Chi cục THADS TP. Thái Nguyên: Nhiều nỗ lực trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng

17/06/2022
Xác định công tác thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, trong thời gian qua, Chi cục THADS TP. Thái Nguyên đã quán triệt đến toàn thể công chức và triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là việc thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.


Kết quả, trong 7 tháng năm 2022, tổng số việc phải thi hành là 144 việc, tương ứng với số tiền là 7.221.021.000đ  trong đó:  Số có điều kiện thi hành là 82 việc = 1.657.262.000đ. Đã thi hành xong dứt điểm 17 việc = 477.157.000 đồng, số đang thi hành là 65 việc; Số chưa có điều kiện thi hành là 62 việc = 5.563.759.000đ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng và kinh tế trên địa bàn TP Thái Nguyên còn có những khó khăn vướng mắc, tỷ lệ đạt chưa cao do một số nguyên nhân cơ bản sau:
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử  một số vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa chú trọng đến việc xác minh về địa chỉ, về điều kiện kinh tế của bị cáo để áp dụng kịp thời các biện pháp bảo đảm tạm giữ tài sản của người phải thi hành án. Khi tuyên án số tiền phạt lớn ngoài khả năng điều kiện kinh tế của bị cáo, do vậy sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật không thu hồi được khoản tiền phạt cho nhà nước.
Ví dụ: Vụ Phan Thị Phương Hằng, phạm tội trốn thuế, phải chịu hình phạt chính là phạt tiền 416.584.800 đồng.  Đáng lẽ khi xem xét lượng hình đối với bị cáo được áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền thì cơ quan điều tra, truy tố, xét xử phải xác minh điều kiện về tài sản theo qui định tại khoản 3 Điều 35 Bộ luật hình sự, nếu có đủ điều kiện về kinh tế thì mới áp dụng hình phạt này. Thực tế khi tổ chức thi hành án thì đương sự không có tài sản nào khác ngoài lương hưu trí (mặc dù được phân loại là việc có điều kiện thi hành án) nhưng mỗi tháng chỉ khấu trừ được 2 triệu đồng, dẫn đến vụ việc thi hành án bị kéo dài...
Thi hành bản án số 425/2021/HSST ngày 10/9/2021 của Tòa án nhân dân TP Thái Nguyên đối với Lê Việt Hoàng, sinh năm 1999, phạm tội cho vay nặng lãi, xử 36 tháng tù cho hưởng án treo, phải nộp vào ngân sách nhà nước tổng số tiền 2.360.289.000đồng. Kết quả xác minh Lê Việt Hoàng không có tài sản để thi hành án, do vậy không thu hồi được tiền cho nhà nước.
Năm 2021 thi hành Bản án số 534/2020/HSST ngày 26/11/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên xét xử 02 bị cáo Hà Văn Sơn và Phạm Đức Tâm về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Trong bản án có khoảng 800 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Chi cục ban hành khoảng 800 quyết định thi hành án chủ động, trong quá trình tổ chức thi hành gặp rất nhiều khó khăn: Đối với các đối tượng phải thi hành khoản buộc nộp ngân sách nhà nước chỉ có hộ khẩu thường trú, tạm trú nhưng hầu như không có mặt tại địa chỉ theo bản án tuyên, không có điều kiện để thi hành án; Đối với các đối tượng được hoàn trả giấy tờ đại đa số không có địa chỉ cụ thể (chỉ có địa chỉ đến xã, phường thậm chí có trường hợp chỉ có đến cấp huyện), vì vậy Chấp hành viên phải mất rất nhiều thời gian, công sức để phối hợp các cơ quan hữu quan, chính quyền cơ sở xã phường để tìm người để trả lại giấy tờ, tài sản, có nhiều trường hợp có địa chỉ cụ thể, nhiều lần báo gọi, liên hệ nhưng đương sự không đến nhận(do đương sự đã làm lại, hoặc giấy tờ không còn giá trị sử dụng...)
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như: Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn chưa cao, phần lớn người phải thi hành án thường tìm cách trốn tránh nghĩa vụ thi hành án...
Qua thực tiễn thu hồi tài sản tham những trên địa bàn TP. Thái Nguyên thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng việc thi hành án dân sự phải thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng và kinh tế, cụ thể như sau:
Các cơ quan tố tụng cần nhận thức đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của Cơ quan thi hành án dân sự mà còn là nhiệm vụ chung của cả hệ thống tư pháp. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cần phải xác minh làm rõ địa chỉ và điều kiện kinh tế của bị cáo, kịp thời phong tỏa, kê biên tài sản của bị cáo để đảm bảo thi hành án, nhất là đối với các vụ án bị cáo phải chịu hình phạt chính là hình phạt tiền, phải nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền lớn.
Chấp hành viên được phân công trực tiếp tổ chức thi hành vụ việc phải nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; chủ động, tích cực, có trách nhiệm hơn trong quá trình tổ chức thi hành án; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan kịp thời xác minh, truy tìm tài sản của người phải thi hành án, có biện pháp xử lý, tránh trường hợp bỏ lọt tài sản của người phải thi hành án dẫn đến việc người phải thi hành án tẩu tán tài sản gây thất thu cho Ngân sách nhà nước.
Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu đơn vị đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án trong việc thu hồi tiền, tài sản,
Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản.
Có biện pháp vận động người phải thi hành án chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật và hậu quả pháp lý từ việc chưa thi hành xong các khoản tài sản phải thu hồi để người phải thi hành án chủ động giao nộp.
Nguyễn Khắc Hiếu
Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Thái Nguyên