Một số lưu ý khi thực hiện quy định thẩm định giá trong hoạt động thi hành án dân sự

11/12/2023


1. Khái niệm định giá, thẩm định giá, định giá tài sản kê biên
Theo quy định của pháp luật THADS tại Điều 98, Điều 99 Luật THADS thì có 3 cách để xác định giá khởi điểm tài sản kê biên, gồm: thỏa thuận giữa các đương sự, Chấp hành viên xác định giá và thực hiện việc thẩm định giá tài sản thông qua tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp.
- Định giá: khái niệm định giá được quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật Giá năm 2012, theo đó: “Định giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quy định giá cho hàng hóa, dịch vụ”.
- Thẩm định giá: khái niệm về thẩm định giá được quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật Giá 2012, theo đó: “Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá”.
- Định giá tài sản đã kê biên: hiện nay chưa có quy định của pháp luật cũng như tài liệu khoa học pháp lý nêu về khái niệm định giá tài sản kê biên. Tuy nhiên, từ những khái niệm nêu trên, từ mục đích của việc định giá tài sản trong THADS, có thể hiểu: “Định giá tài sản đã kê biên là hoạt động nhằm xác định giá trị tài sản đã kê biên được dùng làm giá khởi điểm để đưa tài sản ra bán đấu giá thi hành án theo trình tự, thủ tục nhất định hoặc để thi hành nghĩa vụ trả tiền của người phải thi hành án.”
2. Cơ sở pháp lý
- Vấn đề định giá tài sản kê biên được quy định cụ thể tại Điều 98, 99 Luật THADS;  Điều 25, 26 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP; bên cạnh đó, việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản đã được Tổng cục THADS hướng dẫn chi tiết tại Quy trình lựa chọn tổ chức thẩm định giá, đấu giá tài sản để thi hành án kèm theo Quyết định số 1079/QĐ-TCTHADS ngày 25/12/2020 của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS.
- Luật giá và các văn bản hướng dẫn thi hành: vấn đề thẩm định giá được quy định chi tiết tại Chương IV Luật giá; Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 6/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá; Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí, hóa đơn; Thông tư số 38/2014/TT-BTC ngày 28/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 8/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá; Thông tư số 46/2014/TT-BTC ngày 16/4/2014 của Bộ Tài chính quy định về việc thi, quản lý, cấp và thu hồi thẻ thẩm định viên về giá.
3. Trình tự, thủ tục
Thứ nhất, định giá theo thỏa thuận của các đương sự
Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành luôn khuyến khích các đương sự (người phải thi hành án và người được thi hành án) thỏa thuận với nhau về việc thi hành án. Trong việc xác định giá tài sản, pháp luật về THADS đã dành cho các đương sự thời hạn nhất định để thỏa thuận về giá của tài sản kê biên. Trường hợp các bên thỏa thuận được giá của tài sản kê biên thì giá đó được dùng làm giá khởi điểm để bán đấu giá và không làm phát sinh chi phí thi hành án, giảm thời gian tổ chức thi hành án, cũng như tránh được khiếu nại của các đương sự. Tuy nhiên, việc định giá theo hình thức này ít khả thi vì đương sự thường không hợp tác. Theo quy định tại khoản 1 Điều 98 của Luật THADS thì ngay tại buổi kê biên tài sản sau khi đã tiến hành kê biên, nếu người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thỏa thuận được giá tài sản kê biên thì Chấp hành viên lập biên bản về sự thỏa thuận đó hoặc lập biên bản về việc không thỏa thuận được giá khởi điểm của tài sản kê biên trong trường hợp họ không thỏa thuận được về giá tài sản kê biên.
Trường hợp các bên không thỏa thuận được với nhau về giá của tài sản kê biên thì pháp luật cũng quy định về việc các đương sự có quyền thỏa thuận với nhau về lựa chọn tổ chức thẩm định giá. Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ (Điều 25) cũng đã mở rộng quy định về quyền thỏa thuận lựa chọn các tổ chức thẩm định giá của các đương sự. Theo đó, đương sự có quyền thỏa thuận lựa chọn các tổ chức thẩm định giá không thuộc địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên và Chấp hành viên thực hiện việc ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá do các đương sự thỏa thuận lựa chọn.
Thứ hai, Chấp hành viên định giá tài sản kê biên
Trong hoạt động THADS, pháp luật về THADS cũng quy định về quyền xác định giá của Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án. Việc xác định giá của Chấp hành viên là một trong những tác nghiệp rất khó khăn, phức tạp vì đa số Chấp hành viên không có đầy đủ kỹ năng cần thiết cũng như không am hiểu chuyên môn về thẩm định giá. Do đó, khoản 3 Điều 98 Luật THADS cũng đã quy định rất hạn chế về những trường hợp Chấp hành viên phải thực hiện định giá tài sản; theo đó Chấp hành viên chỉ thực hiện việc định giá trong 02 trường hợp sau đây:
(i) Khi Chấp hành viên không thực hiện được việc ký kết hợp đồng dịch vụ thẩm định giá;
(ii) Tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá.
Thứ ba, việc định giá thông qua việc thẩm định giá của tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp
Hiện nay, tài sản kê biên để thi hành án hầu hết đều được định giá thông qua tổ chức thẩm định giá. Để yêu cầu tổ chức thẩm định giá tiến hành xác định giá trị tài sản kê biên, Chấp hành viên phải ký Hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá (do các đương sự thỏa thuận lựa chọn hoặc do Chấp hành viên lựa chọn nếu các bên không thỏa thuận được). Trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, thủ trưởng các cơ quan THADS địa phương, Chấp hành viên cũng như trình tự thủ tục lựa chọn tổ chức thẩm định giá đã được Tổng cục THADS hướng dẫn chi tiết tại Quy trình lựa chọn tổ chức thẩm định giá, đấu giá tài sản để thi hành án kèm theo Quyết định số 1079/QĐ-TCTHADS ngày 25/12/2020. Để đảm bảo tài sản không có sự thay đổi so với thời điểm kê biên, Luật THADS cũng quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kê biên thì Chấp hành viên phải ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá. Tổ chức này phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giá đối với tài sản đã kê biên để thi hành án. Kết quả thẩm định giá tài sản được thể hiện dưới dạng Chứng thư thẩm định giá.
4. Trình tự, thủ tục định giá lại tài sản thi hành án
- Theo Điều 99 Luật THADS, có hai trường hợp định giá lại tài sản kê biên, cụ thể:
+ Trường hợp thứ nhất, Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 Luật THADS dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản. Những vi phạm về trình tự, thủ tục này được Tổng cục THADS thống nhất với Vụ 11, VKSNDTC hướng dẫn tại Văn bản số 3722/TCTHADS-NV1 ngày 04/10/2018, cụ thể:
(i) Ngay khi kê biên Chấp hành viên không cho đương sự thỏa thuận về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá hoặc không lập biên bản theo thỏa thuận của  các bên đương sự về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá; lập biên bản thỏa thuận nhưng không ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá như đương sự đã thỏa thuận lựa chọn;
(ii) Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức không có chức năng, thẩm quyền thẩm định giá theo quy định pháp luật hoặc có chứng năng thẩm định giá nhưng người ký hợp đồng hoặc ký chứng thư không có thẩm quyền về đại diện theo pháp luật hoặc tiêu chuẩn chuyên môn; ký với tổ chức thẩm định giá không phải trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên mà không có thỏa thuận của đương sự;
(iii) Nội dung của hợp đồng không phản ánh đúng, đủ, sự thật khách quan của tài sản bị kê biên cần thẩm định giá;
(iv) Chấp hành viên xác định giá không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục.
+ Trường hợp thứ hai, đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Đối với trường hợp này chỉ được xem xét chấp nhận nếu đáp ứng được các điều kiện sau: Về thời gian yêu cầu: phải trước khi có thông báo về việc bán đấu giá tài sản trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá.
Về số lần yêu cầu định giá lại: đương sự chỉ có quyền yêu cầu định giá lại một lần. Đối với điều kiện này, trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản và trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá, nếu đương sự có yêu cầu thì cho dù là cả hai bên cùng yêu cầu định giá lại hay chỉ có một bên yêu cầu, việc định giá cũng chỉ được thực hiện một lần.
- Định giá lại khi Chứng thư hết hạn sử dụng: Thời gian qua, quá trình tổ chức thi hành án của các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) phát sinh vướng mắc liên quan đến việc xác định thời điểm sử dụng Chứng thư thẩm định giá khi đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá, việc thực hiện lại thủ tục thẩm định giá và chi phí thẩm định giá lại trong trường hợp Chứng thư quá hạn sử dụng. Trên cơ sở kết quả họp Liên ngành Trung ương[1], báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp và ý kiến thống nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Văn bản số 3249/VKSTC-V11 ngày 11/8/2023, Tổng cục THADS đã ban hành Văn bản số 3348/TCTHADS-NV1 ngày 08/9/2023 hướng dẫn một số nội dung sau:
(1) Thời điểm sử dụng kết quả thẩm định giá trong hoạt động THADS được xác định là thời điểm ký Hợp đồng Dịch vụ bán đấu giá tài sản thi hành án. Cơ quan THADS phải sử dụng kết quả thẩm định giá trong thời hạn Chứng thư quy định (từ thời điểm ban hành Chứng thư đến thời điểm ký Hợp đồng Dịch vụ bán đấu giá tài sản), nếu vượt quá thời hạn trên thì phải thực hiện lại thủ tục thẩm định giá.
 (2) Trường hợp mặc dù việc sử dụng kết quả thẩm định giá trong thời hạn được ghi tại Chứng thư, nhưng quá trình tổ chức thi hành án nếu không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục bán đấu giá theo quy định của pháp luật về THADS, đấu giá tài sản, dẫn đến quá thời hạn thì cơ quan THADS phải thực hiện lại thủ tục thẩm định giá.
(3) Về chi phí thực hiện thẩm định giá lại cơ quan THADS cần nghiên cứu, thực hiện theo quy định tại Điều 73 Luật THADS[2]. Trường hợp vụ việc khó khăn, phức tạp không có căn cứ để áp dụng các quy định pháp luật nêu trên thì thống nhất liên ngành hoặc báo cáo Tổng cục để xem xét, giải quyết.
5. Một số vi phạm, sai sót thường gặp trong định giá tài sản cần lưu ý
Thông qua công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết khiếu nại đã phát hiện ra một số sai phạm trong định giá tài sản kê biên thi hành án có thể dẫn đến việc định giá không đúng thẩm quyền, kéo theo hậu quả kết quả bán đấu giá tài sản có thể không được công nhận hoặc phải thực hiện định giá lại làm tăng chi phí thi hành án cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự bị xâm hại, một số vi phạm phổ biến cụ thể như sau:
- Chấp hành viên chậm ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá.
- Chấp hành viên thực hiện việc ký hợp đồng thẩm định giá với tổ chức thẩm định giá không đủ điều kiện và không có chức năng thẩm định giá tài sản[3].
- Chấp hành viên không thông báo cho các đương sự về kết quả thẩm định giá, quyền yêu cầu định giá lại trước khi ký hợp đồng bán đấu giá tài sản.
Nhiều trường hợp, sau khi có kết quả thẩm định giá, Chấp hành viên gửi Chứng thư thẩm định giá qua đường bưu điện cho đương sự mà không có nội dung nào về việc thông báo kết quả thẩm định giá, quyền yêu cầu định giá lại tài sản theo quy định, dẫn đến nhiều trường hợp đương sự khiếu nại cho rằng họ không biết giá tài sản thẩm định giá, quyền được yêu cầu định giá lại nên quyền lợi của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Không thực hiện đúng quy định về yêu cầu thẩm định giá lại tài sản của đương sự. Theo quy định thì đương sự được quyền yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần và chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá và phải nộp ngay tạm ứng chi phí định giá lại tài sản.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp Chấp hành viên quy định này chưa đúng như: quá thời hạn 5 ngày hoặc người yêu cầu chưa nộp tạm ứng nhưng vẫn thực hiện việc định giá lại theo yêu cầu của đương sự.
- Chấp hành viên thiếu kiểm tra, rà soát, đối chiếu giữ quyết định kê biên, biên bản kê biên, báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá. Trong thời gian gần đây nhiều vụ việc Chấp hành viên bị khởi tố liên quan đến tội thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, đối chiếu kết quả thẩm định giá.
- Chấp hành viên sử dụng chứng thư thẩm định giá không đúng quy định. Như trường hợp, Chấp hành viên tự ý bóc tách tài sản trong chứng thư ra để bán riêng, trong khi chứng thư thẩm định chung một khối tài sản.
- Chấp hành viên tự quyết định việc thẩm định giá lại thiếu căn cứ. Trường hợp, quá trình tài sản bán đấu giá rồi nhưng vẫn có trường hợp Chấp hành viên tự ý thực hiện lại thủ tục thẩm định giá không đúng quy định.
Đậu Thị Hiền - Vụ Nghiệp vụ 1
 

[1] Tổng cục đã tổ chức họp liên ngành với Vụ 11 - Viện kiểm sát tối cao; Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính; các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Cục Bổ trợ tư pháp, Thanh tra Bộ) theo Thông báo kết luận số 146/TB-TCTHADS ngày 12/5/2023 của Tổng cục THADS.
[2] Điểm c khoản 1 Điều 73 Luật THADS quy định người phải thi hành án chịu: “Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này”; điểm a khoản 2 Điều 73 Luật THADS quy định người được thi hành án chịu: “chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá” và điểm a khoản 3 Điều 73 Luật THADS quy định ngân sách Nhà nước trả chi phí thẩm định giá lại “định giá lại tài sản khi có vi phạm quy định về định giá”.
[3] Đối với trường hợp tổ chức thẩm định giá có Văn phòng đại diện thì cần phải xem xét kỹ tính pháp lý, con dấu để đảm bảo việc thẩm định đúng thẩm quyền.