Bàn về việc người được thi hành án chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho người thứ ba theo quy định tại khoản 4 Điều 54 Luật THADS

18/08/2023


Tại khoản 4 Điều 54 Luật THADS quy định “Trường hợp đương sự thỏa thuận về việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ về thi hành án cho người thứ ba thì người thứ ba có quyền, nghĩa vụ của đương sự”; khoản 2 Điều 15 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP quy định: “…Trường hợp người được thi hành án chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền được thi hành án của mình cho người thứ ba thì người thứ ba trở thành người được thi hành án tương ứng với phần quyền được chuyển giao và có các nghĩa vụ của người được thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Người chuyển giao quyền về thi hành án phải thông báo bằng văn bản cho người phải thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức việc thi hành án biết về việc chuyển giao quyền về thi hành án. Việc chuyển giao quyền về thi hành án không cần có sự đồng ý của người phải thi hành án, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Đối chiếu với các quy định trên thì người được thi hành án có quyền thỏa thuận chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho người thứ ba, người thứ ba trở thành người được thi hành án, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án tương ứng với phần quyền, nghĩa vụ được chuyển giao theo quy định của pháp luật về THADS. Luật THADS cũng quy định việc chuyển giao của người được thi hành án thì không cần có sự đồng ý của người phải thi hành án, nhưng phải thực hiện các thủ tục thông báo theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 62/2015/NĐ-CP.
Tuy nhiên, các cơ quan THADS lúng túng khi áp dụng khoản 4 Điều 54 Luật THADS, cụ thể: đối với trường hợp đương sự thỏa thuận chuyển giao quyền, nghĩa vụ về thi hành án cho người thứ ba thì cơ quan THADS phải thực hiện thủ tục gì đề xác định quyền, nghĩa vụ của họ đã thay đổi vì pháp luật hiện hành chỉ quy định Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định thi hành án mới, thu hồi quyết định thi hành án cũ cho trường hợp chuyển giao theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 54 Luật THADS, đối với khoản 4 thì chưa có quy định cụ thể.
Quan điểm của tác giả về thủ tục thực hiện chuyển quyền trong trường hợp này: Đối chiếu theo quy định của pháp luật về THADS thì không có cơ sở để cơ quan THADS ban hành quyết định thi hành án mới tương ứng với phần quyền, nghĩa vụ được chuyển giao và thu hồi quyết định thi hành án cũ. Tuy nhiên, nếu không ban hành quyết định thi hành án mới để xác định chủ thể người được thi hành án được thì quá trình tổ chức thi hành án tiếp theo, một số thủ tục người nhận chuyển quyền không được bảo vệ[1]. Do đó, trước mắt để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được chuyển quyền, đảm bảo họ có đầy đủ quyền của người được thi hành án thì việc thu hồi quyết định thi hành án cũ, ban hành quyết định thi hành án mới tương ứng với phần quyền, nghĩa vụ được chuyển giao là cần thiết, trong đó ghi cụ thể về việc kết quả thi hành án trước đó được công nhận, các văn bản về thi hành án trước đó được giữ nguyên (trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác).
Giải pháp lâu dài tác giả cho rằng: trong quá trình sửa Luật THADS cần nghiên cứu theo hương các trường hợp phát sinh chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án thì cơ quan THADS sẽ ban hành quyết định chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án thay vì quy định thu hồi quyết định thi hành án cũ, ban hành quyết định thi hành án mới như quy định hiện hành tại khoản 3 Điều 54 Luật THADS, bởi vì: việc ban hành quyết định thu hồi quyết định thi hành án chỉ nên áp dụng trong các trường hợp ban hành không đúng thẩm quyền; có sai sót làm thay đổi nội dung hoặc căn cứ ra quyết định không còn. Đối với việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ trong thi hành án dân sự thì chủ thể tham gia thay đổi tại thời điểm chuyển giao, còn trước đó các văn bản về thi hành án vẫn có giá trị pháp lý, quyết định thi hành án ban đầu là căn cứ đầu tiên để Chấp hành viên tổ chức thi hành bản án, quyết định tại thời điểm đó nên việc thu hồi là không phù hợp.
Đậu Thị Hiền - Vụ NV1
 

[1] Một số quyền chỉ có có người được thi hành án trong quyết định thi hành án mới được thực hiện như quyền nhận tài sản thi hành án để trừ vào tiền được thi hành án, nếu người nhận tài sản không có tên trong QĐTHADS thì khi thực hiện thủ tục sang tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu sẽ gặp khó khăn; quyền khợi kiện dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.