho cơ quan thi hành án dân sự tạm đứng tên để xử lý số cổ phiếu bị thu giữ.
Đối với cổ phiếu chưa tham gia vào thị trường chứng khoán khi đã xác định được giá cổ phiếu thì việc bán cổ phiếu cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, bán như thế nào, có phải thông qua thủ tục đấu giá hay không? Đây là những vấn đề mà pháp luật về thi hành án dân sự đang còn chưa có quy định cụ thể. Nếu như cổ phiếu của công ty cổ phần chưa phát hành ra công chúng thì việc chào bán phải tuân thủ theo quy định của Luật doanh nghiệp, lúc này thì lại liên quan đến việc cổ phần đó là cổ phần phổ thông hay cổ phần ưu đãi và điều kiện chào bán như thế nào. Hiện nay, việc mua bán cổ phần của cổ đông và công ty cổ phần được Luật doanh nghiệp quy định khá chặt chẽ. Tuy nhiên, không có bất cứ một quy định nào liên quan đến việc bán cổ phần, cổ phiếu theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Do vậy, CHV, cơ quan thi hành ándân sự thiếu cơ sở xử lý, bán cổ phiếu để thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án là cổ đông của công ty cổ phần mà cổ phiếu chưa phát hành ra thị trường chứng khoán. Trên thực tế hiện nay các cơ quan thi hành ándân sự và CHV khi xử lý, bán cổ phiếu của người phải thi hành án thì thường phải trao đổi với các cơ quan chuyên môn có liên quan để thống nhất đưa ra hướng xử lý cho từng vụ việc cụ thể mà chưa có sự thống nhất, hướng dẫn chung.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, như trên đã phân tích, hiện nay việc xử lý cổ phiếu để thi hành án còn gặp nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc. Do vậy, cần có những nghiên cứu chuyên sâu, có hệ thống về vấn đề này và tiến tới sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề xử lý tài sản là giấy tờ có giá nói chung và cổ phiếu nói riêng. Bên cạch đó, cũng cần đặt ra vấn đề có nên tiếp tục xem cổ phiếu là một loại giấy tờ có giá hay chia ra làm hai loại: loại thứ nhất được xem là chứng khoán đối với cổ phiếu của công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, loại thứ hai được xem là giấy tờ có giá đối với cổ phiếu của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nếu phân chia như vậy thì cần có cơ chế xử lý riêng, phù hợp cho từng loại.
Thứ hai, cần có hướng dẫn cụ thể hơn về trình tự, thủ tục xác minh, thu hồi và bán giấy tờ có giá nói chung và bán cổ phiếu nói riêng. Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng có một số loại giấy tờ có giá đặc thù như cổ phiếu và các loại chứng khoán khác thì không nên thực hiện thủ tục thu giữ, vì điều này là không khả thi, mà chỉ cần thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành án, như biện pháp phong tỏa, khi xử lý thì CHV yêu cầu nơi nắm giữ thực hiện việc bán, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Thứ ba, việc xử lý tài sản như cổ phiếu, các loại chứng khoán khác và phần vốn góp trong các doanh nghiệp thì có sự điều chỉnh của luật chuyên ngành khác như Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán…Tuy nhiên, hiện nay các luật này chưa có sự tương thích, chưa có các quy định cụ thể làm cơ sở pháp lý cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản để thi hành án. Do vậy, cần có những quy định chung giữa các luật liên quan đến việc xử lý các lọai tài sản trên trong hoạt động thi hành án. Ví dụ như cần có các quy định về việc bán, chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp khi cơ quan chức năng áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với công ty, cổ đông, thành viên công ty...
Trong tình hình phát triển kinh tế xã hội như hiện nay thì việc người dân sở hữu các loại tài sản là giấy tờ có giá nói chung và cổ phiếu nói riêng ngày càng trở nên phổ biến. Do vậy, việc tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến loại tài sản này, trong đó có các quy định về xử lý cổ phiếu để thi hành án là một yêu cầu cấp thiếtnhằm hoàn thiện pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng./.
 
 
 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quốc hội (2010), Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12, ngày 29/6/2010.
2. Quốc hội (2014), Luật thi hành án dân sự số 64/2014/QH13, ngày 25/11/2014.
3. Quốc hội (2015), Bộ Luật dân sự số 91/2015/QH13, ngày 24/11/2015.
4. Quốc hội (2020), Luật doang nghiệp số: 59/2020/QH14, ngày 17/6/2020.
5. Quốc hội (2019), Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14, ngày 26/11/2019.
6. Chính phủ (2015), Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THA dân sự”.
7. Chính phủ (2020), Nghị định số 33/2020/NĐ-CP, “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THA dân sự”.
8. Chính phủ (2012), Nghị định số 11/2012/NĐ-CP “sửa đổi, bổ sung một số điều của  Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm”.
9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2022), Thông tư số 16/2022/TT-NHNN, ngày 30/11/2022, “Quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng nhà nước Việt Nam”.
 

[1] Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Nghề luật số tháng 4/2023 (Tạp chí khoa học của Học viện Tư pháp).
[2] Trưởng Bộ môn đào tạo các chức danh THADS của Học viện Tư pháp Cơ sở TP.HCM
[3] Tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”.