1. Khó khăn, vướng mắc
Thứ nhất, Luật thi hành án dân sự hiện hành quy định Chấp hành viên có trách nhiệm bán “đến cùng” đối với tài sản thi hành án, cho đến khi giá trị tài sản thấp hơn hoặc bằng chi phí cưỡng chế thi hành án.
Trong khi đó, để đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá thì thời gian kéo dài từ lúc kê biên, thỏa thuận giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, thẩm định giá, thẩm định giá lại, thỏa thuận, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, ký hợp đồng bán đấu giá, bán đấu giá không thành thì giảm giá tài sản để tiếp tục bán. Do đó, có những vụ việc phải đưa tài sản ra bán rất nhiều lần kéo dài qua rất nhiều năm vẫn bán không thành công. Việc kéo dài quá trình bán đấu giá tài sản sẽ dẫn đến việc kéo dài thời gian tổ chức thi hành án, ảnh hưởng đến cả quyền và lợi ích hợp pháp của người được và người phải thi hành án, tốn kém chi phí của ngân sách nhà nước.
Thứ hai, Điều 104 Luật thi hành án dân sự quy định người được thi hành án có quyền nhận tài sản từ sau lần giảm giá thứ hai trở đi mà chưa có quy định “bắt buộc” người được thi hành án phải nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án sau số lần bán nhất định.
Thứ ba, nhiều trường hợp, quá trình bán tài sản có nhiều thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng (bán thiếu, không đúng tài sản; bán tài sản không phải của người phải thi hành án…) nhưng không có căn cứ để hủy kết quả bán đấu giá. Trong khi đó, Điều 103 Luật thi hành án dân sự quy định nguyên tắc người mua được tài sản đấu giá được bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản, bao gồm cả trường hợp bản án bị hủy, sửa.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp này, việc cưỡng chế giao tài sản trên thực tế gần như không thể thực hiện được do sự chống đối quyết liệt của người phải thi hành án, không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền, nhân dân và dư luận xã hội tại địa phương. Việc tổ chức cưỡng chế trong trường hợp này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn; dẫn đến quyền lợi của người phải thi hành án, người được thi hành án, người trúng đấu giá bị ảnh hưởng; cơ quan thi hành án dân sự đối mặt với nguy cơ khiếu nại, tố cáo và bồi thường nhà nước.
Về bản chất, việc đấu giá tài sản thi hành án có tính chất cưỡng chế, bắt buộc để thực hiện bản án, quyết định của Tòa án, khác với tính chất đấu giá tài sản tự nguyện trong quan hệ pháp luật dân sự, do đó, cần phải có quy định riêng đối với việc bán đấu giá tài sản thi hành án có tính chất đặc thù này.
Thứ tư, việc quy định trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản thi hành án giống như những bán đấu giá tài sản thông thường khác là chưa phù hợp, dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức thi hành án; không đúng bản chất của việc thi hành án và tiềm ẩn rủi ro cho cơ quan thi hành án dân sự.
2. Nguyên nhân bất cập từ quy định của pháp luật:
- Trong bán đấu giá thông thường thì người có tài sản chủ động mang tài sản, hàng hóa của mình tham gia đấu giá nên họ tham gia với vai trò tích cực, chủ động để việc bán đấu giá thành công. Tuy nhiên, việc bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự với tư cách là một biện pháp nối tiếp trong quá trình cưỡng chế kê biên xử lý tài sản nhằm bảo đảm việc thi hành án nên người phải thi hành án thường hay tìm mọi cách để chống đối, cản trở, gây khó khăn cho quá trình bán đấu giá tài sản
- Việc bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự là quá trình phức tạp xuất phát từ mâu thuẫn về quyền lợi của các đương sự; dễ phát sinh tranh chấp, khiếu nại tố cáo liên quan đến quá trình tổ chức cũng như kết quả đấu giá tài sản và giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.
Để hạn chế các rủi ro trong hoạt động đấu giá tài sản để thi hành án, cần phải có những giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật về thi hành án dân sự.
3. Đề xuất, kiến nghị
Kiến nghị khi sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự cần có một chương hoặc mục riêng quy định về đấu giá tài sản thi hành án. Trong đó quy định:
Thứ nhất, khi tài sản bị đưa ra bán đấu giá, các đương sự sẽ bị giới hạn các quyền thỏa thuận. Theo đó, đương sự có quyền thỏa thuận trong toàn bộ quá trình tổ chức thi hành án nhưng Chấp hành viên không có nghĩa vụ bắt buộc cho đương sự thỏa thuận (thỏa thuận về giá, tổ chức thẩm định giá, mức giảm giá tài sản…). Đồng thời, sau khi Chấp hành viên đã ban hành Quyết định cưỡng chế thi hành án thì quyền thỏa thuận của đương sự sẽ phải đảm bảo các điều kiện nhất định.
Thứ hai, quy định cơ chế kiểm soát và trách nhiệm liên đới của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đối với các tác nghiệp của Chấp hành viên trong bán đấu giá tài sản thi hành án dễ bị vi phạm hoặc lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực như việc lựa chọn tổ chức đấu giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá. Theo đó:
- Trước khi ban hành quyết định cưỡng chế, Chấp hành viên có trách nhiệm xác minh tính pháp lý và hiện trạng tài sản.
Chấp hành viên chỉ ban hành quyết định cưỡng chế đối với những tài sản có đầy đủ giấy tờ pháp lý để chứng minh tài sản đó thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án. Không xử lý đối với những tài sản chưa được cấp giấy chứng nhận, chưa được công nhận quyền sở hữu, sử dụng theo quy định.
- Cần xác định quyết định cưỡng chế là một quyết định rất quan trọng, là khởi nguồn và có ảnh hưởng lớn đến quyền tài sản của người phải thi hành án nên việc ban hành loại quyết định này cần rất thận trọng. Không thể để một mình Chấp hành viên có toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm về việc ban hành quyết định cưỡng chế mà cần có cơ chế xin ý kiến, phê duyệt quyết định cưỡng chế. Về nội dung này, có 02 phương án được đề xuất:
+ Phương án 1. Chấp hành viên báo cáo Hội đồng chuyên môn cùng cấp (Hội đồng gồm thành phần là Thủ trưởng cơ quan, một số Thẩm tra viên, Chấp hành viên có kinh nghiệm), trên cơ sở đó, trong thời hạn nhất định, Thủ trưởng cơ quan sẽ thực hiện việc phê duyệt Quyết định cưỡng chế hoặc yêu cầu Chấp hành viên thực hiện lại một số yêu cầu, thủ tục để được phê duyệt.
+ Phương án 2. Chấp hành viên báo cáo Thủ trưởng cơ quan về quyết định cưỡng chế. Trường hợp nhất trí, Thủ trưởng cơ quan THADS có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp cho ý kiến về việc cưỡng chế. Viện kiểm sát phải có ý kiến bằng văn bản trong thời hạn nhất định về: (1) nhất trí việc tổ chức cưỡng chế hoặc (2) chưa nhất trí, nêu rõ lý do và yêu cầu Chấp hành viên phải thực hiện lại một số yêu cầu, thủ tục, làm rõ một số nội dung có liên quan.
- Sau khi ra quyết định cưỡng chế thi hành án, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án và người thân ra khỏi nhà, đất bị áp dụng biện pháp cưỡng chế để chuẩn bị các thủ tục liên quan đến việc xử lý tài sản (định giá, bán đấu giá tài sản và giao tài sản cho người mua trúng đấu giá…). Đây là biện pháp đảm bảo tính khả thi của việc cưỡng chế thi hành án, hạn chế tình trạng kéo dài thời gian tổ chức THA, đồng thời cũng là một biện pháp mạnh để bắt buộc người phải thi hành án phải tự nguyện thi hành án nếu không muốn sẽ mất thêm các chi phí liên quan đến việc trông giữ, xử lý tài sản.
Thứ ba, quy định rõ từ sau lần giảm giá thứ 5
[1] trở đi mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì người được thi hành án phải nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án. Trường hợp họ không nhận thì cơ quan thi hành án dân sự dừng việc xử lý tài sản (nếu người phải thi hành án có tài sản khác thì xử lý tài sản khác, nếu không có tài sản khác thì dừng việc tổ chức thi hành án) và có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền để hạn chế việc người phải thi hành án đưa tài sản tham gia giao dịch dân sự cho đến khi thi hành án xong.
Thứ tư, hoàn thiện các quy định của Luật thi hành án dân sự cho đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi, bổ sung) sau khi được Quốc hội thông qua.