Trong công tác THADS, định giá tài sản là một khâu rất quan trọng được thực hiện sau khi tài sản thi hành án đã được kê biên và đưa ra xử lý theo pháp luật THADS, bao gồm các thủ tục thỏa thuận giá tài sản, thỏa thuận tổ chức thẩm định giá, định giá lại tài sản và giảm giá tài sản. Mỗi một giai đoạn liên quan đến định giá tài sản đều có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động THADS, cụ thể là:
- Định giá tài sản là căn cứ để xác định giá khởi điểm của tài sản kê biên để thi hành án: Việc xác định giá khởi điểm của tài sản kê biên là căn cứ để Chấp hành viên thực hiện ký hợp đồng bán đấu giá với các tổ chức bán đấu giá tài sản. Đây cũng là cơ sở để các tổ chức bán đấu giá thông báo bán đấu giá tài sản thi hành án theo quy định. Mặt khác, giá khởi điểm cũng có thể là cơ sở để Chấp hành viên thực hiện cho các bên đương sự thỏa thuận với nhau, giá để ưu tiên cho đồng sở hữu chung mua tài sản.
- Định giá tài sản là căn cứ xác định giá tài sản để thu phí thi hành án: Pháp luật về THADS cũng quy định trường hợp cơ quan thi hành án phải định giá tài sản khi tài sản mà người được thi hành án nhận có biến động về giá để làm căn cứ thu phí thi hành án. Trường hợp Tòa án không tuyên giá trị tài sản hoặc có tuyên nhưng tại thời điểm thu phí không còn phù hợp (thay đổi quá 20%) so với giá thị trường thì tổ chức thu phí tổ chức định giá tài sản để xác định phí THADS mà người được thi hành án phải nộp.
- Định giá tài sản là căn cứ để xác định giá trị tài sản trong trường hợp cấn trừ tài sản để thi hành án: Trong công tác THADS, không phải lúc nào tài sản kê biên cũng đưa ra bán đấu giá. Có trường hợp đương sự tự nguyện thỏa thuận nhận tài sản dựa trên giá đã định để cấn trừ nợ.
- Định giá tài sản là căn cứ để bảo vệ quyền lợi đương sự trong THADS: Thông qua hoạt động định giá tài sản, đương sự biết được giá trị tài sản để họ có căn cứ thỏa thuận thi hành án, thỏa thuận cách thức xử lý tài sản hoặc sử dụng quyền yêu cầu định giá lại tài sản của mình để đảm bảo một cách chính xác nhất giá trị tài sản thi hành án tại thời điểm định giá là giá trị trường.
1. Cơ sở pháp lý
- Liên quan đến việc thẩm định giá tài sản thi hành án, pháp luật về THADS quy định tại Điều 98, Điều 99 Luật THADS; Điều 25, Điều 26 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ; khoản 7, khoản 8 Điều 2 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Ngoài ra, công tác thẩm định giá trong THADS cũng được điều chỉnh bởi pháp luật về giá như: Luật Giá năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024; Nghị định số 85/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Giá; Nghị định số 78/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Giá về thẩm định giá; Thông tư số 30/2024/TT-BTC ngày 16/5/2024 của Bộ Tài chính ban hành các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về quy tắc, đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá, phạm vi công việc thẩm định giá, cơ sở giá trị thẩm định giá, hồ sơ thẩm định giá.
- Pháp luật khác có liên quan đến tài sản thi hành án, như: pháp luật về dân sự, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, khoáng sản, chứng khoán, tàu biển...v.v.
2. Nguyên tắc, thẩm quyền trong thẩm định giá
- Tại Điều 41 Luật Giá 2023 quy định nguyên tắc, hoạt động của thẩm định giá như sau: Tuân thủ pháp luật, Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam; độc lập, khách quan, trung thực; chịu trách nhiệm về hoạt động thẩm định giá theo quy định của pháp luật.
- Pháp luật về giá quy định thẩm quyền thẩm định giá như sau :
+ Đối với tài sản của Nhà nước Định giá do Nhà nước thực hiện với tư cách tổ chức quyền lực công, thông qua đó thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước và với cả tư cách chủ sở hữu.
+ Định giá còn do các tổ chức, các nhân thực hiện với tư cách chủ sở hữu tài sản hoặc với tư cách người có quyền tài sản hoặc với tư cách người cung cấp dịch vụ định giá.
Trong hoạt động THADS thì thẩm quyền thẩm định giá do doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện, thông qua hoạt động của thẩm định viên về giá.
Tại khoản 1 Điều 98 Luật THADS quy định “Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thỏa thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thỏa thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó.”
Điều 26 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định:
“1. Trường hợp không ký được hợp đồng dịch vụ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 98 Luật THADS, Chấp hành viên có thể lựa chọn và ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản kê biên…”
Như vậy, theo quy định nêu trên thì việc thực hiện ký hợp đồng với doanh nghiệp thẩm định giá được thực hiện qua 02 trường hợp:
1) Đương sự thỏa thuận và lựa chọn tổ chức thẩm định giá.
2) Đương sự không thỏa thuận lựa chọn thì Chấp hành viên lựa chọn theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm của doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá trong hoạt động THADS
a) Trách nhiệm của doanh nghiệp thẩm định giá
Tại Điều 53 Luật Giá 2023 quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá như sau:
“1. Quyền của doanh nghiệp thẩm định giá được quy định như sau:
...
c) Yêu cầu khách hàng thẩm định giá cung cấp hồ sơ, tài liệu, số liệu có liên quan đến tài sản thẩm định giá và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thẩm định giá;
d) Từ chối thực hiện dịch vụ thẩm định giá;
đ) Quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá được quy định như sau:
a) Tuân thủ quy định về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Luật này;
...
d) Bảo đảm chứng thư thẩm định giá phát hành tuân thủ các quy định của Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam, trừ trường hợp khách hàng thẩm định giá cố tình cung cấp thông tin sai lệch về tài sản thẩm định giá; chịu trách nhiệm trước khách hàng về việc cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo hợp đồng đã ký kết;
đ) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do vi phạm những thỏa thuận trong hợp đồng thẩm định giá hoặc trong trường hợp hoạt động thẩm định giá gây thiệt hại đến lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân do không tuân thủ các quy định về thẩm định giá;
...
k) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, theo quy định nêu trên thì doanh nghiệp thẩm định giá phải chịu trách nhiệm trước khách hàng về việc cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo hợp đồng đã ký kết. Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do vi phạm những thỏa thuận trong hợp đồng thẩm định giá hoặc trong trường hợp hoạt động thẩm định giá gây thiệt hại đến lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân do không tuân thủ các quy định về thẩm định giá.
b) Quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên về giá
Quyền và nghĩa vụ của Thẩm định viên về giá được quy định tại Điều 47 Luật Giá 2023 như sau:
“1. Quyền của thẩm định viên về giá:
a) Hành nghề thẩm định giá theo quy định của Luật này; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá theo lĩnh vực chuyên môn; được phép hành nghề mà không phải trang bị thêm các chứng chỉ, điều kiện chuyên môn khác với quy định của Luật này;
b) Đưa ra quan điểm độc lập về chuyên môn nghiệp vụ;
c) Yêu cầu khách hàng phối hợp trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến tài sản thẩm định giá và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thẩm định giá; không chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin về tài sản thẩm định giá do khách hàng cung cấp;
d) Từ chối thực hiện thẩm định giá trong trường hợp không đúng lĩnh vực chuyên môn được phép hành nghề hoặc xét thấy hồ sơ, tài liệu để thực hiện thẩm định giá không đủ hoặc không bảo đảm tin cậy;
đ) Tham gia tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật;
e) Quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ của thẩm định viên về giá:
a) Tuân thủ quy định về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, tính trung thực, khách quan, chính xác trong quá trình thẩm định giá tài sản; chịu trách nhiệm về chuyên môn trong quá trình thực hiện và bảo đảm báo cáo thẩm định giá tuân thủ các Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
c) Giải trình hoặc bảo vệ các nội dung tại báo cáo thẩm định giá do mình thực hiện với khách hàng thẩm định giá hoặc bên thứ ba được sử dụng báo cáo thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá khi có yêu cầu; giải trình báo cáo thẩm định giá do mình thực hiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật;
d) Tham gia các chương trình cập nhật kiến thức về thẩm định giá theo quy.
...”
Theo quy định này thì Thẩm định viên về giá có quyền đưa ra quan điểm độc lập về chuyên môn của mình; từ chối thực hiện thẩm định giá nếu xét thấy hồ sơ, tài liệu để thực hiện thẩm định giá không đủ hoặc không bảo đảm tin cậy. Thẩm định viên về giá cũng có nghĩa vụ bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, tính trung thực, khách quan, chính xác trong quá trình thẩm định giá tài sản; chịu trách nhiệm về chuyên môn trong quá trình thực hiện và bảo đảm báo cáo thẩm định giá tuân thủ các Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam. Như vây, có thể hiểu rằng việc thẩm định viên về giá thực hiện hoạt động thẩm định giá là độc lập, khách quan theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giá của mình.
c) Trách nhiệm của cơ quan THADS, Chấp hành viên về giá của tài sản thẩm định giá.
Tại Điều 56 Luật Giá 2023 quy định quyền, nghĩa vụ của khách hàng thẩm định giá và tổ chức cá nhân có liên quan được ghi trong hợp đồng thẩm định giá như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật để giao kết hợp đồng thẩm định giá.
2. Quyền của khách hàng thẩm định giá, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) được ghi trong hợp đồng thẩm định giá được quy định như sau:
…
d) Yêu cầu doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá; yêu cầu bồi thường trong trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá có hành vi vi phạm gây thiệt hại;
đ) Xem xét, quyết định việc sử dụng chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá;
e) Quyền khác theo quy định của pháp luật.
3. Nghĩa vụ của khách hàng thẩm định giá, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) được ghi trong hợp đồng thẩm định giá được quy định như sau:
a) Cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời, khách quan thông tin, tài liệu liên quan đến tài sản thẩm định giá theo yêu cầu của doanh nghiệp thẩm định giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu đã cung cấp;
…
đ) Chịu trách nhiệm về việc sử dụng chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá trong việc quyết định, phê duyệt giá tài sản. Việc sử dụng chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá phải trong thời gian hiệu lực của chứng thư thẩm định giá, theo đúng mục đích thẩm định giá gắn với đúng tài sản, số lượng tài sản tại hợp đồng thẩm định giá;
e) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, theo quy định này thì cơ quan THADS, Chấp hành viên với tư cách là người có tài sản thẩm định giá có quyền đầy đủ theo quy định tại Điều này, trong đó có quyền yêu cầu bồi thường trong trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá có hành vi vi phạm gây thiệt hại và quyền quyết định việc sử dụng Chứng thư thẩm định giá trong THADS.
Bên cạnh quyền thì cơ quan THADS, Chấp hành viên cũng có đầy đủ nghĩa vụ theo quy định nêu trên, trong đó có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời, khách quan thông tin, tài liệu liên quan đến tài sản thẩm định giá theo yêu cầu của doanh nghiệp thẩm định giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu đã cung cấp và chịu trách nhiệm về việc sử dụng chứng thư thẩm định giá. Như vậy, với vai trò là khách hàng, người có tài sản thẩm định giá thì Chấp hành viên có 2 nghĩa vụ quan trọng là chịu trách nhiệm về thông tin tài sản đưa ra thẩm định giá và trách nhiệm về việc sử dụng Chứng thư thẩm định giá, pluật về giá và pháp luật về THADS không quy định trách nhiệm của Chấp hành viên phải kiểm tra tính chính xác của giá tài sản do thẩm định viên về giá đưa ra và đã được doanh nghiệp thẩm định giá pháp hành bằng chứng thư theo quy định tại Điều 55 của Luật Giá 2023.
4. Thực trạng và giải pháp hoàn thiện thể chế
Định giá tài sản là một thủ tục, nghiệp vụ rất quan trọng trong quá trình giải quyết hồ sơ THADS. Pháp luật về THADS đã quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục định giá tài sản. Tuy nhiên thực tiễn áp dụng trong THADS vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập cần bổ sung, hướng dẫn.
- Theo quy định tại khoản 4 Điều 55 Luật Giá 2023 thì “Chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá được sử dụng làm một trong những cơ sở để khách hàng, tổ chức, cá nhân có liên quan được ghi tại hợp đồng thẩm định giá xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá của tài sản. Chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá chỉ có giá trị sử dụng trong thời hạn hiệu lực theo đúng mục đích thẩm định giá gắn với đúng thông tin tài sản, số lượng tài sản tại hợp đồng thẩm định giá.” Trong hoạt động THADS thì giá trong chứng thư thẩm định giá là cơ sở để cơ quan THADS xác định mức giá khởi điểm đưa tài sản ra xử lý theo quy định của pháp luật về THADS. Khi bán đấu giá tài sản theo mức giá khởi điểm ghi trong Chứng thư thì giá tài sản có thể được bán cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm tại thời điểm bán hoặc bán thấp hơn nhiều lần so với giá khởi điểm được xác định trong chứng thư thẩm định giá (do không có khách hàng tham gia đấu giá, cơ quan THADS thực hiện thủ tục giảm giá).
Như vậy, hiện nay pháp luật về THADS chưa quy định rõ về Chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá được sử dụng làm một trong những cơ sở để cơ quan THADS quyết định giá của tài sản đưa ra bán đấu giá cũng như chưa quy định thời hạn sử dụng của Chứng thư trong hoạt động THADS.
- Trách nhiệm của doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá trong hoạt động THADS cũng chưa có quy định rõ về quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ. Như đã phân tích về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên nêu trên thì thẩm định giá là hoạt động độc lập và theo chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam. Doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá khi thực hiện dịch vụ theo hợp đồng đã ký kết thì phải chịu trách nhiệm với kết quả thực hiện và phải bồi thường nếu gây thiệt hại.
Như vậy, việc phân định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá và của cơ quan THADS và Chấp hành viên là cần thiết.
Để giải quyết những vướng mắc, bất cập nêu trên, việc hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động thẩm định giá trong pháp luật về THADS là vấn đề cấp thiết. Tác giả xin đưa ra một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, nghiên cứu quy định về việc sử dụng Chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá trong hoạt động THADS như đối với hoạt động điều tra, xét xử là cơ sở, căn cứ để cơ quan THADS đưa tài sản ra xử lý theo quy định của pháp luật về THADS.
Thứ hai, nghiên cứu quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá trong hoạt động THADS trong đó nhấn mạnh nguyên tắc độc lập thực hiện hoạt động thẩm định giá của thẩm định viên về giá và trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu giá không đúng với tài sản đưa ra thẩm định.
Thứ ba, nghiên cứu quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên khi đưa tài sản ra thẩm định giá, sử dụng chứng thư thẩm định giá. Cơ chế bảo vệ Chấp hành viên, cơ quan THADS khi việc sử dụng chứng thư thẩm định giá làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự do giá của tài sản thẩm định giá không đúng với tình trạng tài sản đưa ra thẩm định hoặc không phù hợp với giá cả thị trường.
Đậu Thị Hiền – Vụ Nghiệp vụ 1